Friday, September 16, 2011

Võ Hiệp Ngũ Đại Gia - Trần Mặc


Hôm trước tôi lục ra cuốn Võ Hiệp Ngũ Đại Gia của Trần Mặc (sách dịch) để đọc lại mấy chương nói về Kim Dung. Cuốn này là của một học giả ở Đại Lục viết về 5 tác gia truyện kiếm hiệp mà ông cho là nổi bật nhất của văn đàn Hoa ngữ. 5 người ấy lần lượt là Kim Dung, Lương Vũ Sinh, Cổ Long, Ngọa Long Sinh và Ôn Thụy An.
Trong số 5 vị thì 2 người ở Hồng Kông, 2 ở Đài Loan còn một vị Ôn Thụy An thì phiêu bạt từ Đài Loan qua Hồng Kông nhưng lại quốc tịch Mã Lai. Không thấy vị nào ở Trung Hoa Đại Lục? Có lẽ do tiểu thuyết võ hiệp không được thừa nhận ở đây mãi cho đến giữa thập niên 90, giống như ở nước ta. Ở đầu sách, Trần Mặc sơ lược như sau:
“_ Kim Dung được công nhận là Võ lâm minh chủ;
_ Lương Vũ Sinh được coi là Khai sơn đại sư kiêm Võ lâm trưởng lão;
_ Cổ Long là nhà cách tân tiểu thuyết võ hiệp;
_ Ngọa Long Sinh là Thái sơn bắc đẩu của võ hiệp Đài Loan;
_ Ôn Thụy An là chưởng môn trẻ tuổi của văn đàn võ hiệp ngày nay.”
 Tôi chỉ đọc phần nói về Kim Dung, mấy tác gia kia thì chưa muốn đọc. Mấy năm trước công ty nhà có xuất bản một vài bộ của Lương Vũ Sinh nhưng bán không được chạy, người ta nói có khoảng cách giữa Kim Dung và các vị còn lại không phải là không có lý.
Trần Mặc là người viết thuộc làng văn Hoa ngữ Đại Lục nên ông cũng cung cấp được nhiều thông tin thú vị. Ví dụ như chuyện các nhà văn Đại Lục khi xưa lúc nào cũng tự cao tự đại nghĩ rằng mình đã là đệ nhất thiên hạ (đương nhiên chỉ là trong giới văn của người đọc tiếng Hoa), mà không biết rằng ở Hồng Kông có một Kim Dung tài cao học rộng. Rồi chuyện nhiều vị giáo sư tiến sĩ trẻ của Đại học sư phạm Bắc Kinh viết sách bầu Kim Dung là nhân vật thứ 4 trong số các tác gia vĩ đại của nền văn học Hoa ngữ thế kỷ 20. Tiếp đó là việc trường Đại học Bắc Kinh trao học hàm Giáo sư danh dự cho Kim Dung đã gây nên nhiều tranh cãi trong giới học giả Đại Lục. Về chuyện này, Trần Mặc chỉ ra rằng những người phản đối không hiểu một điều cơ bản đó là học hàm chỉ trao cho Tra Lương Dung (tên thật của Kim Dung) chứ không phải trao cho tác gia võ hiệp Kim Dung. Vì ngoài việc tiểu thuyết kiếm hiệp thì Kim Dung ngoài đời còn là một vị học giả uyên bác, một nhà báo kỳ cựu, một nhà bình luận chính trị xuất sắc và một doanh nhân thành đạt. Ông từng tốt nghiệp đại học ngành luật quốc tế, rồi sau đó được mời tham gia soạn thảo bộ luật thể chế chính trị của Hồng Kông (áp dụng sau năm 1997). Vì thế, việc Đại học Bắc Kinh trao học hàm giáo sư danh dự về luật (chứ không phải như nhiều người lầm tưởng là học hàm về văn học) cho Kim Dung theo Trần Mặc là xác đáng.
Đọc Trần Mặc bình luận về các bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung thì không thấy nhiều điều mới, vì về truyện Kim Dung thì đã có nhiều người bàn quá rồi. Tuy nhiên, tôi cũng thấy có những nhận định rất hay và đích đáng, ví dụ như Trần Mặc đánh giá tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung có tính “nhã tục cộng thưởng”, có nghĩa là bất cứ ai đọc cũng đều có thể thưởng thức được. “Kẻ hời hợt thì xem náo nhiệt, người sâu sắc thì tìm thấy đạo lý.”
Sau đó tôi tìm đọc lại những bài viết của Vũ Đức Sao Biển (VDSB) để so sánh thì thấy không thể bằng Trần Mặc. Đó chỉ là ý kiến chủ quan, tuy nhiên nên biết rằng ông VDSB viết về Kim Dung nhưng liên hệ cảm xúc bản thân là chính (đúng là “Kim Dung giữa đời tôi”) còn Trần Mặc thì dùng lý trí để phân tích nhiều hơn. Hồi nhỏ tôi đọc bài của VDSB đăng trên Kiến Thức Ngày Nay thấy rất hay. Tuy nhiên, bây giờ đọc lại thì không thấy thích thú như hồi xưa nữa. Được biết ở Việt Nam còn có vài người khác viết về Kim Dung được đánh giá là hay hơn VDSB, hy vọng về sau sẽ có cơ hội được đọc.
Việt Lê

Saturday, September 10, 2011

Bố Già - Mario Puzo


Bố Già là tiểu thuyết viết về thế giới ngầm của Mỹ những năm sau 1945. Câu chuyện của Bố Già xoay quanh gia đình – tập đoàn tội ác Corleone, là phe có thế lực mạnh nhất trong số Ngũ Đại Gia Mafia của New York. Có nguồn gốc di dân từ Ý, sinh ra trong một gia đình cộm cán Mafia, nhưng lớn lên trong xã hội Mỹ, Michael Corleone luôn cảm thấy lạc lõng trong gia đình vì bản thân đã thấm nhuần sâu sắc tinh thần Mỹ. Anh luôn cố ý đặt mình bên lề và không muốn tham dự vào những hoạt động bất hợp pháp của gia đình Corleone, có thể do bản tính hướng thiện cũng có thể là tính nổi loạn của tuổi trẻ. Cho đến khi vị Bố Già cha của anh bị đối thủ ám hại, rồi bản thân bị ăn một quả đấm chí mạng của tay cảnh sát, đại diện của pháp luật, của đất nước, của những giá trị mà anh hằng tôn thờ, thì Michael mới sực tỉnh.
Với Bố Già, Mario Puzo đã thành công trong việc lãng mạn hóa giới tội phạm Mafia gốc Ý đặt trên phông nền là một xã hội Mỹ tự do văn minh nhưng còn nhiều kẽ hở. Những tình tiết hồi hộp nghẹt thở rồi những giây phút làm xúc động lòng người đã làm đọc giả phần nào quên đi sự tàn ác của bản chất Mafia. Tuy nhiên sau khi gấp sách lại, Mario Puzo làm ta giật mình với bộ mặt thật của cuộc sống trần trụi mang cặp mắt sâu hoắm đầy thủ đoạn làm người ta chỉ muốn giả vờ như không thấy.  
Đọc Bố Già, tôi thích nhất một số điểm sau. Thứ nhất là lối sống gia đình Corleone có vẻ gần giống với tinh thần gia đình truyền thống Khổng Mạnh của người Á Đông chúng ta. Ở đây Bố Già là người đàn ông trụ cột trong gia đình, là người có quyền quyết định tối cao. Người vợ hoặc phụ nữ trong gia đình là người chỉ lo tề gia nội trợ, thường ít được tham gia vào những việc quan trọng của gia đình. Tuy nhiên, theo truyền thống của Mafia thì phải biết yêu thương vợ là điều răn số 1. Trong các con thì anh trai cả Sonny là người luôn có trách nhiệm cao nhất với sự nghiệp của gia đình, là cánh tay mặt của cha. Đối với các thành viên trong gia đình Corleone thì gia đình luôn là ưu tiên số một.
Thứ hai là sự tổ chức chặt chẽ của các gia đình Mafia. Từ trên xuống dưới là một mạng lưới rễ cây xây dựng dựa trên những nguyên tắc nghiêm ngặt đã ra đời hàng trăm năm nay, nổi bật nhất là Luật Im Lặng (Omerta).
Thứ ba là cái nhìn chính trị sắc bén và sự khôn ngoan tinh tế của Bố Già Vito Corleone (sau này là Michael). Bất cứ hành động nào dù là nhỏ nhặt cũng đều được cân nhắc kỹ. Diễn biến cuộc đời ông như một bàn cờ luôn được tính trước vài nước. Bố Già cũng có nhiều câu nói nổi tiếng như “keep your friends close but your enemies closer” và “I’m gonna make him an offer he can’t refuse”.
Và cuối cùng, nhưng quan trọng nhất, là bản dịch xuất sắc của Ngọc Thứ Lang, một con người tài hoa bạc mệnh. Tựa đề “Bố Già” dịch từ tựa gốc “Godfather” là một cái tên thần sầu quỷ khốc, có một không hai và đã đi vào quần chúng, được sử dụng rộng rãi trong ngôn ngữ hàng ngày từ lúc bản dịch ra đời vào đầu thập niên 70 đến nay. Với giọng văn sặc mùi giang hồ đến thô lỗ, Ngọc Thứ Lang khiến người đọc như được trực tiếp sống trong không khí xã hội đen hắc ám của giới Mafia New York. Đã đọc qua một lần thì ai cũng phải công nhận rằng để có được giọng văn kiểu đó, tác giả hẳn phải là người có vốn sống thực tế cực kỳ phong phú. Nếu không có Ngọc Thứ Lang với bản dịch tài hoa và cái tên “Bố Già”, có lẽ “Godfather” đã không nổi tiếng đến vậy ở Việt Nam. Nhiều người nói rằng Ngọc Thứ Lang đã khơi dậy “phần chìm” của Mario Puzo, có người bảo Bố Già của Ngọc Thứ Lang còn hay hơn cả nguyên bản gốc.
Sau 75, Bố Già bị cấm xuất bản vì liệt vào hàng văn hóa phẩm đồi trụy. Tuy nhiên, sau Đổi Mới, tên tuổi của Bố Già đã khiến tiểu thuyết được in trở lại. Gần đây, Bố Già xuất bản với nhiều bản dịch mới. Nổi bật nhất có lẽ là bản dịch của Đặng Phi Bằng. Đây cũng là bản đầu tiên tôi đọc được vào năm 2006. Gần đây tôi tìm đọc bản dịch của Ngọc Thứ Lang trên mạng để so sánh và phải công nhận rằng Đặng Phi Bằng trình bày văn ngữ trôi chảy hơn, trau chuốt, dễ đọc hơn và vẫn giữ được chất “giang hồ”. Tuy nhiên, rõ ràng là Đặng Phi Bằng đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ bản dịch độc đáo của Ngọc Thứ Lang, chưa nói đến việc đã “cuỗm” luôn cái tên “Bố Già” mà ai cũng biết là độc quyền miệng của Ngọc Thứ Lang. Bởi vậy cho nên tôi vẫn đánh giá Ngọc Thứ Lang cao hơn rất nhiều. Rất tiếc là con người tài hoa đó vì buồn tình, vướng vào nghiện ngập đã sớm từ trần trong trại Phú Khánh vào năm 1979.

Việt Lê

Thursday, September 8, 2011

Nỗi Buồn Chiến Tranh - Bảo Ninh


Từ sau phát pháo lệnh Đổi Mới năm 1986, như được cởi trói chân tay, nền văn học Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ. Tập thơ Chân Dung Nhà Văn của Xuân Sách len lén mãi rồi cũng chính thức ra mắt bạn đọc cả nước, Chế Lan Viên cũng ngậm ngùi ra Di Cảo 1 và 2 “nhìn lại” cuộc đời mình. Các tác phẩm văn xuôi cũng sôi nổi thi nhau ra đời, trong đó có Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh (tên ban đầu là Thân Phận Của Tình Yêu). Với Nỗi Buồn Chiến Tranh, Bảo Ninh đoạt giải văn xuôi của Hội Nhà Văn năm 1991 cùng với các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp và Dương Hướng.

Cuốn sách này tôi tình cờ đọc được trong thư viện trường đại học ở Melbourne năm 2007 hay 2008 gì đó. Sách cũ, giấy đen hình như in vào những năm đầu thập niên 90, không biết là vị tiền bối đồng hương nào lại hiến tặng cho thư viện để lớp trẻ sau này có cơ hội đọc được. Sách tên là Nỗi Buồn Chiến Tranh chứ không phải Thân Phận Của Tình Yêu, vậy đây là đợt tái bản vào khoảng năm 1991 trở về sau. Lúc đó cái tên Bảo Ninh còn xa lạ, tôi cầm quyển sách đọc giải trí mà không trông chờ gì nhiều, có lẽ vì vậy nên bị cuốn hút càng mãnh liệt.

Ấn tượng khi tôi đọc những chương đầu tiên là cảm giác nổi da gà, vì những chi tiết chiến trường quá thật, quá hãi hùng. Giọng kể đều đều, trôi chảy, không cần dừng lại lấy hơi của Bảo Ninh như những tiếng thì thầm của chốn núi rừng huyền bí, theo gió vuốt ve mơn trớn tai ta, nhưng thỉnh thoảng lại bất thần đâm thọt qua màn nhĩ, làm ta cứ phải giật mình thon thót. Bức tranh chiến tranh Bảo Ninh vẽ ra toàn một màu đỏ bầm ngột ngạt nhưng lại quá sống động khiến những người như tôi chỉ được thấy chiến tranh qua phim ảnh phải há hốc miệng rùng mình.

Bàn luận phân tích về giá trị nghệ thuật, nội dung của Nỗi Buồn Chiến Tranh thì người ta cũng đã nói quá nhiều rồi. Ở đây tôi chỉ hứng thú với những chi tiết mô tả chiến tranh của tác giả. Không những vì chúng quá chân thật máu me, mà còn vì chúng có vẻ công bằng và đi sát thực tế chứ không phải cái kiểu tuyên truyền “địch thua ta thắng”, cái gì xấu thì không nói đến như xưa nay vẫn thế. Chính tác giả đã đề cập nhiều lần đến một giai đoạn Mậu Thân và sau Mậu Thân ngột ngạt sầu khổ, toàn tiểu đoàn bị bao vây xóa sổ. Đây không chỉ là nhận xét riêng của nhân vật chính Kiên mà còn của anh trưởng đội tìm xác đồng đội, cho thấy một bức tranh ảm đạm của tình hình chung những năm đó. Rồi mùa khô 72, thời sau Hiệp định, đến cả trận chiến cuối cùng ở Sài Gòn, tất cả các giai đoạn đó với Kiên, có lẽ với cả tác giả, đều là những chuỗi ngày khó khăn, chết chóc chứ không phải chỉ có thắng và thắng. Vào một khoảng thời gian nếu nhớ không nhầm là thời sau Hiệp định, Kiên cho biết rằng tình hình đào ngũ trong đơn vị là rất nhiều, đến cả như Can là một tay kinh nghiệm trong trung đội, chỉ thua Kiên, phải ngã lòng mà trốn vào rừng, với hy vọng điên rồ là trốn ra được đất Bắc để gặp lại mẹ già. Rồi những chi tiết mô tả quân thám báo Ngụy, chi tiết về đợt hôi “đồ cổ” sau khi quân ta chiếm được Sài Gòn, chi tiết tả anh lính phòng không mập mạp đội mũ sắt ở sân bay, v..v.. đều cho ta thấy rằng: Cho dù là anh bộ đội giải phóng, là chính nghĩa, với lý tưởng cao đẹp đến đâu, thì cũng chỉ là một người lính bình thường, một con người, phải có lúc ngã lòng, phải có lúc mất kiểm soát và không phải là thánh thần mà lúc nào cũng phải bị ép đóng vai cái thiện, cái đẹp. Những chi tiết ấy nếu xuất hiện trong tiểu thuyết các nước Âu Mỹ thì cũng rất là bình thường, nhưng “dám” viết như thế vào cái thời đó, cho dù là mượn Đổi Mới là khiên hộ tâm đi nữa, thì cũng là chuyện động trời trong nền văn học ta. Có lẽ vì thế nên Nỗi Buồn Chiến Tranh khi mới in đã bị “đề nghị” cắt bỏ rất nhiều đoạn, sau này còn bị cấm in một thời gian dài.

Trong Nỗi Buồn Chiến Tranh, hình ảnh Phương và cha của Kiên cũng để lại nhiều suy nghĩ cho người đọc. Trong khi Kiên là người thanh niên sống hết mình với lý tưởng chung, là điển hình cho hình mẫu thanh niên Xã Hội Chủ Nghĩa, coi việc đi bộ đội, chiến đấu là một việc làm cao cả, anh hùng, thì Phương là một cô gái sớm vượt ra những lề lối, khuôn sáo để không đứng chung với số đông, theo đuổi những suy nghĩ mà Kiên không thể nào hiểu được. Kiên là hiện thân của hành động, của bản năng, của niềm tin tuyệt đối, còn Phương là đại diện của lương tâm, của trí thức tiểu tư sản. Người cha Kiên lúc nào cũng mang một “nỗi buồn” tư lự vì là một nghệ sĩ “bất mãn” theo kiểu Nhân Văn Giai Phẩm, là thành phần xấu xa của xã hội, bị chính con trai mình không bằng lòng vì có lối suy nghĩ ngược ngạo khó hiểu. Cũng như cha của Kiên, Phương cảm thấy lạc lõng trong xã hội vì trót có suy nghĩ khác với xu hướng của thời đại. Chính Phương cũng đã thú nhận rằng cô yêu Kiên cũng vì cô yêu cha của Kiên, khi tâm hồn cô đồng điệu được với tâm hồn của ông. Như đã nói ở trên, về nội dung và nghệ thuật thì tôi không muốn nói nhiều nữa. Ở đây, tôi chỉ muốn nói lên những ám chỉ về chính trị của nhà văn trong việc xây dựng mối liên hệ giữa Phương với cha Phương và giữa 2 người đó với Kiên, và nhiều những ám chỉ khác trong suốt truyện. Nếu không có những chi tiết đó thì có lẽ Nỗi Buồn Chiến Tranh đã không phải chịu nhiều sức ép khi mới ra đời, nhưng nếu như vậy thì Nỗi Buồn Chiến Tranh chỉ sẽ là một nỗi buồn tầm thường mà thôi.

Việt Lê