Friday, December 14, 2012

Anna Karenina - Lionel Trilling (tiểu luận phê bình)


Một tiểu luận của Lionel Trilling, cây bút phê bình văn học xã hội nổi tiếng của Mỹ những năm hậu chiến. Chọn đại bài ngắn nhất dịch thử. Trình độ còn non mong bà con nào vô tình đọc được cũng đừng ném đá cục nha.



Anna Karenina 
~ Lionel Trilling


Khi Anna Karenina lần đầu ra mắt, cuốn sách được đọc với sự hứng khởi đặc biệt trong đó thành tố chính là một nỗi niềm hân hoan trẻ thơ khi nhận thấy trong nghệ thuật những điều tương tự trong đời thực. Điểm này, người ta nói, là cái cách mọi việc như thế, cái cách chúng thật sự là như thế, cái cách ta trước nay vẫn biết chúng như thế, và chưa có ngòi bút nào trình bày như thế trước đây. Cảm giác chung về cuốn sách được Matthew Arnold diễn tả trong tiểu luận về Tolstoi rằng Anna Karenina không chỉ nên được xem như một tác phẩm nghệ thuật mà đúng ra là một phần của cuộc sống. Trong chừng mực nào đó, tất nhiên, nhận xét của Arnold hoàn toàn không xác đáng – nghệ thuật là nghệ thuật và cuộc sống là cuộc sống; chúng ta đọc tiểu thuyết và sống cuộc sống; và nếu ta cố diễn tả nguồn cơn phản ứng của chúng ta về những tiểu thuyết nhất định bằng cách nói rằng ta “sống” chúng, thì đó chỉ là một thái độ phát biểu. Nhưng đó là một thái độ phát biểu cần thiết để giới thiệu tính cách của nghệ thuật Tolstoi.


Phản ứng đầu tiên về Anna Karenina, như tôi đã bàn, chứa đựng một sự ngây thơ nhất định. Như thể rằng từ đó về trước người ta chỉ được biết đến một nghệ thuật chỉn chu và được thừa nhận, rồi giờ đây được đối diện một văn bản thực sự nguyên thủy, cứ như họ chưa bao giờ có cơ hội cảm nhận một trạng thái sự thật (verisimilitude). Nhưng đương nhiên nó không phải toàn bộ như thế. Tolstoi không sáng tạo ra một thể loại mới gì cả. Khi Anna Karenina xuất bản – theo tập từ 1875 đến 1877 và toàn tập năm 1878 – cuốn tiểu thuyết như là một bản thể nghệ thuật đã vươn đến một đỉnh cao trong quá trình phát triển của nó và đã tung ra nhiều cuộc xâm chiếm lớn lao lên phần của cuộc sống mà cuốn sách đã nói đến một cách trác tuyệt, phần của cuộc sống chúng ta gọi là hiện thực (actual). Chỉ bàn đến những tiểu thuyết gia Pháp, đất nước mà lý thuyết hiện thực đã được xây dựng một cách ý thức hơn bất cứ nơi nào khác, Balzac đã hoàn tất nhóm tác phẩm vĩ đại về lịch sử xã hội Pháp gần ba thập kỷ trước, Flaubert đã xuất bản cả Madame BovaryL’Éducation sentimentale, và Zola đang ở thời sung sức nhất của hoạt động sáng tác. Với tất cả những tác gia hiện thực trên đã chiếm hữu sân khấu – đó là chưa nói đến tác phẩm của chính ông Chiến Tranh và Hòa Bình, mà mặc dù trong thế kỷ 19 chưa có được danh tiếng như hiện nay, vẫn được khá coi trọng vào lúc đó – Tolstoi vẫn tạo ra được cái hiệu ứng với Anna Karenina như tôi đã mô tả.

Và ông đang tiếp tục điều đó hôm nay. Trong thời của chúng tôi Proust và Joyce đã mở rộng sự thống trị của tiểu thuyết hiện thực; nền văn hóa tổng thể của chúng ta bị ám ảnh phải luôn gắn liền với thực tế; chúng ta đã tháo gỡ hầu như mọi cấm kỵ có lúc đã ngăn cản việc nắm bắt bản chất mọi sự trong thực tế và đã làm tiến hóa những khoa học về hành vi con người rất chắc ăn và chi tiết mà điều này có thể làm vui lòng Balzac hay Zola. Tuy nhiên, khi đọc Anna Karenina, chúng ta thốt lên bằng sự hân hoan ngây thơ và ngạc nhiên, tại sao lại là cái cách nó phải thế, chính nó là cuộc sống rồi! Và một nhà phê bình đương đại, Philip Rahv, nói với chúng ta hôm nay những gì Arnold đã nói với độc giả thế kỷ 19 của quyển sách. Về Tolstoi, ông Rahv nói, “sự tách biệt giữa nghệ thuật và cuộc sống có bản chất tối thiểu. Trong một tiểu thuyết Tolstoi nó không bao giờ là sự chia rẽ mà luôn là sự thống nhất giữa nghệ thuật và cuộc sống, điều này đã tạo ra sự khai minh… Người ta có thể nói trong cái lý nào đó không có cốt truyện trong Tolstoi nhưng đơn giản chỉ có một tiến trình không thay đổi được và không thắc mắc được của chính cuộc sống; tiến trình đó là sự trực tiếp đáng kinh ngạc mà với nó ông sở hữu những nhân vật ông có thể điều động với kỹ thuật đầy lôi cuốn, như khi ông điều động với những công cụ đỏm dáng: phóng đại, xuyên tạc và giả tạo.”

Tính sát sườn với cuộc sống, mà, trong số những nhà văn, ông sở hữu ở mức độ cao nhất, không làm Tolstoi trở thành nhà văn vĩ đại nhất. Cho dù vĩ đại, vẫn có những hiệu ứng phải đạt được bởi kỹ thuật lôi cuốn đầy tỉnh táo và khả năng làm biến dạng, bởi cốt truyện và thiết kế, bởi tình yêu lãng mạn, mà phương pháp tính cách của ông không thể kiểm soát được; có những thể loại khai minh và niềm vui sướng mà Tolstoi không thể đem đến cho chúng ta nhưng Dickens, Dostoevski, và James có thể. Nhưng nếu Tolstoi không phải người vĩ đại nhất trong những nhà văn – dạng so sánh cao nhất của tính từ ấy, trong bất cứ trường hợp nào, ngăn cản một cách ngu xuẩn phản hồi tự do của chúng ta về văn chương – ông có thể được xem là người trung tâm nhất. Chính ông đã đem đến cho tiểu thuyết tiêu chuẩn và khuôn thước, tiêu chuẩn và khuôn thước không phải của nghệ thuật mà của thực tế. Tác phẩm của ông được dùng làm chuẩn để ta đo độ xuyên tạc, phóng đại, và nói giảm mà những nhà văn khác dùng – dĩ nhiên là dùng một cách hợp lệ - để đạt được những hiệu ứng của họ.

Với độc giả của ông, chỉ một tác giả khác có vẻ sở hữu tính chất khuôn thước này – những gì chúng ta hôm nay cảm nhận được về Tolstoi đã được cảm nhận trong thế kỷ thứ mười tám một cách lạc quan hơn và công thức hơn về Homer. Đó chính là cảm nhận của Đức Giáo Hoàng khi ông nói rằng Tự Nhiên và Homer chính là một.

Một trong những cách ghi nhận tính chất khuôn thước, tiêu chuẩn của Homer là nói về tính khách quan của ông. Homer mang đến cho ta đối tượng, mà không nhét tính cách của ông vào giữa đối tượng đó và chúng ta. Ông đem lại một người hay một sự vật hoặc một sự kiện mà không phán xét nó, như Tự Nhiên chính nó đem đến cho ta. Và trong chừng mực nào đó, điều này đúng với Homer, thì nó cũng vậy với Tolstoi. Nhưng một lần nữa chúng ta đang xử lý một thái độ phát biểu. Homer và Tự Nhiên đương nhiên không là một, cũng như Tolstoi và Tự Nhiên không như nhau. Thật vậy, cái được gọi là tính khách quan của Homer hoặc của Tolstoi không phải là tính khách quan gì cả. Hoàn toàn đối nghịch, đó là sự chủ quan hào phóng và hoang tàn nhất có thể, vì mọi đối tượng trong Trường ca Iliad hoặc Anna Karenina tồn tại qua một phương tiện mà ta phải gọi là tình yêu của tác giả. Nhưng tình yêu này quá lan tỏa, quá bất biến, và quá công bằng, nó tạo ra một ảo giác của sự khách quan, bởi vì mọi sự trong câu chuyện, không có ngoại lệ, tồn tại trong đó như mọi sự trong Tự Nhiên, không có ngoại lệ, tồn tại trong thời gian, không gian, và không khí.

Để nhận thức đặc tính khách quan của Tolstoi, người ta chỉ phải so sánh với tính khách quan của Flaubert. Hiểu trên phê bình lý luận, Flaubert được ghi nhận khách quan gần như là Tolstoi. Tuy nhiên rõ ràng là tính khách quan của Flaubert chứa sự khó chịu và Tolstoi thì chứa tình thương (affection). Với Tolstoi, mọi người và mọi vật đều sở hữu một ưu điểm cứu vãn (saving grace). Cũng như Homer, ông hiếm khi cho phép ta lựa chọn giữa hai đối nghịch – như việc chúng ta không dám đặt lòng thông cảm cho Hector hoặc cho Achilles, cũng như trong trường đoạn vĩ đại ấy, không dám ủng hộ ai giữa Achilles hoặc Priam, nên ta không thể nói, giữa Anna và Alexei Karenin, hoặc giữa Anna và Vronsky, ai đúng và ai sai.

Hơn bất cứ gì khác, và đương nhiên đi trước những kỹ năng văn chương cụ thể mà chúng ta cô lập, chính là cái phẩm chất luân lý này, phẩm chất tình thương, đã giải thích cho ảo tưởng về thực tế rất độc đáo mà Tolstoi tạo ra. Chính khi người viết thật sự yêu nhân vật của ông, ta mới có thể thấy những nhân vật ấy được diễn tả trong sự toàn vẹn và mâu thuẫn, trong thất bại cũng như trong những thời khắc huy hoàng, trong sự tầm thường cũng như trong vẻ quyến rũ của họ. Hãy xem tiểu thuyết gia nào khác Tolstoi, có bao giờ không làm giảm đi tình yêu gần như đầy nhục dục đối với nữ anh hùng của ông ta, có thể làm ta tin vào nữ anh hùng đó, như là ta tin vào Anna, đến nỗi cô ta trở thành một phụ nữ khó khăn, hầu như bất khả? Hoặc tiểu thuyết gia nào khác có thể kể, như Tolstoi kể ta nghe về Vronsky, rằng người hùng lãng mạn của ông ta đang càng ngày càng hói nhưng cũng đồng thời không dùng chi tiết đó để hạ thấp anh ta? Cái mà chúng tôi gọi là tính khách quan của Tolstoi chỉ đơn giản là sức mạnh của tình yêu để không phải cam chịu sự giảm bớt từ một sự thật là cuộc sống thường không được lý tưởng như mong ước. 

Chính là chiến thắng đầy khôn khéo của nghệ thuật Tolstoi đã khiến ta ủng hộ một cách nhiệt thành cho cách tượng trưng mọi sự như chính chúng như thế của nghệ thuật đó. Chúng ta rất vui vẻ đưa ra sự thừa nhận cho những gì Tolstoi tượng trưng và rất sẵn lòng gọi đó là thực tế vì ta sẽ nhận vào từ việc gọi đó là thực tế. Bởi vì đó là niềm hy vọng của từng con người đoan chính, trung thực để được phán xét dưới phương diện cách trình bày bản chất con người của Tolstoi. Có lẽ, những gì Tolstoi đã làm là tạo ra, như thực tế, sự phán quyết hay bản án mà mỗi con người đoan chính, trung thực (một cách hợp lý) thường thường sẽ đưa ra cho bản thân họ - như là một người không hoàn toàn tốt và không hoàn toàn xấu, không anh hùng tuy nhiên cũng không thiếu anh hùng chủ nghĩa, không lộng lẫy nhưng cũng không thiếu những thời khắc sáng sủa, không để bị hiểu bởi bất cứ công thức nào tuy nhiên vẫn có nguyên tắc sống riêng, và thu xếp cách nào đó, bất chấp những quan niệm lễ giáo, để luôn giữ được phẩm giá. 

Đó đương nhiên là một cách khác để nói hiện thực của Tolstoi hoàn toàn không khách quan chút nào, rằng đó chính là sản phẩm của ý chí và ước ao của ông (và của chúng ta). Khi chúng ta nói như vậy, chúng ta phải nói thêm – ta phải làm thế để đạt được cái hiện thực cụ thể mà trong đó Tolstoi bỏ sót chi tiết những hiện thực khác sở hữu. Đáng kể nhất, ông đã bỏ sót cái xấu (evil), chi tiết trung tâm trong cái nhìn của tác gia vĩ đại cùng thời Dostoevski. Tolstoi, để chắc chắn, không phải là không nhận thấy được những đau khổ của con người. Levin, là tượng trưng cho bản thân Tolstoi trong Anna Karenina, bị rơi vào một cuộc khủng hoảng tinh thần với ý nghĩ “đối với mọi người, bản thân anh ta nữa, không có gì khác ngoài khổ đau, cái chết và lãng quên,” rồi anh ta bị đẩy đến mức tin rằng anh “hoặc là phải diễn tả cuộc sống bằng cách khiến cuộc sống không giống như một trò đùa xấu xa của quỷ sứ, hoặc là tự bắn bỏ cho rồi.” Về hình thức, đây cũng chính là ý nghĩ luôn dằn vặt Ivan Karamazov. Nhưng nó có khác biệt về giọng văn, và khác về cường độ. Cảm giác tiêu cực của Levin, tuy đau đớn, nhưng mơ hồ và có thể man mác buồn; nó hoàn toàn không có sự rùng rợn và ghê tởm như cảm giác nơi Ivan. Và Levin có thể giải quyết khủng hoảng của mình một cách khá dễ dàng, vì anh ta sở hữu những chất liệu ôn hòa trong tầm tay mà Ivan không có và có thể sẽ không chấp nhận – lòng thành kính, công việc, truyền thống, và sự liền mạch trong gia đình.

Ngày nay, cảm thức xấu xa dễ dàng tiếp cận chúng ta. Ta đều đồng ý với cái mà Henry James gọi là “sức tưởng tượng tai họa” (imagination of disaster), và với đủ tỉnh táo, với thực trạng của thế giới hôm nay. Cũng với đủ tỉnh táo mà chúng ta rung cảm nhất với những tác giả, những người có tưởng tượng tai họa phát triển cao, ngay cả phát triển cực cao. Với nhiều người chúng ta thế giới hôm nay có vẻ ngoài và cảm giác của một cuốn tiểu thuyết Dostoevski, mỗi thời khắc của nó là khủng hoảng, mỗi chi tiết của nó đều ném ra sự đa cảm trầm trọng và ý chí thương tật, mù lòa. Có thể hiểu rằng, khi bùa phép của Tolstoi chưa phủ xuống chúng ta ngay, ta có thể thấy như rằng ông đem đến cho ta không phải thực tế mà chỉ là một phần của thực tế mà thôi.

Không nghi ngờ rằng sức tưởng tượng tai họa không thực sự mạnh nơi Tolstoi.[1] Nhưng có thể chính ở đây ẩn chứa giá trị khác thường của ông đối với chúng ta. Vì sức tưởng tượng tai họa là một chức năng đầy can đảm và quả quyết của lý trí nhưng nó đồng thời cũng độc đoán và hay ganh tị - nó không dễ dàng gì cho phép những quan niệm khác đi bên cạnh; nó sẵn sàng sinh ra cái xấu hơn là sinh ra một thứ mà cái xấu có thể xảy đến với thứ đó; hoặc, nếu nó sinh ra một sự vật có thể bị tổn hại, nó thường có khuynh hướng làm thế bằng một cách trừu tượng. Thị hiếu văn học của chúng ta đã trỗi dậy từ quan niệm này, là một thị hiếu tự nhiên, tuy nhiên nó chứa cái nguy hiểm làm ta có thể đi đến giả định rằng cái xấu xa lại tương đương với thực tế. Ta còn có thể, bằng một cách xa xôi và vô thức nào đó, đi đến tôn vinh cho cái xấu như thể là thực tế. Hoặc có thể xảy ra rằng sự lo sợ của chúng ta về cái xấu xa sẽ đưa ta đến chỗ đánh mất nhận biết của ta, hoặc ít nhất cũng mất đi sự khẳng định văn học của nhận thức chúng ta, về thế nào là cái tốt đẹp của cuộc sống. Sức sáng tạo văn học kể từ thời Tolstoi rực rỡ phi thường và xác đáng tuyệt diệu, tuy nhiên có một sự thật phũ phàng rằng, mặc dù nhiều cây bút đủ sức viết về đau khổ của cuộc sống, hầu như không ai có thể kể về sự đau khổ dưới dạng niềm vui tiềm ẩn của cuộc sống, và mặc dù nhiều người đã miêu tả được sự suy nhược và biến dạng của quan hệ con người, hiếm ai có thể diễn tả được sự bình thường của quan hệ con người là thật như thế nào. Nhưng trong Tolstoi, gia đình là một thực thể; quan hệ cha mẹ với con là một tình trạng thật chứ không phải mang tính biểu tượng; tình thương thực sự hiện hữu và có thể được nói đến nếu thích mà không hề xấu hổ; tình cảm lên rồi xuống, nhẹ nhàng hoặc giận dỗi, nhưng nó luôn là cái gì đó cao hơn một phép ẩn dụ; sự liền mạch sinh học là sự thật, không phải giống như sự quả quyết sơ sài một cách cảm động của James Joyce, mà là một cách giản đơn và không thể trốn thoát. Ta có thể nói, với sức tưởng tượng tai họa rất thấp đó, Tolstoi đã phục vụ chúng ta, vì ông nhắc nhở ta về cuộc sống trong cái thực tế thông thường của nó là như thế nào.    

Tôi đã nói rằng tầm nhìn luân lý của Tolstoi hầu như là tác nhân cho niềm vui sướng của chúng ta khi phản ứng về Anna Karenina. Đó là lý do tại sao phê bình, cụ thể là phê bình văn học, nên bó tay chịu trói (lay down its arms) trước cuốn tiểu thuyết này. Chúng ta sống trong một thời mà phê bình văn học đã và đang đưa ra nhiều tuyên bố quả quyết mà chắc hẳn không hoàn toàn phi lý. Nhưng phê bình đặc trưng của thời đại chúng ta là phân tích tâm lý học của ngôn ngữ. Đây là một kỹ thuật cực kỳ hữu dụng, nhưng có những khoảnh khắc văn chương không hề muốn tiết lộ bí mật quyền lực của chúng cho bất kỳ nghiên cứu về ngôn ngữ nào, bởi vì quyền lực văn học không phụ thuộc vào ngôn ngữ mà là dựa vào quan niệm luân lý. Khi ta đọc Hector trong phút giã từ Andromache đã bế con trai nhỏ lên nhưng đứa bé kinh sợ trước cái bờm ngựa nơi mũ chiến của người cha, Hector tháo mũ ra và cười to rồi đặt mũ xuống đất như thế nào, hoặc Priam lẻn đến tận lều của Achilles cầu xin để mang xác con trai về, và rồi người đàn ông già và chàng trai trẻ, cả hai đều đang chịu tang và đau buồn về mất mát của người thân, nói chuyện với nhau về cái chết và số phận ra sao, không gì có thể giải thích được quyền lực của những thời khắc đó lên chúng ta. Và ngay cả khi sóng cảm xúc ta dâng trào bởi nhận thức của ta về một sự thích hợp đến hoàn hảo của từ ngữ được sử dụng – “Không duyên cớ. Không duyên cớ” (No cause. No cause) của Cordelia (King Lear); hoặc của Ophelia “Tôi là người bị lừa dối nhiều hơn”; hoặc của Hamlet “Còn lại đều im lặng” -  ta vẫn không thể xử lý ngôn ngữ bằng cách phân tích, vì không phải ngôn ngữ có vẻ thuyết phục về tâm lý học mà chỉ là đúng đắn một cách luân lý; ta cảm thấy chính xác bằng cách này mà con người trong tình huống ấy nên nói, và chỉ toàn bộ cảm thức cuộc sống của chúng ta mới có thể giải thích sự trân trọng của ta với việc từ ngữ được dùng là những từ này thay vì những từ khác.

Tóm lại, có những lúc mà người phê bình văn học không thể làm gì khác hơn là chỉ ra, và Anna Karenina đem đến cho anh ta một lúc như thế khi chức năng phê bình của anh ta bị thu hẹp lại và trở nên cái hành động mang tính sơ khai đó: chỉ ra. Chỉ ra tại sao tiểu thuyết này hay? Chỉ có ngón tay của sự ngưỡng mộ mới có thể trả lời: bởi vì khoảnh khắc này, hoặc thời điểm kia, hầu hết là những khoảnh khắc lặng yên, tầm thường, mang tính tình huống. Bởi vì một chi tiết quan sát nhân vật: “Hoàng tử Kuzovlev ngồi đó mặt trắng bệch trên con ngựa thuần chủng từ giống ngựa nòi Grabovsky, trong khi gã thân bộc người Anh dìu cương nó. Vronsky và những đồng chí đã biết về Kuzovlev và tình trạng đặc biệt yếu thần kinh cũng như sự vô dụng đến tệ hại của chàng ta. Họ biết chàng sợ hết thảy mọi việc, sợ khi cưỡi một con ngựa hung hăng. Nhưng ngay lúc này, chỉ bởi vì nó thật khủng khiếp, vì người ta có thể ngã gãy cổ, và có bác sĩ đứng ở mỗi chướng ngại vật, đàng kia một bệnh viện dã chiến với chữ thập trên đó, và một bà sơ y tá, chàng ta đã quyết định tham dự cuộc đua.” Hoặc bởi vì một mẩu quan sát xã hội: “Vassenka Veslovsky trước đó hoàn toàn không có khái niệm gì về việc nó thật sự hợp mốt khi một vận động viên mặc thời trang rách rưới thay vì trang phục săn bắn chất lượng tốt nhất. Giờ đây anh đã thấy điều đó khi nhìn Stepan Arkadyevich, rạng rỡ trong trang phục rách, duyên dáng, no đủ, và vui sướng, một quý tộc Nga điển hình. Và anh quyết định lần tới tham dự cuộc săn bắn anh chắc chắn sẽ ăn vận y hệt.” Hoặc bởi vì cuộc đua ngựa vượt chướng ngại khó quên của Vronsky và cú té khá bi kịch của con ngựa Anh đẹp đẽ; hoặc cuộc trò chuyện của Dolly với người nữ nô lệ về con cái và nghĩa vụ của việc làm phụ nữ; hoặc Levin gặt lúa với những người nông dân trên cánh đồng, người nông dân già thách thức anh “Một khi đã nắm sợi dây, không bỏ ra được đâu!” và tất cả nông dân chờ đợi người chủ của mình bỏ cuộc trước áp lực nhưng cuối cùng hầu hết đều mừng vì anh ta không chịu thua; hoặc phân đoạn, được lấy từ chính tình sử của Tolstoi và vợ ông, trong đó Levin và Kitty trò chuyện bằng cách viết bằng phấn lên mặt bàn những ký tự viết tắt của những từ ngữ; hoặc sự quyết tâm của Alexei Karenin để trở thành một nhà quý tộc và chức sắc Thiên Chúa Giáo và sự bất lực của anh trong việc theo đuổi ý định ấy; hoặc cuộc viếng thăm của Anna đến con trai của nàng trong buổi sáng sinh nhật của nó; hoặc chi tiết tả sự chần chừ của Sergei, anh trai Levin, trong lúc anh đã có thể cầu hôn Varenka, và cuối cùng cả hai đều nhận ra rằng thời khắc đã qua đi mất.

Một phần pháp thuật của cuốn sách là việc nó xâm phạm quan niệm của ta về cái tỉ lệ nên tồn tại giữa tầm quan trọng của một sự kiện và không gian được giành cho nó trên trang giấy. Việc Vronsky đột ngột nhận ra sự thật rằng anh ta bị ràng buộc với Anna không phải bởi tình yêu mà bởi sự kết thúc của tình yêu, một nhận thức làm thay đổi tất cả mọi hiểu biết của ta về mối tình của hai người, được xử lý chỉ trong vài dòng; trong khi đó nhiều trang được sử dụng để tả khám phá của Levin về việc tất cả áo sơ mi của anh đã được xếp vào hành lý và anh không còn áo để mặc cho đám cưới của mình. Chính là mức độ chú ý được giành cho những cái áo đã làm Matthew Arnold kêu lên rằng cuốn sách này không nên được tiếp nhận như nghệ thuật mà nên như là chính cuộc sống, và có thể hình ảnh này gợi ý năng lượng của trí thông minh động vật (the energy of animal intelligence) đã đánh dấu Tolstoi như một tiểu thuyết gia. Bởi vì ta thấy một cách tóm lược nhận thức của ông rằng tinh thần con người thì luôn luôn nhận được sự độ lượng từ cái hiện thực và tầm thường, cảm thức đam mê của ông rằng cái hiện thực và tầm thường là quan trọng nhất, niềm tin chắc chắn của ông rằng chúng không phải là thứ quan trọng cuối cùng. Nghe có vẻ như một loại kiến thức khiêm tốn? Chúng ta đừng tự lừa dối mình – để hiểu tinh thần vô điều kiện thật sự không quá khó, nhưng không có kiến thức nào hiếm hơn sự hiểu biết về tinh thần bởi vì nó hiện hữu dưới những điều kiện không trốn thoát được mà cái hiện thực và tầm thường gây dựng.



[1] Mặc dù đủ mạnh để đem đến cho ta nhân vật anh trai của Levin tên là Nicolai, người mà sự thất vọng về cuộc sống thật là toàn diện và đâm rễ thật sâu giống như bất cứ nhân vật nào khác của Dostoevski.



Monday, December 10, 2012

Thượng Đế Thì Cười - Nguyễn Khải


Trước khi đọc cuốn này, tôi đã được biết lơ mơ đến ông Nguyễn Khải qua một bài viết của Vương Trí Nhàn. Đại loại có đoạn chỉ trích hơi gay gắt. Thế là thành kiến với ông Nguyễn Khải, có lẽ lại là một Tố Hữu, một Chế Lan Viên, một Hoài Thanh nữa chăng?

Đọc bài viết ngắn về Nguyễn Khải của Nguyên Ngọc nằm ở những trang cuối sách trước tiên, người ta dễ có cảm giác ừ thì bạn bè thân viết về nhau hẳn phải nói tốt. Rất bình thường thôi. Nhưng quay lại những trang ấy khi đã đọc hết tác phẩm, tôi thấy rõ rằng ông Nguyên Ngọc viết rất xác đáng, rất trung thực về bạn mình: "...sự trung thực, cả điều gọi là dũng khí của nhà văn chủ yếu phải là ở trong sáng tác của anh, chứ không phải là, chỉ là trong ứng xử hằng ngày ở đời của anh."

Cuốn sách là một tuyển tập, trong đó phần đầu gồm nhiều truyện ngắn, tạp văn và hơn 250 trang cuối là truyện dài Thượng đế thì cười. Đây thật ra giống một hồi ký, tự sự, nhìn lại cuộc đời hơn là một tiểu thuyết. Tác giả kể từ xa đến gần, tự xưng mình là "hắn".

Thẳng thắn mà nói, những tạp văn đầu sách tuy đọc được nhưng không có gì đặc biệt; còn hồi ký Thượng đế thì cười sa đà vào những kể lể cá nhân quá mức, nhiều đoạn làm người đọc khó chịu. Khi đọc được 1/3 sách, chân dung Nguyễn Khải hiện lên như một con người đạo đức giả, luôn muốn tự nhận mình là người kém tài, kém tháo vát, thích dĩ hòa vi quý, không muốn làm quan và không muốn làm hại ai. Vậy mà chính ông đã cho biết rằng mình bị nhiều bạn văn căm giận, gọi là "tên đao phủ". Như thế đủ biết Nguyễn Khải đã có thời nịnh bợ, o ép đồng chí, đồng nghiệp của mình như thế nào. Về gia đình, Nguyễn Khải hơn một lần càm ràm về bà vợ đã thất tuần mà vẫn đòi hỏi sự quan tâm của chồng, cũng như luôn sợ chồng phản bội. Bà vợ tuy tháo vát nhưng gốc nhà quê, nhiều lần làm ông xấu hổ trước bạn bè. Những chi tiết nên để trong nhật ký cá nhân hơn là viết cho thiên hạ đọc. Rồi đến những đoạn kể về cha mẹ ruột, những người không rõ đối xử với ông tệ như thế nào mà cũng hơn một lần Nguyễn Khải đã nhắc đến họ một cách hằn học, và nhắc về thời niên thiếu của mình một cách đầy cay đắng. Giống như kiểu người thanh niên gương mẫu phải phủ định quá khứ tiểu tư sản của mình. Đọc đến đó, tôi nghĩ ai cũng có ý định xếp xó cuốn sách này cho rồi. Nhưng ý định đó của tôi không thực hiện được, vì cứ tối nào mệt, chỉ muốn đọc để ru ngủ thì tôi lại cầm cuốn ấy lên đọc tiếp.

Nhìn lại, rõ ràng đọc hết cuốn sách này không phí thời gian chút nào. Khi bình tâm, tạm quên những thành kiến, tôi càng đọc càng thấy thông cảm với Nguyễn Khải. Những yêu ghét, gay gắt cá nhân đã làm tôi khó chịu, nếu đánh giá cho đúng cũng đều rất con người. Vấn đề là không ai muốn nói những chuyện không ai muốn biết ấy, đặc biệt trong một cuốn sách văn học, nhưng Nguyễn Khải vẫn chọn cách nói ra, nói hết, nói nguyên vẹn. Tình cảm lúc ấy của ông đối với sự việc như thế nào thì mấy mươi năm sao ông cũng kể lại y như vậy. Không phải vì ông muốn tỏ ra thành thật để xin xỏ lòng cảm thông của bạn đọc, như suy đoán ban đầu của tôi về một con người đạo đức giả, mà ở đây ông thành thật một cách rút ruột, rút gan, vắt kiệt tất cả để phơi bày hoàn toàn những cái xấu, những méo mó của bản thân. Như một nỗ lực làm con người trung thực lần cuối. Còn việc phán xét thế nào là tùy cảm nhận của bạn đọc.

Không rõ những tác phẩm khác của Nguyễn Khải như thế nào, nhưng đọc một đoạn tả cảnh khi ông theo xe quân đội đi thực tế chiến trường, tôi thấy một Nguyễn Khải khác hẳn cái ông già nhì nhằng, kể lể của Thượng đế thì cười. Quả thật, ông là một nhà văn có nghề. Giọng văn kể chuyện rành rọt, tuôn chảy liên tục như dòng suối, không hề vấp váp, khiến người đọc như chiếc lá cứ phải trôi hoài theo dòng chảy về phía trước. Có lẽ cái tài của Nguyễn Khải là ở đó? Ngoài ra, cuốn sách này có lẽ thuộc loại không cần phải đọc, trừ khi bạn tò mò về cuộc đời Nguyễn Khải.

Việt Lê


Thursday, December 6, 2012

Lỗi trang đầu tiên trong vài cuốn sách của Tủ Sách Tinh Hoa


Những cuốn sách trong Tủ Sách Tinh Hoa của Nxb Tri Thức đều thuộc dạng ai cũng muốn sở hữu trên tủ sách, với phương châm (có lẽ của không ít người) là mua về, để đó, từ từ đọc. Mình cũng không ngoại lệ.

Chuyện gặp phải lỗi trong sách xuất bản tại Việt Nam có lẽ không lạ gì với bạn đọc. Tuy nhiên với tầm vóc uy tín của tủ sách này, không thể ngờ rằng 3 cuốn mình đọc gần đây nhất thì cả 3 cuốn đều có lỗi ở trang đầu tiên.

Trước hết là tập tiểu luận của Roland Barthes:


Đây là trang đầu tiên có nội dung. Nhưng cước chú ở trang này đã lên đến số 3? 

Thứ hai là cuốn Tâm lí học đám đông của Gustave le Bon, trang đầu tiên đã có lỗi typo:



Cuối cùng là cuốn tiểu luận Câu chuyện vô hình & Đảo của Hamvas Béla, văn sĩ người Hungary:


 "Ra nhập": sai trầm trọng, có lẽ dịch giả quen dùng tiếng địa phương. Thật khó hiểu vì nếu search trên google ta sẽ thấy nhiều người cũng dùng "ra nhập" thay vì "gia nhập".

Hết biết mấy vị biên tập viên Nxb Tri Thức. 

Monday, November 19, 2012

Tái bản Trần Thái Đỉnh



Những quyển sách giá trị của GS Trần Thái Đỉnh tái bản sau 75. Ba cuốn hàng trên, bìa cứng, là đợt tái bản đầu tiên in khoảng năm 2005 - 2006, hai cuốn dưới vừa được tái bản lần hai trong tháng 11. 


Giáo sư/linh mục Trần Thái Đỉnh được xem là người trình bày triết Tây theo kiểu dễ tiếp cận nhất, bên cạnh Nguyễn Văn Trung, trong số những vị giáo sư triết nổi tiếng của miền Nam trước 75. Đương nhiên tôi chỉ dám đọc sơ qua cuốn mỏng nhất là Triết học Hiện sinh. So với cuốn của Trần Thiện Đạo Từ chủ nghĩa Hiện sinh đến thuyết Cấu trúc, hình như một ông đề cao Heidegger còn một ông thì phục Sartre? Cảm nhận của tôi chỉ le lói nhiêu đó thôi. Sau đây để lấp đầy bài viết, mời bạn đọc trích đoạn khá thú vị trong bài Giới thiệu của ông Bùi Văn Nam Sơn viết cho cuốn Triết học Kant của Trần Thái Đỉnh. Cũng hơi vô duyên khi cuốn đó vẫn chưa được tái bản lần hai, nghe đâu là chưa xin được giấy phép. Trở về trích đoạn bên dưới, ông Bùi Văn Nam Sơn, với vẻ trân trọng một thời đã qua với không khí học đường nhuốm màu trí thức, tự do đúng nghĩa, đã kể về những người thầy của mình: 


"Giữa không khí nóng bỏng của thời cuộc những năm 1966-68, thế hệ “tuổi hai mươi” của một số anh chị em chúng tôi lúc bấy giờ còn may mắn được ngồi trên ghế nhà trường: Khoa Triết Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ở đó, những đầu óc măng tơ được êm đềm “dẫn vào Triết học”, được khuyến khích “nhập môn” (chứ chưa dám nói đến “nhập thất”) vào một thế giới lạ lùng, bí hiểm nhưng cũng đầy quyến rũ gợi lên bao “thao thức”, “trăn trở”, “suy tư” của tuổi trẻ. Và nhất là, lại được “dẫn vào”, được “nhập môn” bằng chính những bàn tay êm ái của nhiều vị Thầy khả kính với các phong cách khác nhau. Muốn tìm “lối vào” triết Đông ư ? Chúng tôi có Thầy Nguyễn Đăng Thục uyên bác và bừng bừng tâm huyết (trong một giờ học, Thầy chỉ mạnh tay vào một quyển sách chữ Hán – hình như là quyển “Đạo giáo nguyên lưu” - rồi gằng giọng hỏi: “thế hệ chúng tôi mất rồi, ai trong các anh chị còn đọc được những quyển sách này ?”); có Thầy Kim Định bay bổng, Thầy Nguyễn Duy Cần cặm cụi, Thầy Lê Xuân Khoa hào hoa... Còn triết Tây ? Chúng tôi có Thầy Nguyễn Văn Trung (những vấn đề cơ bản, Marx), Thầy Lý Chánh Trung (đạo đức học), Thầy Lê Thành Trị (Husserl, Sartre...)... Nhưng, “sợ” nhất vẫn là Thầy Nguyễn Văn Kiết ! Thầy nổi tiếng nghiêm khắc, lại dạy rất khó. Bốn tác giả lớn nhất và khó nhất của triết học cổ điển Đức (Kant, Fichte, Schelling, Hegel) được Thầy dồn lại trong một “cours” (giáo trình) chỉ ngót trăm trang, đọc muốn vỡ đầu mà chỉ có thể hiểu được lỏm bỏm. Mà nào phải chỉ cần đọc để tìm hiểu thôi đâu, còn “phải học” để đi thi nữa chứ; thi hỏng thì... “Thủ Đức” đang chờ sẵn ! (Chắc vì biết thế nên Thầy Lý Chánh Trung ít khi nào “nỡ” đánh hỏng chúng tôi ! Tệ lắm thì được nghe Thầy nhắc nhẹ: “Anh có đi nghe cours tôi không ?” rồi cho 10 điểm trung bình !). Cho đến một hôm, khi đang giảng về Fichte với các bài “Diễn văn cho dân tộc Đức” nổi tiếng hùng hồn trước cuộc tấn công của Napoleon, Thầy Kiết nhìn chúng tôi và trầm ngâm: “Tình hình hiện nay, ai sẽ là người đọc “Diễn văn cho dân tộc Việt” ? Câu hỏi ngắn nhưng gây chấn động tâm tư, vì đến từ một người Thầy tưởng như không hề quan tâm đến thế sự ! Chúng tôi càng bất ngờ nhưng rồi cũng hiểu được tại sao sau Tết Mậu Thân 68, Thầy, lúc ấy đã lớn tuổi và sức khỏe yếu nhiều, đã lặng lẽ chia tay chúng tôi vào tham gia kháng chiến(1). Tôi không hiểu hết những lời Thầy dạy về Kant... (dù nhờ ơn Thầy mà lần đầu tiên được nghe những từ đầy “mê hoặc”: siêu nghiệm, võng luận, Antinomie...), nhưng Thầy đã ghi đậm lên tim tôi cái lẽ phải thông thường chẳng cần “triết lý “ cao xa: “quốc gia hưng vong...”. Công ơn Thầy lớn quá !

Thầy Lê Thành Trị một hôm cầm quyển “Phê phán Lý tính thuần túy” (bản dịch tiếng Pháp) dày cộm, nâng cao lên cho chúng tôi thấy, rồi nói: “Các Ông các Cô” [Thầy luôn cố ý gọi chúng tôi như thế để tỏ lòng tôn trọng sinh viên trong “môi trường” đại học] học Triết học chuyên nghiệp thì phải đọc hết quyển này !”. Nghe lời Thầy, tôi tìm đến “Thư viện quốc gia” ở đường Gia Long (bây giờ là “Thư viện Khoa học xã hội” ở đường Lý Tự Trọng) rón rén mượn quyển sách... xem thử. Bác thủ thư nhận thẻ, ngước nhìn tôi bằng cặp mắt nghi ngờ, nhưng rồi cũng chịu khó xuống kho lục tìm. Ngót 15 phút sau, tôi mới được cầm trên tay quyển sách nặng trịch, bám bụi, trịnh trọng tìm một góc ngồi thật êm ái ở hành lang cổ kính, rồi dỡ ra... đọc. Lật tới lật lui năm bảy lần, thử ráng đọc vài đoạn mới biết sức mình có hạn, trong khi ngoài cửa sổ kia, hàng me xanh quá, và chiều Sài Gòn thơ mộng quá ! Cố ngồi náng thêm nửa tiếng đồng hồ mới dám... rón rén mang trả chỉ vì sợ gặp lại ánh mắt của bác thủ thư! May sao, chẳng biết nhờ đâu, tôi tìm đọc được bài giảng của Thầy Trần Thái Đỉnh – hình như là bài giảng của Thầy ở Đại chủng viện Xuân Bích -, sau này được in và công bố (“Triết học Kant”, NXB Văn Mới, 1974). Tôi không may mắn được Thầy trực tiếp dạy về Kant. Ở “Văn khoa”, chúng tôi chỉ được nghe Thầy giảng về triết học hiện đại, và cũng là lần đầu tiên được nghe Thầy giới thiệu về thuyết cấu trúc (bấy giờ gọi là “Cơ cấu luận”) mà nay chỉ còn nhớ được đôi câu trích dẫn đầy “ấn tượng”: “Chúng ta không nói mà bị nói; không làm mà bị làm” v.v.. của những F. Saussure, C.L.Strauss... mới toanh ! Nhờ Thầy, chúng tôi được biết ít nhiều về triết học hiện đại, nhưng với riêng tôi, bài giảng về Kant của Thầy nói trên thật đã “cứu nguy” đúng lúc để giúp tôi phần nào hiểu được “cours” hóc búa của Thầy Nguyễn văn Kiết và nhất là khóa giảng rất khó và rất sâu của Thầy Lê Tôn Nghiêm về quyển “Kant và vấn đề Siêu hình học” của M. Heidegger. Không hiểu Kant, làm sao hiểu nỗi M. Heidegger bàn gì về Kant ! Từ đó và mãi đến hôm nay, quyển “Triết học Kant” của Thầy Trần Thái Đỉnh (cùng với hai bản dịch rất quý của Thầy về Descartes: “Luận văn về phương pháp”/“Discours de la methode” và “Những suy niệm Siêu hình học”/“Meditations métaphysique”, 1962) và quyển “Kant và vấn đề Siêu hình học” của Thầy Lê Tôn Nghiêm luôn theo sát bên tôi không chỉ như kỷ vật đáng nâng niu của một thuở hoa niên mà còn như hai vị Thầy lặng lẽ, lúc nào cũng ở bên cạnh mình để sẳn sàng chỉ dạy mỗi khi cần ôn lại một định nghĩa, tìm cách dịch một thuật ngữ nào đó. Gần đây, khi dịch và chú giải quyển “Phê phán Lý tính thuần túy” của Kant (NXB Văn học 2004) (ôi, quyển sách đầy kỷ niệm trong tay Thầy Lê Thành Trị thuở nào !), tôi đã trộm phép Thầy Trần Thái Đỉnh để sử dụng lại một số thuật ngữ tiếng Việt quan trọng được Thầy dùng để dịch Kant mà đến nay tôi vẫn chưa tìm thấy cách dịch nào tốt hơn: “niệm thức” (Schema), “Ý thể” (das Ideal), “Phân tích pháp” (Analytik)  v.v.., để chỉ xin đơn cử một hai ví dụ.

Các Thầy không chỉ trao truyền cho chúng tôi vốn kiến thức cơ bản, mà quan trọng hơn, đã thắp lên trong chúng tôi lòng khao khát học hỏi, lòng quý trọng đạo lý (Thầy Nguyễn Đăng Thục từng nửa đùa nửa thật bảo chúng tôi nên dịch chữ “Philo-sophia” của triết Tây thành “Minh Đức hữu hoài” !). Và Thầy Trần Thái Đỉnh, Thầy Lê Tôn Nghiêm... đều luôn khuyên rằng: học triết học là phải biết đặt câu hỏi; câu hỏi có khi quan trọng hơn câu trả lời; phải biết lùi lại để “đặt thành vấn đề” những gì tưởng đã giải quyết xong, phải biết lắng nghe và tôn trọng người khác vì chân lý chẳng của riêng ai và cũng chẳng dễ tìm. Hiện thân cho tinh thần ấy một cách mạnh mẽ và đầy thuyết phục không ai khác hơn là chính I. Kant, đối tượng được tìm hiểu trong quyển sách này. Do đó, nhân dịp tái bản quyển “Triết học Kant” của Thầy Trần Thái Đỉnh, được Nhà xuất bản gợi ý và được Thầy rộng lòng cho phép, tôi muốn nhân cơ hội quý báu này để trước hết, bày tỏ lòng biết ơn Thầy của một người học trò cũ và, sau đây, xin kính cẩn góp vài suy nghĩ “nối điêu”.

..."

(Trích từ SáchHay.org)

Sunday, November 11, 2012

Chưa Đủ Cô Đơn Cho Sáng Tạo - Inrasara



Tập tiểu luận phê bình Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo của nhà thơ Inrasara là một cuốn sách mang tính giải trí nhiều hơn là học thuật. Nói như vậy không có nghĩa những bài viết trong sách không đủ nghiên cứu và nghiêm túc. Thật ra, là một nhà thơ, tác giả đã rất thành công trong việc thi hóa văn xuôi của mình trong một thể loại dễ trở thành khô khan. Văn phong dứt khoát, gãy gọn, nhiều khi quá gọn. Tác giả múa bút (hay múa phím) tự tin như đang đọc tuyên ngôn. Inrasasa dùng câu ngắn, từ gọn nhưng không khô cứng. Từng câu, từng chữ mang tính bất ngờ, phá cách của thơ. Do đó, sách bàn chủ đề có vẻ to lớn nhưng đọc rất gần gũi, hấp dẫn, lôi cuốn và mang tính giải trí cao.

Trong tập tiểu luận, bài chủ đề Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo chỉ đơn giản viết xuống một điều mà nhiều người cầm bút có lẽ đã biết, nhưng ít ai nói ra. Người đọc liếc qua tựa là có thể đoán nội dung – như một hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đã và đang dần đánh mất cái tôi sáng tạo trong cái bẫy của tập thể văn nghệ, của truyền thông. Là bài chủ đề, nhưng không phải hay nhất. Có thể nói Bế tắc trong sáng tạo mới là bài tiểu luận đặc sắc nhất của cuốn sách. Tác giả đưa ra 2 câu hỏi “Tại sao bế tắc? Và làm gì khi bế tắc?” rồi trả lời, có lẽ với những kinh nghiệm bế tắc trong sáng tạo của chính ông, và từ kinh nghiệm khi quan sát văn đàn Việt Nam trong thời gian dài. Một vài lý do bế tắc theo Inrasara là do người viết, do tác động từ bên ngoài (bị chụp mũ, phản động,v..v..) và đặc biệt hơn hết do tính nghiệp dư của người cầm bút. Hầu hết đều xem văn chương như trò chơi. Chân dung nhà thơ hiện đại được Trần Ngọc Tuấn phác ra rất thành thực:

Ở quán 81
Có gã từ thâm sơn cùng cốc
Tạt uống vài li rồi vùng đi

Có gã xa quê buồn như đá
Một bàn… một ghế… một tha hương

Có gã thất tình ngồi nói mớ
U ơ… ú ớ… lú hồn thơ

Có gã lên gân xưng hùng bá
Chưa ra quân xếp bộ cuốn cờ…” (t.34)

Trong bài tiểu luận này Inrasara còn đi sâu hơn phân tích về bế tắc: sợ lặp lại, nghẽn mạch xã hội, nghẽn mạch thơ,v..v.. Trong một trang viết ta bắt gặp một lô cái tên đình đám: Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, A. Breton, Picasso, Rilke,… Nhưng nhìn chung, một cách sơ sài, Inrasara chỉ mới gõ mạnh lên bề mặt chứ chưa làm vết nứt vươn tới được phần chìm của tảng băng. Người đọc có thể có cảm giác hơi hụt hẫng. Đó có thể cũng là cảm giác khi đọc xong một bài tiểu luận đặc sắc khác Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi suffix “nữ”. Trong bài, tác giả nhẹ nhàng đưa ta dạo chơi nhàn hạ qua một loạt cái tên thơ nữ bắt đầu hoặc đã nổi tiếng vào thời đó (trước năm 2006): Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Thanh Xuân, Lynh Barcadi, Phương Lan, Nguyệt Phạm, Khương Hà Bùi,…

“Nhục cảm trần trụi đến bất chấp của Phương Lan, ở cấp độ khác: Lynh Barcadi, hoặc sôi nổi hồn nhiên nhưng cũng không kém buông thả ở Khương Hà Bùi, cảm nhận cuộc yêu tinh tế mà lạnh lùng của Nguyệt Phạm hay cái nhìn sắc lạnh ném vào cuộc sống đương đại của ảo/thực chồng chéo đầy bất trắc như Thanh Xuân,…” (t.62)

Những nhận xét hứng khởi nhưng cũng không thiếu ưu tư. Có thể tác giả không muốn đi sâu hơn khi những nghi ngờ về độ bền sáng tạo của những nhà thơ nữ trẻ vẫn hiện diện ám ảnh. Vì thế, Inrasara hầu như không đưa ra nhận xét nặng ký nào mà chỉ như người làm vườn sợ cây đau, tí tách bên này một ít bên kia một ít. Không chê thẳng, nhưng người đọc vẫn nhận ra ông không giành cảm tình nhiều cho Vi Thùy Linh, chỉ đánh giá cao Phan Huyền Thư, Thanh Xuân.

Phần phê bình cuối sách chỉ có 2 bài. Trong đó, bài viết về Phan Nhiên Hạo khá hay. Những bài viết về văn chương dân tộc thiểu số, văn chương Chăm thoạt nghe có thể không tạo hứng cho người đọc nhưng thật ra lại không xa lạ, rất dễ đọc và đáng đọc. Tóm lại, đây là một cuốn sách phê bình mang tính giải trí cao, lối viết hấp dẫn dễ đọc với trình độ cảm thụ đáng tin của một nhà thơ có chân tài. Nhưng, rất chủ quan thôi, hơi tiếc vì người đào giếng vẫn chưa đào đủ sâu.

Việt Lê

Thursday, November 1, 2012

The New Lifetime Reading Plan - C.Fadiman, J.Major


Nhớ lại mới cách đây hai năm, những tác giả hiếm hoi tôi biết và có dịp đọc chỉ có Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư và J.K. Rowling. Có thời gian trống quá nhiều, sẵn mong muốn đọc nhiều sách từ lâu nhưng chưa làm được, tôi dần dần tìm hiểu về các tác giả lớn cần đọc. Càng tìm, càng thấy biển đọc là vô bờ bến. Cái gì cũng muốn biết, muốn đọc mà sự kiên nhẫn và thời gian thì không nhiều, hẳn ai trong tình huống này cũng sẽ thấy rất bực bội. Tôi nghĩ đầu tiên phải có một bản đồ tổng quát và sơ lược. Từ đó, song song với việc đọc tác phẩm, tôi hay thích gom về các loại sách tống hợp và phê bình văn học với hy vọng nhỏ nhen có thể "đi tắt, đón đầu".

Cuốn sách trên là một trong số đó. Có thể nói, đây là một bản Mục Lục lớn tổng hợp hầu hết những tác gia văn học, triết học và khoa học đáng đọc trên thế giới từ cổ chí kim. Trong mỗi phần giới thiệu về một tên tuổi lớn, tác giả sách luôn kèm theo một vài tác phẩm được xem là hay nhất của vị đó để đưa vào "Plan" cần đọc. Bên cạnh những thông tin về cuộc đời các tác gia là một số đánh giá phê bình ngắn gọn, đôi khi chủ quan, để làm rõ hơn những gì đáng chú ý nhất về vị văn sĩ đó.


Ngay đầu sách, hai tác giả đã nói rõ đường lối của họ: chỉ đưa vào "Plan" những tên tuổi với các tác phẩm vẫn còn ảnh hưởng nhất định theo thời gian. Tất nhiên, người đọc có thể hiểu rằng "ảnh hưởng" ở đây chỉ là giới hạn với người đọc Mỹ, nơi quê hương của các tác giả. Điều đó giải thích việc nhiều tên tuổi đáng chú ý của văn đàn thế giới không được liệt tên vào danh sách chính của quyển này. Ghi chú thêm: ngoài danh sách chính gồm những tác gia lớn với bài giới thiệu mỗi người từ 1 trang trở lên, sách thêm vào 100 tác gia "Going Further" ở sau sách, với chỉ vài dòng giới thiệu cho mỗi người. Một cái tên khá quen thuộc ở Việt Nam như triết gia người Pháp Jean-Paul Sartre phải chịu phận "dự bị" đó, khi chỉ có vài dòng giới thiệu trong phần này. Martin Heidegger, triết gia Đức, một cái tên rất có ảnh hưởng khác hoàn toàn không thấy xuất hiện trong sách. Ngoài ra, hầu như tất cả những tên tuổi từ kha khá trở lên từ các nước nói tiếng Anh đều góp mặt đầy đủ.


Một điểm rất hay của cuốn này là phần "Bibliography" khá chi tiết, giới thiệu tất cả những nguồn tài liệu đáng để tham khảo về một tác gia nào đó. Sách cũng nói rõ đối với từng cuốn sách thì nên đọc bản in của nhà xuất bản nào; sách dịch thì bản dịch nào đáng tin,v..v... Cũng từ những trang hữu ích này mà mình khám phá ra nhà phê bình Lionel Trilling, một cái tên rất có ảnh hưởng trong giới phê bình Mỹ.

Phải nói rằng khi đọc những cuốn sách kiểu này thì người đọc thấy rất thoải mái: không áp lực phải đọc cho hết, chả cần theo trình tự gì. Đọc tới đâu thì hay tới đó, biết vậy thôi chứ cũng không hoàn toàn tin. Phê bình, quan điểm về văn học thì mỗi người mỗi ý. Ông tác giả sách này thú nhận là không hiểu nổi cái hay của Faulkner và đó là cái mất mát của ông ấy, nên ông vẫn tôn trọng và giới thiệu ngắn gọn những gì cần biết. Fitzgerald, Salinger, Steinbeck, Calvino, Roth,... những cái tên nổi tiếng hầu như đều được biết rộng rãi ở Việt Nam, mài đũng quần trên băng "dự bị". Nhưng nói chung, quy mô cuốn sách khá lớn, công sức nghiên cứu của các tác giả là đáng nể và đáng tin. Hầu hết những ngôi sao dù tỏ dù mờ mà bạn có thể thấy được trên bầu trời văn nghệ đều có tên trong sách. Theo tôi, đây là một cuốn theo kiểu không thể thiếu trên tủ sách của bất cứ người yêu sách nào.

Việt Lê

Saturday, October 27, 2012

Candide (Chàng Ngây Thơ) - Voltaire


Trước khi đến với Candide, tôi được biết sơ lược về Voltaire qua Câu truyện Triết học của Will Durant. Biết trước Candide là phương tiện để Voltaire châm biếm chủ nghĩa lạc quan của Leibniz cũng không phải là cái lợi. Điều này làm giảm hứng thú và tò mò không ít khi đọc tác phẩm.

Cuốn sách này được NXB Tri Thức bao gồm rất nhiều cước chú giải thích về nhân vật, sự kiện và những ám chỉ của Voltaire. Không có những chú thích này, sợi dây liên hệ của người đọc với tác phẩm khó có thể liền mạch. Dù sao đây cũng là một cuốn sách viết ra ở một thời đại lịch sử cách nay gần 300 năm. Bản dịch của Tế Xuyên, một dịch giả miền Nam trước 1975, mà NXB Tri Thức cho biết là phù hợp nhất với tinh thần hài hước của Candide, đã được sử dụng. Giọng văn dịch này giống như văn phong của những tác giả miền Bắc thời tiền chiến, kiểu Tự Lực Văn Đoàn, có vẻ lòng vòng, kiểu cách. Tuy nhiên như thế có lẽ hợp hơn với phong cách quý tộc Châu Âu của phần lớn nhân vật trong truyện; hơn nữa, lại dễ nhấn mạnh hơn dụng ý châm biếm pha hài của tác giả.

Câu chuyện sơ lược như sau. Chàng Candide ngây thơ với niềm tin không nghi ngờ về một thế giới đầy lạc quan, niềm tin đã thấm nhuần từ người thầy là triết gia Pangloss (đại diện cho Leibniz), đã lưu lạc theo một cuộc hành trình gần như vòng quanh thế giới để theo đuổi bóng hồng lý tưởng là nàng Cunegonde xinh đẹp. Phiêu lưu qua nhiều nơi, trải qua nhiều kinh nghiệm đau thương, gặp nhiều kẻ bất lương, khốn nạn, bị lừa đảo nhiều lần và tận mắt thấy những chết chóc rùng rợn, Candide cuối cùng ngộ ra rằng thuyết lạc quan mà mình tin tưởng lâu nay là vớ vẩn, nhảm nhí. Chỉ duy nhất một nơi mà chàng Candide và bạn đồng hành thấy được đời sống hạnh phúc, no đủ và vô tư của con người như hằng tưởng tượng. Oái ăm thay, đó lại là một nơi không có thực: thành phố vàng Eldorado chỉ tồn tại trong huyền thoại. Trong truyện, Voltaire hư cấu rằng thành phố này chỉ đến được bằng những lối đi cực kỳ hiểm trở mà chỉ có ai may mắn lắm mới tìm thấy.

Ngoài những châm biếm về lý thuyết lạc quan của Leibniz, Voltaire còn dùng Candide để chỉ trích rất nhiều thứ. Hầu như mỗi tình tiết xảy ra đều có dụng ý ám chỉ hoặc phê phán một cái gì đó. Nếu cố tìm hiểu cho hết có lẽ sẽ phải mất một khóa học. Nhưng rõ nhất trong các đối tượng chỉ trích của Voltaire là nhà thờ, giáo hội khi hầu hết những nhân vật chức sắc trong nhà thờ đã xuất hiện trong sách đều bất lương hoặc thiếu đạo đức. Vì lý do đó, sau khi Candide ra đời một thời gian, Voltaire phải bỏ trốn vì sự truy nã của giáo hội. Ngoài ra, trong Candide, người ta còn chỉ ra những ám chỉ của Voltaire hướng mũi dùi về triết lý của Rousseau trong chương nói về bộ lạc thổ dân Oreillons. Rousseau cho là con người dưới hình thức tự nhiên nguyên thủy còn cư xử văn hóa hơn con người hiện đại. Voltaire cho những người thổ dân Oreillons chứng minh ngược lại lý thuyết trên. Hình ảnh 2 con khỉ và 2 người con gái trần truồng trong chương này là một trong những chi tiết ấn tượng nhất Candide.


Những điểm đáng chú ý khác của Candide là giọng điệu châm biếm ngược (sarcasm) và những ảnh hưởng đầu tiên của trường phái Black Humor. Voltaire đã khéo léo dùng châm biếm ngược và hài hước để giúp người đọc dễ tiếp cận hơn với những hình ảnh trần trụi, xấu xa, qua đó nói lên những gì cần nói. Dùng hài hước để nói đến những thứ chẳng đẹp đẽ gì như cái chết, làm người đọc cảm thấy bất an nhưng vẫn nhẹ nhàng là một đặc điểm của trường phái Black Humor, mà những tác giả hậu bối tiêu biểu như Joseph Heller, Thomas Pynchon hay Kurt Vonnegut đã chịu ảnh hưởng ít hay nhiều từ Candide.

Tóm lại, đối với độc giả đương đại hoặc ít ra là người mới đọc sách như tôi, Candide là một truyện đáng chú ý nhưng nhìn chung vẫn có vẻ xa lạ. Những sự kiện, triết lý để cập trong sách một số vẫn còn giá trị vì phản ánh thời đại Voltaire sống nhưng phần nhiều đã lỗi thời. Dù sao, ta phải thán phục tài năng và sự thông minh của Voltaire trong việc xây dựng nên một câu chuyện tình tiết dồn dập, ly kỳ, dễ theo dõi để nói lên những tư tưởng sâu sắc, những phê phán chua cay, ngang tàn của ông. Candide Chàng Ngây Thơ là một cuốn sách quan trọng nên đọc.

Việt Lê

Thursday, October 25, 2012

C..Cái cảm hứng


Cái thời này,
Cảm hứng làm thơ
lại đến từ những cái tầm thường, dơ nhớp
Có gì ngược ngạo hơn khi
Cảm hứng không đến từ Cái Đẹp
Nhưng có gì ghê gớm bằng
khi lòng ta đê cứng chai hèn
và chỉ rung động với sự gớm ghiếc, lở loét

Ôm mặt để làm gì đau đớn rồi làm gì khi ta đã lỡ nhìn thấy sự trần truồng
của Cái Đẹp
Xã hội này xấu hay đẹp
Cali xấu
hay đẹp
Thời tiết Úc đại lợi có xấu lắm không em?
thì cũng như nhau cả thôi!

Đó bạn thấy chưa?
Chỉ gõ tầm bậy,
cũng ra Bài Thơ.



SG (Singapore?) 25/10/12

Wednesday, October 24, 2012

Crysis - Thiên đường trong mơ


Nếu phải tìm những hiện tượng mang tính bước ngoặt của làng game PC trong 10 năm trở lại thì ta không thể không nói đến Crysis. Khi Crytek, hãng đã thai nghén ra game first-person-shooter (FPS) đình đám năm 2004 là Far Cry giới thiệu Crysis năm 2007, thế giới game thủ như nổ tung. Lúc đó, Crysis với phần đồ họa xuất sắc hỗ trợ bởi hệ thống CryEngine 2 đã đưa những tiêu chuẩn đồ họa game máy tính lên một tầm cao mới. Với chuẩn đồ họa cao, Crysis góp phần làm giàu cho những công ty sản xuất phần cứng máy tính khi cấu hình game đòi hỏi quá mạnh làm cho dân mê game trên máy tính phải đốt hàng núi tiền trong những cuộc chạy đua nâng cấp trong nhiều năm liền. Có thể nói, Crysis đã hâm nóng lại một thị trường game PC đang nguội lạnh và có nguy cơ tụt hậu rất xa trước sức cạnh tranh quá quyết liệt của game consoles.

Cũng như FarCry, câu chuyện của game diễn ra trên một hòn đảo nhiệt đới, thiên đường hạ giới với biển xanh, cát trắng, rừng cọ, rừng dừa. Nhân vật chính là một quân nhân lực lượng đặc biệt Mỹ đột nhập lên đảo cùng nhóm của mình để thực hiện những nhiệm vụ được giao. Kẻ thù trong game ban đầu là quân đội Bắc Hàn; sau đó khi những tình tiết chuyển biến xoay chiều, người chơi bất ngờ khi thấy mình phải đối đầu với những cỗ máy của người ngoài hành tinh.

Thể loại FPS vào thời gian đó cũng không còn là gì mới mẻ với hàng loạt game cùng thể loại. Nhưng điểm nhấn của Crysis ở chỗ cách chơi hoàn toàn mới lạ với sự xuất hiện của bộ giáp Nanosuit. Những quân nhân lực lượng đặc biệt trong nhóm bên "phe ta" đều được trang bị bộ giáp này. Nanosuit có khả năng tàng hình, tăng sức mạnh hoặc tăng tốc độ của người mặc giáp. Với những chức năng đặc biệt đó, người chơi có thể biến tấu cách chơi tùy theo ý thích một cách linh hoạt. Nhảy cao hơn mái nhà, ném đồ vật nặng lên trời dễ dàng, tàng hình lẻn đến phía sau hạ thủ kẻ thù không tiếng động, đua tốc độ với xe jeep. Khi phim G.I.Joe công chiếu, fan Crysis được một phen excited vì bộ Nanosuit trong phim lấy gần như nguyên mẫu từ bộ giáp trong Crysis.



Cách chơi thú vị, cốt truyện khá dài nhưng không nhàm chán, đồ họa xuất sắc. Cảnh vật không giữ nguyên một màu xanh nhiệt đới như lúc đầu mà dần chuyển sang băng tuyết khi câu chuyện tiến triển. Nói chung, Crysis rất biết cách giữ attention của người chơi. Trận chiến cuối cùng là một pha hành động hồi hộp, khó quên.


Việt Lê

Tuesday, October 23, 2012

Nineteen Eighty-Four (1984) - George Orwell



Nếu đã từng đọc Animal Farm (Trại Súc Vật) trước khi đến với 1984, chắc ai cũng dễ mang một số kỳ vọng nhất định rằng 1984 sẽ là một Animal Farm nối dài hoặc mở rộng. Điều này càng được củng cố khi những hình ảnh quen thuộc của Big Brother với bộ ria mép và gương mặt "phản động" Goldstein xuất hiện trong những chương đầu sách, làm ta liên tưởng đến Stalin và đối thủ Trotsky. Tuy nhiên, khác với Animal Farm lấy gần như nguyên mẫu giai đoạn biến chất của Cách mạng Liên Xô dưới thời Stalin, 1984 mang tính chất một tiểu thuyết thuần túy hơn.

Trong 1984, những sự vật, hiện tượng không lấy hình mẫu hoàn toàn từ lịch sử thực tế như kỳ vọng ban đầu của độc giả như nói ở trên. Oceania không phải là Liên bang Xô viết, càng không phải nước Anh. Đảng (The Party) trong sách chưa chắc là Đảng Cộng sản Liên Xô, cũng không hẳn là Đảng Phát xít như nhiều người liên tưởng. Nói chung, Orwell muốn nói đến chủ nghĩa toàn trị, tức là đứa con vô lại được sinh ra từ bất cứ chế độ độc tài nào đó trên thế giới này.

Ở đây, chủ nghĩa toàn trị đã được Orwell đẩy đến cùng. Trong thế giới của 1984, ba quốc gia còn sót lại trên địa cầu đều áp dụng chủ nghĩa toàn trị và không khác gì nhau trong cả mục đích lẫn phương pháp. Đời sống thường nhật của từng cá nhân bị giám sát chặt chẽ dưới những ống kính vừa có thể ghi hình vừa có thể phát thanh. Đằng sau ống kính là những lực lượng Công an Tư tưởng (Thoughtpolice) sẵn sàng phân tích từng cử chỉ, hành động của con người để đàn áp. Đời sống xã hội của 1984 là một cơn ác mộng thật sự trong đó con người cho dù yêu hay ghét đều phải đeo lên mặt một mặt nạ phục tùng. Kinh tế bao cấp, nhu yếu phẩm được phát theo khẩu phần và thường bị cắt giảm. Rượu gin kiểu hợp tác xã, bánh mì đen. Sản phẩm bao cấp chất lượng vứt đi nhưng không có lựa chọn khác. Tự do không tồn tại ở đây. Dối trá, nghi ngờ, phản bội, hận thù đi đôi với cuộc sống hàng ngày. Phát ngôn, hành động đều phải theo đường lối. Những kẻ bộc lộ cho dù một cử chỉ chống đối nhỏ nhất cũng không sớm thì muộn sẽ bị "biến mất". Nhiều khi người ta không rõ những kẻ bị cho "biến mất" ấy có thực sự là thành phần chống đối hay không. Tóm lại, đời sống vật chất và tinh thần của con người ở đây bị chèn ép đến ngạt thở.

Có thể nói, cuốn sách này khá nặng nề với những đoạn đối thoại hầu như hiếm khi xảy ra; thêm vào đó là cốt truyện đơn giản nên dễ làm nản lòng người đọc thiếu kiên nhẫn. Hết chương này qua chương khác, đặc biệt là đoạn giữa sách, người đọc như tôi có cảm giác đã đi khá xa rồi nhưng cái viễn cảnh sẽ không đi tới đâu càng hiện rõ trước mắt. Tuy nhiên, bút pháp của Orwell đã giữ ta không đóng sách lại. Nếu kiên nhẫn đọc kỹ, ta sẽ không thất vọng vì lối kể chuyện khá thú vị và thông minh. Ngoài ra, nếu thích nghiên cứu triết học hay chính trị, có thể bạn sẽ thích nghiền ngẫm những đoạn trích từ "the book" của Goldstein. Đó cũng là cái nhìn nhiều người nói là mang tính tiên tri của Orwell về một tương lai u ám của thế giới nếu chủ nghĩa toàn trị có điều kiện đi đến cùng.

Xin nói thêm về tính tiểu thuyết của 1984. Đoạn tra tấn tẩy não cuối sách có phần cường điệu hóa của Orwell đã một lần nữa xác định hùng hồn rằng đây không phải là một cuốn sách liệt kê ra từng ám chỉ ấn dụ về các sự kiện thực tế đã hoặc đang diễn ra mà người đọc cố công đi tìm và so sánh. Đây không phải hoàn toàn giống như những phương pháp cai trị của chế độ Cộng sản hay Phát xít. Với những gì tôi đã đọc được, tôi thấy chẳng bao giờ những chế độ toàn trị độc tài "rảnh" đến nỗi phải bỏ công tẩy não một kẻ chống đối như vậy. Ở đây, Ministry of Love, cơ quan đảm nhận việc tẩy não Winston Smith thật sự muốn khuất phục kẻ chống đối, muốn kẻ thù phải thất bại đến tận xương tủy; cho dù họ hoàn toàn có thể búng tay là có thể làm cho Winston Smith biến mất khỏi cuộc đời này. Có thể nói, Orwell đã lãng mạn hóa chủ nghĩa toàn trị đến một mức độ vượt khỏi tưởng tượng của người thường nhưng vẫn rất gần với thực tế. Theo tôi, đây mới là điểm làm cho cuốn 1984 trở thành một cuốn sách lớn. Những ngộ nhận về 1984 là một cuốn sách văn học biểu tượng của phong trào chống Cộng đơn giản chỉ là do những nỗ lực chính trị hóa văn học của nhà trường Mỹ trong cuộc Chiến tranh Lạnh. Đây không phải là ý muốn của Orwell khi viết 1984, như nhà văn Christopher Hitchens chuyên nghiên cứu về Orwell đã cho biết.

Việt Lê


  

Thursday, October 18, 2012

Không Đề 1


Thỏa hiệp
Căn phòng không bình yên
với xã hội
Tôi như muốn ngoạm chân tôi trong ngột ngạt
du đãng!
Gập mình nhưng mãi không liếm tới
cái chân dơ
Tôi thong dong qua con phố
Trời Sài Gòn chỉ có nơi đây xanh màu trắng trong sáng
Nhưng tôi nhìn trời chứ không nhìn đất
vì tôi biết
bước đi ngòai phố
sẽ làm dơ chân.

Đầu hàng
Hình trái tim treo lộn ngược
lũ đầy tớ
Tôi muốn tiếng hét đi ngược vào trong lồng ngực tức thở
đầu trọc!!
Nặng trĩu xương sườn thanh thản
chứa tâm sự
của một loài không dám hét lên vì trái tim.

Đứng lên
Chiều u ám như lê máy chém
đi biểu tình
Tôi lê đầu tôi nhưng mãi không phải đầu tôi
trong mơ!
Chém cái đầu đã mang những tư tưởng rập khuôn huấn luyện
mang sẵn sợ sệt yếm thế
vì lợi ích của ai khác.
Tôi quỳ gối lướt đi thong thả
Trên những vết chém.


Saigon 18/10/12