Tuesday, December 24, 2013

Luật miễn trừ ngoại giao với 2 trường hợp gần đây của Ấn Độ và Việt Nam


  
Gần đây dư luận thế giới và trong nước xôn xao với những vụ liên quan đến nguyên tắc “miễn trừ ngoại giao” (diplomatic immunity) trong luật quốc tế. Cách đây không lâu, một vị nữ quan chức lãnh sự của Ấn Độ tại Mỹ đã bị câu lưu và lục soát vì khai gian mức lương của một người giúp việc. Người dân ở Ấn Độ biểu tình phản đối Mỹ vì họ nghĩ rằng vị quan chức này bị phân biệt đối xử. Chính phủ Ấn Độ cũng cho rằng đáng lẽ ra Mỹ phải tôn trọng nguyên tắc miễn trừ ngoại giao được quy định trong Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao năm 1961 của Liên hiệp quốc.

Thật ra, Liên hiệp quốc có hai bộ luật quy định cách đối xử cho những quan chức và nhân viên ngoại quốc. Thứ nhất là Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao 1961, chủ yếu áp dụng cho người thuộc đại sứ quán. Thứ hai là Công ước Vienna về quan hệ lãnh sự 1963, áp dụng cho những người làm việc trong các lãnh sự quán. Có thể định nghĩa miễn trừ ngoại giao như một quy tắc để bảo vệ viên chức ngoại giao của nước ngoài không bị xét xử bởi pháp luật của nước sở tại. Quy tắc này giúp đảm bảo công việc ngoại giao giữa hai nước không bị ảnh hưởng. Khác với Công ước 1961, bộ luật 1963 cho lãnh sự chỉ cung cấp một mức độ miễn trừ ngoại giao hạn chế. Những nhân viên lãnh sự chỉ được miễn trừ ngoại giao khi chứng minh được họ đang thi hành công vụ trong lúc phạm tội. Trong trường hợp của nữ lãnh sự Ấn Độ, rõ ràng là việc mướn người giúp việc không liên quan gì đến công vụ của lãnh sự quán, mà chỉ là việc cá nhân. Có thể nói trong trường hợp này bên phía Mỹ không cho nữ lãnh sự Ấn Độ này hưởng quyền miễn trừ ngoại giao là đúng luật.

Ở một vụ khác gần hơn, đại sứ Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỹ là ông Nguyễn Thế Cường bị câu lưu ở sân bay Đức vì đem số tiền nhiều quá quy định. Câu hỏi ở đây là ông đại sứ này có được nhận miễn trừ ngoại giao của luật quốc tế không? Có người cho rằng ông là đại sứ Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng lại phạm luật và bị câu lưu ở Đức (một nước thứ ba) thì ông không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao. Có thể điều này nghe cũng hợp logic, nhưng trong thực tế là không chính xác.


Trước hết, ông Cường là đại sứ nên Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao 1961 sẽ được áp dụng. Công ước này cho các quan chức và nhân viên ngoại giao được hưởng một quyền miễn trừ ngoại giao rất lớn. Không những bản thân các vị quan chức ngoại giao mà cả gia đình của họ đi cùng đều được miễn trong trường hợp phạm tội. Vì vậy, nếu ông Cường phạm luật ở nước ông ta làm đại sứ thì khả năng lớn là ông ta sẽ được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao trong hầu hết trường hợp. Chỉ khi ông phạm những tội nặng nề như giết người, hoặc Việt Nam chủ động bãi bỏ quyền miễn trừ ngoại giao của ông, thì pháp luật của Thổ Nhĩ Kỳ mới có thể đụng đến ông ta. Tuy nhiên, ở đây ông Cường phạm luật ở Đức, một nước thứ ba. Về trường hợp này, điều 40 của Công ước Vienna 1961 nói rằng nếu một nhà ngoại giao đặt chân lên một nước thứ ba trong hành trình đi đến nhiệm sở của mình, hoặc trên đường quay về đất nước quê hương, thì nước thứ ba phải đảm bảo quyền miễn trừ ngoại giao của người này, để không ảnh hưởng đến hành trình của ông ta. Ngoài ra, trong case United States v. Rosal (1960), tòa án đã công nhận rằng một nhà ngoại giao đang quá cảnh (diplomat-in-transit) sẽ được hưởng miễn trừ ngoại giao. Như vậy, theo bộ luật và theo án tiền lệ, có khả năng rất cao rằng ông Cường đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ được hưởng miễn trừ ngoại giao tại Đức. Có nghĩa là an ninh sân bay Đức không có quyền câu lưu ông này vì tội đem quá tiền quy định. Đó là vì chúng ta biết ông Cường chỉ quá cảnh tại Đức trên đường từ Thổ Nhĩ Kỳ về Việt Nam. Nếu ông Cường không quá cảnh tại Đức trên hành trình công việc, mà đến Đức với mục đích cá nhân dài ngày thì có thể đó là một câu chuyện khác, và có khả năng ông sẽ không được hưởng miễn trừ ngoại giao. 

VL

No comments:

Post a Comment