Friday, January 12, 2018

Huế 1968: A Turning Point of the American War in Vietnam - Mark Bowden

Add caption


Trong phần lớn sách hay phim của người Mỹ làm về chiến tranh Việt Nam, câu chuyện kể vẫn chủ yếu là của những người Mỹ. Huế: 1968 của Mark Bowden cũng là một trong số đó. Tác giả chịu khó phỏng vấn khá nhiều nhân vật từ bên thắng cuộc, tuy vẫn là số ít so với số lượng câu chuyện của phía Mỹ. Phía VNCH hầu như chỉ được nhắc đến rất qua loa.

Tuy ít, nhưng phần lớn những nhân vật của quân lực VNCH nhắc đến trong cuốn sách đều được tôn trọng, đôi khi ngưỡng mộ. Đó không chỉ là đánh giá của tác giả. Ví dụ như trường hợp của Đại đội Hắc Báo, đại đội trinh sát và viễn thám của Sư đoàn 1 Bộ binh. Đây là một đơn vị cực kỳ tinh nhuệ, chuyên tham gia hành quân hỗn hợp với các lực lượng Mỹ ở Vùng 1 chiến thuật. Thường xuyên ở tuyến đầu, Hắc Báo có thừa kinh nghiệm chiến đấu. Đến nổi sĩ quan cố vấn của đơn vị là Đại úy Jim Coolican thừa nhận rằng ở bên cạnh những người lính mà anh "cố vấn", anh mới là kẻ thiếu kinh nghiệm và ngu ngơ. Sự hữu dụng duy nhất mà anh mang lại cho họ là cái radio, mà từ đó Coolican có thể gọi pháo binh và không quân Mỹ yểm trợ.

Hắc Báo chỉ khoảng 100 - 200 người, nhưng đóng vai trò khá then chốt trong trận chiến Huế. Trong đêm đầu tiên, các trung đội Hắc Báo được tướng Ngô Quang Trưởng điều động đóng chốt ở các tòa nhà trọng yếu trong thành phố. Nhóm Hắc Báo do chính đại đội trưởng Trần Ngọc Huế "Harry" chỉ huy phòng thủ sân bay Tây Lộc đã giúp cầm chân mũi tấn công của quân Bắc Việt ở đây cho đến hết ngày hôm sau. Sau đó, nhóm của Trần Ngọc Huế được tướng Trưởng gọi về hỗ trợ phòng thủ Bộ tư lệnh Sư đoàn ở Mang Cá. Ở những ngày cuối cùng của trận chiến, đại đội Hắc Báo cũng là đơn vị trực tiếp đánh vào khu Thành Nội, gỡ lá cờ Mặt trận giải phóng đã tung bay ở đó hơn 3 tuần lễ.

Trần Ngọc Huế "Harry" sau này còn trực tiếp tham gia nhiều cuộc hành quân quan trọng khác. Trong chiến dịch Hạ Lào 1971, anh bị bắt và bị giam giữ 13 năm, rồi bị quản thúc thêm nhiều năm trước khi được cố vấn Coolican giúp cho định cư ở Mỹ. Cấp chỉ huy của ông, tướng Ngô Quang Trưởng, trong trận Huế đang là Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh, cũng nhận được sự tôn trọng của các tướng lĩnh Mỹ, như tác giả mô tả.

Nhưng các sĩ quan Mỹ như Coolican là số ít, hầu hết đều xem thường người lính VNCH. Lính Mỹ, từ lính trơn cho đến cấp chỉ huy đều mang một thành kiến nặng nề về một quân đội nhu nhược và vô dụng. Cũng từ thành kiến này, cấp chỉ huy Thủy quân lục chiến ở bộ chỉ huy khu vực đã ra lệnh cho Thiếu tá Thompson, chỉ huy tiểu đoàn tăng viện cho mặt trận kinh thành Huế ( Mỹ gọi là Citadel ) không được nghe lệnh của tướng Trưởng, mà cần phải chỉ huy ngược lại một sĩ quan trên mình 3 bậc. Bỏ qua không tham khảo kinh nghiệm tác chiến tại chỗ còn nóng hổi của lực lượng VNCH, tiểu đoàn của Thompson bị thương vong nặng nề trong ngày đầu tiên càn quét Citadel.

Đó không phải là lần duy nhất quân Mỹ phải trả giá đắt bằng nhân mạng vì cung cách tiếp cận kiêu ngạo của mình. Những ngày đầu của trận chiến, các cấp chỉ huy còn mù mờ về tình hình chiến trường đã liên tục đưa ra những quân lệnh tự sát cho các đơn vị của mình. Hàng trăm thương vong là kết quả từ những cuộc nướng quân điên rồ, với người chỉ huy ra lệnh tiến quân mà chỉ dựa hoàn toàn vào bản đồ.

Như tác giả tự nhận, cuốn sách này khác với một vài cuốn khác về Huế - Mậu Thân ở chỗ nó tập trung tả lại trận chiến dưới mắt của những người lính Mỹ, ở tầm nhìn thấp và sát nhất có thể. Người đọc hình dung diễn biến trận chiến ác liệt, với những tình huống sống động và dã man, đôi khi đẩy con người đến những giới hạn cuối cùng. Nếu ai mong muốn một phân tích tổng thể, rạch ròi của trận chiến với diễn biến và di chuyển của từng đơn vị hẳn sẽ thất vọng. Cuốn sách chỉ là một tập hợp và xâu chuỗi của những câu chuyện cá nhân rời rạc của những người tham gia trận chiến.

Cách kể chuyện này ban đầu khá hấp dẫn, nhưng càng về sau càng nhàm chán. Dường như tác giả cố gắng nhồi nhét tất cả những gì mình thu thập được để làm nên gần 600 trang sách.

Như tác giả tự nhận, cuốn sách của ông khác với các cuốn khác ở chỗ nó nói nhiều hơn về mất mát của cư dân Huế. Thật ngạc nhiên khi tất cả các báo cáo, tài liệu về trận chiến từ phía Mỹ đều không đề cập đến tổn thất nhân mạng của dân thường. Tuy vậy, hầu hết những người lính mà tác giả đã phỏng vấn đều kể về xác chết của dân thường nằm đầy đường, trong nhà, trong đống đổ nát, hay dưới hầm trú bom. Con số sách đưa ra là 5800 dân thường thiệt mạng trong hơn 3 tuần của trận chiến. Tuy nhiên, con số thực sự có thể còn cao hơn. Không rõ những nạn nhân của "the purge", hay được biết đến như vụ thảm sát Mậu Thân - Huế đã được tính trong số này chưa. Trong sách, nhiều lần tác giả đã nhắc đến vụ thảm sát này, mà nạn nhân chủ yếu là gia đình của các nhân viên chính quyền, gia đình quân nhân, hay người theo đạo Thiên chúa. Những chi tiết về cuộc thảm sát có lẽ được tác giả tham khảo phần nào trong cuốn Giải khăn sô cho Huế của Nhã Ca, người đã được ông phỏng vấn.

Khi nói về dân thường, người đọc sẽ thấy chiến tranh thật tàn khốc. Bị kẹt trong khu Citadel, các cổng chính đều bị lính hai phe kiểm soát, người dân không có đường thoát. Lính Mỹ hầu như không đủ kiên nhẫn và tỉnh táo để phân biệt quân địch và dân thường trước khi nổ súng. Ngoài lực lượng chính quy mặc quân phục, rất nhiều lực lượng quân địa phương bên phía Mặt trận đều mặt áo bà ba như dân thường. Do đó, khi thấy người Việt là lính Mỹ có xu hướng nổ súng. Có trường hợp, một đội súng máy Mỹ được lệnh kiểm soát một cửa thành và bắn tất cả những ai đi qua. Khi thấy một cặp vợ chồng trẻ ẵm theo hai đứa con chạy đến, những người lính Mỹ trì hoãn và đùn đẩy cho nhau bóp cò. Cuối cùng, họ tìm thấy trong xác cô vợ trẻ vừa bị bắn chết một bản đồ có đánh dấu chi tiết các điểm đặt súng máy của lính Mỹ.

Trái ngược với đánh giá ban đầu của phía Mỹ về khả năng chiến đấu của phía Mặt trận, quân giải phóng chiến đấu rất chuyên nghiệp, kỷ luật, và khôn ngoan. Quân Mặt trận biết cách set up các hệ thống phòng thủ bài bản, với lưới hỏa lực đan chéo (overlapping field of fire), và các hố phòng thủ hình chữ L. Hầu như tất cả các lần lính Mỹ xung phong tràn ngập cứ điểm của phía Mặt trận, họ đều thấy những tòa nhà đã bị bỏ trống, khi quân địch vừa mới rút khỏi trong gang tấc. Ngoài ra, chiến trường Huế còn là thiên đường của lính bắn tỉa, đặc biệt từ phía Mặt trận. Lính bắn tỉa từ phe kia được hầu hết lính Mỹ mô tả là cực kỳ chính xác. Đó cũng có thể đã tạo nên hứng khởi cho người làm phim Full Metal Jacket.

Đọc Huế; 1968 của Mark Bowden ta càng hiểu rõ tại sao quân đội Mỹ không thắng được cuộc chiến Việt Nam. Các cấp chỉ huy hầu hết đều rất kiêu ngạo, không hiểu rõ chiến trường và tình hình, không hiểu rõ kẻ địch, xem thường kẻ địch, và xem thường đồng minh.

VL (9/17)



Wednesday, January 3, 2018

Autumn - Ali Smith



Pauline Boty, một nghệ sĩ pop art người Anh giữa thế kỷ 20, là nỗi ám ảnh xuyên suốt cuốn tiểu thuyết Autumn của Ali Smith. Là nữ nghệ sĩ tiên phong với ít nhiều nổi loạn, rất nhiều nữ quyền, một ít showbiz, Pauline Boty đã theo đuổi dòng tranh Collage. Một kiểu nghệ thuật thị giác cố tình chắp vá, lắp ghép ngẫu nhiên những mảnh vụn từ sách, tranh, lời bài hát, v..v.. Những patchwork có vẻ hỗn loạn này phóng chiếu một cách hoàn hảo bức tranh của nước Anh hậu-Brexit, cũng là bối cảnh/chủ đề của Autumn – Ali Smith.

Câu mở đầu sách “It was the worst of time, it was the worst of times” trích từ A Tale of Two Cities của Dickens đã gợi ý nên một băn khoăn chính trị. Tiếp theo đó là những Brave New World – The Tempest; hóa thân của Ovid; Clockwork Orange, v..v.. một loạt những dẫn chứng văn chương như những đồng vọng của tinh thần Anh, trong cuộc truy tìm căn tính quốc gia trong thời đại lạ lùng này.
Ở đó, sự quan liêu của một nhân viên bưu điện trong việc làm lại hộ chiếu, được mô tả hài hước, khơi gợi đến sự bối rối, băn khoăn của một người Anh bình thường khi cuộc trưng cầu dân ý về việc tiếp tục là thành viên Liên hiệp Châu Âu (EU) đang diễn ra. Ở đó, tại ngôi làng mà mẹ của nhân vật chính Elisabeth đang sống, người ta sơn lên tường một ngôi nhà bị cho là của người nhập cư: “GO HOME”. Bên dưới dòng chữ này là một dòng chữ khác: “WE ARE ALREADY HOME THANK YOU”, đi kèm với hoa mà người đi đường để lại để ủng hộ tinh thần người chủ nhà. Zoom out ra khắp đất nước, người ta cũng thấy một tình huống tương tự.

“Trên khắp đất nước, những gì diễn ra tự quăng quật chính nó như một sợi dây điện tí tách đứt khỏi trụ điện trong cơn bão, tung tăng trong khoảng không trên ngọn cây, mái nhà và dòng xe cộ.
Trên khắp đất nước, người ta nghĩ đó là sai. Trên khắp đất nước, người ta nghĩ đó là đúng. Trên khắp đất nước, người ta nghĩ họ đã thua. Trên khắp đất nước, người ta nghĩ họ đã thắng…”
Nghe là thế, nhưng băn khoăn về căn tính của nước Anh đương đại chỉ được nói đến rất ít trong Autumn. Bao quanh, ôm gọn và làm nó lọt thỏm trong đó là một cuốn sách được viết phi tuyến tính, với nhiều vấn đề và sự kiện diễn ra cùng một lúc và ở những lúc khác nhau, quanh hai nhân vật chính: Elisabeth, một giảng viên về nghệ thuật và người hàng xóm tri kỷ, ông Daniel Gluck, 101 tuổi, hiện đang chìm sâu trong giấc ngủ người già ở viện dưỡng lão. Những lát cắt quá khứ, hiện tại đan xen với các giấc mơ hiện thực, với sự hóa thân siêu thực (ông Gluck thấy mình dần biến thành cây xanh) và những chi tiết có vẻ lung tung khác, dễ làm người đọc bối rối và lạc lối. Tuy nhiên, bút pháp của Ali Smith linh hoạt, đùa giỡn và đầy sáng tạo vẫn giữ được người đọc thấp thỏm để đi hết hành trình.

Ali Smith, người có vẻ như bị ám ảnh bởi thời gian trong cách kể chuyện (đã từng băn khoăn làm thế nào để viết về hai sự kiện diễn ra cùng lúc với cùng một thức chia động từ về thời gian) đã làm cho Autumn thành một tiểu thuyết về thời gian. Ở đây, có vẻ như thời gian không còn là trung gian của kể chuyện mà chính là đối tượng. Đôi khi, ranh giới giữa người kể chuyện và nhân vật mờ đi, cũng như ý niệm về thời gian dễ dàng lén lút trượt từ thời điểm này sang thời điểm khác. Người đọc có lẽ cần ít kiên nhẫn để tự xâu chuỗi những sự kiện theo trình tự tuyến tính của chính mình.

Autumn là tiểu thuyết đầu tiên trong một loạt bộ tứ về mùa mà Ali Smith đang thực hiện. Trước mắt, cuốn tiếp theo Winter đang sắp ra mắt và đang được review. 

VL