Monday, July 16, 2018

100 Năm Phi Trường Tân Sơn Nhất - Tổng Hành Dinh MACV


Trụ sở MACV 1969, phía xa là phi trường Tân Sơn Nhứt - Hình: George Lane


Tổng hành dinh MACV và phi trường Tân Sơn Nhứt

Sau khi nền đệ nhất Cộng hòa sụp đổ ở miền Nam Việt Nam, Mỹ leo thang các hoạt động quân sự trên toàn Đông Dương. Hai cơ quan chỉ huy quân đội Mỹ là MAAG (Phái bộ Cố vấn Viện trợ Quân sự) và MACV (Bộ Chỉ huy Viện trợ Quân sự) thường dẫm chân lên nhau trước đây được nhập lại làm một để tăng hiệu năng công việc. Tướng nhảy dù Westmoreland từ phó được thăng lên Tư lệnh MACV thay tướng Harkins, người không tạo được phối hợp tốt với Đại sứ Mỹ Lodge trong thời gian trước đó.

Chính thức thành lập đầu năm 1962, MACV dùng chung tòa nhà với tổng hành dinh MAAG ở villa số 606 đường Trần Hưng Đạo hiện nay. Vài tháng sau, theo tốc độ bành trướng chóng mặt của bộ máy, MACV dời tổng hành dinh về tòa nhà số 137 Pasteur hiện nay. Đến khoảng đầu năm 1965 nhân sự MACV tăng gần gấp mười lần khi mới dọn vào 137 Pasteur, và nhân viên của họ phải trải khắp các tòa nhà ở trung tâm Sài Gòn. 

Theo cuốn MACV – The Joint Command in the Years of Escalation 1962 – 1967 của Graham Cosmas, từ tháng 3 năm 1965 tướng Westmoreland đã bắt đầu tìm địa điểm mới đủ rộng để đặt tổng hành dinh tập hợp toàn bộ các cơ quan của MACV. MACV có 2 phương án:

Option 1: Đặt tổng hành dinh trên một khu đất có sân bóng gần nhà ga dân sự của phi trường Tân Sơn Nhứt. Đây là địa điểm tối ưu nhất, vừa đáp ứng mong muốn rời xa trung tâm Sài Gòn vừa nằm gần Bộ Tổng tham mưu VNCH gần phi trường Tân Sơn Nhứt.

Tuy vậy, qua hai cuộc gặp gỡ giữa tướng Westmoreland với thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ, chính quyền VNCH từ chối cung cấp khu đất này. Theo Cosmas, lý do là vì TT Kỳ muốn để giành vị trí sân bóng cho một khách sạn sẽ xây dựng khi chiến tranh kết thúc.

Option 2: Tháng 10 1965 MACV cân nhắc đặt tổng hành dinh mới ở một khu đất 31 acre vuông dọc theo đường Petrus Ký (nay là đường Lê Hồng Phong) gần khu nhà ở của Ủy ban Giám sát Quốc tế Hiệp định Geneva (International Commission Control).

Tuy vậy, MACV luôn xem khu đất ở Petrus Ký là Option 2 vì: + phản đối của dân địa phương không muốn đặt tổng hành dinh quân sự Mỹ ở gần đó; + gần một khu chùa chiền Phật giáo nổi tiếng hay đối đầu với chính quyền Thiệu – Kỳ. Theo đó, vị trí khu đất này có thể nằm ở góc đường Lê Hồng Phong – Ba Tháng Hai hiện nay, vì nằm gần chùa Việt Nam Quốc tự (là trung tâm đấu tranh của Phật giáo dưới thời đệ Nhất CH).

Vị trí MACV 1967 - Hình: Cosmas
 
Cuối tháng 4 năm 1966, khi chính quyền VNCH bận tay xử lý phong trào Phật giáo và nổi loạn của quân đội ở Vùng 1 Chiến thuật, Đại sứ Lodge và tướng Westmoreland tái khởi động dự án Option 1 và tướng Kỳ phải đồng ý. Tháng 8 năm 1967 nhà thầu Mỹ hoàn tất xây dựng và MACV dọn vào tổng hành dinh mới.

Tổng hành dinh mới tốn 25 triệu USD xây dựng với nickname “Pentagon East”, có ý xem như Lầu Năm góc thứ hai ở phương Đông. Pentagon East là một khu phức hợp gắn điều hòa rộng bằng 1/3 tòa nhà Pentagon ở thủ đô Washington, với 12 acre vuông không gian văn phòng. Khu tổng hành dinh còn có trại lính, hội trường, một tòa nhà bảo quản lạnh, nhà phát điện và đường điện thoại riêng. Vị trí đắc địa này không những gần Bộ Tổng tham mưu của quân lực VNCH mà còn gần trung tâm chỉ huy Không quân của MACV đặt trong phi trường TSN và nhiều cơ quan đầu não khác của quân đội liên quân.

Cùng với việc tổng hành dinh MACV của Mỹ được thiết lập trên khu đất của mình, phi trường Tân Sơn Nhứt cũng đang trải qua giai đoạn mở rộng cấp tập vì chiến sự leo thang.

Theo tác giả Quốc Việt trong cuốn sách mới đáng chú ý 100 năm Phi trường Tân Sơn Nhất (Phương Nam - NXB Thế Giới, 2018), tháng 7 năm 1965 chính phủ VNCH quyết định sáp nhập phi trường, các khu quân sự, dân sự thành một khu vực quân sự duy nhất, gọi là Yếu khu quân sự Tân Sơn Nhứt dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Không đoàn 33 VNCH.

Cùng năm, chính phủ cũng triển khai nghiên cứu dự án xây dựng đường băng mới dài hơn 1000m để giải tỏa áp lực quá tải của đường băng hạng A duy nhất của TSN, lúc đó đang phải chịu lưu lượng tăng vọt của các chuyến bay quân sự (chiếm 80%) và dân sự. Công việc tiến triển chậm vì thiếu kinh phí. Đúng lúc đó, Không quân Mỹ được chấp thuận một khoản viện trợ 6 triệu rưỡi đô la để xây dựng một đường băng dài 3000m. Dự án khởi công năm 1966 và hoàn thành sau đó. Đường băng mới góp phần đem lại lợi ích cho nền kinh tế VNCH nhưng cũng là phương tiện cần để phục vụ kế hoạch tăng viện cho chiến trường Việt Nam của Mỹ (theo Quốc Việt, trang 98).

100 Năm Phi Trường Tân Sơn Nhất, Quốc Việt, Phương Nam & NXB HNV 2018 - Hình: Hoàng Diệu

Tổng hành dinh MACV – Cuộc di tản cuối cùng

Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bị buộc phải ra đi. Và Tân Sơn Nhứt là chứng nhân cuộc ra đi thầm lặng, buồn thảm này, như được mô tả khá chi tiết ở Phần 11 – Phi trường rực lửa, cuốn sách 100 năm Phi trường Tân Sơn Nhất vừa xuất bản.

Thời điểm này phi trường Tân Sơn Nhứt đang hỗn loạn vì những cuộc di tản. Theo tác giả Quốc Việt, tướng Hoàng Anh Tuấn, trưởng đoàn đại biểu Quân sự của Chính phủ Cách mạng Lâm thời đang đóng trong trại Davis bên trong phi trường (để giám sát việc thực thi Hiệp định Paris) kể rằng pháo 130 ly của quân giải phóng bắn dồn dập vào phi trường từ ngày 29 đến sáng 30/4, một quả đạn rót lạc vào trại Davis làm tử thương hai chiến sĩ VC. Pháo cộng hưởng với đợt ném bom của phi đội A37 do Nguyễn Thành Trung chỉ huy từ chiều 28 làm các phi đạo của Tân Sơn Nhứt hầu như tê liệt. Kế hoạch di tản bằng máy bay có cánh của Mỹ (fixed-wing) phải hủy bỏ.

10:51 sáng ngày 29/4, Mỹ khởi động chiến dịch Frequent Wind để tiếp tục việc di tản từ Tân Sơn Nhứt bằng trực thăng. Phi đội gồm chủ yếu các trực thăng không vận CH-53, được bảo vệ bởi các trực thăng vũ trang Cobra và lực lượng hỗ trợ - cứu hộ, sẽ không vận thủy quân lục chiến (TQLC) Mỹ thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn 4 TQLC đổ xuống khu tổng hành dinh của Mỹ ở Tân Sơn Nhứt vào khoảng hơn 3h chiều. Từ đây, TQLC sẽ thiết lập hệ thống phòng thủ bảo vệ cuộc di tản cho đến lúc hoàn tất.

Cần biết rằng từ ngày 29 tháng 3 năm 1973, Mỹ đã chính thức giải thể MACV (Bộ Chỉ huy Quân viện Mỹ ở Việt Nam) và thành lập DAO (Defense Attache Office – Cơ quan Tùy viên Phòng vệ), là một cơ quan nhỏ hơn về quy mô, có trách nhiệm giám sát chương trình hỗ trợ quân sự của Mỹ, đương nhiên là tuân theo Hiệp định Paris. Những hoạt động quân sự chính đều chuyển về tổng hành dinh mới ở Nakhon Phanom ở Thái Lan.

Khu tổng hành dinh và tòa nhà mệnh danh “Pentagon East” của MACV trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhứt trở thành trụ sở của DAO. Bộ chỉ huy Không đoàn 7 của Mỹ cũng dời từ căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt sang Thái Lan.

Theo cuốn US Marines in Vietnam: The Bitter End 1973 – 1975 của Dunham & Quinlan, chiến dịch di tản chia khu tổng hành dinh DAO làm 3 khu chủ yếu (khu trung tâm Alamo gồm tòa nhà Pentagon East, khu nhà phụ kế bên – các tòa nhà Annex, và khu nhà của hãng Air America). TQLC chia nhau bảo vệ 7 bãi đáp quanh 3 khu nhà nói trên trong khi trực thăng làm nhiệm vụ.

Sơ đồ 7 bãi đáp (LZ) của Chiến dịch di tản Frequent Wind chung quanh tổng hành dinh DAO - Hình: Dunham & Quinlan

Đến tầm 20:00 ngày 29/4, 394 người Mỹ và 4475 người Việt + quốc tịch thứ ba đã được trực thăng di tản khỏi khu tòa nhà DAO. Điểm đến là tàu của Đệ Thất hạm đội đậu ngoài khơi Vũng Tàu.
22:50 khi các nhóm kiểm soát điều phối bãi đáp đã được rút đi, đến lượt các lực lượng TQLC bảo an mặt đất được lệnh di tản khỏi DAO.

9 giờ từ khi cuộc di tản bắt đầu, vào khoảng 12:30 đêm rạng sáng 30/4, lựu đạn nhiệt đặt ở nhiều vị trí trong tòa nhà DAO đồng loạt phát nổ, khiến cả khu chìm trong biển lửa, khi 2 chiếc trực thăng CH-3 chở những lính TQLC cuối cùng rời khỏi khu tổng hành dinh. Tòa nhà rộng bằng 1/3 Ngũ giác đài, nơi từng là đầu não của quân Mỹ trong gần 8 năm, với bê tông cốt thép quằn quại trong khói lửa là hình ảnh bi ai cuối cùng của đội quân mạnh nhất thế giới ở Việt Nam. Đại sứ quán Mỹ, hiện diện cuối cùng của chính phủ Mỹ ở Việt Nam sẽ hoàn tất di tản trong cùng ngày hôm đó.

Tòa nhà DAO, từng được mệnh danh là "Pentagon East" bốc cháy sau khi TQLC gài chất nổ phá hủy - Hình: Dunham & Quinlan 

Có một chi tiết thú vị là trong những giờ cuối cùng của DAO, lính TQLC được lệnh đốt phần lớn số tiền mặt 13 triệu đô la vừa chuyển từ Mỹ sang vào đầu tháng 4, chứa trong 3 thùng phuy (theo Dunham & Quinlan).


VL 


No comments:

Post a Comment