Thursday, October 24, 2013

Winesburg, Ohio - Sherwood Anderson



Winesburg, Ohio có thể xem như một tập truyện ngắn với 21 câu chuyện về những mảnh đời khác nhau trong một thị trấn vùng Midwest nước Mỹ. Cuốn sách như một bức tranh miền quê, tiềm tàng dưới màu sắc hiu quạnh là một sức bộc phát mạnh mẽ, một nét đẹp được cho là mang hơi hướng nghệ thuật Biểu Hiện (Expressionist art). Tuy nhiên, nét đẹp ẩn giấu này thực sự khó tiếp cận với cách viết không cần cốt truyện của Sherwood Anderson.

Trong câu chuyện mở đầu, người kể cho ta biết không có một thực tế nhất định, thay vào đó có nhiều cách nhìn đời khác nhau, mà cách nhìn nào cũng hợp lệ. Nhưng con người chỉ muốn nhìn đời từ một điểm cố định. Cái nhìn lệch lạc về thế giới này làm biến dạng hình người, và làm mỗi người biến thành một grotesque, một nhân vật bị vẽ méo mó đi, kiểu như những hình vẽ trên hang đá thời tiền sử (chữ grotesque từ grotto là hang động). Winesburg, Ohio kể về những nhân vật như vậy.

Có quá nhiều nhân vật trong 21 câu chuyện của Winesburg; nhiều nhân vật được mô tả nhạt nhòa nên thật khó nhớ tên. Tuy nhiên, một số nhân vật được vẽ đúng như một grotesque với những méo mó, ẩn uất khá ấn tượng. Các câu chuyện của từng số phận đều tách biệt, chỉ liên hệ với nhau qua George Willard, một nhà báo trẻ chuyên đi nghe ngóng tin tức của thị trấn. Hầu như mọi người trong Winesburg đều tìm đến George Willard, hoặc George Willard tìm đến họ, để trút bầu tâm sự và phần lớn những cao trào, những bộc phát hay ho đều xuất phát từ đây.

Anderson cho biết mục đích viết của ông là đem lên bề mặt những chiều sâu bị ẩn giấu của suy nghĩ và cảm xúc trong từng nhân vật, những đại diện cho lớp người Mỹ thời đại của ông. Anderson cho rằng trong mỗi con người là một giếng sâu của suy tưởng mà trên đó đậy chặt một cái nắp sắt nặng nề. Nhiệm vụ của người nghệ sĩ là phá vỡ cái nắp đậy này để một sự giải phóng, vượt thoát xảy ra. Do đó, ông viết những truyện ngắn không cốt truyện, chủ yếu tập trung vào một khoảnh khắc dữ dội của cảm xúc. Những khoảnh khắc này, như một sự khai minh, một giây phút bùng thoát, phá vỡ bề mặt nhàm chán, là điểm đặc sắc của Winesburg: một phụ nữ chạy trần truồng trên cỏ trong mưa, một linh mục đấm vỡ cửa kính nhà thờ, một tiếng gào thét giải tỏa trong đêm tối, một cú đấm nổ đom đóm từ sự dồn nén, ẩn uất, v..v.. Những câu chuyện Winesburg làm nên sức mạnh từ những hình ảnh phóng đại, biến dạng mà qua đó một nhân vật được bộc lộ thấu suốt tâm can hoặc một tiếng thét của đau đớn, ẩn uất được nghe thấy. Theo một số người, "Expressionism" là từ thích hợp để nói về nghệ thuật của Anderson. Vì cũng như một số nghệ sĩ sân khấu và hội họa cùng thời, Anderson chọn cho mình cách diễn tả nghệ thuật bằng sự biểu hiện ra bên ngoài những tình cảm riêng tư nhưng dữ dội của cả người nghệ sĩ và nhân vật.

Một trong những chi tiết ngoại hình nhân vật làm nên đặc sắc của nghệ thuật Biểu Hiện trong Winesburg là đôi tay. "Hands" là tựa đề của câu chuyện đầu tiên, một bi kịch của người thầy giáo tiểu học, người luôn cố vươn ra, với đến và chạm vào người khác qua đôi bàn tay, nhưng mục đích lại bị hiểu lầm. Ở một chuyện khác, đôi tay của Wing Biddlebaum được miêu tả như đôi cánh chim bị cầm tù. Trong "Respectability", nhân vật Wash Williams trông như một con khỉ đột xấu xí, dơ bẩn, ngay cả tròng trắng mắt của hắn nhìn cũng dơ. Tuy nhiên, hắn lại chăm sóc kỹ đôi tay, bộ phận duy nhất trên người hắn lành lặn và nhạy cảm. Ở đây, đôi bàn tay bộc lộ nhu cầu sâu sắc của mỗi cá nhân để vươn ra, liên kết với chung quanh. Có lẽ không có hình ảnh nào ấn tượng hơn đôi tay của linh mục Curtis Hartman, người đã đấm vỡ cửa kính nhà thờ trong một phút giây bùng phát cảm xúc, khi thử thách giữa dục vọng cô đơn và sự bó buộc tôn giáo đẩy ông đến giới hạn. Đôi tay đẫm máu của linh mục và những đôi bàn tay khác của Winesburg đại diện cho nỗi thèm khát ngặt nghèo của những nhân vật trong nỗ lực vươn ra, kết nối với thế giới bên ngoài.

Tóm lại, Winesburg, Ohio có thể là một cuốn sách chán và tối tăm, nhưng vẫn có nhiều khoảnh khắc đáng giá. Trong thực tế, đây là một tác phẩm có ảnh hưởng trong văn chương Mỹ. John Updike cho rằng niềm say mê của Anderson trong việc theo đuổi những ẩn uất trong thị trấn miền quê Ohio đã mở ra những Michigan của Hemingway và Mississippi của Faulkner.

VL

Thursday, October 10, 2013

Metamorphosis (Hóa Thân) - Franz Kafka


Với tôi, lần đọc Nguyễn Huy Thiệp cách đây hơn 2 năm và Kafka cách đây không lâu là hai lần được khai sáng trong việc đọc văn chương với những ấn tượng nặng nề. Tác phẩm Kafka không nhiều nhưng toàn kiệt tác, trong số đó nổi bật nhất chắc hẳn là truyện Metamorphosis, hình như được dịch ra tiếng Việt là Hóa thân?


Trong những bản tiếng Anh mà tôi có thì bản dịch của anh em Willa và Edwin Muir có lẽ nổi tiếng nhất, vì chính họ đã dịch Kafka từ tiếng Đức sang tiếng Anh từ rất sớm. Bản dịch của hai anh em Muir đang được Vintage sử dụng và đây cũng là bản tôi đọc. Sau đó tôi có xem sơ qua những bản dịch khác thì thấy văn phong hầu như không thay đổi, ngoại trừ cách chọn từ ví dụ như “insect” thay bằng “vermin”, v..v.. Bài này sẽ nói về đoạn mở đầu ấn tượng của truyện và hai sự giống nhau của Hóa thân với những truyện khác trong quá khứ. Những điểm này được bàn đến trong các bài phê bình trong cuốn Norton hình trên.

Metamorphosis là một câu chuyện hóa thân với những chồng chéo nhân dạng và những hình ảnh ẩn dụ có nhiều cách hiểu. Suốt truyện từ mở đầu đến kết thúc không có bất cứ giải thích nào về việc tại sao Gregor lại biến thành côn trùng. Rõ ràng, điều này không quan trọng đối với Kafka, và hơi có màu sắc hư vô, siêu thực, rất Kafkasque. Đoạn đầu của Hóa thân là những trang viết thiên tài. Dòng nhận thức của nhân vật chính Gregor cuốn quắp nhận thức của độc giả trôi đi một cách quái đản và rất tự nhiên. Không rõ nguyên bản thế nào, nhưng Anh ngữ rõ ràng quá thích hợp để diễn văn Kafka với những mô phạm trong cấu trúc câu và sự chính xác của từ ngữ, từ đó toát lên vẻ chính thống/mỉa mai đặc trưng của giọng văn Kafka, mà ta có thể thấy rõ hơn trong In The Penal Colony.

Phần lớn sự mỉa mai và đặc sắc của truyện này nằm trong phân cảnh Gregor nỗ lực tìm cách ra khỏi giường. Hình hài côn trùng quái đản của mình làm anh ta thật khó xoay trở. Nhưng dòng suy tưởng của Gregor chỉ hướng đến công việc và nỗi lo lắng lớn nhất của Gregor là với hình dạng mới sẽ làm anh ta trễ chuyến tàu đến sở làm. Dòng nhận thức của Gregor quá tỉnh bơ và phi lý. Chẳng lẽ sự hóa thân từ người thành bọ chưa đủ kinh khủng, chấn động để đầu óc tập trung vào đó? Chi tiết này làm người đọc mất thoải mái và phải tư duy. Hình ảnh người/bọ này được giới khoa bảng mổ xẻ phức tạp với những giả thiết về nhân dạng kép; hay hình ảnh này được xem như một cuộc hóa thân chưa hoàn toàn với tâm trí và thể xác vẫn còn thuộc về hai bản thể tách biệt của người và bọ (cuộc hóa thân tiếp tục theo thời gian khi Gregor dần quên đi tính người và hoàn tất ở cuối truyện).

Lời giải thích cho sự phi lý trong suy nghĩ của Gregor lúc vừa tỉnh dậy chỉ có thể từ lối sống công nghiệp máy móc. Kể từ cuộc cách mạng công nghiệp ở phương Tây, lối sống căng thẳng đã biến đổi một số người. Họ bị huấn luyện để nỗi sợ bị mất việc lấn át những nhu cầu bản thân. Thiếu tôn trọng bởi người chủ, họ trở thành những cái máy, những thân phận bị ruồng rẫy, những kẻ ngoại cuộc. Ở đây, Gregor trở nên một cỗ máy tự động, chạy theo quán tính đến nỗi anh ta không thể thấy được ngay cả sự hóa thân của mình. Rõ ràng đây là một quá trình giải nhân, phá vỡ con người.


Khá thú vị là hình ảnh hóa thân trong Metamorphosis có thể làm liên tưởng đến một truyện sớm hơn của Kafka là Wedding Preparations in the Country. Trong truyện này nhân vật Eduard Raban tưởng tượng anh ta phân thân ra làm hai bản thể khác nhau: một con bọ khổng lồ trùm chăn nằm nhà còn lớp vỏ con người đi về miền quê để làm đám cưới. Cái lạ ở đây là bản thể của Raban dưới dạng con bọ đem đến cảm giác bảo vệ, ấm áp chứ không hề gớm ghiếc. Raban cảm thấy là chính mình dưới lớp vỏ cứng, trần trụi, nhưng thỏa mãn, còn lớp vỏ con người như một bộ cánh rỗng ruột, không ý nghĩa, vô dụng, thay mặt anh ta hòa vào dòng chạy đông đúc của những bộ cánh khác để thực hiện những giao tiếp xã hội. Có thể, Metamorphosis đang biến giấc mơ của Raban (hoặc Kafka) thành hiện thực.


Một phân tích lạ khác cũng liên quan đến giấc mơ thú vật này là hình ảnh người đàn bà khoác lông thú được lồng vào khung tranh treo trang trọng trong phòng Gregor. Nhiều nghiên cứu chỉ ra sự trùng hợp giữa hình ảnh người phụ nữ lông thú, cũng như một phần cốt truyện Hóa thân, với tác phẩm Venus in Furs (1870) của Sacher-Masoch. Điểm mấu chốt ở đây là sự giống nhau giữa hình ảnh lông thú trong hai tác phẩm. Lông thú ở đây là ẩn dụ cho sự thèm khát giới tính, có thể hiểu theo Freud khi lông thú gợi cho bái vật (fetish) nhớ đến bộ phận sinh dục người mẹ và chùm lông. Do đó, Gregor có thể chất chứa một thèm khát tình ái nam nữ qua việc nâng niu, cắt và đóng khung bức hình người phụ nữ khoác lông thú. Khung hình này thể hiện sự ngăn cách nỗi thèm khát của Gregor với giấc mơ nam nữ, vì ta được biết trong truyện rằng anh vẫn còn độc thân. Hơn nữa, việc đóng khung bức hình như là nâng hình ảnh người đàn bà lên tầm của một thứ nghệ thuật mà Gregor không thể thực sự với tới. Trong đoạn mẹ và em gái Gregor dọn phòng và đem đồ đạc của anh ta đi, Gregor gấp gáp chọn một thứ đồ để bảo vệ, và bản năng khiến anh chọn bức hình đóng khung. Gregor, dưới hình dạng một con bọ/gián khổng lồ, dán mình lên mặt kiếng của khung hình để ngăn người ta đem nó đi. Ở đây, tiếp xúc thân xác với nghệ thuật khiến Gregor thỏa mãn khoái cảm, khi mặt bụng nóng hổi của thân xác bọ dán lên mặt kiếng mát lạnh của khung hình người đàn bà lông thú. Chính cái lớp kiếng ngăn cách Gregor với hình ảnh nghệ thuật, với thèm khát nam nữ, lại chính là nguồn khoái cảm. Điều này có thể làm người đọc liên tưởng đến những kỳ quái trong cuộc đời Kafka, khi ông có vẻ luôn cố tình tạo ra những hoàn cảnh khó khăn để phục vụ cho cảm hứng văn chương của mình. Những ví dụ khá rõ là quan hệ cha con và quan hệ nam nữ (những lèng èng với Felice, vị hôn thê năm lần bảy lượt) của Kafka.

VL