Monday, October 27, 2014

Cathedral (Thánh Đường) - Raymond Carver



Cũng như hai tập truyện ngắn trước, đối tượng của Carver trong Cathedral vẫn là những con người đại diện cho mặt trái giấc mơ Mỹ. Tuy nhiên, tập truyện ngắn Cathedral cho thấy một Carver khác hẳn với góc nhìn rộng hơn và phong cách thay đổi. Ở đó, nhân vật vẫn quẫy đạp trong những đổ vỡ, thất bại của cuộc sống, nhưng người đọc không còn thấy một không khí hoàn toàn ngột ngạt, bế tắc. Rõ ràng đây là cuốn sách mình thích nhất trong ba tập truyện của Carver, vì nó đem lại sự thỏa mãn và hy vọng. Nếu theo dõi cuộc đời thật của Carver, ta dễ thấy lý do của sự chuyển động sáng sủa này. Khoảng thời gian viết những truyện ngắn trong Cathedral là lúc cuộc sống Carver sang những trang mới khi bắt đầu sống chung với nhà thơ Tess Gallagher, người sau này trở thành vợ thứ hai của ông. Ngoài đời, Carver đã bỏ lại phần cuộc sống nghiện ngập, ngập ngụa sau cuộc đổ vỡ thứ nhất; trên trang giấy, ông ít nhiều từ bỏ luôn phong cách tiếp cận trước đây.

Một cách tổng thể, nhận định của nhà phê bình Adam Meyer là rất thích đáng khi so sánh quá trình biến hóa của bút pháp Carver qua ba tập truyện trông giống như một đồng hồ cát. Với Will You Please Be Quiet, Please? phong cách của Carver chưa rõ ràng, còn bung rộng để định hình. Với What You Talk About When You Talk About Love, văn phong trở nên cô đặc, tối giản. Đến Cathedral thì mọi thứ lại mở rộng, rời dần sự tối giản và trở nên sáng sủa hơn.

Trong phần lớn Cathedral, các câu chuyện xoay quanh chứng nghiện rượu. Các nhân vật bằng cách này hay cách khác cố tình cô lập mình với thế giới xung quanh, để trú ẩn vào rượu, cho dù họ rất cần sự cứu giúp của người khác. Nhưng càng tiếp xúc với sự giúp đỡ, họ càng chìm sâu và bế tắc hơn. Khác với các tập truyện trước, những người mắc kẹt, vô vọng này không hoàn toàn cô độc. Trong Fever, nhân vật chính không nghiện rượu nhưng leo lét tồn tại sau khi đã ly dị vợ, một mình nuôi con, bỗng tìm thấy sự cảm thông và ấm áp từ người giúp việc già (do chính cô vợ cũ giới thiệu). Người giúp việc già đóng vai cứu tinh, đã đem lại tia sáng hy vọng nơi cuối đường hầm, cũng như vai trò của người làm bánh trong truyện A Small, Good Thing. Truyện này được phát triển từ một truyện ngắn tương tự trong tập What You Talk About.. Có thể nói đây là truyện ngắn ấn tượng nhất trong toàn tập Cathedral: không khí câu chuyện căng thẳng, nuôi một cảm xúc thoi thóp nơi người đọc qua gần ba chục trang, đến đoạn cuối cả nhân vật lẫn người đọc đều được giải phóng một cách mạnh mẽ. Nếu đã quen với phong cách truyện ngắn Carver ở hai tập truyện trước, chắc hẳn ta sẽ khá ngạc nhiên với kiểu kết thúc này, cũng như sẽ ngạc nhiên với hình ảnh cuối truyện Cathedral, truyện ngắn chủ đề của toàn tập. Ở đó, người dẫn chuyện được một người mù khai sáng, hay nói thích đáng hơn là mở mắt, đưa đến một cái nhìn mới mẻ mà chưa bao giờ trong đời con người sáng mắt này được nhìn thấy. Khoảnh khắc đắt giá này lại được ví von với những khoảnh khắc của Sherwood Anderson.  

Có thể Cathedral là tập truyện mạnh mẽ, đem lại nhiều thỏa mãn khi đọc, nhưng đối với mình nó không được lắp ghép một cách tính toán, tỉ mỉ bằng một phong cách tối thiểu, mờ mịt như hai tập truyện trước. Và do đó không để lại nhiều băn khoăn.

VL