Monday, August 12, 2013

The Pearl (Viên Ngọc Trai) - John Steinbeck



The Pearl là một truyện vừa, mỏng hơn cả Of Mice and Men (Của Chuột và Người). Cuốn này được viết vào giai đoạn Steinbeck đã vượt qua đỉnh cao của sự nghiệp, chỉ vài năm sau tác phẩm nổi tiếng nhất của ông: The Grapes of Wrath (Chùm Nho Uất Hận). Câu chuyện viên ngọc trai huyền thoại được mượn từ chuyện dân gian Mexico, với nhân vật chính là một thợ lặn trẻ và nghèo mạt tên là Kino. Đúng vào lúc cuộc sống chạm đáy, Kino bất ngờ mò được viên ngọc trai vĩ đại sẽ làm thay đổi cuộc đời của anh và vợ con.

Cũng như những tác phẩm tiêu biểu khác của Steinbeck, The Pearl có giọng kể hấp dẫn, thu hút của một bậc thầy. Một khi đã đọc thì khó mà dừng lại. Cái ấn tượng nhất của The Pearl đó là tính nhạc kịch khá rõ rệt với những giai điệu rất Mễ, dẫn dắt người đọc theo các sắc thái cảm xúc của Kino. Khi Kino hướng về người vợ Juana và đứa con nhỏ Coyotito, thì trỗi dậy điệu nhạc Gia Đình ấm áp. Cảm thấy nguy hiểm, điệu nhạc của Cái Ác văng vẳng từ xa. Có khi cả hai giai điệu đấu tranh với nhau giành giật, xen lẫn vào đó là những điệu nhạc khác.

Đâu đó trong tác phẩm, ta cũng thấy được điệu nhạc "Đỏ" của Steinbeck, nhưng còn ngập ngừng, chưa rõ như trong các tiểu thuyết ở thập niên 30 trước đó. Theo tôi, là hơi vô lý khi một số câu thoại có vẻ trau chuốt, mang tính vượt giai cấp được nói lên từ những người lao động, ít học như Kino. Ngoài ra, tham vọng nói lên một cái gì đó về lòng tham con người, hay chủ nghĩa vật chất của tác giả cũng chưa được khắc họa rõ ràng trong một cuốn sách quá ngắn. Tuy nhiên, Steinbeck là một nhà văn dễ tiếp cận và cách kể chuyện của ông thì đúng là đạt đến tầm kinh điển.    

Bonus một hình chế có lẽ lấy cảm hứng từ The Pearl của Steinbeck với những "the song of Family", "the song of Evil", v..v.. (người Mễ ở Mỹ nổi tiếng với nghề cắt cỏ) :D


VL

Sunday, August 4, 2013

Đêm Dài Một Đời - Lê Tất Điều



Một câu chuyện về những người mù, nghe qua có thể hình dung nên những trang sách gượng và ướt. Nhưng Lê Tất Điều đưa người đọc vào thế giới của bóng đêm một cách thật tự nhiên, dịu dàng. Đúng như lời giới thiệu của Võ Phiến: "Trẻ con và người lớn, kẻ tàn tật và người lành mạnh, đa số nhân vật của Điều yêu đời, lạc quan, và luôn tin cậy ở cuộc sống..." Thật lạ khi một người sáng mắt như Lê Tất Điều lại hiểu tình cảm của những người mù như thế. Quan trọng hơn, để văn đồng điệu với tâm hồn họ, thì chính tâm hồn tác giả phải nhân ái, nhạy cảm như thế nào.

Cốt truyện không có gì gay cấn, chủ yếu quanh quẩn trong khuôn viên ngôi trường khiếm thị. Mỗi số phận là một câu chuyện được kể thật đơn giản, nhưng vẫn đủ gây rung động. Từ chuyện một anh năm cuối phải rời trường và được cả đám tổ chức "đám tang", đến việc em bé mù giận dỗi phá đám mối tình giữa anh học sinh mù và cô gái sáng mắt.

Là người di cư, giọng văn lại rất trau chuốt đúng kiểu Bắc Hà, nhưng cái hồn văn của Lê Tất Điều lại hiền lành rất Nam Bộ. Tiếc là cuốn sách này quá ngắn, nếu ông viết dày hơn nữa có thể nó đã có tiếng hơn. Những món ăn tinh thần rất đơn giản, mà ngon bổ như thế này, là thứ mà xã hội hỗn loạn hiện nay đang cần hơn bao giờ hết. Nó có thể làm lòng người chùng xuống, mà không ủy mị, để tự nhìn lại mình.

VL

Friday, August 2, 2013

Disgrace - J.M.Coetzee



David Lurie, giáo sư giảng dạy thi ca bậc đại học tại Nam Phi, bất ngờ vướng vào mối quan hệ tình ái với một nữ sinh viên. Từ đó, người đàn ông trung niên này bất đắc dĩ trải qua nhiều sự kiện làm thay đổi cuộc đời ông. Hơn 200 trang sách là những hành trình không khoan nhượng làm chấn động đến cốt lõi con người của David Lurie. Là một trí thức thuần khiết, yêu thơ Wordsworth, ấp ủ một công trình về Byron, nhưng David còn là một người đàn ông với bản năng giống đực như những người bình thường khác. Chính ở đó, nỗi ô nhục, sự ghê tởm bộc lộ. Nhưng đó là những gì xã hội nghĩ về ông, bằng quán tính của đám đông. Đối với David, không có gì là sai khi con người chạy theo ham muốn. Ông thi vị hóa nỗi thèm khát cũng như tình cảm chân thành của mình đối với phụ nữ.

Càng về sau, càng thấy nhiều mâu thuẫn trong con người David, nhiều sự phi lý trong những nhân vật và sự kiện diễn ra quanh ông. Đâu đó trong cuốn sách, thân phận của văn sỹ, một kẻ ngoại cuộc, được khắc khoải kể qua mối quan hệ của David với cuộc sống xung quanh. Đối với ông, cách sống và suy nghĩ của con gái Lucy quá khác biệt đến nỗi không thể nào hiểu được bằng lý trí thông thường. Ở khía cạnh nào đó, David chợt thấy con người và thân phận của Lucy trông như một con chó. Những nhân vật khác cũng quá nhiều vô lý. Tuy nhiên, trong thực tế, chính David Lurie mới là kẻ lạ lẫm trong thế giới đó. Giữa cảnh rối bời trăm mối, chỉ có Byron và những nhân vật thi ca phù du làm cho ông cảm thấy là chính mình. Thật mỉa mai, có lẽ chỉ có con chó nằm chờ "được" chết trong bệnh viện thú y là đồng điệu được với tâm hồn lạc loài của ông.

Nói chung, cuốn sách này được xem là có "nhiều tầng nghĩa". Nhiều khi, có cảm giác nó muốn đụng đến quá nhiều vấn đề cùng một lúc. Tuy nhiên, đối với tôi ấn tượng của nó không rõ ràng, giọng kể tôi cũng không thích lắm. Chỉ có chương gần cuối giành riêng cho suy tưởng bay bướm về Byron và Teresa là có thể thấy rõ cái tài của Coetzee.

VL