Monday, October 27, 2014

Cathedral (Thánh Đường) - Raymond Carver



Cũng như hai tập truyện ngắn trước, đối tượng của Carver trong Cathedral vẫn là những con người đại diện cho mặt trái giấc mơ Mỹ. Tuy nhiên, tập truyện ngắn Cathedral cho thấy một Carver khác hẳn với góc nhìn rộng hơn và phong cách thay đổi. Ở đó, nhân vật vẫn quẫy đạp trong những đổ vỡ, thất bại của cuộc sống, nhưng người đọc không còn thấy một không khí hoàn toàn ngột ngạt, bế tắc. Rõ ràng đây là cuốn sách mình thích nhất trong ba tập truyện của Carver, vì nó đem lại sự thỏa mãn và hy vọng. Nếu theo dõi cuộc đời thật của Carver, ta dễ thấy lý do của sự chuyển động sáng sủa này. Khoảng thời gian viết những truyện ngắn trong Cathedral là lúc cuộc sống Carver sang những trang mới khi bắt đầu sống chung với nhà thơ Tess Gallagher, người sau này trở thành vợ thứ hai của ông. Ngoài đời, Carver đã bỏ lại phần cuộc sống nghiện ngập, ngập ngụa sau cuộc đổ vỡ thứ nhất; trên trang giấy, ông ít nhiều từ bỏ luôn phong cách tiếp cận trước đây.

Một cách tổng thể, nhận định của nhà phê bình Adam Meyer là rất thích đáng khi so sánh quá trình biến hóa của bút pháp Carver qua ba tập truyện trông giống như một đồng hồ cát. Với Will You Please Be Quiet, Please? phong cách của Carver chưa rõ ràng, còn bung rộng để định hình. Với What You Talk About When You Talk About Love, văn phong trở nên cô đặc, tối giản. Đến Cathedral thì mọi thứ lại mở rộng, rời dần sự tối giản và trở nên sáng sủa hơn.

Trong phần lớn Cathedral, các câu chuyện xoay quanh chứng nghiện rượu. Các nhân vật bằng cách này hay cách khác cố tình cô lập mình với thế giới xung quanh, để trú ẩn vào rượu, cho dù họ rất cần sự cứu giúp của người khác. Nhưng càng tiếp xúc với sự giúp đỡ, họ càng chìm sâu và bế tắc hơn. Khác với các tập truyện trước, những người mắc kẹt, vô vọng này không hoàn toàn cô độc. Trong Fever, nhân vật chính không nghiện rượu nhưng leo lét tồn tại sau khi đã ly dị vợ, một mình nuôi con, bỗng tìm thấy sự cảm thông và ấm áp từ người giúp việc già (do chính cô vợ cũ giới thiệu). Người giúp việc già đóng vai cứu tinh, đã đem lại tia sáng hy vọng nơi cuối đường hầm, cũng như vai trò của người làm bánh trong truyện A Small, Good Thing. Truyện này được phát triển từ một truyện ngắn tương tự trong tập What You Talk About.. Có thể nói đây là truyện ngắn ấn tượng nhất trong toàn tập Cathedral: không khí câu chuyện căng thẳng, nuôi một cảm xúc thoi thóp nơi người đọc qua gần ba chục trang, đến đoạn cuối cả nhân vật lẫn người đọc đều được giải phóng một cách mạnh mẽ. Nếu đã quen với phong cách truyện ngắn Carver ở hai tập truyện trước, chắc hẳn ta sẽ khá ngạc nhiên với kiểu kết thúc này, cũng như sẽ ngạc nhiên với hình ảnh cuối truyện Cathedral, truyện ngắn chủ đề của toàn tập. Ở đó, người dẫn chuyện được một người mù khai sáng, hay nói thích đáng hơn là mở mắt, đưa đến một cái nhìn mới mẻ mà chưa bao giờ trong đời con người sáng mắt này được nhìn thấy. Khoảnh khắc đắt giá này lại được ví von với những khoảnh khắc của Sherwood Anderson.  

Có thể Cathedral là tập truyện mạnh mẽ, đem lại nhiều thỏa mãn khi đọc, nhưng đối với mình nó không được lắp ghép một cách tính toán, tỉ mỉ bằng một phong cách tối thiểu, mờ mịt như hai tập truyện trước. Và do đó không để lại nhiều băn khoăn.

VL

Sunday, September 21, 2014

What We Talk About When We Talk About Love - Raymond Carver



"Mình Nói Chuyện Gì Khi Mình Nói Chuyện Tình" là tựa tiếng Việt của “What We Talk About When We Talk About Love”, tập truyện ngắn được xem là nổi tiếng nhất của Raymond Carver. Nếu trong tập “Will You Please Be Quiet, Please?” trước đó, các nhân vật đều cho thấy sự lạc lõng, bối rối, trì trệ, thì trong “What We Talk..” các trạng thái bế tắc đều được đẩy xa hơn, đến mức bộc phát thành bạo lực.

Đương nhiên, những hình ảnh bạo lực như dùng búa đập chết vợ, ném đá chết người, hay cảnh vớt xác đều là những chi tiết dễ gây ấn tượng nhưng đó hoàn toàn không phải những gì hay nhất của Carver trong tập truyện này. Cái đặc sắc của “What We Talk..” là khả năng sắp đặt, lắp ghép các chi tiết và xây dựng một văn phong đặc trưng vô cùng công phu của tác giả. Khi đọc các truyện ngắn của Carver, đặc biệt là trong tập này, ban đầu tôi cảm thấy hụt hẫng nhưng đến lần đọc thứ hai thứ ba thì bắt đầu nhận ra những khoảng trống có chủ đích. Có thể nói rằng Carver cố tình xây dựng những tình tiết và kết thúc nó bằng một cách làm cho người đọc như nuốt không trôi gì đó ở cổ. Giống như bạn đọc một câu văn bị chừa trống những chỗ quan trọng và phải tự tìm từ thích hợp để điền vào. Đọc tập truyện này, ta cảm thấy những đường dẫn và chi tiết bắt cầu của cách kể chuyện truyền thống đều bị Carver loại bỏ không thương tiếc. Có lẽ vì vậy nhiều người đã gọi văn phong của Carver là tối giản?

Thế giới của Carver là khoảng tối của đường hầm không có ánh sáng, của những con người vật vờ với những vết thương cuộc đời. Những vết thương âm ỉ, nhức nhối của sự thất bại và cô đơn khi gia đình tan vỡ khiến nhân vật chính trong “Viewfinder” sẵn lòng mời người chụp ảnh dạo vào nhà. Tình huống này làm ta nhớ lại truyện người bán máy hút bụi trong tập “Will You Please..” Nhưng trong trường hợp trước, người chủ nhà có vẻ chỉ muốn sự có mặt của người salesman như một phương tiện lấp đầy khoảng trống, trong khi nhân vật chính trong “Viewfinder” muốn mời người chụp hình dạo què tay vào nhà để xem cách anh ta đối mặt và hành xử ra sao với vết thương khuyết tật của mình. Đó có thể là cách người chủ nhà, với nỗi đau đổ vỡ gia đình, làm dịu đi vết thương của chính mình khi quan sát một người khác đối mặt với nỗi đau và không may của họ. Hành động quan sát có chủ đích này, cuối cùng vẫn dẫn người quan sát quay về đối mặt với chính hình ảnh của mình, qua việc anh ta thấy cái đầu của mình đang nhìn ra cửa sổ trong tấm hình của người thợ chụp từ ngoài vào.

Cũng với mức độ đau khổ tương tự, người chủ nhà bán garage sale trong “Why Don’t You Dance?” lại chọn cách làm dịu vết thương của cuộc hôn nhân đổ vỡ bằng cách trưng bày nỗi đau của mình cho bàn dân thiên hạ xem, qua việc đem tất cả đồ dùng trong phòng ngủ, bàn ghế tủ giường bày hết ra sân nhà. Khi một cặp vợ chồng trẻ ghé vào coi, cô vợ trẻ cho rằng ông chủ nhà bán garage sale này chắc hẳn là “desperate or something”. Chi tiết này làm người đọc nhận ra sự vô vọng của người chủ nhà với vết thương của mình, đến nỗi anh ta phải tìm cách trưng bày nó ra ngoài, ngõ hầu chia bớt nỗi đau cho người khác như một phương cách cuối cùng để giải tỏa. Đoạn hội thoại không ăn nhập nhau của cặp vợ chồng trẻ và giọng văn người kể chuyện khô khốc, cộc lốc, đứt quãng gợi ý một liên tưởng từ nỗi bất hạnh của người chủ nhà đến hình ảnh đổ vỡ của cặp vợ chồng trẻ trong tương lai.

Các truyện ngắn khác trong tập này đều xoay quanh những ám ảnh vì đổ vỡ gia đình. Những ám ảnh này có thể chính là kết quả của một tâm thức luôn muốn chối bỏ, tránh mặt cuộc sống của thế giới nhân vật Carver. Ở đây, nhân vật của Carver cho thấy họ đã cố biến đổi, thích nghi với đau thương và thất bại bằng cách dịch chuyển sự quan tâm của họ vào những vấn đề khác. Nhân vật Dummy trong câu truyện ấn tượng “The Third Thing That Killed My Father Off” là ví dụ rõ nhất. Là một người thiểu năng, thiếu may mắn, mất khả năng diễn đạt bằng lời nói, Dummy luôn lo sợ không thể giữ được người vợ của mình. Chênh vênh trong đời sống gia đình, bất lực trong kiểm soát người vợ, Dummy dịch chuyển sự quan tâm và bực bội của mình vào bể cá trầm bằng cách rào bầy cá lại bằng hàng rào điện, bảo vệ chúng như báu vật, như thể anh đang ngăn người vợ khỏi nguy cơ ngoại tình. Kết cục bi thảm của câu chuyện và lời bình của một nhân vật: “Women..”, “That’s what a wrong kind of woman can do to you..” càng cho thấy rõ những đổ vỡ gia đình không hẳn là nguồn cơn của những vết thương âm ỉ của những con người đứng bên lề của giấc mơ Mỹ, như tất cả các nhân vật trong truyện của Carver. Họ đã quá lạc lõng, mất liên hệ với bản thân, và không còn biết đổ thừa cho ai, ngoài thất bại trong đời sống gia đình, để biện hộ cho cái thất bại chung to lớn hơn trong cuộc sống của chính họ.


VL