Friday, February 1, 2013

Chết ở Venice - Thomas Mann



Thomas Mann, đương nhiên là một cái tên khá mời gọi. Nhưng tủ sách Cánh Cửa Mở Rộng sao không chọn cuốn Magic Moutain/Ngọn Núi Phù Thủy, cuốn sách nổi tiếng nhất của Thomas Mann? Không rõ đã có người dịch và in chưa..

Đây là một cuốn sách đọc được. Có lẽ đề tài đồng tính nam vào những năm trước Thế chiến thứ Nhất còn là một vấn đề nhạy cảm, nên Chết ở Venice đã trở thành một hiện tượng vào lúc đó. Thật ra, mình thích nhất chương 1 và 2, nơi Thomas Mann lan man về những suy tư văn chương, triết lý, có lẽ được mang thẳng từ ngoài đời vào tác phẩm. Đoạn giữa và câu chuyện không có gì đặc biệt. Nhân vật chính, nhà văn Aschenbach đi du lịch đến Venice và bị tiếng sét ái tình từ một cậu bé thiếu niên đẹp mê hồn đánh gục. Từ đây bắt đầu những ám ảnh, những cuộc đeo đuổi và tự dằn vặt của người đàn ông khả kính ấy. Đoạn gần cuối, từ khi nhân vật khám phá ra sự thật về dịch bệnh ở Venice được tả thật hay. Cơn ác mộng của ông diễn ra trong khi những giác quan khác vẫn còn thức tỉnh, làn ranh giữa ý thức và vô thức mập mờ với những hình ảnh nhảy múa náo loạn của dục vọng. Một cảm giác kinh tởm. Ông không biết mình phải làm gì tiếp theo. Người đọc cảm giác được sự sống của ông đang chao đảo trên một ranh giới. Một bên là bản năng, là tình yêu mãnh liệt, còn một bên là ý thức về dịch bệnh, là sự sống. Nhưng cũng thật khó nói chính xác ông đang nghĩ gì lúc ấy. Chỉ biết đó là lúc tâm hồn người nghệ sĩ đạt được tột cùng của cảm xúc, khi tình yêu và sự sống cùng lúc bị dồn ép đến cuối đường, vào ngõ cụt, đến bên bờ vực thẳm. Có thể ta mù mờ không rõ ông bị nhiễm bệnh khi nào, nhưng điều đó có quan trọng không khi cái chết của nhân vật ở cuối truyện là một sự dấn thân đẹp đẽ, là tác phẩm hay nhất mà người nghệ sĩ ấy để lại cho đời.

Có thể nói người dịch của cuốn này Nguyễn Hồng Vân đã Việt hóa rất tốt. Hầu như mình khó nhận ra dấu vết của việc dịch: giọng văn trau chuốt, suôn sẻ, đọc không vấp váp chỗ nào. Đây đáng lẽ là một điều tốt. Nhưng có lẽ vì quá suôn, quá mượt, câu lại dài nên câu chữ của Thomas Mann cứ trôi tuồn tuột đi một cách không hối tiếc.


Việt Lê