Saturday, October 27, 2012
Candide (Chàng Ngây Thơ) - Voltaire
Trước khi đến với Candide, tôi được biết sơ lược về Voltaire qua Câu truyện Triết học của Will Durant. Biết trước Candide là phương tiện để Voltaire châm biếm chủ nghĩa lạc quan của Leibniz cũng không phải là cái lợi. Điều này làm giảm hứng thú và tò mò không ít khi đọc tác phẩm.
Cuốn sách này được NXB Tri Thức bao gồm rất nhiều cước chú giải thích về nhân vật, sự kiện và những ám chỉ của Voltaire. Không có những chú thích này, sợi dây liên hệ của người đọc với tác phẩm khó có thể liền mạch. Dù sao đây cũng là một cuốn sách viết ra ở một thời đại lịch sử cách nay gần 300 năm. Bản dịch của Tế Xuyên, một dịch giả miền Nam trước 1975, mà NXB Tri Thức cho biết là phù hợp nhất với tinh thần hài hước của Candide, đã được sử dụng. Giọng văn dịch này giống như văn phong của những tác giả miền Bắc thời tiền chiến, kiểu Tự Lực Văn Đoàn, có vẻ lòng vòng, kiểu cách. Tuy nhiên như thế có lẽ hợp hơn với phong cách quý tộc Châu Âu của phần lớn nhân vật trong truyện; hơn nữa, lại dễ nhấn mạnh hơn dụng ý châm biếm pha hài của tác giả.
Câu chuyện sơ lược như sau. Chàng Candide ngây thơ với niềm tin không nghi ngờ về một thế giới đầy lạc quan, niềm tin đã thấm nhuần từ người thầy là triết gia Pangloss (đại diện cho Leibniz), đã lưu lạc theo một cuộc hành trình gần như vòng quanh thế giới để theo đuổi bóng hồng lý tưởng là nàng Cunegonde xinh đẹp. Phiêu lưu qua nhiều nơi, trải qua nhiều kinh nghiệm đau thương, gặp nhiều kẻ bất lương, khốn nạn, bị lừa đảo nhiều lần và tận mắt thấy những chết chóc rùng rợn, Candide cuối cùng ngộ ra rằng thuyết lạc quan mà mình tin tưởng lâu nay là vớ vẩn, nhảm nhí. Chỉ duy nhất một nơi mà chàng Candide và bạn đồng hành thấy được đời sống hạnh phúc, no đủ và vô tư của con người như hằng tưởng tượng. Oái ăm thay, đó lại là một nơi không có thực: thành phố vàng Eldorado chỉ tồn tại trong huyền thoại. Trong truyện, Voltaire hư cấu rằng thành phố này chỉ đến được bằng những lối đi cực kỳ hiểm trở mà chỉ có ai may mắn lắm mới tìm thấy.
Ngoài những châm biếm về lý thuyết lạc quan của Leibniz, Voltaire còn dùng Candide để chỉ trích rất nhiều thứ. Hầu như mỗi tình tiết xảy ra đều có dụng ý ám chỉ hoặc phê phán một cái gì đó. Nếu cố tìm hiểu cho hết có lẽ sẽ phải mất một khóa học. Nhưng rõ nhất trong các đối tượng chỉ trích của Voltaire là nhà thờ, giáo hội khi hầu hết những nhân vật chức sắc trong nhà thờ đã xuất hiện trong sách đều bất lương hoặc thiếu đạo đức. Vì lý do đó, sau khi Candide ra đời một thời gian, Voltaire phải bỏ trốn vì sự truy nã của giáo hội. Ngoài ra, trong Candide, người ta còn chỉ ra những ám chỉ của Voltaire hướng mũi dùi về triết lý của Rousseau trong chương nói về bộ lạc thổ dân Oreillons. Rousseau cho là con người dưới hình thức tự nhiên nguyên thủy còn cư xử văn hóa hơn con người hiện đại. Voltaire cho những người thổ dân Oreillons chứng minh ngược lại lý thuyết trên. Hình ảnh 2 con khỉ và 2 người con gái trần truồng trong chương này là một trong những chi tiết ấn tượng nhất Candide.
Những điểm đáng chú ý khác của Candide là giọng điệu châm biếm ngược (sarcasm) và những ảnh hưởng đầu tiên của trường phái Black Humor. Voltaire đã khéo léo dùng châm biếm ngược và hài hước để giúp người đọc dễ tiếp cận hơn với những hình ảnh trần trụi, xấu xa, qua đó nói lên những gì cần nói. Dùng hài hước để nói đến những thứ chẳng đẹp đẽ gì như cái chết, làm người đọc cảm thấy bất an nhưng vẫn nhẹ nhàng là một đặc điểm của trường phái Black Humor, mà những tác giả hậu bối tiêu biểu như Joseph Heller, Thomas Pynchon hay Kurt Vonnegut đã chịu ảnh hưởng ít hay nhiều từ Candide.
Tóm lại, đối với độc giả đương đại hoặc ít ra là người mới đọc sách như tôi, Candide là một truyện đáng chú ý nhưng nhìn chung vẫn có vẻ xa lạ. Những sự kiện, triết lý để cập trong sách một số vẫn còn giá trị vì phản ánh thời đại Voltaire sống nhưng phần nhiều đã lỗi thời. Dù sao, ta phải thán phục tài năng và sự thông minh của Voltaire trong việc xây dựng nên một câu chuyện tình tiết dồn dập, ly kỳ, dễ theo dõi để nói lên những tư tưởng sâu sắc, những phê phán chua cay, ngang tàn của ông. Candide Chàng Ngây Thơ là một cuốn sách quan trọng nên đọc.
Việt Lê
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Truyện của Voltaire, nhất là Candide hay Zadig, thường được gọi là "truyện triết học" (récit philosophique), phần "truyện" nhỏ hơn phần "triết học".
ReplyDeleteNhưng phải nói là đọc Voltaire bị kích thích ghê gớm về mặt đầu óc, nhất là nếu đọc khi ta còn trẻ :p tks.
Không còn trẻ lắm nhưng chưa đọc nhiều sách thì khi đến với tác phẩm có kích thích như vậy ko bác? Hihi.. Hy vọng em có hứng và thời gian đọc thêm về Voltaire. Cám ơn bác Nhị Linh, đọc Lời giới thiệu của bác em biết thêm nhiều info thú vị.
Delete