Thursday, October 24, 2013

Winesburg, Ohio - Sherwood Anderson



Winesburg, Ohio có thể xem như một tập truyện ngắn với 21 câu chuyện về những mảnh đời khác nhau trong một thị trấn vùng Midwest nước Mỹ. Cuốn sách như một bức tranh miền quê, tiềm tàng dưới màu sắc hiu quạnh là một sức bộc phát mạnh mẽ, một nét đẹp được cho là mang hơi hướng nghệ thuật Biểu Hiện (Expressionist art). Tuy nhiên, nét đẹp ẩn giấu này thực sự khó tiếp cận với cách viết không cần cốt truyện của Sherwood Anderson.

Trong câu chuyện mở đầu, người kể cho ta biết không có một thực tế nhất định, thay vào đó có nhiều cách nhìn đời khác nhau, mà cách nhìn nào cũng hợp lệ. Nhưng con người chỉ muốn nhìn đời từ một điểm cố định. Cái nhìn lệch lạc về thế giới này làm biến dạng hình người, và làm mỗi người biến thành một grotesque, một nhân vật bị vẽ méo mó đi, kiểu như những hình vẽ trên hang đá thời tiền sử (chữ grotesque từ grotto là hang động). Winesburg, Ohio kể về những nhân vật như vậy.

Có quá nhiều nhân vật trong 21 câu chuyện của Winesburg; nhiều nhân vật được mô tả nhạt nhòa nên thật khó nhớ tên. Tuy nhiên, một số nhân vật được vẽ đúng như một grotesque với những méo mó, ẩn uất khá ấn tượng. Các câu chuyện của từng số phận đều tách biệt, chỉ liên hệ với nhau qua George Willard, một nhà báo trẻ chuyên đi nghe ngóng tin tức của thị trấn. Hầu như mọi người trong Winesburg đều tìm đến George Willard, hoặc George Willard tìm đến họ, để trút bầu tâm sự và phần lớn những cao trào, những bộc phát hay ho đều xuất phát từ đây.

Anderson cho biết mục đích viết của ông là đem lên bề mặt những chiều sâu bị ẩn giấu của suy nghĩ và cảm xúc trong từng nhân vật, những đại diện cho lớp người Mỹ thời đại của ông. Anderson cho rằng trong mỗi con người là một giếng sâu của suy tưởng mà trên đó đậy chặt một cái nắp sắt nặng nề. Nhiệm vụ của người nghệ sĩ là phá vỡ cái nắp đậy này để một sự giải phóng, vượt thoát xảy ra. Do đó, ông viết những truyện ngắn không cốt truyện, chủ yếu tập trung vào một khoảnh khắc dữ dội của cảm xúc. Những khoảnh khắc này, như một sự khai minh, một giây phút bùng thoát, phá vỡ bề mặt nhàm chán, là điểm đặc sắc của Winesburg: một phụ nữ chạy trần truồng trên cỏ trong mưa, một linh mục đấm vỡ cửa kính nhà thờ, một tiếng gào thét giải tỏa trong đêm tối, một cú đấm nổ đom đóm từ sự dồn nén, ẩn uất, v..v.. Những câu chuyện Winesburg làm nên sức mạnh từ những hình ảnh phóng đại, biến dạng mà qua đó một nhân vật được bộc lộ thấu suốt tâm can hoặc một tiếng thét của đau đớn, ẩn uất được nghe thấy. Theo một số người, "Expressionism" là từ thích hợp để nói về nghệ thuật của Anderson. Vì cũng như một số nghệ sĩ sân khấu và hội họa cùng thời, Anderson chọn cho mình cách diễn tả nghệ thuật bằng sự biểu hiện ra bên ngoài những tình cảm riêng tư nhưng dữ dội của cả người nghệ sĩ và nhân vật.

Một trong những chi tiết ngoại hình nhân vật làm nên đặc sắc của nghệ thuật Biểu Hiện trong Winesburg là đôi tay. "Hands" là tựa đề của câu chuyện đầu tiên, một bi kịch của người thầy giáo tiểu học, người luôn cố vươn ra, với đến và chạm vào người khác qua đôi bàn tay, nhưng mục đích lại bị hiểu lầm. Ở một chuyện khác, đôi tay của Wing Biddlebaum được miêu tả như đôi cánh chim bị cầm tù. Trong "Respectability", nhân vật Wash Williams trông như một con khỉ đột xấu xí, dơ bẩn, ngay cả tròng trắng mắt của hắn nhìn cũng dơ. Tuy nhiên, hắn lại chăm sóc kỹ đôi tay, bộ phận duy nhất trên người hắn lành lặn và nhạy cảm. Ở đây, đôi bàn tay bộc lộ nhu cầu sâu sắc của mỗi cá nhân để vươn ra, liên kết với chung quanh. Có lẽ không có hình ảnh nào ấn tượng hơn đôi tay của linh mục Curtis Hartman, người đã đấm vỡ cửa kính nhà thờ trong một phút giây bùng phát cảm xúc, khi thử thách giữa dục vọng cô đơn và sự bó buộc tôn giáo đẩy ông đến giới hạn. Đôi tay đẫm máu của linh mục và những đôi bàn tay khác của Winesburg đại diện cho nỗi thèm khát ngặt nghèo của những nhân vật trong nỗ lực vươn ra, kết nối với thế giới bên ngoài.

Tóm lại, Winesburg, Ohio có thể là một cuốn sách chán và tối tăm, nhưng vẫn có nhiều khoảnh khắc đáng giá. Trong thực tế, đây là một tác phẩm có ảnh hưởng trong văn chương Mỹ. John Updike cho rằng niềm say mê của Anderson trong việc theo đuổi những ẩn uất trong thị trấn miền quê Ohio đã mở ra những Michigan của Hemingway và Mississippi của Faulkner.

VL

No comments:

Post a Comment