Saturday, October 27, 2012

Candide (Chàng Ngây Thơ) - Voltaire


Trước khi đến với Candide, tôi được biết sơ lược về Voltaire qua Câu truyện Triết học của Will Durant. Biết trước Candide là phương tiện để Voltaire châm biếm chủ nghĩa lạc quan của Leibniz cũng không phải là cái lợi. Điều này làm giảm hứng thú và tò mò không ít khi đọc tác phẩm.

Cuốn sách này được NXB Tri Thức bao gồm rất nhiều cước chú giải thích về nhân vật, sự kiện và những ám chỉ của Voltaire. Không có những chú thích này, sợi dây liên hệ của người đọc với tác phẩm khó có thể liền mạch. Dù sao đây cũng là một cuốn sách viết ra ở một thời đại lịch sử cách nay gần 300 năm. Bản dịch của Tế Xuyên, một dịch giả miền Nam trước 1975, mà NXB Tri Thức cho biết là phù hợp nhất với tinh thần hài hước của Candide, đã được sử dụng. Giọng văn dịch này giống như văn phong của những tác giả miền Bắc thời tiền chiến, kiểu Tự Lực Văn Đoàn, có vẻ lòng vòng, kiểu cách. Tuy nhiên như thế có lẽ hợp hơn với phong cách quý tộc Châu Âu của phần lớn nhân vật trong truyện; hơn nữa, lại dễ nhấn mạnh hơn dụng ý châm biếm pha hài của tác giả.

Câu chuyện sơ lược như sau. Chàng Candide ngây thơ với niềm tin không nghi ngờ về một thế giới đầy lạc quan, niềm tin đã thấm nhuần từ người thầy là triết gia Pangloss (đại diện cho Leibniz), đã lưu lạc theo một cuộc hành trình gần như vòng quanh thế giới để theo đuổi bóng hồng lý tưởng là nàng Cunegonde xinh đẹp. Phiêu lưu qua nhiều nơi, trải qua nhiều kinh nghiệm đau thương, gặp nhiều kẻ bất lương, khốn nạn, bị lừa đảo nhiều lần và tận mắt thấy những chết chóc rùng rợn, Candide cuối cùng ngộ ra rằng thuyết lạc quan mà mình tin tưởng lâu nay là vớ vẩn, nhảm nhí. Chỉ duy nhất một nơi mà chàng Candide và bạn đồng hành thấy được đời sống hạnh phúc, no đủ và vô tư của con người như hằng tưởng tượng. Oái ăm thay, đó lại là một nơi không có thực: thành phố vàng Eldorado chỉ tồn tại trong huyền thoại. Trong truyện, Voltaire hư cấu rằng thành phố này chỉ đến được bằng những lối đi cực kỳ hiểm trở mà chỉ có ai may mắn lắm mới tìm thấy.

Ngoài những châm biếm về lý thuyết lạc quan của Leibniz, Voltaire còn dùng Candide để chỉ trích rất nhiều thứ. Hầu như mỗi tình tiết xảy ra đều có dụng ý ám chỉ hoặc phê phán một cái gì đó. Nếu cố tìm hiểu cho hết có lẽ sẽ phải mất một khóa học. Nhưng rõ nhất trong các đối tượng chỉ trích của Voltaire là nhà thờ, giáo hội khi hầu hết những nhân vật chức sắc trong nhà thờ đã xuất hiện trong sách đều bất lương hoặc thiếu đạo đức. Vì lý do đó, sau khi Candide ra đời một thời gian, Voltaire phải bỏ trốn vì sự truy nã của giáo hội. Ngoài ra, trong Candide, người ta còn chỉ ra những ám chỉ của Voltaire hướng mũi dùi về triết lý của Rousseau trong chương nói về bộ lạc thổ dân Oreillons. Rousseau cho là con người dưới hình thức tự nhiên nguyên thủy còn cư xử văn hóa hơn con người hiện đại. Voltaire cho những người thổ dân Oreillons chứng minh ngược lại lý thuyết trên. Hình ảnh 2 con khỉ và 2 người con gái trần truồng trong chương này là một trong những chi tiết ấn tượng nhất Candide.


Những điểm đáng chú ý khác của Candide là giọng điệu châm biếm ngược (sarcasm) và những ảnh hưởng đầu tiên của trường phái Black Humor. Voltaire đã khéo léo dùng châm biếm ngược và hài hước để giúp người đọc dễ tiếp cận hơn với những hình ảnh trần trụi, xấu xa, qua đó nói lên những gì cần nói. Dùng hài hước để nói đến những thứ chẳng đẹp đẽ gì như cái chết, làm người đọc cảm thấy bất an nhưng vẫn nhẹ nhàng là một đặc điểm của trường phái Black Humor, mà những tác giả hậu bối tiêu biểu như Joseph Heller, Thomas Pynchon hay Kurt Vonnegut đã chịu ảnh hưởng ít hay nhiều từ Candide.

Tóm lại, đối với độc giả đương đại hoặc ít ra là người mới đọc sách như tôi, Candide là một truyện đáng chú ý nhưng nhìn chung vẫn có vẻ xa lạ. Những sự kiện, triết lý để cập trong sách một số vẫn còn giá trị vì phản ánh thời đại Voltaire sống nhưng phần nhiều đã lỗi thời. Dù sao, ta phải thán phục tài năng và sự thông minh của Voltaire trong việc xây dựng nên một câu chuyện tình tiết dồn dập, ly kỳ, dễ theo dõi để nói lên những tư tưởng sâu sắc, những phê phán chua cay, ngang tàn của ông. Candide Chàng Ngây Thơ là một cuốn sách quan trọng nên đọc.

Việt Lê

Thursday, October 25, 2012

C..Cái cảm hứng


Cái thời này,
Cảm hứng làm thơ
lại đến từ những cái tầm thường, dơ nhớp
Có gì ngược ngạo hơn khi
Cảm hứng không đến từ Cái Đẹp
Nhưng có gì ghê gớm bằng
khi lòng ta đê cứng chai hèn
và chỉ rung động với sự gớm ghiếc, lở loét

Ôm mặt để làm gì đau đớn rồi làm gì khi ta đã lỡ nhìn thấy sự trần truồng
của Cái Đẹp
Xã hội này xấu hay đẹp
Cali xấu
hay đẹp
Thời tiết Úc đại lợi có xấu lắm không em?
thì cũng như nhau cả thôi!

Đó bạn thấy chưa?
Chỉ gõ tầm bậy,
cũng ra Bài Thơ.



SG (Singapore?) 25/10/12

Wednesday, October 24, 2012

Crysis - Thiên đường trong mơ


Nếu phải tìm những hiện tượng mang tính bước ngoặt của làng game PC trong 10 năm trở lại thì ta không thể không nói đến Crysis. Khi Crytek, hãng đã thai nghén ra game first-person-shooter (FPS) đình đám năm 2004 là Far Cry giới thiệu Crysis năm 2007, thế giới game thủ như nổ tung. Lúc đó, Crysis với phần đồ họa xuất sắc hỗ trợ bởi hệ thống CryEngine 2 đã đưa những tiêu chuẩn đồ họa game máy tính lên một tầm cao mới. Với chuẩn đồ họa cao, Crysis góp phần làm giàu cho những công ty sản xuất phần cứng máy tính khi cấu hình game đòi hỏi quá mạnh làm cho dân mê game trên máy tính phải đốt hàng núi tiền trong những cuộc chạy đua nâng cấp trong nhiều năm liền. Có thể nói, Crysis đã hâm nóng lại một thị trường game PC đang nguội lạnh và có nguy cơ tụt hậu rất xa trước sức cạnh tranh quá quyết liệt của game consoles.

Cũng như FarCry, câu chuyện của game diễn ra trên một hòn đảo nhiệt đới, thiên đường hạ giới với biển xanh, cát trắng, rừng cọ, rừng dừa. Nhân vật chính là một quân nhân lực lượng đặc biệt Mỹ đột nhập lên đảo cùng nhóm của mình để thực hiện những nhiệm vụ được giao. Kẻ thù trong game ban đầu là quân đội Bắc Hàn; sau đó khi những tình tiết chuyển biến xoay chiều, người chơi bất ngờ khi thấy mình phải đối đầu với những cỗ máy của người ngoài hành tinh.

Thể loại FPS vào thời gian đó cũng không còn là gì mới mẻ với hàng loạt game cùng thể loại. Nhưng điểm nhấn của Crysis ở chỗ cách chơi hoàn toàn mới lạ với sự xuất hiện của bộ giáp Nanosuit. Những quân nhân lực lượng đặc biệt trong nhóm bên "phe ta" đều được trang bị bộ giáp này. Nanosuit có khả năng tàng hình, tăng sức mạnh hoặc tăng tốc độ của người mặc giáp. Với những chức năng đặc biệt đó, người chơi có thể biến tấu cách chơi tùy theo ý thích một cách linh hoạt. Nhảy cao hơn mái nhà, ném đồ vật nặng lên trời dễ dàng, tàng hình lẻn đến phía sau hạ thủ kẻ thù không tiếng động, đua tốc độ với xe jeep. Khi phim G.I.Joe công chiếu, fan Crysis được một phen excited vì bộ Nanosuit trong phim lấy gần như nguyên mẫu từ bộ giáp trong Crysis.



Cách chơi thú vị, cốt truyện khá dài nhưng không nhàm chán, đồ họa xuất sắc. Cảnh vật không giữ nguyên một màu xanh nhiệt đới như lúc đầu mà dần chuyển sang băng tuyết khi câu chuyện tiến triển. Nói chung, Crysis rất biết cách giữ attention của người chơi. Trận chiến cuối cùng là một pha hành động hồi hộp, khó quên.


Việt Lê

Tuesday, October 23, 2012

Nineteen Eighty-Four (1984) - George Orwell



Nếu đã từng đọc Animal Farm (Trại Súc Vật) trước khi đến với 1984, chắc ai cũng dễ mang một số kỳ vọng nhất định rằng 1984 sẽ là một Animal Farm nối dài hoặc mở rộng. Điều này càng được củng cố khi những hình ảnh quen thuộc của Big Brother với bộ ria mép và gương mặt "phản động" Goldstein xuất hiện trong những chương đầu sách, làm ta liên tưởng đến Stalin và đối thủ Trotsky. Tuy nhiên, khác với Animal Farm lấy gần như nguyên mẫu giai đoạn biến chất của Cách mạng Liên Xô dưới thời Stalin, 1984 mang tính chất một tiểu thuyết thuần túy hơn.

Trong 1984, những sự vật, hiện tượng không lấy hình mẫu hoàn toàn từ lịch sử thực tế như kỳ vọng ban đầu của độc giả như nói ở trên. Oceania không phải là Liên bang Xô viết, càng không phải nước Anh. Đảng (The Party) trong sách chưa chắc là Đảng Cộng sản Liên Xô, cũng không hẳn là Đảng Phát xít như nhiều người liên tưởng. Nói chung, Orwell muốn nói đến chủ nghĩa toàn trị, tức là đứa con vô lại được sinh ra từ bất cứ chế độ độc tài nào đó trên thế giới này.

Ở đây, chủ nghĩa toàn trị đã được Orwell đẩy đến cùng. Trong thế giới của 1984, ba quốc gia còn sót lại trên địa cầu đều áp dụng chủ nghĩa toàn trị và không khác gì nhau trong cả mục đích lẫn phương pháp. Đời sống thường nhật của từng cá nhân bị giám sát chặt chẽ dưới những ống kính vừa có thể ghi hình vừa có thể phát thanh. Đằng sau ống kính là những lực lượng Công an Tư tưởng (Thoughtpolice) sẵn sàng phân tích từng cử chỉ, hành động của con người để đàn áp. Đời sống xã hội của 1984 là một cơn ác mộng thật sự trong đó con người cho dù yêu hay ghét đều phải đeo lên mặt một mặt nạ phục tùng. Kinh tế bao cấp, nhu yếu phẩm được phát theo khẩu phần và thường bị cắt giảm. Rượu gin kiểu hợp tác xã, bánh mì đen. Sản phẩm bao cấp chất lượng vứt đi nhưng không có lựa chọn khác. Tự do không tồn tại ở đây. Dối trá, nghi ngờ, phản bội, hận thù đi đôi với cuộc sống hàng ngày. Phát ngôn, hành động đều phải theo đường lối. Những kẻ bộc lộ cho dù một cử chỉ chống đối nhỏ nhất cũng không sớm thì muộn sẽ bị "biến mất". Nhiều khi người ta không rõ những kẻ bị cho "biến mất" ấy có thực sự là thành phần chống đối hay không. Tóm lại, đời sống vật chất và tinh thần của con người ở đây bị chèn ép đến ngạt thở.

Có thể nói, cuốn sách này khá nặng nề với những đoạn đối thoại hầu như hiếm khi xảy ra; thêm vào đó là cốt truyện đơn giản nên dễ làm nản lòng người đọc thiếu kiên nhẫn. Hết chương này qua chương khác, đặc biệt là đoạn giữa sách, người đọc như tôi có cảm giác đã đi khá xa rồi nhưng cái viễn cảnh sẽ không đi tới đâu càng hiện rõ trước mắt. Tuy nhiên, bút pháp của Orwell đã giữ ta không đóng sách lại. Nếu kiên nhẫn đọc kỹ, ta sẽ không thất vọng vì lối kể chuyện khá thú vị và thông minh. Ngoài ra, nếu thích nghiên cứu triết học hay chính trị, có thể bạn sẽ thích nghiền ngẫm những đoạn trích từ "the book" của Goldstein. Đó cũng là cái nhìn nhiều người nói là mang tính tiên tri của Orwell về một tương lai u ám của thế giới nếu chủ nghĩa toàn trị có điều kiện đi đến cùng.

Xin nói thêm về tính tiểu thuyết của 1984. Đoạn tra tấn tẩy não cuối sách có phần cường điệu hóa của Orwell đã một lần nữa xác định hùng hồn rằng đây không phải là một cuốn sách liệt kê ra từng ám chỉ ấn dụ về các sự kiện thực tế đã hoặc đang diễn ra mà người đọc cố công đi tìm và so sánh. Đây không phải hoàn toàn giống như những phương pháp cai trị của chế độ Cộng sản hay Phát xít. Với những gì tôi đã đọc được, tôi thấy chẳng bao giờ những chế độ toàn trị độc tài "rảnh" đến nỗi phải bỏ công tẩy não một kẻ chống đối như vậy. Ở đây, Ministry of Love, cơ quan đảm nhận việc tẩy não Winston Smith thật sự muốn khuất phục kẻ chống đối, muốn kẻ thù phải thất bại đến tận xương tủy; cho dù họ hoàn toàn có thể búng tay là có thể làm cho Winston Smith biến mất khỏi cuộc đời này. Có thể nói, Orwell đã lãng mạn hóa chủ nghĩa toàn trị đến một mức độ vượt khỏi tưởng tượng của người thường nhưng vẫn rất gần với thực tế. Theo tôi, đây mới là điểm làm cho cuốn 1984 trở thành một cuốn sách lớn. Những ngộ nhận về 1984 là một cuốn sách văn học biểu tượng của phong trào chống Cộng đơn giản chỉ là do những nỗ lực chính trị hóa văn học của nhà trường Mỹ trong cuộc Chiến tranh Lạnh. Đây không phải là ý muốn của Orwell khi viết 1984, như nhà văn Christopher Hitchens chuyên nghiên cứu về Orwell đã cho biết.

Việt Lê


  

Thursday, October 18, 2012

Không Đề 1


Thỏa hiệp
Căn phòng không bình yên
với xã hội
Tôi như muốn ngoạm chân tôi trong ngột ngạt
du đãng!
Gập mình nhưng mãi không liếm tới
cái chân dơ
Tôi thong dong qua con phố
Trời Sài Gòn chỉ có nơi đây xanh màu trắng trong sáng
Nhưng tôi nhìn trời chứ không nhìn đất
vì tôi biết
bước đi ngòai phố
sẽ làm dơ chân.

Đầu hàng
Hình trái tim treo lộn ngược
lũ đầy tớ
Tôi muốn tiếng hét đi ngược vào trong lồng ngực tức thở
đầu trọc!!
Nặng trĩu xương sườn thanh thản
chứa tâm sự
của một loài không dám hét lên vì trái tim.

Đứng lên
Chiều u ám như lê máy chém
đi biểu tình
Tôi lê đầu tôi nhưng mãi không phải đầu tôi
trong mơ!
Chém cái đầu đã mang những tư tưởng rập khuôn huấn luyện
mang sẵn sợ sệt yếm thế
vì lợi ích của ai khác.
Tôi quỳ gối lướt đi thong thả
Trên những vết chém.


Saigon 18/10/12