Friday, March 24, 2017

The Quiet American (Người Mỹ Trầm Lặng) - Graham Greene



The Quiet American với mối tình tay ba Fowler – Phượng – Pyle là một cuốn sách không đơn giản như có vẻ thế. Phượng, bị dằn vặt giữa Fowler, người đến trước, quen thuộc, già dặn, không thể đem đến một cái kết có hậu, và Pyle, kẻ đến sau, trẻ trung, thẳng thắn, sẵn sàng hứa hẹn một cuộc hôn nhân ổn định, nhưng lại quá nhiều nhiệt huyết một cách ngây thơ. Người đọc có thể xem mối tình tay ba này như tam cực Mỹ - Việt – Anh (hay Châu Âu) vào thời điểm hậu chiến, với các tầng ẩn ý chính trị khác nhau, hay phân tích về đạo đức hay các khía cạnh lý thuyết khác. Ở đây, đối với một người đọc Việt Nam bình thường, có thể ta sẽ hứng thú hơn đối với các địa danh trong sách, của một Sài Gòn xưa.

Hàng ngày, Graham Greene, hay Fowler, có thói quen đi dọc theo con đường rue Catinat (Tự Do/ Đồng Khởi) , bắt đầu từ nhà thờ Đức Bà về hướng bờ sông. Trước khi vào rue Catinat ở phía trái là tòa nhà mà Greene gọi là Vietnamese Sureté, còn người Việt gọi là Bót cảnh sát Catinat. Đây là nơi Thanh tra Vigot làm việc, thỉnh thoảng giam giữ và tra tấn tù nhân chính trị, nơi mà bức tường rào lúc nào cũng có vẻ "hôi mùi nước tiểu và bất công". Bên kia đường là Metropolitan hiện nay.

Bước tới một lát là địa điểm quen thuộc của cả Greene lẫn Fowler, nhân vật chính của sách: khách sạn Continental Palace Hotel nổi tiếng. Quán cà phê Continental Terrace có bàn ghế nửa trong nửa ngoài là nơi mà Fowler lần đầu gặp Pyle, người Mỹ trầm lặng. Khi đó, Pyle băng qua place Garnier (quảng trường Lam Sơn), đến quán cà phê Continental Terrace, có lẽ là từ hướng Boulevard Bonard ( Lê Lợi).

Ngay góc đường Bonard và Catinat đối diện với Continental là quán milk-bar mà Phượng, nhân vật nữ chính người Việt, hay ngồi vào lúc 11 giờ rưỡi sau khi đi chợ. Quán milk-bar này Greene lấy hình mẫu từ quán cà phê Givral khét tiếng sau này, lúc đó có lẽ vừa mở cửa được vài năm. Đi vài bước theo Boulevard Bonard là đến giao lộ với Boulevard Charner (Nguyễn Huệ), nơi Fowler và Pyle mục kiến thương vong của vụ nổ bom khủng bố do Lực Lượng Thứ Ba của tướng Trình Minh Thế thực hiện. Ngay góc giao lộ này là tòa nhà Thương xá Tax, mà Fowler gọi là "big store", có thể lúc này vẫn còn là trung tâm thương mại Grands Magasins Charner với mái vòm hào nhoáng có chữ GMC.

Đâu đó gần đây, ngay trên đại lộ Charner là vị trí của nhà hàng Le Club, nơi mà các thành viên của Surete thích tụ tập ăn nhậu ở tầng trệt. Le Club, cũng giống một số nhà hàng khác tập trung đông người Tây phương, không có kính trên cửa do sợ miểng vỡ do lựu đạn khủng bố, cũng vì lý do đó khách thường thích ngồi trên lầu hơn.

Một nhà hàng khác cũng là nơi Fowler hay lui tới là Vieuxe Moulin, một địa điểm hư cấu, nằm ở một đầu cầu dẫn đến Dakow. Nếu cố ép uổng để định vị cầu nào dẫn đến Dakow/Đa Kao thì xem ra gần nhất chỉ có cầu Thị Nghè. Vieuxe Moulin cũng là địa điểm định mệnh mà Fowler hẹn Pyle vào cuối truyện. Sau đó, người ta sẽ tìm thấy xác của người Mỹ trầm lặng dưới chân cầu Dakow.

Hãy quay về rue Cartinat. Một phần nhật trình của Fowler là đi bộ từ Continental về hướng bờ sông khoảng buổi chiều, làm một vài ly ở Majestic đón gió bờ sông, trước khi đi ngược về để ăn tối. Cần nói thêm, nếu chúng ta đi tiếp dọc theo bờ sông sẽ đến địa điểm gọi là American Legation trong truyện, còn được biết đến như Tòa đại sứ Mỹ, nằm ở vị trí trên đường Hàm Nghi hiện nay, nơi Fowler đến tìm Pyle sau khi Phượng bỏ đi.

Ở giữa Continental và Majestic là một apartment theo kiến trúc hiện đại thời đó, mà Fowler gọi là nhà của ông trồng cao su. Từ vị trí này, nhân vật chính sẽ đi bộ ngược về place Garnier, băng qua đường để tránh mặt Phượng, lúc đó đang ngồi trong quán milk-bar/Givral, rồi vào quán cafe Pavilion để kêu một ly bia. Không rõ quán Pavilion này có thật hay hư cấu, nhưng chắc chắn là nó phải nằm đâu đó trên rue Cartinat cùng phía với Continental, hướng về nhà thờ. Tại đây, Fowler sẽ mục kích vụ nổ bom kinh hoàng đạo diễn bởi Lực Lượng Thứ Ba, được tiếp sức một cách ngây thơ bởi người Mỹ trầm lặng.

Ngoài khu Quận 1, Greene còn nhắc đến một địa điểm có thật là Grande Monde (sòng bài Đại Thế Giới) ở Chợ Lớn, nơi Fowler lần đầu gặp Phượng. 

VL