Tuesday, December 24, 2013

Luật miễn trừ ngoại giao với 2 trường hợp gần đây của Ấn Độ và Việt Nam


  
Gần đây dư luận thế giới và trong nước xôn xao với những vụ liên quan đến nguyên tắc “miễn trừ ngoại giao” (diplomatic immunity) trong luật quốc tế. Cách đây không lâu, một vị nữ quan chức lãnh sự của Ấn Độ tại Mỹ đã bị câu lưu và lục soát vì khai gian mức lương của một người giúp việc. Người dân ở Ấn Độ biểu tình phản đối Mỹ vì họ nghĩ rằng vị quan chức này bị phân biệt đối xử. Chính phủ Ấn Độ cũng cho rằng đáng lẽ ra Mỹ phải tôn trọng nguyên tắc miễn trừ ngoại giao được quy định trong Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao năm 1961 của Liên hiệp quốc.

Thật ra, Liên hiệp quốc có hai bộ luật quy định cách đối xử cho những quan chức và nhân viên ngoại quốc. Thứ nhất là Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao 1961, chủ yếu áp dụng cho người thuộc đại sứ quán. Thứ hai là Công ước Vienna về quan hệ lãnh sự 1963, áp dụng cho những người làm việc trong các lãnh sự quán. Có thể định nghĩa miễn trừ ngoại giao như một quy tắc để bảo vệ viên chức ngoại giao của nước ngoài không bị xét xử bởi pháp luật của nước sở tại. Quy tắc này giúp đảm bảo công việc ngoại giao giữa hai nước không bị ảnh hưởng. Khác với Công ước 1961, bộ luật 1963 cho lãnh sự chỉ cung cấp một mức độ miễn trừ ngoại giao hạn chế. Những nhân viên lãnh sự chỉ được miễn trừ ngoại giao khi chứng minh được họ đang thi hành công vụ trong lúc phạm tội. Trong trường hợp của nữ lãnh sự Ấn Độ, rõ ràng là việc mướn người giúp việc không liên quan gì đến công vụ của lãnh sự quán, mà chỉ là việc cá nhân. Có thể nói trong trường hợp này bên phía Mỹ không cho nữ lãnh sự Ấn Độ này hưởng quyền miễn trừ ngoại giao là đúng luật.

Ở một vụ khác gần hơn, đại sứ Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỹ là ông Nguyễn Thế Cường bị câu lưu ở sân bay Đức vì đem số tiền nhiều quá quy định. Câu hỏi ở đây là ông đại sứ này có được nhận miễn trừ ngoại giao của luật quốc tế không? Có người cho rằng ông là đại sứ Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng lại phạm luật và bị câu lưu ở Đức (một nước thứ ba) thì ông không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao. Có thể điều này nghe cũng hợp logic, nhưng trong thực tế là không chính xác.


Trước hết, ông Cường là đại sứ nên Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao 1961 sẽ được áp dụng. Công ước này cho các quan chức và nhân viên ngoại giao được hưởng một quyền miễn trừ ngoại giao rất lớn. Không những bản thân các vị quan chức ngoại giao mà cả gia đình của họ đi cùng đều được miễn trong trường hợp phạm tội. Vì vậy, nếu ông Cường phạm luật ở nước ông ta làm đại sứ thì khả năng lớn là ông ta sẽ được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao trong hầu hết trường hợp. Chỉ khi ông phạm những tội nặng nề như giết người, hoặc Việt Nam chủ động bãi bỏ quyền miễn trừ ngoại giao của ông, thì pháp luật của Thổ Nhĩ Kỳ mới có thể đụng đến ông ta. Tuy nhiên, ở đây ông Cường phạm luật ở Đức, một nước thứ ba. Về trường hợp này, điều 40 của Công ước Vienna 1961 nói rằng nếu một nhà ngoại giao đặt chân lên một nước thứ ba trong hành trình đi đến nhiệm sở của mình, hoặc trên đường quay về đất nước quê hương, thì nước thứ ba phải đảm bảo quyền miễn trừ ngoại giao của người này, để không ảnh hưởng đến hành trình của ông ta. Ngoài ra, trong case United States v. Rosal (1960), tòa án đã công nhận rằng một nhà ngoại giao đang quá cảnh (diplomat-in-transit) sẽ được hưởng miễn trừ ngoại giao. Như vậy, theo bộ luật và theo án tiền lệ, có khả năng rất cao rằng ông Cường đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ được hưởng miễn trừ ngoại giao tại Đức. Có nghĩa là an ninh sân bay Đức không có quyền câu lưu ông này vì tội đem quá tiền quy định. Đó là vì chúng ta biết ông Cường chỉ quá cảnh tại Đức trên đường từ Thổ Nhĩ Kỳ về Việt Nam. Nếu ông Cường không quá cảnh tại Đức trên hành trình công việc, mà đến Đức với mục đích cá nhân dài ngày thì có thể đó là một câu chuyện khác, và có khả năng ông sẽ không được hưởng miễn trừ ngoại giao. 

VL

Sunday, December 1, 2013

Will You Please Be Quiet, Please? - Raymond Carver



"Em Làm Ơn Im Đi, Được Không?" là tên bản tiếng Việt của tập truyện ngắn đầu tiên của Raymond Carver. Ở đây, Carver tập trung mô tả đời sống của lớp người Mỹ bình dân bằng kỹ thuật viết truyện ngắn rất khác lạ so với truyền thống. Qua ngòi bút Carver, người đọc hình dung ra một hiện thực lộm cộm, chông chênh, vô định từ những thân phận người lạc lõng trong một giấc mơ dang dở.

Xuyên suốt tập truyện là những câu chuyện đời thường mà nhân vật đa số đều bộc lộ những đặc điểm cho thấy họ dần mất phương hướng với cuộc sống, mất nhận thức về bản thân, và mất luôn sợi dây liên hệ với tha nhân. Với những nhân vật này, họ dường như bị một sức ì níu chân, một sức ì của giấc mơ Mỹ lý tưởng, khiến cuộc sống của họ tuy có vẻ bình thường nhưng lại rất bất thường.

Trong "Fat", qua cái nhìn của người nữ hầu bàn, hình ảnh người thực khách béo mập được kể lại thật mỉa mai. Anh ta dùng đại từ "chúng tôi" để đối thoại với những người phục vụ, trong lúc ăn hết món này đến món khác. Cơn đói của anh béo này không hẳn chỉ là cơn đói thức ăn mà còn là nỗi thèm khát sự cảm thông, thèm thuồng một người bạn. Người nữ hầu bàn và người bạn tên Rudy đều không đủ nhạy cảm để thấy được điều này. Cả hai trở về nhà, đầu óc không thôi nghĩ về hình ảnh người khách béo, nhưng lại không nhận ra bản thân chính họ cũng lạc lõng, đáng thương không kém.

Trong "Are You A Doctor?", Arnold nhận một cuộc gọi từ người đàn bà cô đơn, không bình thường, và sau vài cuộc đối thoại lạ lẫm với người này, Arnold tìm đến nhà cô ta. Những ràng buộc của một người đàn ông phương Tây trưởng thành, có vợ không cản nổi sự thèm khát một cái mới, một sự thay đổi. Tuy nhiên, cả hai không đi đến cùng với hành vi của mình. Rõ ràng sự thèm muốn của họ không phải là thú vui xác thịt. Ở đây, người đàn bà cô đơn và Arnold đều đáng thương như nhau.

"Jerry and Molly and Sam" viết khá lạ, khi đến gần cuối vẫn chưa thấy Jerry, Molly hay Sam xuất hiện. Trong truyện, nhân vật chính Al dồn sự bất mãn với cuộc sống, công việc và gia đình lên con chó Suzy và chở nó vất đi ở một nơi xa nhà. Nhưng khi Al nhận ra sự ích kỷ của mình và nỗi buồn của vợ và bọn trẻ, anh ta quay lại cố tìm con chó. Tuy nhiên, con chó Suzy thiếu trí khôn đã không còn nhận ra Al nữa. Cả câu chuyện là một chuỗi những việc không suôn sẻ; ngay cả hành động vất bỏ con chó cũng là một hành động không hoàn tất.

Cái cảm giác "loser" mà nhân vật Al mang lại còn được thấy ở nhiều nhân vật khác trong suốt tập truyện. "Sixty Acres" kể về Lee Waite, người chủ đất đi đuổi những tay săn thú lậu xâm phạm miếng đất của mình. Ông ta âm ỉ một nỗi bất an và phải gồng mình khi phải giáp mặt với kẻ lạ. Lee muốn cho thuê miếng đất để bớt gánh nặng kiểm soát nhưng lại hoàn toàn không rõ tí nào về giá trị miếng đất của mình.

Một sự mông lung trì trệ tương tự diễn ra trong truyện "Collectors". Người chủ nhà đang thất nghiệp chờ đợi thư từ bưu điện, nhưng lại bị cuốn hút một cách bị động vào sự xuất hiện của người tiếp thị máy hút bụi. Người tiếp thị già, béo, bệnh, mang dép, và biết về W. H. Auden cũng như Rilke, muốn thuyết phục người chủ nhà mua máy bằng cách hì hục hút bụi cả ngôi nhà của anh ta. Trong khi đó người chủ ngồi quan sát và nghĩ rằng anh ta chẳng cần mua máy hút bụi vì dù sao cũng sắp dọn đi, hơn nữa anh ta không có tiền. Cả hai đều hành động một cách bị động, quán tính. Có lẽ cả hai con người đều hiểu rõ sự vô ích của cuộc gặp gỡ, nhưng vẫn muốn níu kéo một chút hơi ấm người.

Những truyện khác trong tập này tiếp tục kể về motif tương tự của những con người lạc lõng, mất kết nối, trì trệ, bất mãn, bị đè nén trong một xã hội mặt trái của giấc mơ Mỹ. Tuy nhiên, cái hay của Carver là cách kể chuyện. Nhiều người bảo Carver là bậc thầy về phong cách truyện tối giản (minimalism), nhưng chính Carver có lần đã phủ nhận sự gán ghép này. Dù sao thì cách viết trong hầu hết truyện ngắn của tập "Will You Please.." đều rất quái dị nhưng cũng rất hấp dẫn. Có vẻ như chỉ có truyện ngắn cuối cùng "Will You Please Be Quiet, Please?" là được kể hơi bình thường một chút. Trong truyện, người chồng Ralph nghe người vợ Marian thú nhận ngoại tình. Ralph nổi giận, nhưng có vẻ như anh ta không giận vì cuộc ngoại tình, mà giận vì thấy ghê tởm với sự thua kém về mức độ thèm khát tính dục của mình so với người vợ. Câu nói "Will you please be quiet, please?" không hẳn là nói với người vợ, mà có thể Ralph muốn nói với tâm trí hỗn loạn của mình. Cuối cùng, truyện kết thúc với cảnh Ralph và vợ làm tình, cũng là lúc Ralph cảm thấy rõ rệt sự thay đổi chạy suốt thân mình. Khoảnh khắc của thay đổi này có sức nặng gần như những khoảnh khắc khai sáng trong truyện ngắn của Sherwood Anderson, người mà Carver ngưỡng mộ.  

VL