Wednesday, March 30, 2011

Nhà văn trẻ

Dưới đây chỉ là một bài phỏng vấn vô thưởng vô phạt trong một chùm tin tức và phỏng vấn có thể search được trên google về nhà văn trẻ DiLi.

http://www.bee.net.vn/channel/3522/201103/Nha-van-diLi-Tinh-duc-trong-van-chuong-nhu-tam-anh-nude-1794723/

Nhà văn nói: "Văn học Anh, Mỹ phát triển vì các tác phẩm của họ mang tính toàn cầu hóa, lại được viết bằng tiếng Anh là một ngôn ngữ quốc tế. Đọc truyện, ai cũng hiểu ngay địa danh Los Angeles là ở đâu, chưa kể hình ảnh, khí hậu, con người ở đó còn được hình dung đầy đủ trong trí óc vì vậy sức thẩm thấu của truyện sẽ dễ dàng hơn.

Nhưng giờ đọc truyện của ta lại thấy Rạch Giá, rồi bún bò, bánh chưng… thì độc giả lại phải mất công đi tra mạng, khảo sách còn người dịch cũng phát khổ. Có lẽ hạn chế trước nhất của ta là chú trọng đến tính dân tộc hơn tính nhân loại, lại còn phải chịu nỗi thiệt thòi về việc sáng tác bằng một ngôn ngữ hiếm."

Chưa được đọc tác phẩm của nhà văn DiLi bao giờ nhưng đối với mấy người được tặng những chữ "nhà" hay "giả" tôi đều phải có sự trân trọng nhất định trước khi đánh giá về người đó. Ở đây, có thể tác giả có lý của riêng mình, nhưng so sánh như vậy là hơi gượng.

Khái niệm "toàn cầu hóa" chỉ mới thịnh hành khoảng hơn chục năm, trong khi văn học Anh, Mỹ đã phát triển từ lâu, lúc chưa ai biết đến "toàn cầu hóa" là gì. Theo tôi biết thì nền văn học Anh, Mỹ đã có nhiều tác phẩm kinh điển nổi tiếng thế giới từ 2 thế kỷ trước rồi (như The Scarlet Letter của Nathaniel Hawthorne hay những tác phẩm của Dickens). Bây giờ người ta xây tiếp lên chứ không phải đến gần đây mới được coi là phát triển vì toàn cầu hóa. Còn văn học Việt chỉ được phổ biển rộng rãi trong nước sau thời kỳ Tự Lực Văn Đoàn cách đây khoảng 70 năm. Nhà văn đi so sánh này nọ mà quên mất cái gốc của cả hai nền văn học đâu có đều nhau. Hình như cô này chỉ nhìn vào mấy năm gần đây để đánh giá cả một nền văn học, như thế thì hơi bị "gãy" rồi nha.

Tôi thì nghĩ rằng nền văn học nào mà không lấy tính dân tộc làm gốc sẽ bị đào thải trước. Bao giờ cũng vậy, khi viết về những đặc điểm riêng và những gì mình đã thực sự trải qua thì vẫn dễ đi vào lòng người hơn. Lấy ví dụ, những người được đào tạo từ mái trường XHCN, thì làm sao viết về những đề tài chung chung mang tính toàn cầu hay bằng những tác giả nước ngoài được sống trong môi trường tự do về văn hóa, chính trị từ nhỏ.

Đọc tiếp đoạn dưới: "Tính dục trong văn chương cũng giống như một tấm ảnh nude. Nude nghệ thuật hay nude kiểu tạp chí Playboy, tự trút bỏ quần áo một cách vô lý chẳng nhằm mục đích gì thì rất dễ phân biệt. "

Hừm, lại so sánh hơi gượng rồi. Hình nude Playboy cũng nghệ thuật lắm đó nghen, không biết DiLi đã cầm coi cuốn Playboy nào chưa hay là nói đại vậy ta?

Tìm hiểu thêm mới biết nhà văn này chuyên viết truyện trinh thám kinh dị và thích chụp hình kiểu hot-girl. Lại là chuyên gia PR cho công ty nào đó, hừm... nghe giống như kiểu "nhà văn" Gào trên Facebook quá ta? Một người mới có chút thành công vì thời thế hơn là vì tài năng văn chương thật sự, đã vội lo nói chuyện đao to búa lớn về văn học này nọ. Nhận thức thông thường đã như vậy, tác phẩm sẽ như thế nào? Nhìn Nguyễn Ngọc Tư xem, chị được coi là thiên tài, là ngôi sao lớn nhất của làng văn trẻ VN, cầm bút khi mới mười mấy tuổi, nhưng vẫn giữ được vẻ bình dân, ít trả lời phỏng vấn vô tội vạ và đặc biệt là ít "nổ" như các "nhà văn" trẻ bây giờ.

Bởi vậy mới nói thời đại nhiễu nhương này, ai dịch được cuốn sách, viết vài tiểu thuyết được xuất bản cũng có thể trở thành "nhà" hay "giả". Thượng vàng hạ cám vậy nên chúng ta, những người con ưu việt của chế độ phải biết sàng trên lọc dưới để lựa ra sản phẩm tốt. Tôi không dám phủ nhận đóng góp của DiLi cho nền văn học trẻ VN nhưng nghĩ rằng nếu chúng ta không có nhiều thời gian để đọc, thì tốt nhất nên chọn "vàng" đọc trước rồi mới tới "cám".