Nếu đã từng đọc Animal Farm (Trại Súc Vật) trước khi đến với 1984, chắc ai cũng dễ mang một số kỳ vọng nhất định rằng 1984 sẽ là một Animal Farm nối dài hoặc mở rộng. Điều này càng được củng cố khi những hình ảnh quen thuộc của Big Brother với bộ ria mép và gương mặt "phản động" Goldstein xuất hiện trong những chương đầu sách, làm ta liên tưởng đến Stalin và đối thủ Trotsky. Tuy nhiên, khác với Animal Farm lấy gần như nguyên mẫu giai đoạn biến chất của Cách mạng Liên Xô dưới thời Stalin, 1984 mang tính chất một tiểu thuyết thuần túy hơn.
Trong 1984, những sự vật, hiện tượng không lấy hình mẫu hoàn toàn từ lịch sử thực tế như kỳ vọng ban đầu của độc giả như nói ở trên. Oceania không phải là Liên bang Xô viết, càng không phải nước Anh. Đảng (The Party) trong sách chưa chắc là Đảng Cộng sản Liên Xô, cũng không hẳn là Đảng Phát xít như nhiều người liên tưởng. Nói chung, Orwell muốn nói đến chủ nghĩa toàn trị, tức là đứa con vô lại được sinh ra từ bất cứ chế độ độc tài nào đó trên thế giới này.
Ở đây, chủ nghĩa toàn trị đã được Orwell đẩy đến cùng. Trong thế giới của 1984, ba quốc gia còn sót lại trên địa cầu đều áp dụng chủ nghĩa toàn trị và không khác gì nhau trong cả mục đích lẫn phương pháp. Đời sống thường nhật của từng cá nhân bị giám sát chặt chẽ dưới những ống kính vừa có thể ghi hình vừa có thể phát thanh. Đằng sau ống kính là những lực lượng Công an Tư tưởng (Thoughtpolice) sẵn sàng phân tích từng cử chỉ, hành động của con người để đàn áp. Đời sống xã hội của 1984 là một cơn ác mộng thật sự trong đó con người cho dù yêu hay ghét đều phải đeo lên mặt một mặt nạ phục tùng. Kinh tế bao cấp, nhu yếu phẩm được phát theo khẩu phần và thường bị cắt giảm. Rượu gin kiểu hợp tác xã, bánh mì đen. Sản phẩm bao cấp chất lượng vứt đi nhưng không có lựa chọn khác. Tự do không tồn tại ở đây. Dối trá, nghi ngờ, phản bội, hận thù đi đôi với cuộc sống hàng ngày. Phát ngôn, hành động đều phải theo đường lối. Những kẻ bộc lộ cho dù một cử chỉ chống đối nhỏ nhất cũng không sớm thì muộn sẽ bị "biến mất". Nhiều khi người ta không rõ những kẻ bị cho "biến mất" ấy có thực sự là thành phần chống đối hay không. Tóm lại, đời sống vật chất và tinh thần của con người ở đây bị chèn ép đến ngạt thở.
Có thể nói, cuốn sách này khá nặng nề với những đoạn đối thoại hầu như hiếm khi xảy ra; thêm vào đó là cốt truyện đơn giản nên dễ làm nản lòng người đọc thiếu kiên nhẫn. Hết chương này qua chương khác, đặc biệt là đoạn giữa sách, người đọc như tôi có cảm giác đã đi khá xa rồi nhưng cái viễn cảnh sẽ không đi tới đâu càng hiện rõ trước mắt. Tuy nhiên, bút pháp của Orwell đã giữ ta không đóng sách lại. Nếu kiên nhẫn đọc kỹ, ta sẽ không thất vọng vì lối kể chuyện khá thú vị và thông minh. Ngoài ra, nếu thích nghiên cứu triết học hay chính trị, có thể bạn sẽ thích nghiền ngẫm những đoạn trích từ "the book" của Goldstein. Đó cũng là cái nhìn nhiều người nói là mang tính tiên tri của Orwell về một tương lai u ám của thế giới nếu chủ nghĩa toàn trị có điều kiện đi đến cùng.
Xin nói thêm về tính tiểu thuyết của 1984. Đoạn tra tấn tẩy não cuối sách có phần cường điệu hóa của Orwell đã một lần nữa xác định hùng hồn rằng đây không phải là một cuốn sách liệt kê ra từng ám chỉ ấn dụ về các sự kiện thực tế đã hoặc đang diễn ra mà người đọc cố công đi tìm và so sánh. Đây không phải hoàn toàn giống như những phương pháp cai trị của chế độ Cộng sản hay Phát xít. Với những gì tôi đã đọc được, tôi thấy chẳng bao giờ những chế độ toàn trị độc tài "rảnh" đến nỗi phải bỏ công tẩy não một kẻ chống đối như vậy. Ở đây, Ministry of Love, cơ quan đảm nhận việc tẩy não Winston Smith thật sự muốn khuất phục kẻ chống đối, muốn kẻ thù phải thất bại đến tận xương tủy; cho dù họ hoàn toàn có thể búng tay là có thể làm cho Winston Smith biến mất khỏi cuộc đời này. Có thể nói, Orwell đã lãng mạn hóa chủ nghĩa toàn trị đến một mức độ vượt khỏi tưởng tượng của người thường nhưng vẫn rất gần với thực tế. Theo tôi, đây mới là điểm làm cho cuốn 1984 trở thành một cuốn sách lớn. Những ngộ nhận về 1984 là một cuốn sách văn học biểu tượng của phong trào chống Cộng đơn giản chỉ là do những nỗ lực chính trị hóa văn học của nhà trường Mỹ trong cuộc Chiến tranh Lạnh. Đây không phải là ý muốn của Orwell khi viết 1984, như nhà văn Christopher Hitchens chuyên nghiên cứu về Orwell đã cho biết.
Việt Lê
No comments:
Post a Comment