Tập
tiểu luận phê bình Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo của nhà
thơ Inrasara là một cuốn sách mang tính giải trí nhiều hơn là học thuật. Nói
như vậy không có nghĩa những bài viết trong sách không đủ nghiên cứu và nghiêm
túc. Thật ra, là một nhà thơ, tác giả đã rất thành công trong việc thi hóa văn
xuôi của mình trong một thể loại dễ trở thành khô khan. Văn phong dứt khoát,
gãy gọn, nhiều khi quá gọn. Tác giả múa bút (hay múa phím) tự tin như đang đọc
tuyên ngôn. Inrasasa dùng câu ngắn, từ gọn nhưng không khô cứng. Từng câu, từng
chữ mang tính bất ngờ, phá cách của thơ. Do đó, sách bàn chủ đề có vẻ to lớn nhưng đọc rất gần gũi, hấp dẫn, lôi cuốn và mang tính giải trí cao.
Trong
tập tiểu luận, bài chủ đề Chưa đủ cô đơn
cho sáng tạo chỉ đơn giản viết xuống một điều mà nhiều người cầm bút có lẽ đã
biết, nhưng ít ai nói ra. Người đọc liếc qua tựa là có thể đoán nội dung – như
một hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đã và đang dần đánh mất cái tôi sáng tạo
trong cái bẫy của tập thể văn nghệ, của truyền thông. Là bài chủ đề, nhưng
không phải hay nhất. Có thể nói Bế tắc
trong sáng tạo mới là bài tiểu luận đặc sắc nhất của cuốn sách. Tác giả đưa
ra 2 câu hỏi “Tại sao bế tắc? Và làm gì khi bế tắc?” rồi trả lời, có lẽ với
những kinh nghiệm bế tắc trong sáng tạo của chính ông, và từ kinh nghiệm khi
quan sát văn đàn Việt Nam
trong thời gian dài. Một vài lý do bế tắc theo Inrasara là do người viết, do
tác động từ bên ngoài (bị chụp mũ, phản động,v..v..) và đặc biệt hơn hết do
tính nghiệp dư của người cầm bút. Hầu hết đều xem văn chương như trò chơi. Chân
dung nhà thơ hiện đại được Trần Ngọc Tuấn phác ra rất thành thực:
“Ở quán 81
Có gã từ thâm sơn cùng
cốc
Tạt uống vài li rồi vùng
đi
Có gã xa quê buồn như đá
Một bàn… một ghế… một
tha hương
Có gã thất tình ngồi nói
mớ
U ơ… ú ớ… lú hồn thơ
Có gã lên gân xưng hùng
bá
Chưa ra quân xếp bộ cuốn
cờ…” (t.34)
Trong
bài tiểu luận này Inrasara còn đi sâu hơn phân tích về bế tắc: sợ lặp lại,
nghẽn mạch xã hội, nghẽn mạch thơ,v..v.. Trong một trang viết ta bắt gặp một lô
cái tên đình đám: Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, A. Breton, Picasso, Rilke,… Nhưng
nhìn chung, một cách sơ sài, Inrasara chỉ mới gõ mạnh lên bề mặt chứ chưa làm
vết nứt vươn tới được phần chìm của tảng băng. Người đọc có thể có cảm giác hơi
hụt hẫng. Đó có thể cũng là cảm giác khi đọc xong một bài tiểu luận đặc sắc
khác Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi
suffix “nữ”. Trong bài, tác giả nhẹ nhàng đưa ta dạo chơi nhàn hạ qua một
loạt cái tên thơ nữ bắt đầu hoặc đã nổi tiếng vào thời đó (trước năm 2006):
Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Thanh Xuân, Lynh Barcadi, Phương Lan, Nguyệt
Phạm, Khương Hà Bùi,…
“Nhục cảm trần trụi đến
bất chấp của Phương Lan, ở cấp độ khác: Lynh Barcadi, hoặc sôi nổi hồn nhiên
nhưng cũng không kém buông thả ở Khương Hà Bùi, cảm nhận cuộc yêu tinh tế mà lạnh
lùng của Nguyệt Phạm hay cái nhìn sắc lạnh ném vào cuộc sống đương đại của
ảo/thực chồng chéo đầy bất trắc như Thanh Xuân,…” (t.62)
Những
nhận xét hứng khởi nhưng cũng không thiếu ưu tư. Có thể tác giả không muốn đi
sâu hơn khi những nghi ngờ về độ bền sáng tạo của những nhà thơ nữ trẻ vẫn hiện
diện ám ảnh. Vì thế, Inrasara hầu như không đưa ra nhận xét nặng ký nào mà chỉ
như người làm vườn sợ cây đau, tí tách bên này một ít bên kia một ít. Không chê
thẳng, nhưng người đọc vẫn nhận ra ông không giành cảm tình nhiều cho Vi Thùy
Linh, chỉ đánh giá cao Phan Huyền Thư, Thanh Xuân.
Phần
phê bình cuối sách chỉ có 2 bài. Trong đó, bài viết về Phan Nhiên Hạo khá hay.
Những bài viết về văn chương dân tộc thiểu số, văn chương Chăm thoạt nghe có
thể không tạo hứng cho người đọc nhưng thật ra lại không xa lạ, rất dễ đọc và
đáng đọc. Tóm lại, đây là một cuốn sách phê bình mang tính giải trí cao, lối
viết hấp dẫn dễ đọc với trình độ cảm thụ đáng tin của một nhà thơ có chân tài.
Nhưng, rất chủ quan thôi, hơi tiếc vì người đào giếng vẫn chưa đào đủ sâu.
Việt
Lê
No comments:
Post a Comment