Monday, November 19, 2012

Tái bản Trần Thái Đỉnh



Những quyển sách giá trị của GS Trần Thái Đỉnh tái bản sau 75. Ba cuốn hàng trên, bìa cứng, là đợt tái bản đầu tiên in khoảng năm 2005 - 2006, hai cuốn dưới vừa được tái bản lần hai trong tháng 11. 


Giáo sư/linh mục Trần Thái Đỉnh được xem là người trình bày triết Tây theo kiểu dễ tiếp cận nhất, bên cạnh Nguyễn Văn Trung, trong số những vị giáo sư triết nổi tiếng của miền Nam trước 75. Đương nhiên tôi chỉ dám đọc sơ qua cuốn mỏng nhất là Triết học Hiện sinh. So với cuốn của Trần Thiện Đạo Từ chủ nghĩa Hiện sinh đến thuyết Cấu trúc, hình như một ông đề cao Heidegger còn một ông thì phục Sartre? Cảm nhận của tôi chỉ le lói nhiêu đó thôi. Sau đây để lấp đầy bài viết, mời bạn đọc trích đoạn khá thú vị trong bài Giới thiệu của ông Bùi Văn Nam Sơn viết cho cuốn Triết học Kant của Trần Thái Đỉnh. Cũng hơi vô duyên khi cuốn đó vẫn chưa được tái bản lần hai, nghe đâu là chưa xin được giấy phép. Trở về trích đoạn bên dưới, ông Bùi Văn Nam Sơn, với vẻ trân trọng một thời đã qua với không khí học đường nhuốm màu trí thức, tự do đúng nghĩa, đã kể về những người thầy của mình: 


"Giữa không khí nóng bỏng của thời cuộc những năm 1966-68, thế hệ “tuổi hai mươi” của một số anh chị em chúng tôi lúc bấy giờ còn may mắn được ngồi trên ghế nhà trường: Khoa Triết Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ở đó, những đầu óc măng tơ được êm đềm “dẫn vào Triết học”, được khuyến khích “nhập môn” (chứ chưa dám nói đến “nhập thất”) vào một thế giới lạ lùng, bí hiểm nhưng cũng đầy quyến rũ gợi lên bao “thao thức”, “trăn trở”, “suy tư” của tuổi trẻ. Và nhất là, lại được “dẫn vào”, được “nhập môn” bằng chính những bàn tay êm ái của nhiều vị Thầy khả kính với các phong cách khác nhau. Muốn tìm “lối vào” triết Đông ư ? Chúng tôi có Thầy Nguyễn Đăng Thục uyên bác và bừng bừng tâm huyết (trong một giờ học, Thầy chỉ mạnh tay vào một quyển sách chữ Hán – hình như là quyển “Đạo giáo nguyên lưu” - rồi gằng giọng hỏi: “thế hệ chúng tôi mất rồi, ai trong các anh chị còn đọc được những quyển sách này ?”); có Thầy Kim Định bay bổng, Thầy Nguyễn Duy Cần cặm cụi, Thầy Lê Xuân Khoa hào hoa... Còn triết Tây ? Chúng tôi có Thầy Nguyễn Văn Trung (những vấn đề cơ bản, Marx), Thầy Lý Chánh Trung (đạo đức học), Thầy Lê Thành Trị (Husserl, Sartre...)... Nhưng, “sợ” nhất vẫn là Thầy Nguyễn Văn Kiết ! Thầy nổi tiếng nghiêm khắc, lại dạy rất khó. Bốn tác giả lớn nhất và khó nhất của triết học cổ điển Đức (Kant, Fichte, Schelling, Hegel) được Thầy dồn lại trong một “cours” (giáo trình) chỉ ngót trăm trang, đọc muốn vỡ đầu mà chỉ có thể hiểu được lỏm bỏm. Mà nào phải chỉ cần đọc để tìm hiểu thôi đâu, còn “phải học” để đi thi nữa chứ; thi hỏng thì... “Thủ Đức” đang chờ sẵn ! (Chắc vì biết thế nên Thầy Lý Chánh Trung ít khi nào “nỡ” đánh hỏng chúng tôi ! Tệ lắm thì được nghe Thầy nhắc nhẹ: “Anh có đi nghe cours tôi không ?” rồi cho 10 điểm trung bình !). Cho đến một hôm, khi đang giảng về Fichte với các bài “Diễn văn cho dân tộc Đức” nổi tiếng hùng hồn trước cuộc tấn công của Napoleon, Thầy Kiết nhìn chúng tôi và trầm ngâm: “Tình hình hiện nay, ai sẽ là người đọc “Diễn văn cho dân tộc Việt” ? Câu hỏi ngắn nhưng gây chấn động tâm tư, vì đến từ một người Thầy tưởng như không hề quan tâm đến thế sự ! Chúng tôi càng bất ngờ nhưng rồi cũng hiểu được tại sao sau Tết Mậu Thân 68, Thầy, lúc ấy đã lớn tuổi và sức khỏe yếu nhiều, đã lặng lẽ chia tay chúng tôi vào tham gia kháng chiến(1). Tôi không hiểu hết những lời Thầy dạy về Kant... (dù nhờ ơn Thầy mà lần đầu tiên được nghe những từ đầy “mê hoặc”: siêu nghiệm, võng luận, Antinomie...), nhưng Thầy đã ghi đậm lên tim tôi cái lẽ phải thông thường chẳng cần “triết lý “ cao xa: “quốc gia hưng vong...”. Công ơn Thầy lớn quá !

Thầy Lê Thành Trị một hôm cầm quyển “Phê phán Lý tính thuần túy” (bản dịch tiếng Pháp) dày cộm, nâng cao lên cho chúng tôi thấy, rồi nói: “Các Ông các Cô” [Thầy luôn cố ý gọi chúng tôi như thế để tỏ lòng tôn trọng sinh viên trong “môi trường” đại học] học Triết học chuyên nghiệp thì phải đọc hết quyển này !”. Nghe lời Thầy, tôi tìm đến “Thư viện quốc gia” ở đường Gia Long (bây giờ là “Thư viện Khoa học xã hội” ở đường Lý Tự Trọng) rón rén mượn quyển sách... xem thử. Bác thủ thư nhận thẻ, ngước nhìn tôi bằng cặp mắt nghi ngờ, nhưng rồi cũng chịu khó xuống kho lục tìm. Ngót 15 phút sau, tôi mới được cầm trên tay quyển sách nặng trịch, bám bụi, trịnh trọng tìm một góc ngồi thật êm ái ở hành lang cổ kính, rồi dỡ ra... đọc. Lật tới lật lui năm bảy lần, thử ráng đọc vài đoạn mới biết sức mình có hạn, trong khi ngoài cửa sổ kia, hàng me xanh quá, và chiều Sài Gòn thơ mộng quá ! Cố ngồi náng thêm nửa tiếng đồng hồ mới dám... rón rén mang trả chỉ vì sợ gặp lại ánh mắt của bác thủ thư! May sao, chẳng biết nhờ đâu, tôi tìm đọc được bài giảng của Thầy Trần Thái Đỉnh – hình như là bài giảng của Thầy ở Đại chủng viện Xuân Bích -, sau này được in và công bố (“Triết học Kant”, NXB Văn Mới, 1974). Tôi không may mắn được Thầy trực tiếp dạy về Kant. Ở “Văn khoa”, chúng tôi chỉ được nghe Thầy giảng về triết học hiện đại, và cũng là lần đầu tiên được nghe Thầy giới thiệu về thuyết cấu trúc (bấy giờ gọi là “Cơ cấu luận”) mà nay chỉ còn nhớ được đôi câu trích dẫn đầy “ấn tượng”: “Chúng ta không nói mà bị nói; không làm mà bị làm” v.v.. của những F. Saussure, C.L.Strauss... mới toanh ! Nhờ Thầy, chúng tôi được biết ít nhiều về triết học hiện đại, nhưng với riêng tôi, bài giảng về Kant của Thầy nói trên thật đã “cứu nguy” đúng lúc để giúp tôi phần nào hiểu được “cours” hóc búa của Thầy Nguyễn văn Kiết và nhất là khóa giảng rất khó và rất sâu của Thầy Lê Tôn Nghiêm về quyển “Kant và vấn đề Siêu hình học” của M. Heidegger. Không hiểu Kant, làm sao hiểu nỗi M. Heidegger bàn gì về Kant ! Từ đó và mãi đến hôm nay, quyển “Triết học Kant” của Thầy Trần Thái Đỉnh (cùng với hai bản dịch rất quý của Thầy về Descartes: “Luận văn về phương pháp”/“Discours de la methode” và “Những suy niệm Siêu hình học”/“Meditations métaphysique”, 1962) và quyển “Kant và vấn đề Siêu hình học” của Thầy Lê Tôn Nghiêm luôn theo sát bên tôi không chỉ như kỷ vật đáng nâng niu của một thuở hoa niên mà còn như hai vị Thầy lặng lẽ, lúc nào cũng ở bên cạnh mình để sẳn sàng chỉ dạy mỗi khi cần ôn lại một định nghĩa, tìm cách dịch một thuật ngữ nào đó. Gần đây, khi dịch và chú giải quyển “Phê phán Lý tính thuần túy” của Kant (NXB Văn học 2004) (ôi, quyển sách đầy kỷ niệm trong tay Thầy Lê Thành Trị thuở nào !), tôi đã trộm phép Thầy Trần Thái Đỉnh để sử dụng lại một số thuật ngữ tiếng Việt quan trọng được Thầy dùng để dịch Kant mà đến nay tôi vẫn chưa tìm thấy cách dịch nào tốt hơn: “niệm thức” (Schema), “Ý thể” (das Ideal), “Phân tích pháp” (Analytik)  v.v.., để chỉ xin đơn cử một hai ví dụ.

Các Thầy không chỉ trao truyền cho chúng tôi vốn kiến thức cơ bản, mà quan trọng hơn, đã thắp lên trong chúng tôi lòng khao khát học hỏi, lòng quý trọng đạo lý (Thầy Nguyễn Đăng Thục từng nửa đùa nửa thật bảo chúng tôi nên dịch chữ “Philo-sophia” của triết Tây thành “Minh Đức hữu hoài” !). Và Thầy Trần Thái Đỉnh, Thầy Lê Tôn Nghiêm... đều luôn khuyên rằng: học triết học là phải biết đặt câu hỏi; câu hỏi có khi quan trọng hơn câu trả lời; phải biết lùi lại để “đặt thành vấn đề” những gì tưởng đã giải quyết xong, phải biết lắng nghe và tôn trọng người khác vì chân lý chẳng của riêng ai và cũng chẳng dễ tìm. Hiện thân cho tinh thần ấy một cách mạnh mẽ và đầy thuyết phục không ai khác hơn là chính I. Kant, đối tượng được tìm hiểu trong quyển sách này. Do đó, nhân dịp tái bản quyển “Triết học Kant” của Thầy Trần Thái Đỉnh, được Nhà xuất bản gợi ý và được Thầy rộng lòng cho phép, tôi muốn nhân cơ hội quý báu này để trước hết, bày tỏ lòng biết ơn Thầy của một người học trò cũ và, sau đây, xin kính cẩn góp vài suy nghĩ “nối điêu”.

..."

(Trích từ SáchHay.org)

Sunday, November 11, 2012

Chưa Đủ Cô Đơn Cho Sáng Tạo - Inrasara



Tập tiểu luận phê bình Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo của nhà thơ Inrasara là một cuốn sách mang tính giải trí nhiều hơn là học thuật. Nói như vậy không có nghĩa những bài viết trong sách không đủ nghiên cứu và nghiêm túc. Thật ra, là một nhà thơ, tác giả đã rất thành công trong việc thi hóa văn xuôi của mình trong một thể loại dễ trở thành khô khan. Văn phong dứt khoát, gãy gọn, nhiều khi quá gọn. Tác giả múa bút (hay múa phím) tự tin như đang đọc tuyên ngôn. Inrasasa dùng câu ngắn, từ gọn nhưng không khô cứng. Từng câu, từng chữ mang tính bất ngờ, phá cách của thơ. Do đó, sách bàn chủ đề có vẻ to lớn nhưng đọc rất gần gũi, hấp dẫn, lôi cuốn và mang tính giải trí cao.

Trong tập tiểu luận, bài chủ đề Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo chỉ đơn giản viết xuống một điều mà nhiều người cầm bút có lẽ đã biết, nhưng ít ai nói ra. Người đọc liếc qua tựa là có thể đoán nội dung – như một hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đã và đang dần đánh mất cái tôi sáng tạo trong cái bẫy của tập thể văn nghệ, của truyền thông. Là bài chủ đề, nhưng không phải hay nhất. Có thể nói Bế tắc trong sáng tạo mới là bài tiểu luận đặc sắc nhất của cuốn sách. Tác giả đưa ra 2 câu hỏi “Tại sao bế tắc? Và làm gì khi bế tắc?” rồi trả lời, có lẽ với những kinh nghiệm bế tắc trong sáng tạo của chính ông, và từ kinh nghiệm khi quan sát văn đàn Việt Nam trong thời gian dài. Một vài lý do bế tắc theo Inrasara là do người viết, do tác động từ bên ngoài (bị chụp mũ, phản động,v..v..) và đặc biệt hơn hết do tính nghiệp dư của người cầm bút. Hầu hết đều xem văn chương như trò chơi. Chân dung nhà thơ hiện đại được Trần Ngọc Tuấn phác ra rất thành thực:

Ở quán 81
Có gã từ thâm sơn cùng cốc
Tạt uống vài li rồi vùng đi

Có gã xa quê buồn như đá
Một bàn… một ghế… một tha hương

Có gã thất tình ngồi nói mớ
U ơ… ú ớ… lú hồn thơ

Có gã lên gân xưng hùng bá
Chưa ra quân xếp bộ cuốn cờ…” (t.34)

Trong bài tiểu luận này Inrasara còn đi sâu hơn phân tích về bế tắc: sợ lặp lại, nghẽn mạch xã hội, nghẽn mạch thơ,v..v.. Trong một trang viết ta bắt gặp một lô cái tên đình đám: Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, A. Breton, Picasso, Rilke,… Nhưng nhìn chung, một cách sơ sài, Inrasara chỉ mới gõ mạnh lên bề mặt chứ chưa làm vết nứt vươn tới được phần chìm của tảng băng. Người đọc có thể có cảm giác hơi hụt hẫng. Đó có thể cũng là cảm giác khi đọc xong một bài tiểu luận đặc sắc khác Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi suffix “nữ”. Trong bài, tác giả nhẹ nhàng đưa ta dạo chơi nhàn hạ qua một loạt cái tên thơ nữ bắt đầu hoặc đã nổi tiếng vào thời đó (trước năm 2006): Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Thanh Xuân, Lynh Barcadi, Phương Lan, Nguyệt Phạm, Khương Hà Bùi,…

“Nhục cảm trần trụi đến bất chấp của Phương Lan, ở cấp độ khác: Lynh Barcadi, hoặc sôi nổi hồn nhiên nhưng cũng không kém buông thả ở Khương Hà Bùi, cảm nhận cuộc yêu tinh tế mà lạnh lùng của Nguyệt Phạm hay cái nhìn sắc lạnh ném vào cuộc sống đương đại của ảo/thực chồng chéo đầy bất trắc như Thanh Xuân,…” (t.62)

Những nhận xét hứng khởi nhưng cũng không thiếu ưu tư. Có thể tác giả không muốn đi sâu hơn khi những nghi ngờ về độ bền sáng tạo của những nhà thơ nữ trẻ vẫn hiện diện ám ảnh. Vì thế, Inrasara hầu như không đưa ra nhận xét nặng ký nào mà chỉ như người làm vườn sợ cây đau, tí tách bên này một ít bên kia một ít. Không chê thẳng, nhưng người đọc vẫn nhận ra ông không giành cảm tình nhiều cho Vi Thùy Linh, chỉ đánh giá cao Phan Huyền Thư, Thanh Xuân.

Phần phê bình cuối sách chỉ có 2 bài. Trong đó, bài viết về Phan Nhiên Hạo khá hay. Những bài viết về văn chương dân tộc thiểu số, văn chương Chăm thoạt nghe có thể không tạo hứng cho người đọc nhưng thật ra lại không xa lạ, rất dễ đọc và đáng đọc. Tóm lại, đây là một cuốn sách phê bình mang tính giải trí cao, lối viết hấp dẫn dễ đọc với trình độ cảm thụ đáng tin của một nhà thơ có chân tài. Nhưng, rất chủ quan thôi, hơi tiếc vì người đào giếng vẫn chưa đào đủ sâu.

Việt Lê

Thursday, November 1, 2012

The New Lifetime Reading Plan - C.Fadiman, J.Major


Nhớ lại mới cách đây hai năm, những tác giả hiếm hoi tôi biết và có dịp đọc chỉ có Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư và J.K. Rowling. Có thời gian trống quá nhiều, sẵn mong muốn đọc nhiều sách từ lâu nhưng chưa làm được, tôi dần dần tìm hiểu về các tác giả lớn cần đọc. Càng tìm, càng thấy biển đọc là vô bờ bến. Cái gì cũng muốn biết, muốn đọc mà sự kiên nhẫn và thời gian thì không nhiều, hẳn ai trong tình huống này cũng sẽ thấy rất bực bội. Tôi nghĩ đầu tiên phải có một bản đồ tổng quát và sơ lược. Từ đó, song song với việc đọc tác phẩm, tôi hay thích gom về các loại sách tống hợp và phê bình văn học với hy vọng nhỏ nhen có thể "đi tắt, đón đầu".

Cuốn sách trên là một trong số đó. Có thể nói, đây là một bản Mục Lục lớn tổng hợp hầu hết những tác gia văn học, triết học và khoa học đáng đọc trên thế giới từ cổ chí kim. Trong mỗi phần giới thiệu về một tên tuổi lớn, tác giả sách luôn kèm theo một vài tác phẩm được xem là hay nhất của vị đó để đưa vào "Plan" cần đọc. Bên cạnh những thông tin về cuộc đời các tác gia là một số đánh giá phê bình ngắn gọn, đôi khi chủ quan, để làm rõ hơn những gì đáng chú ý nhất về vị văn sĩ đó.


Ngay đầu sách, hai tác giả đã nói rõ đường lối của họ: chỉ đưa vào "Plan" những tên tuổi với các tác phẩm vẫn còn ảnh hưởng nhất định theo thời gian. Tất nhiên, người đọc có thể hiểu rằng "ảnh hưởng" ở đây chỉ là giới hạn với người đọc Mỹ, nơi quê hương của các tác giả. Điều đó giải thích việc nhiều tên tuổi đáng chú ý của văn đàn thế giới không được liệt tên vào danh sách chính của quyển này. Ghi chú thêm: ngoài danh sách chính gồm những tác gia lớn với bài giới thiệu mỗi người từ 1 trang trở lên, sách thêm vào 100 tác gia "Going Further" ở sau sách, với chỉ vài dòng giới thiệu cho mỗi người. Một cái tên khá quen thuộc ở Việt Nam như triết gia người Pháp Jean-Paul Sartre phải chịu phận "dự bị" đó, khi chỉ có vài dòng giới thiệu trong phần này. Martin Heidegger, triết gia Đức, một cái tên rất có ảnh hưởng khác hoàn toàn không thấy xuất hiện trong sách. Ngoài ra, hầu như tất cả những tên tuổi từ kha khá trở lên từ các nước nói tiếng Anh đều góp mặt đầy đủ.


Một điểm rất hay của cuốn này là phần "Bibliography" khá chi tiết, giới thiệu tất cả những nguồn tài liệu đáng để tham khảo về một tác gia nào đó. Sách cũng nói rõ đối với từng cuốn sách thì nên đọc bản in của nhà xuất bản nào; sách dịch thì bản dịch nào đáng tin,v..v... Cũng từ những trang hữu ích này mà mình khám phá ra nhà phê bình Lionel Trilling, một cái tên rất có ảnh hưởng trong giới phê bình Mỹ.

Phải nói rằng khi đọc những cuốn sách kiểu này thì người đọc thấy rất thoải mái: không áp lực phải đọc cho hết, chả cần theo trình tự gì. Đọc tới đâu thì hay tới đó, biết vậy thôi chứ cũng không hoàn toàn tin. Phê bình, quan điểm về văn học thì mỗi người mỗi ý. Ông tác giả sách này thú nhận là không hiểu nổi cái hay của Faulkner và đó là cái mất mát của ông ấy, nên ông vẫn tôn trọng và giới thiệu ngắn gọn những gì cần biết. Fitzgerald, Salinger, Steinbeck, Calvino, Roth,... những cái tên nổi tiếng hầu như đều được biết rộng rãi ở Việt Nam, mài đũng quần trên băng "dự bị". Nhưng nói chung, quy mô cuốn sách khá lớn, công sức nghiên cứu của các tác giả là đáng nể và đáng tin. Hầu hết những ngôi sao dù tỏ dù mờ mà bạn có thể thấy được trên bầu trời văn nghệ đều có tên trong sách. Theo tôi, đây là một cuốn theo kiểu không thể thiếu trên tủ sách của bất cứ người yêu sách nào.

Việt Lê