Thursday, November 1, 2012
The New Lifetime Reading Plan - C.Fadiman, J.Major
Nhớ lại mới cách đây hai năm, những tác giả hiếm hoi tôi biết và có dịp đọc chỉ có Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư và J.K. Rowling. Có thời gian trống quá nhiều, sẵn mong muốn đọc nhiều sách từ lâu nhưng chưa làm được, tôi dần dần tìm hiểu về các tác giả lớn cần đọc. Càng tìm, càng thấy biển đọc là vô bờ bến. Cái gì cũng muốn biết, muốn đọc mà sự kiên nhẫn và thời gian thì không nhiều, hẳn ai trong tình huống này cũng sẽ thấy rất bực bội. Tôi nghĩ đầu tiên phải có một bản đồ tổng quát và sơ lược. Từ đó, song song với việc đọc tác phẩm, tôi hay thích gom về các loại sách tống hợp và phê bình văn học với hy vọng nhỏ nhen có thể "đi tắt, đón đầu".
Cuốn sách trên là một trong số đó. Có thể nói, đây là một bản Mục Lục lớn tổng hợp hầu hết những tác gia văn học, triết học và khoa học đáng đọc trên thế giới từ cổ chí kim. Trong mỗi phần giới thiệu về một tên tuổi lớn, tác giả sách luôn kèm theo một vài tác phẩm được xem là hay nhất của vị đó để đưa vào "Plan" cần đọc. Bên cạnh những thông tin về cuộc đời các tác gia là một số đánh giá phê bình ngắn gọn, đôi khi chủ quan, để làm rõ hơn những gì đáng chú ý nhất về vị văn sĩ đó.
Ngay đầu sách, hai tác giả đã nói rõ đường lối của họ: chỉ đưa vào "Plan" những tên tuổi với các tác phẩm vẫn còn ảnh hưởng nhất định theo thời gian. Tất nhiên, người đọc có thể hiểu rằng "ảnh hưởng" ở đây chỉ là giới hạn với người đọc Mỹ, nơi quê hương của các tác giả. Điều đó giải thích việc nhiều tên tuổi đáng chú ý của văn đàn thế giới không được liệt tên vào danh sách chính của quyển này. Ghi chú thêm: ngoài danh sách chính gồm những tác gia lớn với bài giới thiệu mỗi người từ 1 trang trở lên, sách thêm vào 100 tác gia "Going Further" ở sau sách, với chỉ vài dòng giới thiệu cho mỗi người. Một cái tên khá quen thuộc ở Việt Nam như triết gia người Pháp Jean-Paul Sartre phải chịu phận "dự bị" đó, khi chỉ có vài dòng giới thiệu trong phần này. Martin Heidegger, triết gia Đức, một cái tên rất có ảnh hưởng khác hoàn toàn không thấy xuất hiện trong sách. Ngoài ra, hầu như tất cả những tên tuổi từ kha khá trở lên từ các nước nói tiếng Anh đều góp mặt đầy đủ.
Một điểm rất hay của cuốn này là phần "Bibliography" khá chi tiết, giới thiệu tất cả những nguồn tài liệu đáng để tham khảo về một tác gia nào đó. Sách cũng nói rõ đối với từng cuốn sách thì nên đọc bản in của nhà xuất bản nào; sách dịch thì bản dịch nào đáng tin,v..v... Cũng từ những trang hữu ích này mà mình khám phá ra nhà phê bình Lionel Trilling, một cái tên rất có ảnh hưởng trong giới phê bình Mỹ.
Phải nói rằng khi đọc những cuốn sách kiểu này thì người đọc thấy rất thoải mái: không áp lực phải đọc cho hết, chả cần theo trình tự gì. Đọc tới đâu thì hay tới đó, biết vậy thôi chứ cũng không hoàn toàn tin. Phê bình, quan điểm về văn học thì mỗi người mỗi ý. Ông tác giả sách này thú nhận là không hiểu nổi cái hay của Faulkner và đó là cái mất mát của ông ấy, nên ông vẫn tôn trọng và giới thiệu ngắn gọn những gì cần biết. Fitzgerald, Salinger, Steinbeck, Calvino, Roth,... những cái tên nổi tiếng hầu như đều được biết rộng rãi ở Việt Nam, mài đũng quần trên băng "dự bị". Nhưng nói chung, quy mô cuốn sách khá lớn, công sức nghiên cứu của các tác giả là đáng nể và đáng tin. Hầu hết những ngôi sao dù tỏ dù mờ mà bạn có thể thấy được trên bầu trời văn nghệ đều có tên trong sách. Theo tôi, đây là một cuốn theo kiểu không thể thiếu trên tủ sách của bất cứ người yêu sách nào.
Việt Lê
Labels:
Sách
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment