Add caption |
Trong phần lớn sách hay phim của người Mỹ làm về chiến tranh Việt Nam, câu chuyện kể vẫn chủ yếu là của những người Mỹ. Huế: 1968 của Mark Bowden cũng là một trong số đó. Tác giả chịu khó phỏng vấn khá nhiều nhân vật từ bên thắng cuộc, tuy vẫn là số ít so với số lượng câu chuyện của phía Mỹ. Phía VNCH hầu như chỉ được nhắc đến rất qua loa.
Tuy ít, nhưng phần lớn những nhân vật của quân lực VNCH nhắc đến trong cuốn sách đều được tôn trọng, đôi khi ngưỡng mộ. Đó không chỉ là đánh giá của tác giả. Ví dụ như trường hợp của Đại đội Hắc Báo, đại đội trinh sát và viễn thám của Sư đoàn 1 Bộ binh. Đây là một đơn vị cực kỳ tinh nhuệ, chuyên tham gia hành quân hỗn hợp với các lực lượng Mỹ ở Vùng 1 chiến thuật. Thường xuyên ở tuyến đầu, Hắc Báo có thừa kinh nghiệm chiến đấu. Đến nổi sĩ quan cố vấn của đơn vị là Đại úy Jim Coolican thừa nhận rằng ở bên cạnh những người lính mà anh "cố vấn", anh mới là kẻ thiếu kinh nghiệm và ngu ngơ. Sự hữu dụng duy nhất mà anh mang lại cho họ là cái radio, mà từ đó Coolican có thể gọi pháo binh và không quân Mỹ yểm trợ.
Hắc Báo chỉ khoảng 100 - 200 người, nhưng đóng vai trò khá then chốt trong trận chiến Huế. Trong đêm đầu tiên, các trung đội Hắc Báo được tướng Ngô Quang Trưởng điều động đóng chốt ở các tòa nhà trọng yếu trong thành phố. Nhóm Hắc Báo do chính đại đội trưởng Trần Ngọc Huế "Harry" chỉ huy phòng thủ sân bay Tây Lộc đã giúp cầm chân mũi tấn công của quân Bắc Việt ở đây cho đến hết ngày hôm sau. Sau đó, nhóm của Trần Ngọc Huế được tướng Trưởng gọi về hỗ trợ phòng thủ Bộ tư lệnh Sư đoàn ở Mang Cá. Ở những ngày cuối cùng của trận chiến, đại đội Hắc Báo cũng là đơn vị trực tiếp đánh vào khu Thành Nội, gỡ lá cờ Mặt trận giải phóng đã tung bay ở đó hơn 3 tuần lễ.
Trần Ngọc Huế "Harry" sau này còn trực tiếp tham gia nhiều cuộc hành quân quan trọng khác. Trong chiến dịch Hạ Lào 1971, anh bị bắt và bị giam giữ 13 năm, rồi bị quản thúc thêm nhiều năm trước khi được cố vấn Coolican giúp cho định cư ở Mỹ. Cấp chỉ huy của ông, tướng Ngô Quang Trưởng, trong trận Huế đang là Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh, cũng nhận được sự tôn trọng của các tướng lĩnh Mỹ, như tác giả mô tả.
Nhưng các sĩ quan Mỹ như Coolican là số ít, hầu hết đều xem thường người lính VNCH. Lính Mỹ, từ lính trơn cho đến cấp chỉ huy đều mang một thành kiến nặng nề về một quân đội nhu nhược và vô dụng. Cũng từ thành kiến này, cấp chỉ huy Thủy quân lục chiến ở bộ chỉ huy khu vực đã ra lệnh cho Thiếu tá Thompson, chỉ huy tiểu đoàn tăng viện cho mặt trận kinh thành Huế ( Mỹ gọi là Citadel ) không được nghe lệnh của tướng Trưởng, mà cần phải chỉ huy ngược lại một sĩ quan trên mình 3 bậc. Bỏ qua không tham khảo kinh nghiệm tác chiến tại chỗ còn nóng hổi của lực lượng VNCH, tiểu đoàn của Thompson bị thương vong nặng nề trong ngày đầu tiên càn quét Citadel.
Đó không phải là lần duy nhất quân Mỹ phải trả giá đắt bằng nhân mạng vì cung cách tiếp cận kiêu ngạo của mình. Những ngày đầu của trận chiến, các cấp chỉ huy còn mù mờ về tình hình chiến trường đã liên tục đưa ra những quân lệnh tự sát cho các đơn vị của mình. Hàng trăm thương vong là kết quả từ những cuộc nướng quân điên rồ, với người chỉ huy ra lệnh tiến quân mà chỉ dựa hoàn toàn vào bản đồ.
Như tác giả tự nhận, cuốn sách này khác với một vài cuốn khác về Huế - Mậu Thân ở chỗ nó tập trung tả lại trận chiến dưới mắt của những người lính Mỹ, ở tầm nhìn thấp và sát nhất có thể. Người đọc hình dung diễn biến trận chiến ác liệt, với những tình huống sống động và dã man, đôi khi đẩy con người đến những giới hạn cuối cùng. Nếu ai mong muốn một phân tích tổng thể, rạch ròi của trận chiến với diễn biến và di chuyển của từng đơn vị hẳn sẽ thất vọng. Cuốn sách chỉ là một tập hợp và xâu chuỗi của những câu chuyện cá nhân rời rạc của những người tham gia trận chiến.
Cách kể chuyện này ban đầu khá hấp dẫn, nhưng càng về sau càng nhàm chán. Dường như tác giả cố gắng nhồi nhét tất cả những gì mình thu thập được để làm nên gần 600 trang sách.
Như tác giả tự nhận, cuốn sách của ông khác với các cuốn khác ở chỗ nó nói nhiều hơn về mất mát của cư dân Huế. Thật ngạc nhiên khi tất cả các báo cáo, tài liệu về trận chiến từ phía Mỹ đều không đề cập đến tổn thất nhân mạng của dân thường. Tuy vậy, hầu hết những người lính mà tác giả đã phỏng vấn đều kể về xác chết của dân thường nằm đầy đường, trong nhà, trong đống đổ nát, hay dưới hầm trú bom. Con số sách đưa ra là 5800 dân thường thiệt mạng trong hơn 3 tuần của trận chiến. Tuy nhiên, con số thực sự có thể còn cao hơn. Không rõ những nạn nhân của "the purge", hay được biết đến như vụ thảm sát Mậu Thân - Huế đã được tính trong số này chưa. Trong sách, nhiều lần tác giả đã nhắc đến vụ thảm sát này, mà nạn nhân chủ yếu là gia đình của các nhân viên chính quyền, gia đình quân nhân, hay người theo đạo Thiên chúa. Những chi tiết về cuộc thảm sát có lẽ được tác giả tham khảo phần nào trong cuốn Giải khăn sô cho Huế của Nhã Ca, người đã được ông phỏng vấn.
Khi nói về dân thường, người đọc sẽ thấy chiến tranh thật tàn khốc. Bị kẹt trong khu Citadel, các cổng chính đều bị lính hai phe kiểm soát, người dân không có đường thoát. Lính Mỹ hầu như không đủ kiên nhẫn và tỉnh táo để phân biệt quân địch và dân thường trước khi nổ súng. Ngoài lực lượng chính quy mặc quân phục, rất nhiều lực lượng quân địa phương bên phía Mặt trận đều mặt áo bà ba như dân thường. Do đó, khi thấy người Việt là lính Mỹ có xu hướng nổ súng. Có trường hợp, một đội súng máy Mỹ được lệnh kiểm soát một cửa thành và bắn tất cả những ai đi qua. Khi thấy một cặp vợ chồng trẻ ẵm theo hai đứa con chạy đến, những người lính Mỹ trì hoãn và đùn đẩy cho nhau bóp cò. Cuối cùng, họ tìm thấy trong xác cô vợ trẻ vừa bị bắn chết một bản đồ có đánh dấu chi tiết các điểm đặt súng máy của lính Mỹ.
Trái ngược với đánh giá ban đầu của phía Mỹ về khả năng chiến đấu của phía Mặt trận, quân giải phóng chiến đấu rất chuyên nghiệp, kỷ luật, và khôn ngoan. Quân Mặt trận biết cách set up các hệ thống phòng thủ bài bản, với lưới hỏa lực đan chéo (overlapping field of fire), và các hố phòng thủ hình chữ L. Hầu như tất cả các lần lính Mỹ xung phong tràn ngập cứ điểm của phía Mặt trận, họ đều thấy những tòa nhà đã bị bỏ trống, khi quân địch vừa mới rút khỏi trong gang tấc. Ngoài ra, chiến trường Huế còn là thiên đường của lính bắn tỉa, đặc biệt từ phía Mặt trận. Lính bắn tỉa từ phe kia được hầu hết lính Mỹ mô tả là cực kỳ chính xác. Đó cũng có thể đã tạo nên hứng khởi cho người làm phim Full Metal Jacket.
Đọc Huế; 1968 của Mark Bowden ta càng hiểu rõ tại sao quân đội Mỹ không thắng được cuộc chiến Việt Nam. Các cấp chỉ huy hầu hết đều rất kiêu ngạo, không hiểu rõ chiến trường và tình hình, không hiểu rõ kẻ địch, xem thường kẻ địch, và xem thường đồng minh.
VL (9/17)
No comments:
Post a Comment