Thursday, September 8, 2011

Nỗi Buồn Chiến Tranh - Bảo Ninh


Từ sau phát pháo lệnh Đổi Mới năm 1986, như được cởi trói chân tay, nền văn học Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ. Tập thơ Chân Dung Nhà Văn của Xuân Sách len lén mãi rồi cũng chính thức ra mắt bạn đọc cả nước, Chế Lan Viên cũng ngậm ngùi ra Di Cảo 1 và 2 “nhìn lại” cuộc đời mình. Các tác phẩm văn xuôi cũng sôi nổi thi nhau ra đời, trong đó có Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh (tên ban đầu là Thân Phận Của Tình Yêu). Với Nỗi Buồn Chiến Tranh, Bảo Ninh đoạt giải văn xuôi của Hội Nhà Văn năm 1991 cùng với các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp và Dương Hướng.

Cuốn sách này tôi tình cờ đọc được trong thư viện trường đại học ở Melbourne năm 2007 hay 2008 gì đó. Sách cũ, giấy đen hình như in vào những năm đầu thập niên 90, không biết là vị tiền bối đồng hương nào lại hiến tặng cho thư viện để lớp trẻ sau này có cơ hội đọc được. Sách tên là Nỗi Buồn Chiến Tranh chứ không phải Thân Phận Của Tình Yêu, vậy đây là đợt tái bản vào khoảng năm 1991 trở về sau. Lúc đó cái tên Bảo Ninh còn xa lạ, tôi cầm quyển sách đọc giải trí mà không trông chờ gì nhiều, có lẽ vì vậy nên bị cuốn hút càng mãnh liệt.

Ấn tượng khi tôi đọc những chương đầu tiên là cảm giác nổi da gà, vì những chi tiết chiến trường quá thật, quá hãi hùng. Giọng kể đều đều, trôi chảy, không cần dừng lại lấy hơi của Bảo Ninh như những tiếng thì thầm của chốn núi rừng huyền bí, theo gió vuốt ve mơn trớn tai ta, nhưng thỉnh thoảng lại bất thần đâm thọt qua màn nhĩ, làm ta cứ phải giật mình thon thót. Bức tranh chiến tranh Bảo Ninh vẽ ra toàn một màu đỏ bầm ngột ngạt nhưng lại quá sống động khiến những người như tôi chỉ được thấy chiến tranh qua phim ảnh phải há hốc miệng rùng mình.

Bàn luận phân tích về giá trị nghệ thuật, nội dung của Nỗi Buồn Chiến Tranh thì người ta cũng đã nói quá nhiều rồi. Ở đây tôi chỉ hứng thú với những chi tiết mô tả chiến tranh của tác giả. Không những vì chúng quá chân thật máu me, mà còn vì chúng có vẻ công bằng và đi sát thực tế chứ không phải cái kiểu tuyên truyền “địch thua ta thắng”, cái gì xấu thì không nói đến như xưa nay vẫn thế. Chính tác giả đã đề cập nhiều lần đến một giai đoạn Mậu Thân và sau Mậu Thân ngột ngạt sầu khổ, toàn tiểu đoàn bị bao vây xóa sổ. Đây không chỉ là nhận xét riêng của nhân vật chính Kiên mà còn của anh trưởng đội tìm xác đồng đội, cho thấy một bức tranh ảm đạm của tình hình chung những năm đó. Rồi mùa khô 72, thời sau Hiệp định, đến cả trận chiến cuối cùng ở Sài Gòn, tất cả các giai đoạn đó với Kiên, có lẽ với cả tác giả, đều là những chuỗi ngày khó khăn, chết chóc chứ không phải chỉ có thắng và thắng. Vào một khoảng thời gian nếu nhớ không nhầm là thời sau Hiệp định, Kiên cho biết rằng tình hình đào ngũ trong đơn vị là rất nhiều, đến cả như Can là một tay kinh nghiệm trong trung đội, chỉ thua Kiên, phải ngã lòng mà trốn vào rừng, với hy vọng điên rồ là trốn ra được đất Bắc để gặp lại mẹ già. Rồi những chi tiết mô tả quân thám báo Ngụy, chi tiết về đợt hôi “đồ cổ” sau khi quân ta chiếm được Sài Gòn, chi tiết tả anh lính phòng không mập mạp đội mũ sắt ở sân bay, v..v.. đều cho ta thấy rằng: Cho dù là anh bộ đội giải phóng, là chính nghĩa, với lý tưởng cao đẹp đến đâu, thì cũng chỉ là một người lính bình thường, một con người, phải có lúc ngã lòng, phải có lúc mất kiểm soát và không phải là thánh thần mà lúc nào cũng phải bị ép đóng vai cái thiện, cái đẹp. Những chi tiết ấy nếu xuất hiện trong tiểu thuyết các nước Âu Mỹ thì cũng rất là bình thường, nhưng “dám” viết như thế vào cái thời đó, cho dù là mượn Đổi Mới là khiên hộ tâm đi nữa, thì cũng là chuyện động trời trong nền văn học ta. Có lẽ vì thế nên Nỗi Buồn Chiến Tranh khi mới in đã bị “đề nghị” cắt bỏ rất nhiều đoạn, sau này còn bị cấm in một thời gian dài.

Trong Nỗi Buồn Chiến Tranh, hình ảnh Phương và cha của Kiên cũng để lại nhiều suy nghĩ cho người đọc. Trong khi Kiên là người thanh niên sống hết mình với lý tưởng chung, là điển hình cho hình mẫu thanh niên Xã Hội Chủ Nghĩa, coi việc đi bộ đội, chiến đấu là một việc làm cao cả, anh hùng, thì Phương là một cô gái sớm vượt ra những lề lối, khuôn sáo để không đứng chung với số đông, theo đuổi những suy nghĩ mà Kiên không thể nào hiểu được. Kiên là hiện thân của hành động, của bản năng, của niềm tin tuyệt đối, còn Phương là đại diện của lương tâm, của trí thức tiểu tư sản. Người cha Kiên lúc nào cũng mang một “nỗi buồn” tư lự vì là một nghệ sĩ “bất mãn” theo kiểu Nhân Văn Giai Phẩm, là thành phần xấu xa của xã hội, bị chính con trai mình không bằng lòng vì có lối suy nghĩ ngược ngạo khó hiểu. Cũng như cha của Kiên, Phương cảm thấy lạc lõng trong xã hội vì trót có suy nghĩ khác với xu hướng của thời đại. Chính Phương cũng đã thú nhận rằng cô yêu Kiên cũng vì cô yêu cha của Kiên, khi tâm hồn cô đồng điệu được với tâm hồn của ông. Như đã nói ở trên, về nội dung và nghệ thuật thì tôi không muốn nói nhiều nữa. Ở đây, tôi chỉ muốn nói lên những ám chỉ về chính trị của nhà văn trong việc xây dựng mối liên hệ giữa Phương với cha Phương và giữa 2 người đó với Kiên, và nhiều những ám chỉ khác trong suốt truyện. Nếu không có những chi tiết đó thì có lẽ Nỗi Buồn Chiến Tranh đã không phải chịu nhiều sức ép khi mới ra đời, nhưng nếu như vậy thì Nỗi Buồn Chiến Tranh chỉ sẽ là một nỗi buồn tầm thường mà thôi.

Việt Lê

No comments:

Post a Comment