Hôm trước tôi lục ra cuốn Võ Hiệp Ngũ Đại Gia của Trần Mặc (sách dịch) để đọc lại mấy chương nói về Kim Dung. Cuốn này là của một học giả ở Đại Lục viết về 5 tác gia truyện kiếm hiệp mà ông cho là nổi bật nhất của văn đàn Hoa ngữ. 5 người ấy lần lượt là Kim Dung, Lương Vũ Sinh, Cổ Long, Ngọa Long Sinh và Ôn Thụy An.
Trong số 5 vị thì 2 người ở Hồng Kông, 2 ở Đài Loan còn một vị Ôn Thụy An thì phiêu bạt từ Đài Loan qua Hồng Kông nhưng lại quốc tịch Mã Lai. Không thấy vị nào ở Trung Hoa Đại Lục? Có lẽ do tiểu thuyết võ hiệp không được thừa nhận ở đây mãi cho đến giữa thập niên 90, giống như ở nước ta. Ở đầu sách, Trần Mặc sơ lược như sau:
“_ Kim Dung được công nhận là Võ lâm minh chủ;
_ Lương Vũ Sinh được coi là Khai sơn đại sư kiêm Võ lâm trưởng lão;
_ Cổ Long là nhà cách tân tiểu thuyết võ hiệp;
_ Ngọa Long Sinh là Thái sơn bắc đẩu của võ hiệp Đài Loan;
_ Ôn Thụy An là chưởng môn trẻ tuổi của văn đàn võ hiệp ngày nay.”
Tôi chỉ đọc phần nói về Kim Dung, mấy tác gia kia thì chưa muốn đọc. Mấy năm trước công ty nhà có xuất bản một vài bộ của Lương Vũ Sinh nhưng bán không được chạy, người ta nói có khoảng cách giữa Kim Dung và các vị còn lại không phải là không có lý.
Trần Mặc là người viết thuộc làng văn Hoa ngữ Đại Lục nên ông cũng cung cấp được nhiều thông tin thú vị. Ví dụ như chuyện các nhà văn Đại Lục khi xưa lúc nào cũng tự cao tự đại nghĩ rằng mình đã là đệ nhất thiên hạ (đương nhiên chỉ là trong giới văn của người đọc tiếng Hoa), mà không biết rằng ở Hồng Kông có một Kim Dung tài cao học rộng. Rồi chuyện nhiều vị giáo sư tiến sĩ trẻ của Đại học sư phạm Bắc Kinh viết sách bầu Kim Dung là nhân vật thứ 4 trong số các tác gia vĩ đại của nền văn học Hoa ngữ thế kỷ 20. Tiếp đó là việc trường Đại học Bắc Kinh trao học hàm Giáo sư danh dự cho Kim Dung đã gây nên nhiều tranh cãi trong giới học giả Đại Lục. Về chuyện này, Trần Mặc chỉ ra rằng những người phản đối không hiểu một điều cơ bản đó là học hàm chỉ trao cho Tra Lương Dung (tên thật của Kim Dung) chứ không phải trao cho tác gia võ hiệp Kim Dung. Vì ngoài việc tiểu thuyết kiếm hiệp thì Kim Dung ngoài đời còn là một vị học giả uyên bác, một nhà báo kỳ cựu, một nhà bình luận chính trị xuất sắc và một doanh nhân thành đạt. Ông từng tốt nghiệp đại học ngành luật quốc tế, rồi sau đó được mời tham gia soạn thảo bộ luật thể chế chính trị của Hồng Kông (áp dụng sau năm 1997). Vì thế, việc Đại học Bắc Kinh trao học hàm giáo sư danh dự về luật (chứ không phải như nhiều người lầm tưởng là học hàm về văn học) cho Kim Dung theo Trần Mặc là xác đáng.
Đọc Trần Mặc bình luận về các bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung thì không thấy nhiều điều mới, vì về truyện Kim Dung thì đã có nhiều người bàn quá rồi. Tuy nhiên, tôi cũng thấy có những nhận định rất hay và đích đáng, ví dụ như Trần Mặc đánh giá tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung có tính “nhã tục cộng thưởng”, có nghĩa là bất cứ ai đọc cũng đều có thể thưởng thức được. “Kẻ hời hợt thì xem náo nhiệt, người sâu sắc thì tìm thấy đạo lý.”
Sau đó tôi tìm đọc lại những bài viết của Vũ Đức Sao Biển (VDSB) để so sánh thì thấy không thể bằng Trần Mặc. Đó chỉ là ý kiến chủ quan, tuy nhiên nên biết rằng ông VDSB viết về Kim Dung nhưng liên hệ cảm xúc bản thân là chính (đúng là “Kim Dung giữa đời tôi”) còn Trần Mặc thì dùng lý trí để phân tích nhiều hơn. Hồi nhỏ tôi đọc bài của VDSB đăng trên Kiến Thức Ngày Nay thấy rất hay. Tuy nhiên, bây giờ đọc lại thì không thấy thích thú như hồi xưa nữa. Được biết ở Việt Nam còn có vài người khác viết về Kim Dung được đánh giá là hay hơn VDSB, hy vọng về sau sẽ có cơ hội được đọc.
Việt Lê