Friday, September 16, 2011

Võ Hiệp Ngũ Đại Gia - Trần Mặc


Hôm trước tôi lục ra cuốn Võ Hiệp Ngũ Đại Gia của Trần Mặc (sách dịch) để đọc lại mấy chương nói về Kim Dung. Cuốn này là của một học giả ở Đại Lục viết về 5 tác gia truyện kiếm hiệp mà ông cho là nổi bật nhất của văn đàn Hoa ngữ. 5 người ấy lần lượt là Kim Dung, Lương Vũ Sinh, Cổ Long, Ngọa Long Sinh và Ôn Thụy An.
Trong số 5 vị thì 2 người ở Hồng Kông, 2 ở Đài Loan còn một vị Ôn Thụy An thì phiêu bạt từ Đài Loan qua Hồng Kông nhưng lại quốc tịch Mã Lai. Không thấy vị nào ở Trung Hoa Đại Lục? Có lẽ do tiểu thuyết võ hiệp không được thừa nhận ở đây mãi cho đến giữa thập niên 90, giống như ở nước ta. Ở đầu sách, Trần Mặc sơ lược như sau:
“_ Kim Dung được công nhận là Võ lâm minh chủ;
_ Lương Vũ Sinh được coi là Khai sơn đại sư kiêm Võ lâm trưởng lão;
_ Cổ Long là nhà cách tân tiểu thuyết võ hiệp;
_ Ngọa Long Sinh là Thái sơn bắc đẩu của võ hiệp Đài Loan;
_ Ôn Thụy An là chưởng môn trẻ tuổi của văn đàn võ hiệp ngày nay.”
 Tôi chỉ đọc phần nói về Kim Dung, mấy tác gia kia thì chưa muốn đọc. Mấy năm trước công ty nhà có xuất bản một vài bộ của Lương Vũ Sinh nhưng bán không được chạy, người ta nói có khoảng cách giữa Kim Dung và các vị còn lại không phải là không có lý.
Trần Mặc là người viết thuộc làng văn Hoa ngữ Đại Lục nên ông cũng cung cấp được nhiều thông tin thú vị. Ví dụ như chuyện các nhà văn Đại Lục khi xưa lúc nào cũng tự cao tự đại nghĩ rằng mình đã là đệ nhất thiên hạ (đương nhiên chỉ là trong giới văn của người đọc tiếng Hoa), mà không biết rằng ở Hồng Kông có một Kim Dung tài cao học rộng. Rồi chuyện nhiều vị giáo sư tiến sĩ trẻ của Đại học sư phạm Bắc Kinh viết sách bầu Kim Dung là nhân vật thứ 4 trong số các tác gia vĩ đại của nền văn học Hoa ngữ thế kỷ 20. Tiếp đó là việc trường Đại học Bắc Kinh trao học hàm Giáo sư danh dự cho Kim Dung đã gây nên nhiều tranh cãi trong giới học giả Đại Lục. Về chuyện này, Trần Mặc chỉ ra rằng những người phản đối không hiểu một điều cơ bản đó là học hàm chỉ trao cho Tra Lương Dung (tên thật của Kim Dung) chứ không phải trao cho tác gia võ hiệp Kim Dung. Vì ngoài việc tiểu thuyết kiếm hiệp thì Kim Dung ngoài đời còn là một vị học giả uyên bác, một nhà báo kỳ cựu, một nhà bình luận chính trị xuất sắc và một doanh nhân thành đạt. Ông từng tốt nghiệp đại học ngành luật quốc tế, rồi sau đó được mời tham gia soạn thảo bộ luật thể chế chính trị của Hồng Kông (áp dụng sau năm 1997). Vì thế, việc Đại học Bắc Kinh trao học hàm giáo sư danh dự về luật (chứ không phải như nhiều người lầm tưởng là học hàm về văn học) cho Kim Dung theo Trần Mặc là xác đáng.
Đọc Trần Mặc bình luận về các bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung thì không thấy nhiều điều mới, vì về truyện Kim Dung thì đã có nhiều người bàn quá rồi. Tuy nhiên, tôi cũng thấy có những nhận định rất hay và đích đáng, ví dụ như Trần Mặc đánh giá tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung có tính “nhã tục cộng thưởng”, có nghĩa là bất cứ ai đọc cũng đều có thể thưởng thức được. “Kẻ hời hợt thì xem náo nhiệt, người sâu sắc thì tìm thấy đạo lý.”
Sau đó tôi tìm đọc lại những bài viết của Vũ Đức Sao Biển (VDSB) để so sánh thì thấy không thể bằng Trần Mặc. Đó chỉ là ý kiến chủ quan, tuy nhiên nên biết rằng ông VDSB viết về Kim Dung nhưng liên hệ cảm xúc bản thân là chính (đúng là “Kim Dung giữa đời tôi”) còn Trần Mặc thì dùng lý trí để phân tích nhiều hơn. Hồi nhỏ tôi đọc bài của VDSB đăng trên Kiến Thức Ngày Nay thấy rất hay. Tuy nhiên, bây giờ đọc lại thì không thấy thích thú như hồi xưa nữa. Được biết ở Việt Nam còn có vài người khác viết về Kim Dung được đánh giá là hay hơn VDSB, hy vọng về sau sẽ có cơ hội được đọc.
Việt Lê

Saturday, September 10, 2011

Bố Già - Mario Puzo


Bố Già là tiểu thuyết viết về thế giới ngầm của Mỹ những năm sau 1945. Câu chuyện của Bố Già xoay quanh gia đình – tập đoàn tội ác Corleone, là phe có thế lực mạnh nhất trong số Ngũ Đại Gia Mafia của New York. Có nguồn gốc di dân từ Ý, sinh ra trong một gia đình cộm cán Mafia, nhưng lớn lên trong xã hội Mỹ, Michael Corleone luôn cảm thấy lạc lõng trong gia đình vì bản thân đã thấm nhuần sâu sắc tinh thần Mỹ. Anh luôn cố ý đặt mình bên lề và không muốn tham dự vào những hoạt động bất hợp pháp của gia đình Corleone, có thể do bản tính hướng thiện cũng có thể là tính nổi loạn của tuổi trẻ. Cho đến khi vị Bố Già cha của anh bị đối thủ ám hại, rồi bản thân bị ăn một quả đấm chí mạng của tay cảnh sát, đại diện của pháp luật, của đất nước, của những giá trị mà anh hằng tôn thờ, thì Michael mới sực tỉnh.
Với Bố Già, Mario Puzo đã thành công trong việc lãng mạn hóa giới tội phạm Mafia gốc Ý đặt trên phông nền là một xã hội Mỹ tự do văn minh nhưng còn nhiều kẽ hở. Những tình tiết hồi hộp nghẹt thở rồi những giây phút làm xúc động lòng người đã làm đọc giả phần nào quên đi sự tàn ác của bản chất Mafia. Tuy nhiên sau khi gấp sách lại, Mario Puzo làm ta giật mình với bộ mặt thật của cuộc sống trần trụi mang cặp mắt sâu hoắm đầy thủ đoạn làm người ta chỉ muốn giả vờ như không thấy.  
Đọc Bố Già, tôi thích nhất một số điểm sau. Thứ nhất là lối sống gia đình Corleone có vẻ gần giống với tinh thần gia đình truyền thống Khổng Mạnh của người Á Đông chúng ta. Ở đây Bố Già là người đàn ông trụ cột trong gia đình, là người có quyền quyết định tối cao. Người vợ hoặc phụ nữ trong gia đình là người chỉ lo tề gia nội trợ, thường ít được tham gia vào những việc quan trọng của gia đình. Tuy nhiên, theo truyền thống của Mafia thì phải biết yêu thương vợ là điều răn số 1. Trong các con thì anh trai cả Sonny là người luôn có trách nhiệm cao nhất với sự nghiệp của gia đình, là cánh tay mặt của cha. Đối với các thành viên trong gia đình Corleone thì gia đình luôn là ưu tiên số một.
Thứ hai là sự tổ chức chặt chẽ của các gia đình Mafia. Từ trên xuống dưới là một mạng lưới rễ cây xây dựng dựa trên những nguyên tắc nghiêm ngặt đã ra đời hàng trăm năm nay, nổi bật nhất là Luật Im Lặng (Omerta).
Thứ ba là cái nhìn chính trị sắc bén và sự khôn ngoan tinh tế của Bố Già Vito Corleone (sau này là Michael). Bất cứ hành động nào dù là nhỏ nhặt cũng đều được cân nhắc kỹ. Diễn biến cuộc đời ông như một bàn cờ luôn được tính trước vài nước. Bố Già cũng có nhiều câu nói nổi tiếng như “keep your friends close but your enemies closer” và “I’m gonna make him an offer he can’t refuse”.
Và cuối cùng, nhưng quan trọng nhất, là bản dịch xuất sắc của Ngọc Thứ Lang, một con người tài hoa bạc mệnh. Tựa đề “Bố Già” dịch từ tựa gốc “Godfather” là một cái tên thần sầu quỷ khốc, có một không hai và đã đi vào quần chúng, được sử dụng rộng rãi trong ngôn ngữ hàng ngày từ lúc bản dịch ra đời vào đầu thập niên 70 đến nay. Với giọng văn sặc mùi giang hồ đến thô lỗ, Ngọc Thứ Lang khiến người đọc như được trực tiếp sống trong không khí xã hội đen hắc ám của giới Mafia New York. Đã đọc qua một lần thì ai cũng phải công nhận rằng để có được giọng văn kiểu đó, tác giả hẳn phải là người có vốn sống thực tế cực kỳ phong phú. Nếu không có Ngọc Thứ Lang với bản dịch tài hoa và cái tên “Bố Già”, có lẽ “Godfather” đã không nổi tiếng đến vậy ở Việt Nam. Nhiều người nói rằng Ngọc Thứ Lang đã khơi dậy “phần chìm” của Mario Puzo, có người bảo Bố Già của Ngọc Thứ Lang còn hay hơn cả nguyên bản gốc.
Sau 75, Bố Già bị cấm xuất bản vì liệt vào hàng văn hóa phẩm đồi trụy. Tuy nhiên, sau Đổi Mới, tên tuổi của Bố Già đã khiến tiểu thuyết được in trở lại. Gần đây, Bố Già xuất bản với nhiều bản dịch mới. Nổi bật nhất có lẽ là bản dịch của Đặng Phi Bằng. Đây cũng là bản đầu tiên tôi đọc được vào năm 2006. Gần đây tôi tìm đọc bản dịch của Ngọc Thứ Lang trên mạng để so sánh và phải công nhận rằng Đặng Phi Bằng trình bày văn ngữ trôi chảy hơn, trau chuốt, dễ đọc hơn và vẫn giữ được chất “giang hồ”. Tuy nhiên, rõ ràng là Đặng Phi Bằng đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ bản dịch độc đáo của Ngọc Thứ Lang, chưa nói đến việc đã “cuỗm” luôn cái tên “Bố Già” mà ai cũng biết là độc quyền miệng của Ngọc Thứ Lang. Bởi vậy cho nên tôi vẫn đánh giá Ngọc Thứ Lang cao hơn rất nhiều. Rất tiếc là con người tài hoa đó vì buồn tình, vướng vào nghiện ngập đã sớm từ trần trong trại Phú Khánh vào năm 1979.

Việt Lê

Thursday, September 8, 2011

Nỗi Buồn Chiến Tranh - Bảo Ninh


Từ sau phát pháo lệnh Đổi Mới năm 1986, như được cởi trói chân tay, nền văn học Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ. Tập thơ Chân Dung Nhà Văn của Xuân Sách len lén mãi rồi cũng chính thức ra mắt bạn đọc cả nước, Chế Lan Viên cũng ngậm ngùi ra Di Cảo 1 và 2 “nhìn lại” cuộc đời mình. Các tác phẩm văn xuôi cũng sôi nổi thi nhau ra đời, trong đó có Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh (tên ban đầu là Thân Phận Của Tình Yêu). Với Nỗi Buồn Chiến Tranh, Bảo Ninh đoạt giải văn xuôi của Hội Nhà Văn năm 1991 cùng với các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp và Dương Hướng.

Cuốn sách này tôi tình cờ đọc được trong thư viện trường đại học ở Melbourne năm 2007 hay 2008 gì đó. Sách cũ, giấy đen hình như in vào những năm đầu thập niên 90, không biết là vị tiền bối đồng hương nào lại hiến tặng cho thư viện để lớp trẻ sau này có cơ hội đọc được. Sách tên là Nỗi Buồn Chiến Tranh chứ không phải Thân Phận Của Tình Yêu, vậy đây là đợt tái bản vào khoảng năm 1991 trở về sau. Lúc đó cái tên Bảo Ninh còn xa lạ, tôi cầm quyển sách đọc giải trí mà không trông chờ gì nhiều, có lẽ vì vậy nên bị cuốn hút càng mãnh liệt.

Ấn tượng khi tôi đọc những chương đầu tiên là cảm giác nổi da gà, vì những chi tiết chiến trường quá thật, quá hãi hùng. Giọng kể đều đều, trôi chảy, không cần dừng lại lấy hơi của Bảo Ninh như những tiếng thì thầm của chốn núi rừng huyền bí, theo gió vuốt ve mơn trớn tai ta, nhưng thỉnh thoảng lại bất thần đâm thọt qua màn nhĩ, làm ta cứ phải giật mình thon thót. Bức tranh chiến tranh Bảo Ninh vẽ ra toàn một màu đỏ bầm ngột ngạt nhưng lại quá sống động khiến những người như tôi chỉ được thấy chiến tranh qua phim ảnh phải há hốc miệng rùng mình.

Bàn luận phân tích về giá trị nghệ thuật, nội dung của Nỗi Buồn Chiến Tranh thì người ta cũng đã nói quá nhiều rồi. Ở đây tôi chỉ hứng thú với những chi tiết mô tả chiến tranh của tác giả. Không những vì chúng quá chân thật máu me, mà còn vì chúng có vẻ công bằng và đi sát thực tế chứ không phải cái kiểu tuyên truyền “địch thua ta thắng”, cái gì xấu thì không nói đến như xưa nay vẫn thế. Chính tác giả đã đề cập nhiều lần đến một giai đoạn Mậu Thân và sau Mậu Thân ngột ngạt sầu khổ, toàn tiểu đoàn bị bao vây xóa sổ. Đây không chỉ là nhận xét riêng của nhân vật chính Kiên mà còn của anh trưởng đội tìm xác đồng đội, cho thấy một bức tranh ảm đạm của tình hình chung những năm đó. Rồi mùa khô 72, thời sau Hiệp định, đến cả trận chiến cuối cùng ở Sài Gòn, tất cả các giai đoạn đó với Kiên, có lẽ với cả tác giả, đều là những chuỗi ngày khó khăn, chết chóc chứ không phải chỉ có thắng và thắng. Vào một khoảng thời gian nếu nhớ không nhầm là thời sau Hiệp định, Kiên cho biết rằng tình hình đào ngũ trong đơn vị là rất nhiều, đến cả như Can là một tay kinh nghiệm trong trung đội, chỉ thua Kiên, phải ngã lòng mà trốn vào rừng, với hy vọng điên rồ là trốn ra được đất Bắc để gặp lại mẹ già. Rồi những chi tiết mô tả quân thám báo Ngụy, chi tiết về đợt hôi “đồ cổ” sau khi quân ta chiếm được Sài Gòn, chi tiết tả anh lính phòng không mập mạp đội mũ sắt ở sân bay, v..v.. đều cho ta thấy rằng: Cho dù là anh bộ đội giải phóng, là chính nghĩa, với lý tưởng cao đẹp đến đâu, thì cũng chỉ là một người lính bình thường, một con người, phải có lúc ngã lòng, phải có lúc mất kiểm soát và không phải là thánh thần mà lúc nào cũng phải bị ép đóng vai cái thiện, cái đẹp. Những chi tiết ấy nếu xuất hiện trong tiểu thuyết các nước Âu Mỹ thì cũng rất là bình thường, nhưng “dám” viết như thế vào cái thời đó, cho dù là mượn Đổi Mới là khiên hộ tâm đi nữa, thì cũng là chuyện động trời trong nền văn học ta. Có lẽ vì thế nên Nỗi Buồn Chiến Tranh khi mới in đã bị “đề nghị” cắt bỏ rất nhiều đoạn, sau này còn bị cấm in một thời gian dài.

Trong Nỗi Buồn Chiến Tranh, hình ảnh Phương và cha của Kiên cũng để lại nhiều suy nghĩ cho người đọc. Trong khi Kiên là người thanh niên sống hết mình với lý tưởng chung, là điển hình cho hình mẫu thanh niên Xã Hội Chủ Nghĩa, coi việc đi bộ đội, chiến đấu là một việc làm cao cả, anh hùng, thì Phương là một cô gái sớm vượt ra những lề lối, khuôn sáo để không đứng chung với số đông, theo đuổi những suy nghĩ mà Kiên không thể nào hiểu được. Kiên là hiện thân của hành động, của bản năng, của niềm tin tuyệt đối, còn Phương là đại diện của lương tâm, của trí thức tiểu tư sản. Người cha Kiên lúc nào cũng mang một “nỗi buồn” tư lự vì là một nghệ sĩ “bất mãn” theo kiểu Nhân Văn Giai Phẩm, là thành phần xấu xa của xã hội, bị chính con trai mình không bằng lòng vì có lối suy nghĩ ngược ngạo khó hiểu. Cũng như cha của Kiên, Phương cảm thấy lạc lõng trong xã hội vì trót có suy nghĩ khác với xu hướng của thời đại. Chính Phương cũng đã thú nhận rằng cô yêu Kiên cũng vì cô yêu cha của Kiên, khi tâm hồn cô đồng điệu được với tâm hồn của ông. Như đã nói ở trên, về nội dung và nghệ thuật thì tôi không muốn nói nhiều nữa. Ở đây, tôi chỉ muốn nói lên những ám chỉ về chính trị của nhà văn trong việc xây dựng mối liên hệ giữa Phương với cha Phương và giữa 2 người đó với Kiên, và nhiều những ám chỉ khác trong suốt truyện. Nếu không có những chi tiết đó thì có lẽ Nỗi Buồn Chiến Tranh đã không phải chịu nhiều sức ép khi mới ra đời, nhưng nếu như vậy thì Nỗi Buồn Chiến Tranh chỉ sẽ là một nỗi buồn tầm thường mà thôi.

Việt Lê

Tuesday, August 30, 2011

Thi Nhân Việt Nam - Hoài Thanh & Hoài Chân


Đây là cuốn sách có thể được xếp vào hàng kinh điển của văn học Việt Nam thế kỷ 20. Thi Nhân Việt Nam là cuốn sách thuộc dạng khảo luận, phê bình văn học. Sách giới thiệu những tác giả, tác phẩm tiêu biểu nhất của phong trào Thơ Mới ra đời vào đầu những năm 1930. Cuốn sách được giới văn nghệ sĩ đánh giá rất cao vì những hiểu biết sâu sắc về phong trào Thơ Mới cũng như trình độ cảm thụ thi ca cực kỳ tinh tế của tác giả Hoài Thanh.

Nếu các bạn muốn tìm hiểu về phong trào Thơ Mới hoặc muốn tìm hiểu về các tác giả tiền chiến thì cuốn sách này cũng đều rất bổ ích. Chỉ một chương "Một thời đại trong thi ca" dài khoảng 40 trang đã giới thiệu đầy đủ về hoàn cảnh ra đời của Thơ Mới và điểm qua các tác giả tiêu biểu cũng như các nhân vật có ảnh hưởng hay dính dáng đến Thơ Mới. Theo Hoài Thanh thì nhà học giả Phan Khôi là người chính thức đặt ra cái tên "Thơ Mới" trong một thời kỳ chuyển tiếp và tranh cãi gay gắt giữa 2 phái ủng hộ thơ cũ và thơ mới. "Thơ mới" có nghĩa là thể thơ phá cách, không tuân theo Đường Luật thất ngôn đã tồn tại hàng trăm năm, tức "thơ cũ". Trong những năm 1932, 1933, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ là những cánh chim đầu đàn của phong trào Thơ Mới. Sau đó, đến Xuân Diệu thổi làn gió mới vào làng thơ, hợp với Huy Cận thành một cặp thi sĩ kỳ tài nổi bật nhất thời bấy giờ. Có thể trích dẫn câu sau của Hoài Thanh như một đánh giá nhanh của ông về những tên tuổi tiêu biểu nhất:

"Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu."

Đó là sơ lược về nội dung. Về giá trị văn học của quyển sách, có thể nói là rất to lớn. Cuốn sách vừa là cuốn đầu tiên bình luận về thơ mới cho nên có giá trị mở đường, vừa là cuốn bình luận bao quát và sâu sắc cho nên có giá trị về biên khảo, vừa là cuốn sách ra đời rất đúng lúc khi phong trào Thơ Mới đang ở thời kỳ hoàng kim lẫy lừng nhất, trước khi dần thoái trào, cho nên có giá trị về lịch sử, đánh dấu một thời kỳ cực thịnh của thơ ca Việt Nam. Tuy những đánh giá của Hoài Thanh về các nhà thơ đều rất sâu sắc và được công nhận là có giá trị thẩm mỹ cao, ông cũng không thoát khỏi một ít nhận định chủ quan mà sau này phải hối hận, như việc ông cho rằng mình đã khen quá mức Chế Lan Viên.

Câu chuyện về Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh & Hoài Chân không phải chỉ toàn một màu hồng lung linh. Thực tế, cho dù một thời được đánh giá cao và làm nên tên tuổi của Hoài Thanh, cuốn sách này đã làm Hoài Thanh phải một phen điêu đứng vì bị chỉ trích là đi sai đường lối, vì "dám" cổ vũ phong trào Thơ Mới ủy mị, là không thích hợp với không khí thời chiến sau Cách Mạng Tháng Tám. Áp lực chính trị đã làm cho Hoài Thanh phải nhượng bộ, đến mức ông phải tự phủ nhận những gì mình viết trong cuốn Thi Nhân Việt Nam. Cho đến những năm 1980, khi nước nhà tưng bừng Đổi Mới thì cuốn sách này mới được xét lại và được Nhà xuất bản Văn Học tái bản nhiều lần cho đến nay.

Hoài Thanh với nửa cuộc đời đầu cho đến lúc ra đời Thi Nhân Việt Nam là một người đề cao "nghệ thuật vị nghệ thuật" với những cống hiến to lớn cho nền văn học Việt Nam. Sau khi Cách Mạng Tháng Tám thành công, ông chuyển sang đường lối "nghệ thuật vị nhân sinh", vẫn tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật nhưng theo định hướng, phục vụ cho kháng chiến. Nhà thơ Xuân Sách đã có bài thơ nổi tiếng đánh giá về Hoài Thanh trong tập thơ Chân Dung Nhà Văn:

"Vị nghệ thuật một nửa đời
Nửa đời còn lại vị người cấp trên
"Thi nhân" còn một chút duyên
Chẳng cầm cho vững lại lèn cho đau..."

Friday, August 26, 2011

Mount and Blade: Warband Review

Trong lúc tìm kiếm trong số ít các game về thời Trung Cổ, vì bản thân có chút đam mê với chiến tranh thời Trung Cổ (Medieval Warfare), tình cờ tôi tìm thấy một game thể loại nhập vai hứa hẹn đem lại nhiều thú vị. Game này bổ sung rất vừa vặn vào điểm thiếu duy nhất của game chiến thuật khét tiếng Medieval 2 Total War mà tôi cũng rất thích, đó là: Cận Chiến. Với game này, bạn không những có thể điều khiển đội quân của mình trên chiến trường mà còn được dịp trổ tài kiếm cung, trực tiếp tham gia vào chiến đấu.



Mount&Blade: Warband không phải là một game đình đám theo kiểu big budget, nhưng là một game rất khác biệt, đương nhiên là theo chiều hướng tốt. Không đầu tư nhiều cho khâu quảng bá, nhưng M&B: Warband vẫn thu hút giới game thủ vì là bản mở rộng stand-alone của Mount&Blade (M&B), phần đầu khá thành công của M&B: Warband. Tôi quyết định bỏ M&B mà chỉ thử chơi M&B: Warband. Vì "sóng sau xô sóng trước" nên M&B: Warband có thêm phần Multiplayer và nhiều chi tiết chỉnh sửa cho tốt hơn so với M&B, hơn nữa đồ họa cũng khá hơn.



M&B: Warband có cốt truyện xảy ra ở vùng đất Calradia rộng lớn, bao gồm nhiều quốc gia (factions). Mỗi quốc gia chiếm cứ một vùng đất riêng trên bản đồ. Một số ít có tên gọi gợi ý đến những chủng tộc ngoài đời thực như Kingdom of Nord sống ở phía Bắc băng tuyết (người Viking Bắc Âu) hay Saranids Sultane (Ả Rập) hoặc là Khergit Khanate (Mông Cổ). Mỗi faction có điểm mạnh yếu riêng về quân sự, nhưng tất cả các faction đều có hệ thống chính trị theo kiểu phân quyền. Hệ thống phân quyền này có lẽ bắt chước từ Châu Âu thời Trung Cổ với mỗi faction bao gồm nhiều lãnh chúa dưới quyền bảo vệ của Vua. Mỗi lãnh chúa có quân đội riêng và cai trị những vùng đất riêng được Vua ban cho. Mỗi khi Vua triệu tập quân đội để gây chiến tranh thì tất cả các lãnh chúa đều phải đem quân bản bộ tham gia trận chiến. Trong M&B: Warband, nếu quan hệ giữa Vua và lãnh chúa nào không tốt đẹp cho lắm thì lãnh chúa đó sẽ bất tuân lệnh Vua và không đem quân tham gia chiến tranh.



Khi bắt đầu chơi, bạn đóng vai trò một lãnh chúa mới nổi, chỉ đủ tiền để thuê vài tay lính mới. Nhưng dần dần bằng cách tham gia chiến đấu với các lãnh chúa cùng phe, bạn có thêm nhiều tiền và chiến lợi phẩm để phát triển quân đội và lãnh thổ của mình. Sau một thời gian dài, khi bạn cảm thấy đủ sức và gây dựng đủ những mối quan hệ, thì đó là lúc bạn nghĩ đến việc lập ra vương quốc của riêng mình với vị Vua tối cao đó chính là bạn, với nhiều lãnh chúa hùng mạnh dưới trướng. Từ đây, bạn sẽ mở rộng vương quốc với mục tiêu cuối cùng là thống nhất toàn cõi Calradia rộng lớn.



Nghe qua, có thể thấy mục tiêu của phần single-player game này là quá rộng, không có hạn chế về thời gian. Mặc dù ý tưởng của game rất hấp dẫn nhưng với cách thiết kế cốt truyện không chặt chẽ và có phần "phóng túng" như thế này nên dễ gây nhàm chán cho người chơi sau khi đã đạt được đến một ngưỡng nhất định. Bản thân tôi đã bỏ ra hơn 100 giờ chơi nhưng cũng mới chiếm được một nửa Calradia. Thật ra từ sau khi thành lập được vương quốc riêng, coi như tôi đã unlock hết những điều thú vị của game. Từ lúc đó, single-player của game chỉ còn là những trận chiến một chiều diễn ra liên tục đến nhàm chán.



Tuy nhiên, điểm nhấn thú vị của M&B: Warband không phải là cốt truyện, hệ thống lãnh chúa phân quyền hay thảo nguyên rộng lớn Calradia mà là cách chiến đấu. Game cho bạn lựa chọn chơi theo kiểu kỵ sĩ, bộ binh hoặc cung thủ. Với nhiều loại vũ khí khác nhau thì bạn có quyền kết hợp để đóng một lúc nhiều vai. Trang bị ngựa chiến, bạn sẽ trở thành kỵ sĩ, nhưng khi vào trận chiến, bạn có thể xuống ngựa chạy bộ để chiến đấu theo kiểu bộ binh, rồi lại lên ngựa trở lại nếu "mỏi chân". Chán làm cung thủ thì rút câu liêm ra để làm pikeman chống kỵ binh, hay làm bộ binh Viking với chiếc búa trận khổng lồ. Nói chung game cho bạn sử dụng vũ khí và chiến đấu theo ý thích của mình, tuy nhiên nếu bạn muốn trở thành một chiến binh sát thủ mà không phí nhiều thời gian thì cách tốt nhất là nên tập trung vào một kiểu chơi mà bạn thích nhất, chứ không nên ôm đồm. Thí dụ như bạn thích sử dụng kiếm dài (two-handed sword) thì tốt nhất nên tập trung sử dụng loại này để đầu tư nâng chỉ số two-handed weapon. Ngoài những vũ khí cần dùng 2 tay như kiếm dài thì còn có vũ khí sử dụng 1 tay (kèm với khiên), giáo dài, cung, nỏ và vũ khí để ném. Sự phong phú và đa dạng của các loại vũ khí giúp người chơi có quá nhiều lựa chọn. Mỗi loại vũ khí đều có mặt mạnh mặt yếu. Nhưng trong tay một người chơi kinh nghiệm thì một vũ khí tưởng chừng vô hại như rìu để ném (throwing axes) cũng có thể trở nên cực kỳ nguy hiểm. Điều này làm nên sự thú vị của M&B: Warband. Về cách điều khiển chiến đấu thì rất đơn giản, với click là đánh, đâm hoặc chém, còn right click là đỡ. Tuy nhiên, để chém từ trái qua phải hay từ trên xuống dưới, đỡ phải, đỡ trái thì người chơi phải di chuyển con chuột theo hướng nhất định. Điều này cũng chỉ mất rất ít thời gian làm quen vì nhìn chung là không khó.



Về cơ bản thì cách chiến đấu của M&B: Warband không mất nhiều thời gian để làm quen. Tuy vậy để trở thành sát thủ trên chiến trường thì cần nhiều thời gian tập luyện, đặc biệt là kỹ năng chọn đúng thời điểm ra đòn. Vì sự đa dạng trong cách chiến đấu và độ khó cần người chơi phải bỏ công sức và thời gian để chinh phục nên M&B: Warband hấp dẫn người chơi rất nhanh. Nhìn chung, cách chiến đấu là điểm thú vị nhất của game, làm người chơi quên đi điểm yếu về đồ họa và những chi tiết nhỏ nhặt, những "con sâu làm rầu nồi canh" như cách công thành còn nhiều hạn chế. Tôi chắc chắn rằng hầu hết những người chơi single-player của M&B nói chung và Warband nói riêng đều đồng ý rằng những trận chiến ác liệt trong đấu trường Tournament đã chiếm hết phân nửa sự thích thú của họ đối với game. Trong Tournament, người chơi phải theo những thể thức đấu bất ngờ và phải sử dụng những loại vũ khí khác nhau để hạ phe địch. Những cuộc loạn đấu này đòi hỏi người chơi phải thích ứng nhanh và phải tinh thông hết tất cả các ban võ nghệ, từ bắn cung, ném lao, đấu thương đến cận chiến thì mới có thể trở thành nhà vô địch của đấu trường Tournament.

Một điểm mạnh thu hút rất nhiều người chơi M&B: Warband là game đã giới thiệu được một cộng đồng multiplayer rất sôi nổi với các kiểu chơi đa dạng (conquest, capture the flag, deathmatch,..). Hầu hết các server đều chứa được rất nhiều người, ít nhất khoảng 64 người, có server lên đến cả trăm người. Tuy nhiên, đây chỉ là những điều tôi đọc được chứ chưa có dịp trải qua, vì một lý do mà ai cũng biết, đó là mạng Việt Nam quá chậm và không ổn định. Thêm nữa, vì khu vực có ít người chơi M&B: Warband nên thông thường các server đều ở xa Việt Nam, cộng thêm mạng chậm, vì thế ping rất cao.



Tóm lại, game M&B: Warband là một game thú vị cho fan thích chiến đấu theo kiểu Trung Cổ. Game này đem lại sự tươi mới thú vị cho những ai đã quá nhàm chán với thể loại FPS hành động bắn súng. Cảm giác dẫn đầu đoàn quân xung phong thẳng vào đội hình quân địch thật là thích thú. Về phần mình, game này cũng làm tôi thỏa mãn niềm đam mê về chiến tranh thời Trung Cổ, về các kỵ sĩ vũ trang tận răng, lâu đài và lãnh chúa.

Giáp trụ sáng ngời bóng mây
Kỵ sĩ thỏa sức tung hoành kiếm cung
Thảo nguyên tung cánh nơi đây
Cầm quân chinh phạt pháo đài nơi đâu
Quốc vương Trung Cổ phân quyền
Lãnh chúa họp mặt thành trì chia nhau
Warband chơi mãi không xong
Multi ping lớn tên bay giật lùi.


Việt Lê

Friday, July 29, 2011

The Call of the Wild Book Review



This is a pocket book version of the well-known novel by Jack London that I picked up in Kuching early this year. I must admit the book looks really neat and comfortable, and above all, the price is so cheap. I got it for 9.90RM which was around 3USD. I love the feeling of neat and smooth looking books like this. Maybe someday I will buy them all and put them in exhibit in my new book-shelf. That might make me look very educated in front of the others... (?!)

Well enough of crap. This book is amazing. Despite the fact that I have to skip through many many small details because of my limited vocabulary, I find Jack London's writing style is so complete. He makes small details and lanscapes look so real and stunning. All of these goodies can only come from a man who experiences it all out there. From what I know of Jack London's personal life, I am sure that most of what he wrote comes from his own real life experience, with so much survival wisdoms and details. Also, with his keen observation on dogs, Jack London is probably a big dog lover.

I like how he develops the character of Buck. We can see Jack in Buck. From a civilized dog from the quiet south at the beginning to a life hardened, strong and wise "Ghost Dog" at the end, Buck implies Jack London's life or at least what Jack London wants himself to be. This shows the real Jack London, a man with strong, straightforward and rebeling characteristics. Jack London is a volcano which always wants to explode, a man that desires to answer the call of the wild, a man that longs to become one with nature.

Another interesting thing in the novel is the detail showing how Jack London hates "civilized" men and their close-minded, arrogant way of behaving even when they come across something new and not familiar. Their self-deceiving arrogance finally makes them pay with their lives.

I think someday I will have to re-read the book again when my vocabulary levels up. For English learners like me, I think Jack London is a very suitable author to start up with.

Sunday, May 8, 2011

Dead Space Review

Dead Space là một game thể loại kinh dị đầu tiên tôi được chơi sau Doom 3 (2004). Có thể nói, đây là một game rất hấp dẫn. Bạn sẽ bị lôi cuốn từ đầu đến cuối.

Con tàu khai thác khoáng sản Ishimura bỗng nhiên mất liên lạc với tổng đài. Issac là một kỹ sư, được công ty mẹ gửi lên Ishimura để điều tra và sửa lỗi hệ thống thông tin. Tuy nhiên, khi vừa đặt chân lên Ishimura, Issac bỗng thấy mình vướng vào một tình huống hiểm nghèo và phải đơn độc đấu tranh để sinh tồn.



Với vũ khí là những dụng cụ cắt khoáng sản bằng như Beam gun hay Laser gun, Issac tự vệ trước sự đe dọa của những sinh vật khủng khiếp bất thình lình xuất hiện ở mọi ngóc ngách trên tàu.



Không lâu sau khi bắt đầu game, Issac nhận ra có gì đó đã xảy ra làm những nhân viên trên tàu Ishimura bị đột biến và trở thành quái thú. Issac giờ đây phải hành động theo bản năng tự vệ: "giết hoặc bị giết". Vừa đánh vừa chạy, anh phải vừa tìm cách để thoát thân khỏi Ishimura. Trong suốt game, bạn phải tìm cách đưa Issac đến những nơi khác nhau trong con tàu khổng lồ để làm những objectives nhất định. Những objectives này chủ yếu để giúp sửa chữa lại những chỗ hỏng hóc của con tàu. Đương nhiên trong lúc tìm cách sửa tàu, Issac cũng gặp không ít những vật cản to lớn như thế này.



Câu chuyện của Dead Space thì cũng không có gì quá nổi bật. Tuy nhiên, điểm thú vị của Dead Space chính là ở những yếu tố sau: không khí game kinh dị rất hồi hộp, cách chiến đấu rất mới và biết cách đem lại sự thỏa mãn cho người chơi.

Về không khí của Dead Space, có thể nói những nhà làm game đã rất thành công khi trình bày game với một tiêu chuẩn đồ họa không chê vào đâu được, kết hợp với âm thanh kinh dị làm người chơi nhiều khi phải rùng mình. Sự quằn quại máu me của những con quái thú và tiếng kêu thét the thé của loại quái vật đột biến từ em bé sơ sinh chắc sẽ còn ám ảnh người chơi rất lâu sau khi đã tắt máy.





Về cách chơi và cách chiến đấu, có thể nói đây là nguyên nhân chính làm nên thành công của Dead Space. Không như những game bắn súng khác khi bạn phải nhắm vào đầu để "hạ gục nhanh". Ở Dead Space, bạn phải nhắm bắn đứt những tứ chi của quái vật thì mới có thể "tiêu diệt gọn". Cách chơi mới lạ này làm người chơi phải động não hơn vì phải thoát khỏi sự rập khuôn có sẵn. Cách nâng cấp vũ khí cũng rất mới lạ và đòi hỏi người chơi phải suy nghĩ rất kỹ trước khi quyết định, thông qua một hệ thống rễ cây các nâng cấp của các loại súng. Cách điều khiển cũng rất đơn giản. Sáng tạo được tôi đánh giá cao nhất là hệ thống chỉ đường tự động bằng tia sáng. Mỗi khi bạn lạc đường, không cần phải loay hoay đọc Map mà chỉ cần bấm nút, tia sáng sẽ vẽ thành đường đi trên mặt đất chỉ bạn đến nơi bạn cần đến. Ngoài ra, bộ giáp của Issac cũng rất khác biệt với những tiêu chuẩn trước đây và rất tiện dụng khi hiển thị cột máu và các chỉ số cần thiết ngay trên lưng của anh ta, làm người chơi không phải liếc mắt nhìn xuống phía dưới mà chỉ cần tập trung vào Issac là đủ. Ngoài ra Dead Space còn nhiều chi tiết và cách chơi sáng tạo khác như khả năng di chuyển trong chân không và các công cụ hỗ trợ như kinesis và stasis gun.



Cuối cùng, có thể nói Dead Space làm cho người chơi luôn "muốn thêm" khi xây dựng nên những chi tiết khi chơi làm người chơi rất thỏa mãn. Trong số đó nổi bật nhất chính là động tác dùng chân đạp vào các quái thú đã ngã trên sàn, làm tứ chi chúng đứt lìa, văng tứ tung và bắn máu xối xả. Dead Space đã rất tâm lý khi đánh trúng bản năng đam mê bạo lực tiềm tàng của con người bằng những chi tiết hoạt hình rất sống động và máu me này.



Nói tóm lại, cho dù bạn có là một "game thủ" đam mê game kinh dị hoặc chỉ là một người chơi game "casual" muốn giải trí với vài pha hành động như tôi, bạn đều nên chơi thử Dead Space. Theo tôi, Dead Space là một game bắn súng rất đáng chơi và có thể sẽ đem lại những giây phút giải trí rất thú vị. Riêng với tôi thì game này còn đáng nhớ ở chỗ vì nó là game đầu tiên tôi chơi đến hoàn tất sau game Far Cry 1 (chơi năm 2005).



Thay lời kết, xin giới thiệu một tribute clip của fan Dead Space, rất ấn tượng:


Việt Lê

Wednesday, March 30, 2011

Nhà văn trẻ

Dưới đây chỉ là một bài phỏng vấn vô thưởng vô phạt trong một chùm tin tức và phỏng vấn có thể search được trên google về nhà văn trẻ DiLi.

http://www.bee.net.vn/channel/3522/201103/Nha-van-diLi-Tinh-duc-trong-van-chuong-nhu-tam-anh-nude-1794723/

Nhà văn nói: "Văn học Anh, Mỹ phát triển vì các tác phẩm của họ mang tính toàn cầu hóa, lại được viết bằng tiếng Anh là một ngôn ngữ quốc tế. Đọc truyện, ai cũng hiểu ngay địa danh Los Angeles là ở đâu, chưa kể hình ảnh, khí hậu, con người ở đó còn được hình dung đầy đủ trong trí óc vì vậy sức thẩm thấu của truyện sẽ dễ dàng hơn.

Nhưng giờ đọc truyện của ta lại thấy Rạch Giá, rồi bún bò, bánh chưng… thì độc giả lại phải mất công đi tra mạng, khảo sách còn người dịch cũng phát khổ. Có lẽ hạn chế trước nhất của ta là chú trọng đến tính dân tộc hơn tính nhân loại, lại còn phải chịu nỗi thiệt thòi về việc sáng tác bằng một ngôn ngữ hiếm."

Chưa được đọc tác phẩm của nhà văn DiLi bao giờ nhưng đối với mấy người được tặng những chữ "nhà" hay "giả" tôi đều phải có sự trân trọng nhất định trước khi đánh giá về người đó. Ở đây, có thể tác giả có lý của riêng mình, nhưng so sánh như vậy là hơi gượng.

Khái niệm "toàn cầu hóa" chỉ mới thịnh hành khoảng hơn chục năm, trong khi văn học Anh, Mỹ đã phát triển từ lâu, lúc chưa ai biết đến "toàn cầu hóa" là gì. Theo tôi biết thì nền văn học Anh, Mỹ đã có nhiều tác phẩm kinh điển nổi tiếng thế giới từ 2 thế kỷ trước rồi (như The Scarlet Letter của Nathaniel Hawthorne hay những tác phẩm của Dickens). Bây giờ người ta xây tiếp lên chứ không phải đến gần đây mới được coi là phát triển vì toàn cầu hóa. Còn văn học Việt chỉ được phổ biển rộng rãi trong nước sau thời kỳ Tự Lực Văn Đoàn cách đây khoảng 70 năm. Nhà văn đi so sánh này nọ mà quên mất cái gốc của cả hai nền văn học đâu có đều nhau. Hình như cô này chỉ nhìn vào mấy năm gần đây để đánh giá cả một nền văn học, như thế thì hơi bị "gãy" rồi nha.

Tôi thì nghĩ rằng nền văn học nào mà không lấy tính dân tộc làm gốc sẽ bị đào thải trước. Bao giờ cũng vậy, khi viết về những đặc điểm riêng và những gì mình đã thực sự trải qua thì vẫn dễ đi vào lòng người hơn. Lấy ví dụ, những người được đào tạo từ mái trường XHCN, thì làm sao viết về những đề tài chung chung mang tính toàn cầu hay bằng những tác giả nước ngoài được sống trong môi trường tự do về văn hóa, chính trị từ nhỏ.

Đọc tiếp đoạn dưới: "Tính dục trong văn chương cũng giống như một tấm ảnh nude. Nude nghệ thuật hay nude kiểu tạp chí Playboy, tự trút bỏ quần áo một cách vô lý chẳng nhằm mục đích gì thì rất dễ phân biệt. "

Hừm, lại so sánh hơi gượng rồi. Hình nude Playboy cũng nghệ thuật lắm đó nghen, không biết DiLi đã cầm coi cuốn Playboy nào chưa hay là nói đại vậy ta?

Tìm hiểu thêm mới biết nhà văn này chuyên viết truyện trinh thám kinh dị và thích chụp hình kiểu hot-girl. Lại là chuyên gia PR cho công ty nào đó, hừm... nghe giống như kiểu "nhà văn" Gào trên Facebook quá ta? Một người mới có chút thành công vì thời thế hơn là vì tài năng văn chương thật sự, đã vội lo nói chuyện đao to búa lớn về văn học này nọ. Nhận thức thông thường đã như vậy, tác phẩm sẽ như thế nào? Nhìn Nguyễn Ngọc Tư xem, chị được coi là thiên tài, là ngôi sao lớn nhất của làng văn trẻ VN, cầm bút khi mới mười mấy tuổi, nhưng vẫn giữ được vẻ bình dân, ít trả lời phỏng vấn vô tội vạ và đặc biệt là ít "nổ" như các "nhà văn" trẻ bây giờ.

Bởi vậy mới nói thời đại nhiễu nhương này, ai dịch được cuốn sách, viết vài tiểu thuyết được xuất bản cũng có thể trở thành "nhà" hay "giả". Thượng vàng hạ cám vậy nên chúng ta, những người con ưu việt của chế độ phải biết sàng trên lọc dưới để lựa ra sản phẩm tốt. Tôi không dám phủ nhận đóng góp của DiLi cho nền văn học trẻ VN nhưng nghĩ rằng nếu chúng ta không có nhiều thời gian để đọc, thì tốt nhất nên chọn "vàng" đọc trước rồi mới tới "cám".