Monday, July 23, 2018

Stalingrad - Trận chiến định mệnh - Antony Beevor




Kể lại lịch sử bằng những câu chuyện cá nhân? Hay đặt góc nhìn người trong cuộc để kể chuyện? Không có gì mới với người đọc yêu thích sách quân sử.

Đương nhiên cần trân trọng nỗ lực của một số sử gia khi biến tư liệu khô khan trở nên những câu chuyện dễ đọc. Tuy vậy, tôi đã quá ngán với các thể loại làm mềm đến mức như tiểu thuyết hóa, ví dụ rõ nhất là Cornelius Ryan trong The Longest Day, tới Stephen Ambrose trong Band of Brothers, rồi gần đây nhất là Huế 1968 của Mark Bowen. Số ít người đọc với nhu cầu tìm hiểu về trận đánh với phân tích sâu về chiến lược - chiến thuật chắc chắn không muốn mất quá nhiều thời gian lướt qua những trang viết lan man toàn những câu chuyện cá nhân. Cuốn Stalingrad của Antony Beevor không hẳn là đi vào lối mòn đó. Beevor cũng là tác giả cuốn Ardennes 1944 (hay Battle of the Bulge) – một cuốn sách viết không được hay lắm vì làm người đọc rối mù cả lên. Tuy nhiên Stalingrad – Trận chiến định mệnh có vẻ cân bằng được phân tích chiến sự và chuyện kể cá nhân, vẫn giữ được lớp xương sống diễn biến tuyến tính khi khai triển câu chuyện, vừa đủ hấp dẫn cho dân ghiền vừa đảm bảo sức hút đại chúng.

Beevor là một trong số ít tác giả phương Tây tiếp cận với nguồn tư liệu lưu trữ của Nga đầu tiên, ngay sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt. Không rõ có phải vì lý do này, có cảm giác như Beevor xây dựng toàn bộ cuốn sách dựa trên những tư liệu của Nga. Thông tin của phe Đức như làm nền cho câu chuyện Sô viết. Người đọc có thể nhận thấy Beevor không đủ tư liệu để đánh giá rõ những gì diễn ra ở bộ chỉ huy Hồng quân, nhưng ông dư thừa những câu chuyện chiến hào. Đánh giá này không đúng nếu Beevor thực ra đã chọn ưu tiên khai thác tư liệu để tìm hiểu tâm tư người lính, thay vì ưu tiên phân tích chiến lược. Dù sao đi nữa, có thể nói Beevor ưu ái cho Hồng quân hơn quân Đức trong cuốn sách này.

Đọc về trận Stalingrad nói riêng, hay mặt trận phía Đông nói chung, dễ thấy cuộc đối đầu Đức – Liên Sô chủ yếu là cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa hai gã độc tài quân sự: Hitler và Stalin. Nhưng nếu cả hai đều thích áp đặt, từ đó dẫn đến những thất bại ghê hồn trên chiến trường, thì ít ra Stalin vẫn là người chịu lắng nghe khi mình sai, không như Hitler.

Do đó, bước ngoặt của chiến trường phía Đông là khi Hitler quyết định điều chỉnh kế hoạch của chiến dịch Blau, khiến cụm tập đoàn quân phía Nam phải chia lực lượng ra làm hai để tiến đánh Stalingrad và vùng Kavkaz. Thay vì tuân thủ kế hoạch ban đầu tiến đánh Stalingrad trước, rồi vòng xuống Rostov để chiếm vùng Kavkaz nhiều mỏ dầu. Nếu chiến dịch Blau được tuân thủ đúng hoạch định, Stalingrad đã bị một lực lượng cô đặc hơn tấn công và có thể đã thất thủ từ sớm. Lúc đó, quân Đức sẽ hiện diện ở bờ Đông sông Volga ngay trong mùa thu năm 1942 và cắt nước Nga ra làm hai phần Bắc và Nam không tiếp tế được nhau.

Tuy vậy, trận chiến Stalingrad cũng không cần phải xảy ra vì nơi này không phải là một điểm giao thông cần chiếm cho bằng được trên bản đồ của quân Đức. Stalingrad đã trở thành chiến địa hỏa ngục trần gian thu hút và chôn vùi hàng triệu quân hai bên và dân thường, chỉ vì một quyết tâm hoàn toàn mang hơi hướng cá nhân của Hitler.

Stalingrad là một thành phố với nhiều nhà máy công nghiệp hạng nặng trực tiếp sản xuất cung cấp cho chiến tranh. Thành phố nằm hoàn toàn trên bờ Tây sông Volga. Khi các lực lượng tiên phong của Tập đoàn quân số 6 và Tập đoàn Panzer (tăng) số 4 của Đức vượt sông Đông đến được cửa ngõ Stalingrad vào tháng 8 năm 1942, với độ cao của vùng bờ Tây, họ nhìn thấy một vùng rộng lớn bát ngát trải dài tới rặng Urals bên kia bờ sông Volga. Rất đáng tiếc khi sự lạc quan của quân Đức vào thời điểm này không kéo dài được lâu. Họ sớm được chứng kiến nguồn lực khủng khiếp của một nước gấu Nga khi bị dồn vào bờ vực tồn vong. Tập đoàn quân 62 của Phương diện quân Stalingrad lúc đó đã bị đánh tơi bời manh giáp, vẫn tiếp tục chiến đấu, khi tướng Chuikov lên thay làm Tư lệnh. Mặt trận Stalingrad vốn cũng là nơi mà những nhân vật lớn lao khác của Liên bang Sô viết tạo được dấu ấn lịch sử của mình: Tướng Zhukov và Chính ủy Khruschev.  

Đã có lúc xe tăng Panzer và bộ binh Đức đánh sát đến bờ sông và bến phà, nhiều cứ điểm đổi chủ hàng chục lần, thành phố Stalingrad trở thành một đống đổ nát lớn, hố bom chồng hố bom, nhưng lực lượng dự bị của Hồng quân vẫn tiếp tục đổ về từ phía Đông. Các sư đoàn Siberi và các sư đoàn quân trừ bị khác với đa số sắc dân Kazakh, Uzbek và đặc biệt là dân Tartar chiếm phần lớn quân tiếp viện từ hậu phương vượt sông Volga tham chiến ở Stalingrad.

Các sư đoàn Đức, đặc biệt là xe tăng, rơi vào trận địa Stalingrad buộc phải bỏ đi sở trường của mình để đánh theo kiểu cận chiến thí quân với Hồng quân trên đường phố. Với lợi thế vượt trội về không quân, quân Đức vẫn không cách chi dứt điểm được những ổ kháng cự được những sư đoàn thiện chiến quân Vệ binh (Guards) của Hồng quân phòng thủ một cách ngoan cường. Bộ chỉ huy Tập đoàn quân 62 của tướng Chuikov phải dời vị trí 4-5 lần nhưng trước sau vẫn trụ lại ở bờ Tây theo nghiêm lệnh của Stalin.   

Cũng như các lực lượng SS chuyên hành quyết dân Do Thái bên phía vùng chiếm đóng của Đức, quân NKVD của Nga cũng manh động không kém. Chỉ có khác là các sư đoàn NKVD vừa phòng thủ, vừa tiến hành trừng phạt những thành phần trở cờ trong hàng ngũ Hồng quân. Trong sách, Beevor cho biết đã có hàng chục ngàn quân Nga bị NKVD và sĩ quan Hồng quân hành quyết vì kỷ luật. Đoạn này bị độc giả phát hành cắt mất trong bản dịch.

Có lẽ do sự hà khắc của NKVD hoặc bất mãn có sẵn của quân lính một số nước thành viên trong Liên bang Sô viết, điển hình là Ukraine, đã có hơn 270 ngàn quân Ukraine được chiêu mộ từ trại tù binh và chiến đấu trong quân đội Đức. Những hàng binh này được gọi là “Hiwi” – trợ thủ Liên Sô. Thật không thể tin được là đã có lúc lực lượng Hiwi này chiếm đến ¼ quân số của Tập đoàn quân số 6, lực lượng chính bao vậy Stalingrad (trang 226). Nhiều nguồn tư liêu của Beevor cho biết đám hàng binh này thỉnh thoảng khá trung thành và chiến đấu rất lì trước quân Nga. Có lẽ họ biết rằng một khi về lại phía quân nhà thì trước sau gì cũng bị NKVD hành quyết theo mệnh lệnh “Not one step back” của 
Stalin trước đây, áp dụng cho cả những kẻ đào ngũ, hàng binh, và ngay cả tù binh.

Một câu chuyện cười ra nước mắt khi một phi công Nga nhảy dù cứ ngỡ là rơi vào phòng tuyến Đức và nhanh nhẩu xé thẻ đảng, vì anh bị tuyên truyền rằng quân SS sẽ xử tử ngay những đảng viên Cộng sản trong Hồng quân. Rốt cuộc anh cũng bị xử vì nơi anh đáp xuống là khu phòng tuyến của quân nhà chứ không phải quân Đức.

Đầu tháng 11, khi quân Đức bắt đầu sa lầy ở Stalingrad, Zhukov và các tướng lĩnh mở 2 chiến dịch lớn phản công trên mặt trận trung tâm và khu Nam. Chiến dịch Sao Thiên Vương gồm 2 mũi tấn công thọc sâu vào sau lưng địch. Xe tăng T-34 trứ danh của Liên Sô với diện tích mặt xích lớn để di chuyển trên tuyết được dịp tung hoành. Tập đoàn quân số 6 của Đức dưới sự chỉ huy bị động của tướng Paulus bị vây và cắt đứt với phần còn lại của Cụm tập đoàn quân Sông Đông.
Trong tình hình đó, Hitler ra lệnh cấm rút quân khiến Tập đoàn quân số 6 đành bó tay chờ chết ở Stalingrad trong suốt mùa đông. Đầu năm 1943, Cụm tập đoàn quân của Thống chế Manstein sau khi phản công giải cứu Paulus bị thất bại, đành phải lùi về phía Tây. Bị 6 tập đoàn quân Nga vây chặt, Tập đoàn quân số 6 của Paulus cuối cùng cũng đầu hàng vào đầu tháng 2 năm 1943.

Cần biết thêm, người đọc đã từng coi phim Enemy at the Gate (Jude Law đóng) – là một phim chiến tranh rất hay về Stalingrad - sẽ thấy người anh hùng bắn tỉa Vasily Zaitsev được đề cập đến trong cuốn sách của Beevor. Câu chuyện về cuộc đối đầu của Zaitsev và sĩ quan hiệu trưởng trường bắn tỉa của Đức ở Stalingrad qua lời kể của David Grossman, phóng viên chiến trường Nga, được Beevor xác nhận là không kiểm chứng được. Vì tư liệu phía Đức không cho thấy đã phái sĩ quan bắn tỉa nào sang Stalingrad để săn Valisy Zaitsev.

Cho dù những câu chuyện mang hơi hướm huyền thoại như trên có xảy ra hay không, thì không thể quên rằng đã có gần một triệu Hồng quân thương vong để kìm chân quân Đức ở Stalingrad, trong đó có hơn 400 ngàn lính tử vong. Đó là chưa kể số Hồng quân tổn thất ở các tập đoàn quân chung quanh và dân thường bỏ mạng ở Stalingrad. Stalingrad không phải là nơi đầu tiên mà quân Đức phải rút lui và thất bại (trước đó đã có một số trận thua ở Bắc Phi và Địa Trung Hải), mà là bước ngoặt đầu tiên của cuộc chiến khi toàn bộ quân Đức ở mặt trận phía Đông đang từ thế công như vũ bảo phải chuyển sang phòng thủ và rút lui. Tập đoàn quân 62 của Chuikov đã có lúc chỉ còn thoi thóp, sau chiến thắng Stalingrad được nâng cấp thành tập đoàn quân Vệ binh và cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong trận chiến cuối cùng ở Berlin, chủ đề một cuốn sách nổi tiếng khác của Antony Beevor.


 VL
  

Monday, July 16, 2018

100 Năm Phi Trường Tân Sơn Nhất - Tổng Hành Dinh MACV


Trụ sở MACV 1969, phía xa là phi trường Tân Sơn Nhứt - Hình: George Lane


Tổng hành dinh MACV và phi trường Tân Sơn Nhứt

Sau khi nền đệ nhất Cộng hòa sụp đổ ở miền Nam Việt Nam, Mỹ leo thang các hoạt động quân sự trên toàn Đông Dương. Hai cơ quan chỉ huy quân đội Mỹ là MAAG (Phái bộ Cố vấn Viện trợ Quân sự) và MACV (Bộ Chỉ huy Viện trợ Quân sự) thường dẫm chân lên nhau trước đây được nhập lại làm một để tăng hiệu năng công việc. Tướng nhảy dù Westmoreland từ phó được thăng lên Tư lệnh MACV thay tướng Harkins, người không tạo được phối hợp tốt với Đại sứ Mỹ Lodge trong thời gian trước đó.

Chính thức thành lập đầu năm 1962, MACV dùng chung tòa nhà với tổng hành dinh MAAG ở villa số 606 đường Trần Hưng Đạo hiện nay. Vài tháng sau, theo tốc độ bành trướng chóng mặt của bộ máy, MACV dời tổng hành dinh về tòa nhà số 137 Pasteur hiện nay. Đến khoảng đầu năm 1965 nhân sự MACV tăng gần gấp mười lần khi mới dọn vào 137 Pasteur, và nhân viên của họ phải trải khắp các tòa nhà ở trung tâm Sài Gòn. 

Theo cuốn MACV – The Joint Command in the Years of Escalation 1962 – 1967 của Graham Cosmas, từ tháng 3 năm 1965 tướng Westmoreland đã bắt đầu tìm địa điểm mới đủ rộng để đặt tổng hành dinh tập hợp toàn bộ các cơ quan của MACV. MACV có 2 phương án:

Option 1: Đặt tổng hành dinh trên một khu đất có sân bóng gần nhà ga dân sự của phi trường Tân Sơn Nhứt. Đây là địa điểm tối ưu nhất, vừa đáp ứng mong muốn rời xa trung tâm Sài Gòn vừa nằm gần Bộ Tổng tham mưu VNCH gần phi trường Tân Sơn Nhứt.

Tuy vậy, qua hai cuộc gặp gỡ giữa tướng Westmoreland với thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ, chính quyền VNCH từ chối cung cấp khu đất này. Theo Cosmas, lý do là vì TT Kỳ muốn để giành vị trí sân bóng cho một khách sạn sẽ xây dựng khi chiến tranh kết thúc.

Option 2: Tháng 10 1965 MACV cân nhắc đặt tổng hành dinh mới ở một khu đất 31 acre vuông dọc theo đường Petrus Ký (nay là đường Lê Hồng Phong) gần khu nhà ở của Ủy ban Giám sát Quốc tế Hiệp định Geneva (International Commission Control).

Tuy vậy, MACV luôn xem khu đất ở Petrus Ký là Option 2 vì: + phản đối của dân địa phương không muốn đặt tổng hành dinh quân sự Mỹ ở gần đó; + gần một khu chùa chiền Phật giáo nổi tiếng hay đối đầu với chính quyền Thiệu – Kỳ. Theo đó, vị trí khu đất này có thể nằm ở góc đường Lê Hồng Phong – Ba Tháng Hai hiện nay, vì nằm gần chùa Việt Nam Quốc tự (là trung tâm đấu tranh của Phật giáo dưới thời đệ Nhất CH).

Vị trí MACV 1967 - Hình: Cosmas
 
Cuối tháng 4 năm 1966, khi chính quyền VNCH bận tay xử lý phong trào Phật giáo và nổi loạn của quân đội ở Vùng 1 Chiến thuật, Đại sứ Lodge và tướng Westmoreland tái khởi động dự án Option 1 và tướng Kỳ phải đồng ý. Tháng 8 năm 1967 nhà thầu Mỹ hoàn tất xây dựng và MACV dọn vào tổng hành dinh mới.

Tổng hành dinh mới tốn 25 triệu USD xây dựng với nickname “Pentagon East”, có ý xem như Lầu Năm góc thứ hai ở phương Đông. Pentagon East là một khu phức hợp gắn điều hòa rộng bằng 1/3 tòa nhà Pentagon ở thủ đô Washington, với 12 acre vuông không gian văn phòng. Khu tổng hành dinh còn có trại lính, hội trường, một tòa nhà bảo quản lạnh, nhà phát điện và đường điện thoại riêng. Vị trí đắc địa này không những gần Bộ Tổng tham mưu của quân lực VNCH mà còn gần trung tâm chỉ huy Không quân của MACV đặt trong phi trường TSN và nhiều cơ quan đầu não khác của quân đội liên quân.

Cùng với việc tổng hành dinh MACV của Mỹ được thiết lập trên khu đất của mình, phi trường Tân Sơn Nhứt cũng đang trải qua giai đoạn mở rộng cấp tập vì chiến sự leo thang.

Theo tác giả Quốc Việt trong cuốn sách mới đáng chú ý 100 năm Phi trường Tân Sơn Nhất (Phương Nam - NXB Thế Giới, 2018), tháng 7 năm 1965 chính phủ VNCH quyết định sáp nhập phi trường, các khu quân sự, dân sự thành một khu vực quân sự duy nhất, gọi là Yếu khu quân sự Tân Sơn Nhứt dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Không đoàn 33 VNCH.

Cùng năm, chính phủ cũng triển khai nghiên cứu dự án xây dựng đường băng mới dài hơn 1000m để giải tỏa áp lực quá tải của đường băng hạng A duy nhất của TSN, lúc đó đang phải chịu lưu lượng tăng vọt của các chuyến bay quân sự (chiếm 80%) và dân sự. Công việc tiến triển chậm vì thiếu kinh phí. Đúng lúc đó, Không quân Mỹ được chấp thuận một khoản viện trợ 6 triệu rưỡi đô la để xây dựng một đường băng dài 3000m. Dự án khởi công năm 1966 và hoàn thành sau đó. Đường băng mới góp phần đem lại lợi ích cho nền kinh tế VNCH nhưng cũng là phương tiện cần để phục vụ kế hoạch tăng viện cho chiến trường Việt Nam của Mỹ (theo Quốc Việt, trang 98).

100 Năm Phi Trường Tân Sơn Nhất, Quốc Việt, Phương Nam & NXB HNV 2018 - Hình: Hoàng Diệu

Tổng hành dinh MACV – Cuộc di tản cuối cùng

Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bị buộc phải ra đi. Và Tân Sơn Nhứt là chứng nhân cuộc ra đi thầm lặng, buồn thảm này, như được mô tả khá chi tiết ở Phần 11 – Phi trường rực lửa, cuốn sách 100 năm Phi trường Tân Sơn Nhất vừa xuất bản.

Thời điểm này phi trường Tân Sơn Nhứt đang hỗn loạn vì những cuộc di tản. Theo tác giả Quốc Việt, tướng Hoàng Anh Tuấn, trưởng đoàn đại biểu Quân sự của Chính phủ Cách mạng Lâm thời đang đóng trong trại Davis bên trong phi trường (để giám sát việc thực thi Hiệp định Paris) kể rằng pháo 130 ly của quân giải phóng bắn dồn dập vào phi trường từ ngày 29 đến sáng 30/4, một quả đạn rót lạc vào trại Davis làm tử thương hai chiến sĩ VC. Pháo cộng hưởng với đợt ném bom của phi đội A37 do Nguyễn Thành Trung chỉ huy từ chiều 28 làm các phi đạo của Tân Sơn Nhứt hầu như tê liệt. Kế hoạch di tản bằng máy bay có cánh của Mỹ (fixed-wing) phải hủy bỏ.

10:51 sáng ngày 29/4, Mỹ khởi động chiến dịch Frequent Wind để tiếp tục việc di tản từ Tân Sơn Nhứt bằng trực thăng. Phi đội gồm chủ yếu các trực thăng không vận CH-53, được bảo vệ bởi các trực thăng vũ trang Cobra và lực lượng hỗ trợ - cứu hộ, sẽ không vận thủy quân lục chiến (TQLC) Mỹ thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn 4 TQLC đổ xuống khu tổng hành dinh của Mỹ ở Tân Sơn Nhứt vào khoảng hơn 3h chiều. Từ đây, TQLC sẽ thiết lập hệ thống phòng thủ bảo vệ cuộc di tản cho đến lúc hoàn tất.

Cần biết rằng từ ngày 29 tháng 3 năm 1973, Mỹ đã chính thức giải thể MACV (Bộ Chỉ huy Quân viện Mỹ ở Việt Nam) và thành lập DAO (Defense Attache Office – Cơ quan Tùy viên Phòng vệ), là một cơ quan nhỏ hơn về quy mô, có trách nhiệm giám sát chương trình hỗ trợ quân sự của Mỹ, đương nhiên là tuân theo Hiệp định Paris. Những hoạt động quân sự chính đều chuyển về tổng hành dinh mới ở Nakhon Phanom ở Thái Lan.

Khu tổng hành dinh và tòa nhà mệnh danh “Pentagon East” của MACV trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhứt trở thành trụ sở của DAO. Bộ chỉ huy Không đoàn 7 của Mỹ cũng dời từ căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt sang Thái Lan.

Theo cuốn US Marines in Vietnam: The Bitter End 1973 – 1975 của Dunham & Quinlan, chiến dịch di tản chia khu tổng hành dinh DAO làm 3 khu chủ yếu (khu trung tâm Alamo gồm tòa nhà Pentagon East, khu nhà phụ kế bên – các tòa nhà Annex, và khu nhà của hãng Air America). TQLC chia nhau bảo vệ 7 bãi đáp quanh 3 khu nhà nói trên trong khi trực thăng làm nhiệm vụ.

Sơ đồ 7 bãi đáp (LZ) của Chiến dịch di tản Frequent Wind chung quanh tổng hành dinh DAO - Hình: Dunham & Quinlan

Đến tầm 20:00 ngày 29/4, 394 người Mỹ và 4475 người Việt + quốc tịch thứ ba đã được trực thăng di tản khỏi khu tòa nhà DAO. Điểm đến là tàu của Đệ Thất hạm đội đậu ngoài khơi Vũng Tàu.
22:50 khi các nhóm kiểm soát điều phối bãi đáp đã được rút đi, đến lượt các lực lượng TQLC bảo an mặt đất được lệnh di tản khỏi DAO.

9 giờ từ khi cuộc di tản bắt đầu, vào khoảng 12:30 đêm rạng sáng 30/4, lựu đạn nhiệt đặt ở nhiều vị trí trong tòa nhà DAO đồng loạt phát nổ, khiến cả khu chìm trong biển lửa, khi 2 chiếc trực thăng CH-3 chở những lính TQLC cuối cùng rời khỏi khu tổng hành dinh. Tòa nhà rộng bằng 1/3 Ngũ giác đài, nơi từng là đầu não của quân Mỹ trong gần 8 năm, với bê tông cốt thép quằn quại trong khói lửa là hình ảnh bi ai cuối cùng của đội quân mạnh nhất thế giới ở Việt Nam. Đại sứ quán Mỹ, hiện diện cuối cùng của chính phủ Mỹ ở Việt Nam sẽ hoàn tất di tản trong cùng ngày hôm đó.

Tòa nhà DAO, từng được mệnh danh là "Pentagon East" bốc cháy sau khi TQLC gài chất nổ phá hủy - Hình: Dunham & Quinlan 

Có một chi tiết thú vị là trong những giờ cuối cùng của DAO, lính TQLC được lệnh đốt phần lớn số tiền mặt 13 triệu đô la vừa chuyển từ Mỹ sang vào đầu tháng 4, chứa trong 3 thùng phuy (theo Dunham & Quinlan).


VL 


Friday, January 12, 2018

Huế 1968: A Turning Point of the American War in Vietnam - Mark Bowden

Add caption


Trong phần lớn sách hay phim của người Mỹ làm về chiến tranh Việt Nam, câu chuyện kể vẫn chủ yếu là của những người Mỹ. Huế: 1968 của Mark Bowden cũng là một trong số đó. Tác giả chịu khó phỏng vấn khá nhiều nhân vật từ bên thắng cuộc, tuy vẫn là số ít so với số lượng câu chuyện của phía Mỹ. Phía VNCH hầu như chỉ được nhắc đến rất qua loa.

Tuy ít, nhưng phần lớn những nhân vật của quân lực VNCH nhắc đến trong cuốn sách đều được tôn trọng, đôi khi ngưỡng mộ. Đó không chỉ là đánh giá của tác giả. Ví dụ như trường hợp của Đại đội Hắc Báo, đại đội trinh sát và viễn thám của Sư đoàn 1 Bộ binh. Đây là một đơn vị cực kỳ tinh nhuệ, chuyên tham gia hành quân hỗn hợp với các lực lượng Mỹ ở Vùng 1 chiến thuật. Thường xuyên ở tuyến đầu, Hắc Báo có thừa kinh nghiệm chiến đấu. Đến nổi sĩ quan cố vấn của đơn vị là Đại úy Jim Coolican thừa nhận rằng ở bên cạnh những người lính mà anh "cố vấn", anh mới là kẻ thiếu kinh nghiệm và ngu ngơ. Sự hữu dụng duy nhất mà anh mang lại cho họ là cái radio, mà từ đó Coolican có thể gọi pháo binh và không quân Mỹ yểm trợ.

Hắc Báo chỉ khoảng 100 - 200 người, nhưng đóng vai trò khá then chốt trong trận chiến Huế. Trong đêm đầu tiên, các trung đội Hắc Báo được tướng Ngô Quang Trưởng điều động đóng chốt ở các tòa nhà trọng yếu trong thành phố. Nhóm Hắc Báo do chính đại đội trưởng Trần Ngọc Huế "Harry" chỉ huy phòng thủ sân bay Tây Lộc đã giúp cầm chân mũi tấn công của quân Bắc Việt ở đây cho đến hết ngày hôm sau. Sau đó, nhóm của Trần Ngọc Huế được tướng Trưởng gọi về hỗ trợ phòng thủ Bộ tư lệnh Sư đoàn ở Mang Cá. Ở những ngày cuối cùng của trận chiến, đại đội Hắc Báo cũng là đơn vị trực tiếp đánh vào khu Thành Nội, gỡ lá cờ Mặt trận giải phóng đã tung bay ở đó hơn 3 tuần lễ.

Trần Ngọc Huế "Harry" sau này còn trực tiếp tham gia nhiều cuộc hành quân quan trọng khác. Trong chiến dịch Hạ Lào 1971, anh bị bắt và bị giam giữ 13 năm, rồi bị quản thúc thêm nhiều năm trước khi được cố vấn Coolican giúp cho định cư ở Mỹ. Cấp chỉ huy của ông, tướng Ngô Quang Trưởng, trong trận Huế đang là Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh, cũng nhận được sự tôn trọng của các tướng lĩnh Mỹ, như tác giả mô tả.

Nhưng các sĩ quan Mỹ như Coolican là số ít, hầu hết đều xem thường người lính VNCH. Lính Mỹ, từ lính trơn cho đến cấp chỉ huy đều mang một thành kiến nặng nề về một quân đội nhu nhược và vô dụng. Cũng từ thành kiến này, cấp chỉ huy Thủy quân lục chiến ở bộ chỉ huy khu vực đã ra lệnh cho Thiếu tá Thompson, chỉ huy tiểu đoàn tăng viện cho mặt trận kinh thành Huế ( Mỹ gọi là Citadel ) không được nghe lệnh của tướng Trưởng, mà cần phải chỉ huy ngược lại một sĩ quan trên mình 3 bậc. Bỏ qua không tham khảo kinh nghiệm tác chiến tại chỗ còn nóng hổi của lực lượng VNCH, tiểu đoàn của Thompson bị thương vong nặng nề trong ngày đầu tiên càn quét Citadel.

Đó không phải là lần duy nhất quân Mỹ phải trả giá đắt bằng nhân mạng vì cung cách tiếp cận kiêu ngạo của mình. Những ngày đầu của trận chiến, các cấp chỉ huy còn mù mờ về tình hình chiến trường đã liên tục đưa ra những quân lệnh tự sát cho các đơn vị của mình. Hàng trăm thương vong là kết quả từ những cuộc nướng quân điên rồ, với người chỉ huy ra lệnh tiến quân mà chỉ dựa hoàn toàn vào bản đồ.

Như tác giả tự nhận, cuốn sách này khác với một vài cuốn khác về Huế - Mậu Thân ở chỗ nó tập trung tả lại trận chiến dưới mắt của những người lính Mỹ, ở tầm nhìn thấp và sát nhất có thể. Người đọc hình dung diễn biến trận chiến ác liệt, với những tình huống sống động và dã man, đôi khi đẩy con người đến những giới hạn cuối cùng. Nếu ai mong muốn một phân tích tổng thể, rạch ròi của trận chiến với diễn biến và di chuyển của từng đơn vị hẳn sẽ thất vọng. Cuốn sách chỉ là một tập hợp và xâu chuỗi của những câu chuyện cá nhân rời rạc của những người tham gia trận chiến.

Cách kể chuyện này ban đầu khá hấp dẫn, nhưng càng về sau càng nhàm chán. Dường như tác giả cố gắng nhồi nhét tất cả những gì mình thu thập được để làm nên gần 600 trang sách.

Như tác giả tự nhận, cuốn sách của ông khác với các cuốn khác ở chỗ nó nói nhiều hơn về mất mát của cư dân Huế. Thật ngạc nhiên khi tất cả các báo cáo, tài liệu về trận chiến từ phía Mỹ đều không đề cập đến tổn thất nhân mạng của dân thường. Tuy vậy, hầu hết những người lính mà tác giả đã phỏng vấn đều kể về xác chết của dân thường nằm đầy đường, trong nhà, trong đống đổ nát, hay dưới hầm trú bom. Con số sách đưa ra là 5800 dân thường thiệt mạng trong hơn 3 tuần của trận chiến. Tuy nhiên, con số thực sự có thể còn cao hơn. Không rõ những nạn nhân của "the purge", hay được biết đến như vụ thảm sát Mậu Thân - Huế đã được tính trong số này chưa. Trong sách, nhiều lần tác giả đã nhắc đến vụ thảm sát này, mà nạn nhân chủ yếu là gia đình của các nhân viên chính quyền, gia đình quân nhân, hay người theo đạo Thiên chúa. Những chi tiết về cuộc thảm sát có lẽ được tác giả tham khảo phần nào trong cuốn Giải khăn sô cho Huế của Nhã Ca, người đã được ông phỏng vấn.

Khi nói về dân thường, người đọc sẽ thấy chiến tranh thật tàn khốc. Bị kẹt trong khu Citadel, các cổng chính đều bị lính hai phe kiểm soát, người dân không có đường thoát. Lính Mỹ hầu như không đủ kiên nhẫn và tỉnh táo để phân biệt quân địch và dân thường trước khi nổ súng. Ngoài lực lượng chính quy mặc quân phục, rất nhiều lực lượng quân địa phương bên phía Mặt trận đều mặt áo bà ba như dân thường. Do đó, khi thấy người Việt là lính Mỹ có xu hướng nổ súng. Có trường hợp, một đội súng máy Mỹ được lệnh kiểm soát một cửa thành và bắn tất cả những ai đi qua. Khi thấy một cặp vợ chồng trẻ ẵm theo hai đứa con chạy đến, những người lính Mỹ trì hoãn và đùn đẩy cho nhau bóp cò. Cuối cùng, họ tìm thấy trong xác cô vợ trẻ vừa bị bắn chết một bản đồ có đánh dấu chi tiết các điểm đặt súng máy của lính Mỹ.

Trái ngược với đánh giá ban đầu của phía Mỹ về khả năng chiến đấu của phía Mặt trận, quân giải phóng chiến đấu rất chuyên nghiệp, kỷ luật, và khôn ngoan. Quân Mặt trận biết cách set up các hệ thống phòng thủ bài bản, với lưới hỏa lực đan chéo (overlapping field of fire), và các hố phòng thủ hình chữ L. Hầu như tất cả các lần lính Mỹ xung phong tràn ngập cứ điểm của phía Mặt trận, họ đều thấy những tòa nhà đã bị bỏ trống, khi quân địch vừa mới rút khỏi trong gang tấc. Ngoài ra, chiến trường Huế còn là thiên đường của lính bắn tỉa, đặc biệt từ phía Mặt trận. Lính bắn tỉa từ phe kia được hầu hết lính Mỹ mô tả là cực kỳ chính xác. Đó cũng có thể đã tạo nên hứng khởi cho người làm phim Full Metal Jacket.

Đọc Huế; 1968 của Mark Bowden ta càng hiểu rõ tại sao quân đội Mỹ không thắng được cuộc chiến Việt Nam. Các cấp chỉ huy hầu hết đều rất kiêu ngạo, không hiểu rõ chiến trường và tình hình, không hiểu rõ kẻ địch, xem thường kẻ địch, và xem thường đồng minh.

VL (9/17)



Wednesday, January 3, 2018

Autumn - Ali Smith



Pauline Boty, một nghệ sĩ pop art người Anh giữa thế kỷ 20, là nỗi ám ảnh xuyên suốt cuốn tiểu thuyết Autumn của Ali Smith. Là nữ nghệ sĩ tiên phong với ít nhiều nổi loạn, rất nhiều nữ quyền, một ít showbiz, Pauline Boty đã theo đuổi dòng tranh Collage. Một kiểu nghệ thuật thị giác cố tình chắp vá, lắp ghép ngẫu nhiên những mảnh vụn từ sách, tranh, lời bài hát, v..v.. Những patchwork có vẻ hỗn loạn này phóng chiếu một cách hoàn hảo bức tranh của nước Anh hậu-Brexit, cũng là bối cảnh/chủ đề của Autumn – Ali Smith.

Câu mở đầu sách “It was the worst of time, it was the worst of times” trích từ A Tale of Two Cities của Dickens đã gợi ý nên một băn khoăn chính trị. Tiếp theo đó là những Brave New World – The Tempest; hóa thân của Ovid; Clockwork Orange, v..v.. một loạt những dẫn chứng văn chương như những đồng vọng của tinh thần Anh, trong cuộc truy tìm căn tính quốc gia trong thời đại lạ lùng này.
Ở đó, sự quan liêu của một nhân viên bưu điện trong việc làm lại hộ chiếu, được mô tả hài hước, khơi gợi đến sự bối rối, băn khoăn của một người Anh bình thường khi cuộc trưng cầu dân ý về việc tiếp tục là thành viên Liên hiệp Châu Âu (EU) đang diễn ra. Ở đó, tại ngôi làng mà mẹ của nhân vật chính Elisabeth đang sống, người ta sơn lên tường một ngôi nhà bị cho là của người nhập cư: “GO HOME”. Bên dưới dòng chữ này là một dòng chữ khác: “WE ARE ALREADY HOME THANK YOU”, đi kèm với hoa mà người đi đường để lại để ủng hộ tinh thần người chủ nhà. Zoom out ra khắp đất nước, người ta cũng thấy một tình huống tương tự.

“Trên khắp đất nước, những gì diễn ra tự quăng quật chính nó như một sợi dây điện tí tách đứt khỏi trụ điện trong cơn bão, tung tăng trong khoảng không trên ngọn cây, mái nhà và dòng xe cộ.
Trên khắp đất nước, người ta nghĩ đó là sai. Trên khắp đất nước, người ta nghĩ đó là đúng. Trên khắp đất nước, người ta nghĩ họ đã thua. Trên khắp đất nước, người ta nghĩ họ đã thắng…”
Nghe là thế, nhưng băn khoăn về căn tính của nước Anh đương đại chỉ được nói đến rất ít trong Autumn. Bao quanh, ôm gọn và làm nó lọt thỏm trong đó là một cuốn sách được viết phi tuyến tính, với nhiều vấn đề và sự kiện diễn ra cùng một lúc và ở những lúc khác nhau, quanh hai nhân vật chính: Elisabeth, một giảng viên về nghệ thuật và người hàng xóm tri kỷ, ông Daniel Gluck, 101 tuổi, hiện đang chìm sâu trong giấc ngủ người già ở viện dưỡng lão. Những lát cắt quá khứ, hiện tại đan xen với các giấc mơ hiện thực, với sự hóa thân siêu thực (ông Gluck thấy mình dần biến thành cây xanh) và những chi tiết có vẻ lung tung khác, dễ làm người đọc bối rối và lạc lối. Tuy nhiên, bút pháp của Ali Smith linh hoạt, đùa giỡn và đầy sáng tạo vẫn giữ được người đọc thấp thỏm để đi hết hành trình.

Ali Smith, người có vẻ như bị ám ảnh bởi thời gian trong cách kể chuyện (đã từng băn khoăn làm thế nào để viết về hai sự kiện diễn ra cùng lúc với cùng một thức chia động từ về thời gian) đã làm cho Autumn thành một tiểu thuyết về thời gian. Ở đây, có vẻ như thời gian không còn là trung gian của kể chuyện mà chính là đối tượng. Đôi khi, ranh giới giữa người kể chuyện và nhân vật mờ đi, cũng như ý niệm về thời gian dễ dàng lén lút trượt từ thời điểm này sang thời điểm khác. Người đọc có lẽ cần ít kiên nhẫn để tự xâu chuỗi những sự kiện theo trình tự tuyến tính của chính mình.

Autumn là tiểu thuyết đầu tiên trong một loạt bộ tứ về mùa mà Ali Smith đang thực hiện. Trước mắt, cuốn tiếp theo Winter đang sắp ra mắt và đang được review. 

VL