Monday, December 10, 2012
Thượng Đế Thì Cười - Nguyễn Khải
Trước khi đọc cuốn này, tôi đã được biết lơ mơ đến ông Nguyễn Khải qua một bài viết của Vương Trí Nhàn. Đại loại có đoạn chỉ trích hơi gay gắt. Thế là thành kiến với ông Nguyễn Khải, có lẽ lại là một Tố Hữu, một Chế Lan Viên, một Hoài Thanh nữa chăng?
Đọc bài viết ngắn về Nguyễn Khải của Nguyên Ngọc nằm ở những trang cuối sách trước tiên, người ta dễ có cảm giác ừ thì bạn bè thân viết về nhau hẳn phải nói tốt. Rất bình thường thôi. Nhưng quay lại những trang ấy khi đã đọc hết tác phẩm, tôi thấy rõ rằng ông Nguyên Ngọc viết rất xác đáng, rất trung thực về bạn mình: "...sự trung thực, cả điều gọi là dũng khí của nhà văn chủ yếu phải là ở trong sáng tác của anh, chứ không phải là, chỉ là trong ứng xử hằng ngày ở đời của anh."
Cuốn sách là một tuyển tập, trong đó phần đầu gồm nhiều truyện ngắn, tạp văn và hơn 250 trang cuối là truyện dài Thượng đế thì cười. Đây thật ra giống một hồi ký, tự sự, nhìn lại cuộc đời hơn là một tiểu thuyết. Tác giả kể từ xa đến gần, tự xưng mình là "hắn".
Thẳng thắn mà nói, những tạp văn đầu sách tuy đọc được nhưng không có gì đặc biệt; còn hồi ký Thượng đế thì cười sa đà vào những kể lể cá nhân quá mức, nhiều đoạn làm người đọc khó chịu. Khi đọc được 1/3 sách, chân dung Nguyễn Khải hiện lên như một con người đạo đức giả, luôn muốn tự nhận mình là người kém tài, kém tháo vát, thích dĩ hòa vi quý, không muốn làm quan và không muốn làm hại ai. Vậy mà chính ông đã cho biết rằng mình bị nhiều bạn văn căm giận, gọi là "tên đao phủ". Như thế đủ biết Nguyễn Khải đã có thời nịnh bợ, o ép đồng chí, đồng nghiệp của mình như thế nào. Về gia đình, Nguyễn Khải hơn một lần càm ràm về bà vợ đã thất tuần mà vẫn đòi hỏi sự quan tâm của chồng, cũng như luôn sợ chồng phản bội. Bà vợ tuy tháo vát nhưng gốc nhà quê, nhiều lần làm ông xấu hổ trước bạn bè. Những chi tiết nên để trong nhật ký cá nhân hơn là viết cho thiên hạ đọc. Rồi đến những đoạn kể về cha mẹ ruột, những người không rõ đối xử với ông tệ như thế nào mà cũng hơn một lần Nguyễn Khải đã nhắc đến họ một cách hằn học, và nhắc về thời niên thiếu của mình một cách đầy cay đắng. Giống như kiểu người thanh niên gương mẫu phải phủ định quá khứ tiểu tư sản của mình. Đọc đến đó, tôi nghĩ ai cũng có ý định xếp xó cuốn sách này cho rồi. Nhưng ý định đó của tôi không thực hiện được, vì cứ tối nào mệt, chỉ muốn đọc để ru ngủ thì tôi lại cầm cuốn ấy lên đọc tiếp.
Nhìn lại, rõ ràng đọc hết cuốn sách này không phí thời gian chút nào. Khi bình tâm, tạm quên những thành kiến, tôi càng đọc càng thấy thông cảm với Nguyễn Khải. Những yêu ghét, gay gắt cá nhân đã làm tôi khó chịu, nếu đánh giá cho đúng cũng đều rất con người. Vấn đề là không ai muốn nói những chuyện không ai muốn biết ấy, đặc biệt trong một cuốn sách văn học, nhưng Nguyễn Khải vẫn chọn cách nói ra, nói hết, nói nguyên vẹn. Tình cảm lúc ấy của ông đối với sự việc như thế nào thì mấy mươi năm sao ông cũng kể lại y như vậy. Không phải vì ông muốn tỏ ra thành thật để xin xỏ lòng cảm thông của bạn đọc, như suy đoán ban đầu của tôi về một con người đạo đức giả, mà ở đây ông thành thật một cách rút ruột, rút gan, vắt kiệt tất cả để phơi bày hoàn toàn những cái xấu, những méo mó của bản thân. Như một nỗ lực làm con người trung thực lần cuối. Còn việc phán xét thế nào là tùy cảm nhận của bạn đọc.
Không rõ những tác phẩm khác của Nguyễn Khải như thế nào, nhưng đọc một đoạn tả cảnh khi ông theo xe quân đội đi thực tế chiến trường, tôi thấy một Nguyễn Khải khác hẳn cái ông già nhì nhằng, kể lể của Thượng đế thì cười. Quả thật, ông là một nhà văn có nghề. Giọng văn kể chuyện rành rọt, tuôn chảy liên tục như dòng suối, không hề vấp váp, khiến người đọc như chiếc lá cứ phải trôi hoài theo dòng chảy về phía trước. Có lẽ cái tài của Nguyễn Khải là ở đó? Ngoài ra, cuốn sách này có lẽ thuộc loại không cần phải đọc, trừ khi bạn tò mò về cuộc đời Nguyễn Khải.
Việt Lê
Labels:
Sách
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Cái tủ sách này của Trẻ em chỉ mới đọc Nỗi buồn chiến tranh :)
ReplyDeleteAnh cũng mới đọc Nỗi buồn chiến tranh và Nguyễn Khải. Nguyễn Huy Thiệp đọc dang dở. :)
Deletevề quyển này có chi tiết này hay này :p
ReplyDeletehttp://nhilinhblog.blogspot.com/2012/07/nguyen-khai.html#comment-form
Anh Nhị Linh, lúc đọc em cũng có cảm giác bị cắt xén vì có những đoạn nhạy cảm, đang đọc trơn tru bỗng hẫng cái ụych. Nhưng nói chung, vẫn còn nhiều đoạn nhận xét rất thẳng thừng của Nguyễn Khải. Ổng còn một cái hay là thích kể lể, càm ràm về chuyện gia đình, có vẻ chuyện cá nhân vớ vẩn, nhưng thật ra là đang ví von "nhạy cảm". Ví dụ như than phiền về vai trò của người chồng (như nhà nước) với người vợ (như nhân dân), khá là thâm. :D
DeleteĐặc điểm NK là thâm mà. Ông ấy có triết lý ghét thằng nhà văn (trẻ) nào thì khen thật lực cho nó chết bớt đi :p
Delete