Tuesday, December 24, 2013

Luật miễn trừ ngoại giao với 2 trường hợp gần đây của Ấn Độ và Việt Nam


  
Gần đây dư luận thế giới và trong nước xôn xao với những vụ liên quan đến nguyên tắc “miễn trừ ngoại giao” (diplomatic immunity) trong luật quốc tế. Cách đây không lâu, một vị nữ quan chức lãnh sự của Ấn Độ tại Mỹ đã bị câu lưu và lục soát vì khai gian mức lương của một người giúp việc. Người dân ở Ấn Độ biểu tình phản đối Mỹ vì họ nghĩ rằng vị quan chức này bị phân biệt đối xử. Chính phủ Ấn Độ cũng cho rằng đáng lẽ ra Mỹ phải tôn trọng nguyên tắc miễn trừ ngoại giao được quy định trong Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao năm 1961 của Liên hiệp quốc.

Thật ra, Liên hiệp quốc có hai bộ luật quy định cách đối xử cho những quan chức và nhân viên ngoại quốc. Thứ nhất là Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao 1961, chủ yếu áp dụng cho người thuộc đại sứ quán. Thứ hai là Công ước Vienna về quan hệ lãnh sự 1963, áp dụng cho những người làm việc trong các lãnh sự quán. Có thể định nghĩa miễn trừ ngoại giao như một quy tắc để bảo vệ viên chức ngoại giao của nước ngoài không bị xét xử bởi pháp luật của nước sở tại. Quy tắc này giúp đảm bảo công việc ngoại giao giữa hai nước không bị ảnh hưởng. Khác với Công ước 1961, bộ luật 1963 cho lãnh sự chỉ cung cấp một mức độ miễn trừ ngoại giao hạn chế. Những nhân viên lãnh sự chỉ được miễn trừ ngoại giao khi chứng minh được họ đang thi hành công vụ trong lúc phạm tội. Trong trường hợp của nữ lãnh sự Ấn Độ, rõ ràng là việc mướn người giúp việc không liên quan gì đến công vụ của lãnh sự quán, mà chỉ là việc cá nhân. Có thể nói trong trường hợp này bên phía Mỹ không cho nữ lãnh sự Ấn Độ này hưởng quyền miễn trừ ngoại giao là đúng luật.

Ở một vụ khác gần hơn, đại sứ Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỹ là ông Nguyễn Thế Cường bị câu lưu ở sân bay Đức vì đem số tiền nhiều quá quy định. Câu hỏi ở đây là ông đại sứ này có được nhận miễn trừ ngoại giao của luật quốc tế không? Có người cho rằng ông là đại sứ Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng lại phạm luật và bị câu lưu ở Đức (một nước thứ ba) thì ông không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao. Có thể điều này nghe cũng hợp logic, nhưng trong thực tế là không chính xác.


Trước hết, ông Cường là đại sứ nên Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao 1961 sẽ được áp dụng. Công ước này cho các quan chức và nhân viên ngoại giao được hưởng một quyền miễn trừ ngoại giao rất lớn. Không những bản thân các vị quan chức ngoại giao mà cả gia đình của họ đi cùng đều được miễn trong trường hợp phạm tội. Vì vậy, nếu ông Cường phạm luật ở nước ông ta làm đại sứ thì khả năng lớn là ông ta sẽ được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao trong hầu hết trường hợp. Chỉ khi ông phạm những tội nặng nề như giết người, hoặc Việt Nam chủ động bãi bỏ quyền miễn trừ ngoại giao của ông, thì pháp luật của Thổ Nhĩ Kỳ mới có thể đụng đến ông ta. Tuy nhiên, ở đây ông Cường phạm luật ở Đức, một nước thứ ba. Về trường hợp này, điều 40 của Công ước Vienna 1961 nói rằng nếu một nhà ngoại giao đặt chân lên một nước thứ ba trong hành trình đi đến nhiệm sở của mình, hoặc trên đường quay về đất nước quê hương, thì nước thứ ba phải đảm bảo quyền miễn trừ ngoại giao của người này, để không ảnh hưởng đến hành trình của ông ta. Ngoài ra, trong case United States v. Rosal (1960), tòa án đã công nhận rằng một nhà ngoại giao đang quá cảnh (diplomat-in-transit) sẽ được hưởng miễn trừ ngoại giao. Như vậy, theo bộ luật và theo án tiền lệ, có khả năng rất cao rằng ông Cường đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ được hưởng miễn trừ ngoại giao tại Đức. Có nghĩa là an ninh sân bay Đức không có quyền câu lưu ông này vì tội đem quá tiền quy định. Đó là vì chúng ta biết ông Cường chỉ quá cảnh tại Đức trên đường từ Thổ Nhĩ Kỳ về Việt Nam. Nếu ông Cường không quá cảnh tại Đức trên hành trình công việc, mà đến Đức với mục đích cá nhân dài ngày thì có thể đó là một câu chuyện khác, và có khả năng ông sẽ không được hưởng miễn trừ ngoại giao. 

VL

Sunday, December 1, 2013

Will You Please Be Quiet, Please? - Raymond Carver



"Em Làm Ơn Im Đi, Được Không?" là tên bản tiếng Việt của tập truyện ngắn đầu tiên của Raymond Carver. Ở đây, Carver tập trung mô tả đời sống của lớp người Mỹ bình dân bằng kỹ thuật viết truyện ngắn rất khác lạ so với truyền thống. Qua ngòi bút Carver, người đọc hình dung ra một hiện thực lộm cộm, chông chênh, vô định từ những thân phận người lạc lõng trong một giấc mơ dang dở.

Xuyên suốt tập truyện là những câu chuyện đời thường mà nhân vật đa số đều bộc lộ những đặc điểm cho thấy họ dần mất phương hướng với cuộc sống, mất nhận thức về bản thân, và mất luôn sợi dây liên hệ với tha nhân. Với những nhân vật này, họ dường như bị một sức ì níu chân, một sức ì của giấc mơ Mỹ lý tưởng, khiến cuộc sống của họ tuy có vẻ bình thường nhưng lại rất bất thường.

Trong "Fat", qua cái nhìn của người nữ hầu bàn, hình ảnh người thực khách béo mập được kể lại thật mỉa mai. Anh ta dùng đại từ "chúng tôi" để đối thoại với những người phục vụ, trong lúc ăn hết món này đến món khác. Cơn đói của anh béo này không hẳn chỉ là cơn đói thức ăn mà còn là nỗi thèm khát sự cảm thông, thèm thuồng một người bạn. Người nữ hầu bàn và người bạn tên Rudy đều không đủ nhạy cảm để thấy được điều này. Cả hai trở về nhà, đầu óc không thôi nghĩ về hình ảnh người khách béo, nhưng lại không nhận ra bản thân chính họ cũng lạc lõng, đáng thương không kém.

Trong "Are You A Doctor?", Arnold nhận một cuộc gọi từ người đàn bà cô đơn, không bình thường, và sau vài cuộc đối thoại lạ lẫm với người này, Arnold tìm đến nhà cô ta. Những ràng buộc của một người đàn ông phương Tây trưởng thành, có vợ không cản nổi sự thèm khát một cái mới, một sự thay đổi. Tuy nhiên, cả hai không đi đến cùng với hành vi của mình. Rõ ràng sự thèm muốn của họ không phải là thú vui xác thịt. Ở đây, người đàn bà cô đơn và Arnold đều đáng thương như nhau.

"Jerry and Molly and Sam" viết khá lạ, khi đến gần cuối vẫn chưa thấy Jerry, Molly hay Sam xuất hiện. Trong truyện, nhân vật chính Al dồn sự bất mãn với cuộc sống, công việc và gia đình lên con chó Suzy và chở nó vất đi ở một nơi xa nhà. Nhưng khi Al nhận ra sự ích kỷ của mình và nỗi buồn của vợ và bọn trẻ, anh ta quay lại cố tìm con chó. Tuy nhiên, con chó Suzy thiếu trí khôn đã không còn nhận ra Al nữa. Cả câu chuyện là một chuỗi những việc không suôn sẻ; ngay cả hành động vất bỏ con chó cũng là một hành động không hoàn tất.

Cái cảm giác "loser" mà nhân vật Al mang lại còn được thấy ở nhiều nhân vật khác trong suốt tập truyện. "Sixty Acres" kể về Lee Waite, người chủ đất đi đuổi những tay săn thú lậu xâm phạm miếng đất của mình. Ông ta âm ỉ một nỗi bất an và phải gồng mình khi phải giáp mặt với kẻ lạ. Lee muốn cho thuê miếng đất để bớt gánh nặng kiểm soát nhưng lại hoàn toàn không rõ tí nào về giá trị miếng đất của mình.

Một sự mông lung trì trệ tương tự diễn ra trong truyện "Collectors". Người chủ nhà đang thất nghiệp chờ đợi thư từ bưu điện, nhưng lại bị cuốn hút một cách bị động vào sự xuất hiện của người tiếp thị máy hút bụi. Người tiếp thị già, béo, bệnh, mang dép, và biết về W. H. Auden cũng như Rilke, muốn thuyết phục người chủ nhà mua máy bằng cách hì hục hút bụi cả ngôi nhà của anh ta. Trong khi đó người chủ ngồi quan sát và nghĩ rằng anh ta chẳng cần mua máy hút bụi vì dù sao cũng sắp dọn đi, hơn nữa anh ta không có tiền. Cả hai đều hành động một cách bị động, quán tính. Có lẽ cả hai con người đều hiểu rõ sự vô ích của cuộc gặp gỡ, nhưng vẫn muốn níu kéo một chút hơi ấm người.

Những truyện khác trong tập này tiếp tục kể về motif tương tự của những con người lạc lõng, mất kết nối, trì trệ, bất mãn, bị đè nén trong một xã hội mặt trái của giấc mơ Mỹ. Tuy nhiên, cái hay của Carver là cách kể chuyện. Nhiều người bảo Carver là bậc thầy về phong cách truyện tối giản (minimalism), nhưng chính Carver có lần đã phủ nhận sự gán ghép này. Dù sao thì cách viết trong hầu hết truyện ngắn của tập "Will You Please.." đều rất quái dị nhưng cũng rất hấp dẫn. Có vẻ như chỉ có truyện ngắn cuối cùng "Will You Please Be Quiet, Please?" là được kể hơi bình thường một chút. Trong truyện, người chồng Ralph nghe người vợ Marian thú nhận ngoại tình. Ralph nổi giận, nhưng có vẻ như anh ta không giận vì cuộc ngoại tình, mà giận vì thấy ghê tởm với sự thua kém về mức độ thèm khát tính dục của mình so với người vợ. Câu nói "Will you please be quiet, please?" không hẳn là nói với người vợ, mà có thể Ralph muốn nói với tâm trí hỗn loạn của mình. Cuối cùng, truyện kết thúc với cảnh Ralph và vợ làm tình, cũng là lúc Ralph cảm thấy rõ rệt sự thay đổi chạy suốt thân mình. Khoảnh khắc của thay đổi này có sức nặng gần như những khoảnh khắc khai sáng trong truyện ngắn của Sherwood Anderson, người mà Carver ngưỡng mộ.  

VL

Thursday, November 7, 2013

Chess Story (Kỳ Thủ) - Stefan Zweig


Chess Story là truyện vừa khá nổi tiếng của Stefan Zweig, nhà văn Áo gốc Do Thái. Chess Story còn được biết như Chess, hay The Royal Game trong tiếng Anh. Cuốn này là tác phẩm cuối cùng của Zweig trước khi ông và vợ tự tử.

Truyện tả 2 nhân vật đều có tài đánh cờ xuất chúng. Một bên là vị vô địch cờ vua thế giới, một kẻ quái lạ, tâm trí phát triển không toàn vẹn, cung cách bần nông, nhưng lại có khả năng đánh cờ thiên phú. Một bên là người trí thức, luật sư, nhờ hoàn cảnh ngặt nghèo, thêm vào khả năng trí tuệ sắc sảo, đã luyện tập được trình độ cờ cao siêu. Có vẻ như vị vô địch cờ vua bần nông xuất hiện lúc đầu chỉ để làm nền cho câu chuyện của người đánh cờ trí thức, một câu chuyện gân guốc, rất "intense". Ở đó, con người đối mặt với sự cô độc khủng khiếp và để tồn tại họ phải đẩy tâm trí đến những giới hạn cuối cùng. Tại những giới hạn đó, con người nhận ra kẻ duy nhất để họ đánh bại, không sớm thì muộn, vẫn là chính mình.

VL

Thursday, October 24, 2013

Winesburg, Ohio - Sherwood Anderson



Winesburg, Ohio có thể xem như một tập truyện ngắn với 21 câu chuyện về những mảnh đời khác nhau trong một thị trấn vùng Midwest nước Mỹ. Cuốn sách như một bức tranh miền quê, tiềm tàng dưới màu sắc hiu quạnh là một sức bộc phát mạnh mẽ, một nét đẹp được cho là mang hơi hướng nghệ thuật Biểu Hiện (Expressionist art). Tuy nhiên, nét đẹp ẩn giấu này thực sự khó tiếp cận với cách viết không cần cốt truyện của Sherwood Anderson.

Trong câu chuyện mở đầu, người kể cho ta biết không có một thực tế nhất định, thay vào đó có nhiều cách nhìn đời khác nhau, mà cách nhìn nào cũng hợp lệ. Nhưng con người chỉ muốn nhìn đời từ một điểm cố định. Cái nhìn lệch lạc về thế giới này làm biến dạng hình người, và làm mỗi người biến thành một grotesque, một nhân vật bị vẽ méo mó đi, kiểu như những hình vẽ trên hang đá thời tiền sử (chữ grotesque từ grotto là hang động). Winesburg, Ohio kể về những nhân vật như vậy.

Có quá nhiều nhân vật trong 21 câu chuyện của Winesburg; nhiều nhân vật được mô tả nhạt nhòa nên thật khó nhớ tên. Tuy nhiên, một số nhân vật được vẽ đúng như một grotesque với những méo mó, ẩn uất khá ấn tượng. Các câu chuyện của từng số phận đều tách biệt, chỉ liên hệ với nhau qua George Willard, một nhà báo trẻ chuyên đi nghe ngóng tin tức của thị trấn. Hầu như mọi người trong Winesburg đều tìm đến George Willard, hoặc George Willard tìm đến họ, để trút bầu tâm sự và phần lớn những cao trào, những bộc phát hay ho đều xuất phát từ đây.

Anderson cho biết mục đích viết của ông là đem lên bề mặt những chiều sâu bị ẩn giấu của suy nghĩ và cảm xúc trong từng nhân vật, những đại diện cho lớp người Mỹ thời đại của ông. Anderson cho rằng trong mỗi con người là một giếng sâu của suy tưởng mà trên đó đậy chặt một cái nắp sắt nặng nề. Nhiệm vụ của người nghệ sĩ là phá vỡ cái nắp đậy này để một sự giải phóng, vượt thoát xảy ra. Do đó, ông viết những truyện ngắn không cốt truyện, chủ yếu tập trung vào một khoảnh khắc dữ dội của cảm xúc. Những khoảnh khắc này, như một sự khai minh, một giây phút bùng thoát, phá vỡ bề mặt nhàm chán, là điểm đặc sắc của Winesburg: một phụ nữ chạy trần truồng trên cỏ trong mưa, một linh mục đấm vỡ cửa kính nhà thờ, một tiếng gào thét giải tỏa trong đêm tối, một cú đấm nổ đom đóm từ sự dồn nén, ẩn uất, v..v.. Những câu chuyện Winesburg làm nên sức mạnh từ những hình ảnh phóng đại, biến dạng mà qua đó một nhân vật được bộc lộ thấu suốt tâm can hoặc một tiếng thét của đau đớn, ẩn uất được nghe thấy. Theo một số người, "Expressionism" là từ thích hợp để nói về nghệ thuật của Anderson. Vì cũng như một số nghệ sĩ sân khấu và hội họa cùng thời, Anderson chọn cho mình cách diễn tả nghệ thuật bằng sự biểu hiện ra bên ngoài những tình cảm riêng tư nhưng dữ dội của cả người nghệ sĩ và nhân vật.

Một trong những chi tiết ngoại hình nhân vật làm nên đặc sắc của nghệ thuật Biểu Hiện trong Winesburg là đôi tay. "Hands" là tựa đề của câu chuyện đầu tiên, một bi kịch của người thầy giáo tiểu học, người luôn cố vươn ra, với đến và chạm vào người khác qua đôi bàn tay, nhưng mục đích lại bị hiểu lầm. Ở một chuyện khác, đôi tay của Wing Biddlebaum được miêu tả như đôi cánh chim bị cầm tù. Trong "Respectability", nhân vật Wash Williams trông như một con khỉ đột xấu xí, dơ bẩn, ngay cả tròng trắng mắt của hắn nhìn cũng dơ. Tuy nhiên, hắn lại chăm sóc kỹ đôi tay, bộ phận duy nhất trên người hắn lành lặn và nhạy cảm. Ở đây, đôi bàn tay bộc lộ nhu cầu sâu sắc của mỗi cá nhân để vươn ra, liên kết với chung quanh. Có lẽ không có hình ảnh nào ấn tượng hơn đôi tay của linh mục Curtis Hartman, người đã đấm vỡ cửa kính nhà thờ trong một phút giây bùng phát cảm xúc, khi thử thách giữa dục vọng cô đơn và sự bó buộc tôn giáo đẩy ông đến giới hạn. Đôi tay đẫm máu của linh mục và những đôi bàn tay khác của Winesburg đại diện cho nỗi thèm khát ngặt nghèo của những nhân vật trong nỗ lực vươn ra, kết nối với thế giới bên ngoài.

Tóm lại, Winesburg, Ohio có thể là một cuốn sách chán và tối tăm, nhưng vẫn có nhiều khoảnh khắc đáng giá. Trong thực tế, đây là một tác phẩm có ảnh hưởng trong văn chương Mỹ. John Updike cho rằng niềm say mê của Anderson trong việc theo đuổi những ẩn uất trong thị trấn miền quê Ohio đã mở ra những Michigan của Hemingway và Mississippi của Faulkner.

VL

Thursday, October 10, 2013

Metamorphosis (Hóa Thân) - Franz Kafka


Với tôi, lần đọc Nguyễn Huy Thiệp cách đây hơn 2 năm và Kafka cách đây không lâu là hai lần được khai sáng trong việc đọc văn chương với những ấn tượng nặng nề. Tác phẩm Kafka không nhiều nhưng toàn kiệt tác, trong số đó nổi bật nhất chắc hẳn là truyện Metamorphosis, hình như được dịch ra tiếng Việt là Hóa thân?


Trong những bản tiếng Anh mà tôi có thì bản dịch của anh em Willa và Edwin Muir có lẽ nổi tiếng nhất, vì chính họ đã dịch Kafka từ tiếng Đức sang tiếng Anh từ rất sớm. Bản dịch của hai anh em Muir đang được Vintage sử dụng và đây cũng là bản tôi đọc. Sau đó tôi có xem sơ qua những bản dịch khác thì thấy văn phong hầu như không thay đổi, ngoại trừ cách chọn từ ví dụ như “insect” thay bằng “vermin”, v..v.. Bài này sẽ nói về đoạn mở đầu ấn tượng của truyện và hai sự giống nhau của Hóa thân với những truyện khác trong quá khứ. Những điểm này được bàn đến trong các bài phê bình trong cuốn Norton hình trên.

Metamorphosis là một câu chuyện hóa thân với những chồng chéo nhân dạng và những hình ảnh ẩn dụ có nhiều cách hiểu. Suốt truyện từ mở đầu đến kết thúc không có bất cứ giải thích nào về việc tại sao Gregor lại biến thành côn trùng. Rõ ràng, điều này không quan trọng đối với Kafka, và hơi có màu sắc hư vô, siêu thực, rất Kafkasque. Đoạn đầu của Hóa thân là những trang viết thiên tài. Dòng nhận thức của nhân vật chính Gregor cuốn quắp nhận thức của độc giả trôi đi một cách quái đản và rất tự nhiên. Không rõ nguyên bản thế nào, nhưng Anh ngữ rõ ràng quá thích hợp để diễn văn Kafka với những mô phạm trong cấu trúc câu và sự chính xác của từ ngữ, từ đó toát lên vẻ chính thống/mỉa mai đặc trưng của giọng văn Kafka, mà ta có thể thấy rõ hơn trong In The Penal Colony.

Phần lớn sự mỉa mai và đặc sắc của truyện này nằm trong phân cảnh Gregor nỗ lực tìm cách ra khỏi giường. Hình hài côn trùng quái đản của mình làm anh ta thật khó xoay trở. Nhưng dòng suy tưởng của Gregor chỉ hướng đến công việc và nỗi lo lắng lớn nhất của Gregor là với hình dạng mới sẽ làm anh ta trễ chuyến tàu đến sở làm. Dòng nhận thức của Gregor quá tỉnh bơ và phi lý. Chẳng lẽ sự hóa thân từ người thành bọ chưa đủ kinh khủng, chấn động để đầu óc tập trung vào đó? Chi tiết này làm người đọc mất thoải mái và phải tư duy. Hình ảnh người/bọ này được giới khoa bảng mổ xẻ phức tạp với những giả thiết về nhân dạng kép; hay hình ảnh này được xem như một cuộc hóa thân chưa hoàn toàn với tâm trí và thể xác vẫn còn thuộc về hai bản thể tách biệt của người và bọ (cuộc hóa thân tiếp tục theo thời gian khi Gregor dần quên đi tính người và hoàn tất ở cuối truyện).

Lời giải thích cho sự phi lý trong suy nghĩ của Gregor lúc vừa tỉnh dậy chỉ có thể từ lối sống công nghiệp máy móc. Kể từ cuộc cách mạng công nghiệp ở phương Tây, lối sống căng thẳng đã biến đổi một số người. Họ bị huấn luyện để nỗi sợ bị mất việc lấn át những nhu cầu bản thân. Thiếu tôn trọng bởi người chủ, họ trở thành những cái máy, những thân phận bị ruồng rẫy, những kẻ ngoại cuộc. Ở đây, Gregor trở nên một cỗ máy tự động, chạy theo quán tính đến nỗi anh ta không thể thấy được ngay cả sự hóa thân của mình. Rõ ràng đây là một quá trình giải nhân, phá vỡ con người.


Khá thú vị là hình ảnh hóa thân trong Metamorphosis có thể làm liên tưởng đến một truyện sớm hơn của Kafka là Wedding Preparations in the Country. Trong truyện này nhân vật Eduard Raban tưởng tượng anh ta phân thân ra làm hai bản thể khác nhau: một con bọ khổng lồ trùm chăn nằm nhà còn lớp vỏ con người đi về miền quê để làm đám cưới. Cái lạ ở đây là bản thể của Raban dưới dạng con bọ đem đến cảm giác bảo vệ, ấm áp chứ không hề gớm ghiếc. Raban cảm thấy là chính mình dưới lớp vỏ cứng, trần trụi, nhưng thỏa mãn, còn lớp vỏ con người như một bộ cánh rỗng ruột, không ý nghĩa, vô dụng, thay mặt anh ta hòa vào dòng chạy đông đúc của những bộ cánh khác để thực hiện những giao tiếp xã hội. Có thể, Metamorphosis đang biến giấc mơ của Raban (hoặc Kafka) thành hiện thực.


Một phân tích lạ khác cũng liên quan đến giấc mơ thú vật này là hình ảnh người đàn bà khoác lông thú được lồng vào khung tranh treo trang trọng trong phòng Gregor. Nhiều nghiên cứu chỉ ra sự trùng hợp giữa hình ảnh người phụ nữ lông thú, cũng như một phần cốt truyện Hóa thân, với tác phẩm Venus in Furs (1870) của Sacher-Masoch. Điểm mấu chốt ở đây là sự giống nhau giữa hình ảnh lông thú trong hai tác phẩm. Lông thú ở đây là ẩn dụ cho sự thèm khát giới tính, có thể hiểu theo Freud khi lông thú gợi cho bái vật (fetish) nhớ đến bộ phận sinh dục người mẹ và chùm lông. Do đó, Gregor có thể chất chứa một thèm khát tình ái nam nữ qua việc nâng niu, cắt và đóng khung bức hình người phụ nữ khoác lông thú. Khung hình này thể hiện sự ngăn cách nỗi thèm khát của Gregor với giấc mơ nam nữ, vì ta được biết trong truyện rằng anh vẫn còn độc thân. Hơn nữa, việc đóng khung bức hình như là nâng hình ảnh người đàn bà lên tầm của một thứ nghệ thuật mà Gregor không thể thực sự với tới. Trong đoạn mẹ và em gái Gregor dọn phòng và đem đồ đạc của anh ta đi, Gregor gấp gáp chọn một thứ đồ để bảo vệ, và bản năng khiến anh chọn bức hình đóng khung. Gregor, dưới hình dạng một con bọ/gián khổng lồ, dán mình lên mặt kiếng của khung hình để ngăn người ta đem nó đi. Ở đây, tiếp xúc thân xác với nghệ thuật khiến Gregor thỏa mãn khoái cảm, khi mặt bụng nóng hổi của thân xác bọ dán lên mặt kiếng mát lạnh của khung hình người đàn bà lông thú. Chính cái lớp kiếng ngăn cách Gregor với hình ảnh nghệ thuật, với thèm khát nam nữ, lại chính là nguồn khoái cảm. Điều này có thể làm người đọc liên tưởng đến những kỳ quái trong cuộc đời Kafka, khi ông có vẻ luôn cố tình tạo ra những hoàn cảnh khó khăn để phục vụ cho cảm hứng văn chương của mình. Những ví dụ khá rõ là quan hệ cha con và quan hệ nam nữ (những lèng èng với Felice, vị hôn thê năm lần bảy lượt) của Kafka.

VL 

Tuesday, September 24, 2013

Of Mice and Men (Của Chuột và Người) - John Steinbeck



Đây là một truyện vừa, khá mỏng và là tác phẩm được yêu mến nhất của Steinbeck ngoài Chùm nho. Cũng như Chùm nho và một truyện khác tên là In Dubious Battle, Của Chuột và Người mô tả những số phận người giữa cuộc Đại Khủng Hoảng ở nước Mỹ đầu thế kỷ trước.

Sở dĩ truyện này nổi tiếng như vậy vì nó được dựng thành kịch và phim rất nhiều lần. Nhiều người cho là kết cấu câu chuyện được xây dựng rất thuận tiện để chuyển lên sân khấu. Trong Của Chuột và Người, những ước mơ, tình người và bi kịch được đẩy đến tận cùng bằng tài kể chuyện của một Steinbeck đang đạt đến đỉnh cao.

Giấc mơ của George, Lennie và những nhân vật cùng khổ khác là làm việc chăm chỉ, giành giụm đủ tiền mua một mảnh đất của riêng mình. Ước mơ này không hẳn chỉ là "giấc mơ Mỹ" vào thời Đại Khủng Hoảng, mà còn là mơ ước của tất cả mọi người. Truyện tạo sự đồng cảm với người đọc, vì ai cũng có một ước mơ của riêng mình. Nhưng con đường biến ước mơ thành sự thật luôn có những vật cản oái oăm; tấn bi kịch xảy ra trong truyện đã ngăn giấc mơ đổi đời của những người lao động cùng khổ.

Dù sao, tình bạn và mối quan hệ tương trợ của George và Lennie làm người đọc cảm động cũng như gợi không ít tò mò. Tại sao George phải dính dáng đến một người tâm trí bất ổn như Lennie? Ở đây, vượt lên trên những tầm thường, George cần một người để quan tâm và ban phát tình cảm, để anh ta còn có thể cảm nhận tính người của mình chưa chết hẳn. Chứng kiến những số phận cô đơn đến khô khốc của nhiều kẻ làm thuê lang thang khắp các trang trại miền Salinas bắc California, George hiểu, bằng bản năng của một kẻ thừa khôn ngoan, rằng chỉ có tình người mới giúp con người đứng vững.

Việt Lê

Monday, August 12, 2013

The Pearl (Viên Ngọc Trai) - John Steinbeck



The Pearl là một truyện vừa, mỏng hơn cả Of Mice and Men (Của Chuột và Người). Cuốn này được viết vào giai đoạn Steinbeck đã vượt qua đỉnh cao của sự nghiệp, chỉ vài năm sau tác phẩm nổi tiếng nhất của ông: The Grapes of Wrath (Chùm Nho Uất Hận). Câu chuyện viên ngọc trai huyền thoại được mượn từ chuyện dân gian Mexico, với nhân vật chính là một thợ lặn trẻ và nghèo mạt tên là Kino. Đúng vào lúc cuộc sống chạm đáy, Kino bất ngờ mò được viên ngọc trai vĩ đại sẽ làm thay đổi cuộc đời của anh và vợ con.

Cũng như những tác phẩm tiêu biểu khác của Steinbeck, The Pearl có giọng kể hấp dẫn, thu hút của một bậc thầy. Một khi đã đọc thì khó mà dừng lại. Cái ấn tượng nhất của The Pearl đó là tính nhạc kịch khá rõ rệt với những giai điệu rất Mễ, dẫn dắt người đọc theo các sắc thái cảm xúc của Kino. Khi Kino hướng về người vợ Juana và đứa con nhỏ Coyotito, thì trỗi dậy điệu nhạc Gia Đình ấm áp. Cảm thấy nguy hiểm, điệu nhạc của Cái Ác văng vẳng từ xa. Có khi cả hai giai điệu đấu tranh với nhau giành giật, xen lẫn vào đó là những điệu nhạc khác.

Đâu đó trong tác phẩm, ta cũng thấy được điệu nhạc "Đỏ" của Steinbeck, nhưng còn ngập ngừng, chưa rõ như trong các tiểu thuyết ở thập niên 30 trước đó. Theo tôi, là hơi vô lý khi một số câu thoại có vẻ trau chuốt, mang tính vượt giai cấp được nói lên từ những người lao động, ít học như Kino. Ngoài ra, tham vọng nói lên một cái gì đó về lòng tham con người, hay chủ nghĩa vật chất của tác giả cũng chưa được khắc họa rõ ràng trong một cuốn sách quá ngắn. Tuy nhiên, Steinbeck là một nhà văn dễ tiếp cận và cách kể chuyện của ông thì đúng là đạt đến tầm kinh điển.    

Bonus một hình chế có lẽ lấy cảm hứng từ The Pearl của Steinbeck với những "the song of Family", "the song of Evil", v..v.. (người Mễ ở Mỹ nổi tiếng với nghề cắt cỏ) :D


VL

Sunday, August 4, 2013

Đêm Dài Một Đời - Lê Tất Điều



Một câu chuyện về những người mù, nghe qua có thể hình dung nên những trang sách gượng và ướt. Nhưng Lê Tất Điều đưa người đọc vào thế giới của bóng đêm một cách thật tự nhiên, dịu dàng. Đúng như lời giới thiệu của Võ Phiến: "Trẻ con và người lớn, kẻ tàn tật và người lành mạnh, đa số nhân vật của Điều yêu đời, lạc quan, và luôn tin cậy ở cuộc sống..." Thật lạ khi một người sáng mắt như Lê Tất Điều lại hiểu tình cảm của những người mù như thế. Quan trọng hơn, để văn đồng điệu với tâm hồn họ, thì chính tâm hồn tác giả phải nhân ái, nhạy cảm như thế nào.

Cốt truyện không có gì gay cấn, chủ yếu quanh quẩn trong khuôn viên ngôi trường khiếm thị. Mỗi số phận là một câu chuyện được kể thật đơn giản, nhưng vẫn đủ gây rung động. Từ chuyện một anh năm cuối phải rời trường và được cả đám tổ chức "đám tang", đến việc em bé mù giận dỗi phá đám mối tình giữa anh học sinh mù và cô gái sáng mắt.

Là người di cư, giọng văn lại rất trau chuốt đúng kiểu Bắc Hà, nhưng cái hồn văn của Lê Tất Điều lại hiền lành rất Nam Bộ. Tiếc là cuốn sách này quá ngắn, nếu ông viết dày hơn nữa có thể nó đã có tiếng hơn. Những món ăn tinh thần rất đơn giản, mà ngon bổ như thế này, là thứ mà xã hội hỗn loạn hiện nay đang cần hơn bao giờ hết. Nó có thể làm lòng người chùng xuống, mà không ủy mị, để tự nhìn lại mình.

VL

Friday, August 2, 2013

Disgrace - J.M.Coetzee



David Lurie, giáo sư giảng dạy thi ca bậc đại học tại Nam Phi, bất ngờ vướng vào mối quan hệ tình ái với một nữ sinh viên. Từ đó, người đàn ông trung niên này bất đắc dĩ trải qua nhiều sự kiện làm thay đổi cuộc đời ông. Hơn 200 trang sách là những hành trình không khoan nhượng làm chấn động đến cốt lõi con người của David Lurie. Là một trí thức thuần khiết, yêu thơ Wordsworth, ấp ủ một công trình về Byron, nhưng David còn là một người đàn ông với bản năng giống đực như những người bình thường khác. Chính ở đó, nỗi ô nhục, sự ghê tởm bộc lộ. Nhưng đó là những gì xã hội nghĩ về ông, bằng quán tính của đám đông. Đối với David, không có gì là sai khi con người chạy theo ham muốn. Ông thi vị hóa nỗi thèm khát cũng như tình cảm chân thành của mình đối với phụ nữ.

Càng về sau, càng thấy nhiều mâu thuẫn trong con người David, nhiều sự phi lý trong những nhân vật và sự kiện diễn ra quanh ông. Đâu đó trong cuốn sách, thân phận của văn sỹ, một kẻ ngoại cuộc, được khắc khoải kể qua mối quan hệ của David với cuộc sống xung quanh. Đối với ông, cách sống và suy nghĩ của con gái Lucy quá khác biệt đến nỗi không thể nào hiểu được bằng lý trí thông thường. Ở khía cạnh nào đó, David chợt thấy con người và thân phận của Lucy trông như một con chó. Những nhân vật khác cũng quá nhiều vô lý. Tuy nhiên, trong thực tế, chính David Lurie mới là kẻ lạ lẫm trong thế giới đó. Giữa cảnh rối bời trăm mối, chỉ có Byron và những nhân vật thi ca phù du làm cho ông cảm thấy là chính mình. Thật mỉa mai, có lẽ chỉ có con chó nằm chờ "được" chết trong bệnh viện thú y là đồng điệu được với tâm hồn lạc loài của ông.

Nói chung, cuốn sách này được xem là có "nhiều tầng nghĩa". Nhiều khi, có cảm giác nó muốn đụng đến quá nhiều vấn đề cùng một lúc. Tuy nhiên, đối với tôi ấn tượng của nó không rõ ràng, giọng kể tôi cũng không thích lắm. Chỉ có chương gần cuối giành riêng cho suy tưởng bay bướm về Byron và Teresa là có thể thấy rõ cái tài của Coetzee.

VL

Monday, July 22, 2013

The Great Gatsby - F. Scott Fitzgerald




Tại sao lại là Gatsby vĩ đại? Đó hẳn là câu hỏi của nhiều người khi đọc xong. Thật khó để có câu trả lời cụ thể với một nhận thức lộn xộn những hình ảnh đầy tính tượng trưng. Trước hết, điều phải nói đến đầu tiên là cái không khí rất nhã, rất sang với một nhịp thở đậm chất quý ông của giọng văn Fitzgerald. Chất quý ông của giọng kể quá lịch lãm, quá mong manh. Nó không phải đến từ sự mềm yếu mà từ tính thiện, cái chính trực của một đấng nam nhi thuần quý tộc. Cho dù giọng kể thông qua suy nghĩ của Nick, hay lời nói và hành động của Jay Gatsby, Daisy, Jordan hoặc ngay cả Tom thì người đọc vẫn không thấy khó chịu. Fitzgerald là một quý ông kể chuyện.

Quay trở lại tại sao Gatsby vĩ đại? Có lẽ vì những bữa tiệc náo nhiệt ở khu West Egg giàu có, sự tôn trọng vì tò mò, những lời võ đoán từ đám đông, những bộ suit lắm màu, áo sơ mi, xe hơi, hay tài sản kếch xù không rõ nguồn gốc. Nhưng giấc mơ mãnh liệt của Gatsby có lẽ là lý do tạo nên sự vĩ đại, hay sự hấp dẫn. Giấc mơ ấy chính là Daisy, nhưng không hẳn chỉ là Daisy. Gatsby có thực sự yêu Daisy hay chỉ vì Daisy là một giải thưởng mà Gatsby phải nỗ lực để chứng minh mình xứng đáng nhận nó? Daisy là mơ ước của nhiều người, và Gatsby là một trong số đó. Daisy là cái mốc quá cao trong quá khứ, là cuộc sống vật chất, là tiền tài danh vọng, mà Gatsby trong thâm tâm biết rõ cái mặt trái của nó, nhưng vẫn bám theo: "Her voice is full of money" - một nhận xét quá độc đáo, và cay đắng. Như vậy Gatsby còn vĩ đại nữa hay không? Hay cái vĩ đại ấy giờ đây thật nực cười. Dù sao đi nữa, Daisy vẫn là ánh thanh quang giữa đêm tịch, từ một bến bờ xa xăm, mà con người phải dõi mắt từ xa thèm khát. Daisy chính là giấc mơ Mỹ. Cái giấc mơ vật chất phù phiếm.

VL

Friday, February 1, 2013

Chết ở Venice - Thomas Mann



Thomas Mann, đương nhiên là một cái tên khá mời gọi. Nhưng tủ sách Cánh Cửa Mở Rộng sao không chọn cuốn Magic Moutain/Ngọn Núi Phù Thủy, cuốn sách nổi tiếng nhất của Thomas Mann? Không rõ đã có người dịch và in chưa..

Đây là một cuốn sách đọc được. Có lẽ đề tài đồng tính nam vào những năm trước Thế chiến thứ Nhất còn là một vấn đề nhạy cảm, nên Chết ở Venice đã trở thành một hiện tượng vào lúc đó. Thật ra, mình thích nhất chương 1 và 2, nơi Thomas Mann lan man về những suy tư văn chương, triết lý, có lẽ được mang thẳng từ ngoài đời vào tác phẩm. Đoạn giữa và câu chuyện không có gì đặc biệt. Nhân vật chính, nhà văn Aschenbach đi du lịch đến Venice và bị tiếng sét ái tình từ một cậu bé thiếu niên đẹp mê hồn đánh gục. Từ đây bắt đầu những ám ảnh, những cuộc đeo đuổi và tự dằn vặt của người đàn ông khả kính ấy. Đoạn gần cuối, từ khi nhân vật khám phá ra sự thật về dịch bệnh ở Venice được tả thật hay. Cơn ác mộng của ông diễn ra trong khi những giác quan khác vẫn còn thức tỉnh, làn ranh giữa ý thức và vô thức mập mờ với những hình ảnh nhảy múa náo loạn của dục vọng. Một cảm giác kinh tởm. Ông không biết mình phải làm gì tiếp theo. Người đọc cảm giác được sự sống của ông đang chao đảo trên một ranh giới. Một bên là bản năng, là tình yêu mãnh liệt, còn một bên là ý thức về dịch bệnh, là sự sống. Nhưng cũng thật khó nói chính xác ông đang nghĩ gì lúc ấy. Chỉ biết đó là lúc tâm hồn người nghệ sĩ đạt được tột cùng của cảm xúc, khi tình yêu và sự sống cùng lúc bị dồn ép đến cuối đường, vào ngõ cụt, đến bên bờ vực thẳm. Có thể ta mù mờ không rõ ông bị nhiễm bệnh khi nào, nhưng điều đó có quan trọng không khi cái chết của nhân vật ở cuối truyện là một sự dấn thân đẹp đẽ, là tác phẩm hay nhất mà người nghệ sĩ ấy để lại cho đời.

Có thể nói người dịch của cuốn này Nguyễn Hồng Vân đã Việt hóa rất tốt. Hầu như mình khó nhận ra dấu vết của việc dịch: giọng văn trau chuốt, suôn sẻ, đọc không vấp váp chỗ nào. Đây đáng lẽ là một điều tốt. Nhưng có lẽ vì quá suôn, quá mượt, câu lại dài nên câu chữ của Thomas Mann cứ trôi tuồn tuột đi một cách không hối tiếc.


Việt Lê

Thursday, January 31, 2013

Grand Theft Auto IV: Giấc mơ Mỹ và hai lựa chọn

Mục đích của blog này của mình là viết xuống về những sách, trò chơi điện tử đã đọc và hoàn tất như một sự tự ghi nhận hay là "tự sướng". Nhưng riêng về game thì càng ngày mình càng thấy ngôn từ bất lực. Hiện nay game review đều bằng video clip, "a picture is worth a thousand words". Thật khó để viết về một số game khi cái đặc biệt của nó nhiều khi chỉ là phần đồ họa hay âm nhạc, còn cách chơi thì lặp lại. Vì vậy nên cho dù trong mấy năm qua mình chơi rất nhiều game và phá băng được một vài, cũng không muốn viết xuống. Nhưng Grand Theft Auto (GTA) IV là một game đặc biệt và nó đã là cảm hứng cho rất nhiều nhà phê bình viết bài, khi ra đời vài năm về trước. Trong số những review tôi tìm được trên mạng, thật thú vị khi có cả bài của Junot Diaz, tác giả cuốn The Brief Wondrous Life of Oscar Wao, đoạt giải Pulitzer năm 2008. Nói chung, GTA IV là game không mới, đã được phá băng từ năm 2011, nhưng giờ đây khi GTA V đang ngấp nghé ra đời thì bài này mới được cố gắng viết xuống. Các bạn ngoại đạo nếu có hứng thú đọc đến đây và muốn đọc tiếp về cái "Giấc mơ Mỹ và hai lựa chọn" thì nên bỏ 2 đoạn tiếp theo.



Có lẽ không gamer nào, cả máy tính PC và máy điện tử Console, là không quen thuộc với loạt game Grand Theft Auto của Rockstar. Từ phiên bản thứ 3 của mình, GTA đánh dấu một bước ngoặt to lớn bằng việc chuyển sang thể loại sandbox. Sandbox là thế giới mở, người chơi có thể tự do hành động và di chuyển trong một thế giới mở rộng lớn thay vì chỉ giới hạn hoạt động trong một phạm vi nhất định, tùy theo phân cảnh game. Tên tuổi GTA lên như diều từ đó.

Cũng như phiên bản trước, GTA IV dùng bạo lực làm phông chủ đạo của game. Nhân vật có thể cướp xe của người đi đường (tính năng đặc biệt làm nên tên tuổi Grand Theft Auto), đánh người, bắn giết dân thường và cảnh sát trong lúc làm nhiệm vụ. Nhiệm vụ trong game là những mission nối tiếp mission dựa trên một kịch bản đặc sắc. Kịch bản này đưa người chơi lần lượt làm quen với một mạng lưới các nhân vật với những tính cách đặc trưng của giới giang hồ, từ đó leo từng nấc thang của thế giới ngầm và tiến về cái kết của câu chuyện. Bạo lực, những chiếc xe bóng lộn, thế giới ngầm, đồ họa sáng sủa, mượt mà, những màn rượt đuổi đường phố không khoan nhượng trên nền soundtrack phong phú với quy mô chưa từng thấy ở bất cứ game nào khác đã góp phần tạo nên một không khí rất GTA độc nhất vô nhị. Chỉ với những điều đó, GTA IV đã đủ để trở thành game hay nhất trong 5 năm trở lại đây.

Nhưng GTA IV còn có một cốt chuyện hấp dẫn, sâu sắc mà nhiều người điểm game đã vội miệng so sánh với cả phim Bố Già và show truyền hình Sopranos nổi tiếng. Bối cảnh game là Liberty City, thành phố lấy gần như nguyên mẫu từ New York. Niko Bellic, người dẫn chuyện, nhân vật chính của game, rời tàu chở hàng vừa cập bến cảng Liberty City với niềm tin ngây thơ của bất cứ người di dân nào vừa đến Mỹ: đây là mảnh đất của cơ hội, xứ sở của tự do với những biệt thự mansion, du thuyền, siêu xe, làm tình tay ba, v..v.. Tuy nhiên, Niko đã sớm chưng hửng khi nhận ra người đã "quảng bá" cho cái giấc mơ Mỹ ấy, anh họ của Niko là Roman, thực ra đang sống trong một khu ổ chuột với công việc cà quèn, nợ nần ngập đầu.

Khác với nhân vật chính của GTA trước, Niko trong game không phải là người sùng bái bạo lực, tuy hắn có quá khứ của một sát thủ, cựu quân nhân chiến trường Nam Tư, từng làm việc trong các tổ chức buôn người ở Địa Trung Hải. Niko đã từ bỏ cuộc sống tội lỗi để đến Mỹ với hy vọng làm lại cuộc đời. Tuy vậy, sau khi ra tay giúp đỡ Roman thoát khỏi chủ nợ, Niko nhanh chóng bị cuốn vào ân oán của thế giới ngầm Liberty City. Với những kỹ năng được đào luyện qua năm tháng giang hồ ở Đông Âu, Niko không khó để dần trở thành một tay gangster có số má trong môi trường mới. Tiền bạc, xe cộ, căn hộ cũng theo đó cập bến. Niko Bellic, một di dân ngày nào với hai bàn tay trắng, muốn rũ bỏ quá khứ và giết chóc để hoàn lương, sống một cuộc sống đơn giản, lương thiện bên cô bạn gái mới quen trên đất Mỹ, đã càng ngày càng lún sâu, vô tình hai bàn tay vấy máu một lần nữa. Trong lúc dấn thân vào các ân oán, đụng độ hết nhân vật này đến băng đảng khác, từ đủ các sắc dân khác nhau, Niko tình cờ gặp lại người bạn thuở thiếu thời trong nhóm đặc nhiệm ở Serbia là Bernie. Bernie nay đã ổn định ở miền đất hứa, với nhiều thay đổi trong cuộc sống lẫn trên cơ thể, và rất hạnh phúc. Có thể nói, Bernie là giấc mơ Mỹ đã trở thành sự thật. Tiếp theo, Niko biết được Bernie không phải là kẻ thù hắn cần tìm, mà kẻ phản bội đã ám ảnh hắn bấy lâu nay đang có mặt ở Liberty City. Ngày trả thù sắp đến, kết thúc đã gần kề. Lúc này, Niko bỗng thấy mình đứng giữa hai lựa chọn, hai ngã rẽ cuộc đời, giữa Cũ và Mới.

Cái Cũ là giết chóc, là danh dự, là tinh thần anh chị giang hồ, là có thù thì phải trả. Cái Mới là luật lệ, là trò chơi Tư Bản, là tiền và lợi ích. Cái Cũ là cảm tính, là lún sâu còn cái Mới là lý trí, là vượt thoát. Cuối cùng, nếu Niko chọn trả thù, tức là chọn cái Cũ, éo le thay, người bạn đời tương lai là cô gái Kate McReary sẽ bị bắn chết ở đám cưới của Roman. Nếu Niko chọn cái Mới thay vì trả thù, với số tiền lớn để gia nhập cuộc sống Tư Bản, thì anh họ Roman của hắn sẽ là người bỏ mạng. Đây là những alternate ending đau đớn, khi chính Kate là tương lai, là cuộc sống mới của Niko nếu hắn chọn cái Cũ còn Roman là mắt xích duy nhất giữa Niko với quá khứ, quê nhà nếu hắn chọn cái Mới. Cũng không tình cờ khi người viết kịch bản sắp xếp cho Kate là người đẩy Niko đến lựa chọn trả thù, còn Roman lại chính là kẻ khuyên Niko từ bỏ thế giới cũ và tha thứ. Cả hai lời khuyên này đều dẫn đến cái chết của chính họ. GTA IV đặt Niko Bellic vào một lựa chọn không khoan nhượng giữa quá khứ và tương lai, không hề có cách giải quyết trung dung.

Cuối game, đứng bên xác kẻ thù cuối cùng, Niko nghe văng vẳng câu nói của ai đó "You've won". Đúng là như thế khi thử thách tiếp nối thử thách đã kết thúc, câu chuyện cũng chấm dứt ở đây, nhưng đối với Niko có lẽ câu nói ấy chưa bao giờ nghe trống rỗng hơn lúc này. Khi danh sách credit (như bất cứ lúc nào bạn phá băng) đã lên hết, bạn sẽ nghe Niko nói "So this is what the dream is like. This is the victory we longed for." Đối với Niko, giấc mơ Mỹ trở thành sự thật nhưng đi kèm với cái giá quá đắt.


P.S.: Khi nói về game, có lẽ không văn vẻ nào có thể mô tả hết cái hay của một loại hình giải trí chủ yếu bằng hình ảnh và âm thanh như thế. Nên tốt nhất là nên đi kèm với một clip tiêu biểu để giới thiệu thế giới của GTA IV với những người chưa chơi hoặc ngoại đạo:


Ngoài ra, chơi GTA IV, không thể nào bỏ qua phần sitcom, thường được chiếu trên TV trong game, hoặc phát trên các làn sóng radio khi lái xe. Những hài kịch này có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ hài có tiếng của Mỹ, từ nhiều show nổi tiếng như Saturday Night Live. Không có gì ngoa khi có người nói muốn hiểu nhanh nhất về nước Mỹ thì nên xem TV Mỹ. Clip sau trích từ một show trong game có thể là tiêu biểu cho một thứ hài kịch vô thưởng vô phạt kiểu Mỹ, thông thường người ta có thể xem được trên kênh Adult Swim vào đêm khuya.



Việt Lê