Tuesday, August 30, 2011

Thi Nhân Việt Nam - Hoài Thanh & Hoài Chân


Đây là cuốn sách có thể được xếp vào hàng kinh điển của văn học Việt Nam thế kỷ 20. Thi Nhân Việt Nam là cuốn sách thuộc dạng khảo luận, phê bình văn học. Sách giới thiệu những tác giả, tác phẩm tiêu biểu nhất của phong trào Thơ Mới ra đời vào đầu những năm 1930. Cuốn sách được giới văn nghệ sĩ đánh giá rất cao vì những hiểu biết sâu sắc về phong trào Thơ Mới cũng như trình độ cảm thụ thi ca cực kỳ tinh tế của tác giả Hoài Thanh.

Nếu các bạn muốn tìm hiểu về phong trào Thơ Mới hoặc muốn tìm hiểu về các tác giả tiền chiến thì cuốn sách này cũng đều rất bổ ích. Chỉ một chương "Một thời đại trong thi ca" dài khoảng 40 trang đã giới thiệu đầy đủ về hoàn cảnh ra đời của Thơ Mới và điểm qua các tác giả tiêu biểu cũng như các nhân vật có ảnh hưởng hay dính dáng đến Thơ Mới. Theo Hoài Thanh thì nhà học giả Phan Khôi là người chính thức đặt ra cái tên "Thơ Mới" trong một thời kỳ chuyển tiếp và tranh cãi gay gắt giữa 2 phái ủng hộ thơ cũ và thơ mới. "Thơ mới" có nghĩa là thể thơ phá cách, không tuân theo Đường Luật thất ngôn đã tồn tại hàng trăm năm, tức "thơ cũ". Trong những năm 1932, 1933, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ là những cánh chim đầu đàn của phong trào Thơ Mới. Sau đó, đến Xuân Diệu thổi làn gió mới vào làng thơ, hợp với Huy Cận thành một cặp thi sĩ kỳ tài nổi bật nhất thời bấy giờ. Có thể trích dẫn câu sau của Hoài Thanh như một đánh giá nhanh của ông về những tên tuổi tiêu biểu nhất:

"Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu."

Đó là sơ lược về nội dung. Về giá trị văn học của quyển sách, có thể nói là rất to lớn. Cuốn sách vừa là cuốn đầu tiên bình luận về thơ mới cho nên có giá trị mở đường, vừa là cuốn bình luận bao quát và sâu sắc cho nên có giá trị về biên khảo, vừa là cuốn sách ra đời rất đúng lúc khi phong trào Thơ Mới đang ở thời kỳ hoàng kim lẫy lừng nhất, trước khi dần thoái trào, cho nên có giá trị về lịch sử, đánh dấu một thời kỳ cực thịnh của thơ ca Việt Nam. Tuy những đánh giá của Hoài Thanh về các nhà thơ đều rất sâu sắc và được công nhận là có giá trị thẩm mỹ cao, ông cũng không thoát khỏi một ít nhận định chủ quan mà sau này phải hối hận, như việc ông cho rằng mình đã khen quá mức Chế Lan Viên.

Câu chuyện về Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh & Hoài Chân không phải chỉ toàn một màu hồng lung linh. Thực tế, cho dù một thời được đánh giá cao và làm nên tên tuổi của Hoài Thanh, cuốn sách này đã làm Hoài Thanh phải một phen điêu đứng vì bị chỉ trích là đi sai đường lối, vì "dám" cổ vũ phong trào Thơ Mới ủy mị, là không thích hợp với không khí thời chiến sau Cách Mạng Tháng Tám. Áp lực chính trị đã làm cho Hoài Thanh phải nhượng bộ, đến mức ông phải tự phủ nhận những gì mình viết trong cuốn Thi Nhân Việt Nam. Cho đến những năm 1980, khi nước nhà tưng bừng Đổi Mới thì cuốn sách này mới được xét lại và được Nhà xuất bản Văn Học tái bản nhiều lần cho đến nay.

Hoài Thanh với nửa cuộc đời đầu cho đến lúc ra đời Thi Nhân Việt Nam là một người đề cao "nghệ thuật vị nghệ thuật" với những cống hiến to lớn cho nền văn học Việt Nam. Sau khi Cách Mạng Tháng Tám thành công, ông chuyển sang đường lối "nghệ thuật vị nhân sinh", vẫn tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật nhưng theo định hướng, phục vụ cho kháng chiến. Nhà thơ Xuân Sách đã có bài thơ nổi tiếng đánh giá về Hoài Thanh trong tập thơ Chân Dung Nhà Văn:

"Vị nghệ thuật một nửa đời
Nửa đời còn lại vị người cấp trên
"Thi nhân" còn một chút duyên
Chẳng cầm cho vững lại lèn cho đau..."

No comments:

Post a Comment