Kể lại lịch sử bằng những câu chuyện cá nhân? Hay đặt góc
nhìn người trong cuộc để kể chuyện? Không có gì mới với người đọc yêu thích sách
quân sử.
Đương nhiên cần trân trọng nỗ lực của một số sử gia khi biến
tư liệu khô khan trở nên những câu chuyện dễ đọc. Tuy vậy, tôi đã quá ngán với
các thể loại làm mềm đến mức như tiểu thuyết hóa, ví dụ rõ nhất là Cornelius
Ryan trong The Longest Day, tới Stephen Ambrose trong Band of Brothers, rồi gần
đây nhất là Huế 1968 của Mark Bowen. Số ít người đọc với nhu cầu tìm hiểu về trận
đánh với phân tích sâu về chiến lược - chiến thuật chắc chắn không muốn mất quá
nhiều thời gian lướt qua những trang viết lan man toàn những câu chuyện cá nhân.
Cuốn Stalingrad của Antony Beevor không hẳn là đi vào lối mòn đó. Beevor cũng
là tác giả cuốn Ardennes 1944 (hay Battle of the Bulge) – một cuốn sách viết
không được hay lắm vì làm người đọc rối mù cả lên. Tuy nhiên Stalingrad – Trận
chiến định mệnh có vẻ cân bằng được phân tích chiến sự và chuyện kể cá nhân, vẫn
giữ được lớp xương sống diễn biến tuyến tính khi khai triển câu chuyện, vừa đủ
hấp dẫn cho dân ghiền vừa đảm bảo sức hút đại chúng.
Beevor là một trong số ít tác giả phương Tây tiếp cận với
nguồn tư liệu lưu trữ của Nga đầu tiên, ngay sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt.
Không rõ có phải vì lý do này, có cảm giác như Beevor xây dựng toàn bộ cuốn
sách dựa trên những tư liệu của Nga. Thông tin của phe Đức như làm nền cho câu
chuyện Sô viết. Người đọc có thể nhận thấy Beevor không đủ tư liệu để đánh giá
rõ những gì diễn ra ở bộ chỉ huy Hồng quân, nhưng ông dư thừa những câu chuyện chiến
hào. Đánh giá này không đúng nếu Beevor thực ra đã chọn ưu tiên khai thác tư liệu
để tìm hiểu tâm tư người lính, thay vì ưu tiên phân tích chiến lược. Dù sao đi
nữa, có thể nói Beevor ưu ái cho Hồng quân hơn quân Đức trong cuốn sách này.
Đọc về trận Stalingrad nói riêng, hay mặt trận phía Đông nói
chung, dễ thấy cuộc đối đầu Đức – Liên Sô chủ yếu là cuộc đối đầu không khoan
nhượng giữa hai gã độc tài quân sự: Hitler và Stalin. Nhưng nếu cả hai đều thích
áp đặt, từ đó dẫn đến những thất bại ghê hồn trên chiến trường, thì ít ra
Stalin vẫn là người chịu lắng nghe khi mình sai, không như Hitler.
Do đó, bước ngoặt của chiến trường phía Đông là khi Hitler
quyết định điều chỉnh kế hoạch của chiến dịch Blau, khiến cụm tập đoàn quân
phía Nam phải chia lực lượng ra làm hai để tiến đánh Stalingrad và vùng Kavkaz.
Thay vì tuân thủ kế hoạch ban đầu tiến đánh Stalingrad trước, rồi vòng xuống
Rostov để chiếm vùng Kavkaz nhiều mỏ dầu. Nếu chiến dịch Blau được tuân thủ
đúng hoạch định, Stalingrad đã bị một lực lượng cô đặc hơn tấn công và có thể
đã thất thủ từ sớm. Lúc đó, quân Đức sẽ hiện diện ở bờ Đông sông Volga ngay
trong mùa thu năm 1942 và cắt nước Nga ra làm hai phần Bắc và Nam không tiếp tế
được nhau.
Tuy vậy, trận chiến Stalingrad cũng không cần phải xảy ra vì
nơi này không phải là một điểm giao thông cần chiếm cho bằng được trên bản đồ của
quân Đức. Stalingrad đã trở thành chiến địa hỏa ngục trần gian thu hút và chôn
vùi hàng triệu quân hai bên và dân thường, chỉ vì một quyết tâm hoàn toàn mang
hơi hướng cá nhân của Hitler.
Stalingrad là một thành phố với nhiều nhà máy công nghiệp hạng
nặng trực tiếp sản xuất cung cấp cho chiến tranh. Thành phố nằm hoàn toàn trên
bờ Tây sông Volga. Khi các lực lượng tiên phong của Tập đoàn quân số 6 và Tập
đoàn Panzer (tăng) số 4 của Đức vượt sông Đông đến được cửa ngõ Stalingrad vào
tháng 8 năm 1942, với độ cao của vùng bờ Tây, họ nhìn thấy một vùng rộng lớn
bát ngát trải dài tới rặng Urals bên kia bờ sông Volga. Rất đáng tiếc khi sự lạc
quan của quân Đức vào thời điểm này không kéo dài được lâu. Họ sớm được chứng
kiến nguồn lực khủng khiếp của một nước gấu Nga khi bị dồn vào bờ vực tồn vong.
Tập đoàn quân 62 của Phương diện quân Stalingrad lúc đó đã bị đánh tơi bời manh
giáp, vẫn tiếp tục chiến đấu, khi tướng Chuikov lên thay làm Tư lệnh. Mặt trận
Stalingrad vốn cũng là nơi mà những nhân vật lớn lao khác của Liên bang Sô viết
tạo được dấu ấn lịch sử của mình: Tướng Zhukov và Chính ủy Khruschev.
Đã có lúc xe tăng Panzer và bộ binh Đức đánh sát đến bờ sông
và bến phà, nhiều cứ điểm đổi chủ hàng chục lần, thành phố Stalingrad trở thành
một đống đổ nát lớn, hố bom chồng hố bom, nhưng lực lượng dự bị của Hồng quân vẫn
tiếp tục đổ về từ phía Đông. Các sư đoàn Siberi và các sư đoàn quân trừ bị khác
với đa số sắc dân Kazakh, Uzbek và đặc biệt là dân Tartar chiếm phần lớn quân
tiếp viện từ hậu phương vượt sông Volga tham chiến ở Stalingrad.
Các sư đoàn Đức, đặc biệt là xe tăng, rơi vào trận địa
Stalingrad buộc phải bỏ đi sở trường của mình để đánh theo kiểu cận chiến thí
quân với Hồng quân trên đường phố. Với lợi thế vượt trội về không quân, quân Đức
vẫn không cách chi dứt điểm được những ổ kháng cự được những sư đoàn thiện chiến
quân Vệ binh (Guards) của Hồng quân phòng thủ một cách ngoan cường. Bộ chỉ huy Tập
đoàn quân 62 của tướng Chuikov phải dời vị trí 4-5 lần nhưng trước sau vẫn trụ
lại ở bờ Tây theo nghiêm lệnh của Stalin.
Cũng như các lực lượng SS chuyên hành quyết dân Do Thái bên
phía vùng chiếm đóng của Đức, quân NKVD của Nga cũng manh động không kém. Chỉ
có khác là các sư đoàn NKVD vừa phòng thủ, vừa tiến hành trừng phạt những thành
phần trở cờ trong hàng ngũ Hồng quân. Trong sách, Beevor cho biết đã có hàng chục
ngàn quân Nga bị NKVD và sĩ quan Hồng quân hành quyết vì kỷ luật. Đoạn này bị độc
giả phát hành cắt mất trong bản dịch.
Có lẽ do sự hà khắc của NKVD hoặc bất mãn có sẵn của quân
lính một số nước thành viên trong Liên bang Sô viết, điển hình là Ukraine, đã
có hơn 270 ngàn quân Ukraine được chiêu mộ từ trại tù binh và chiến đấu trong
quân đội Đức. Những hàng binh này được gọi là “Hiwi” – trợ thủ Liên Sô. Thật
không thể tin được là đã có lúc lực lượng Hiwi này chiếm đến ¼ quân số của Tập
đoàn quân số 6, lực lượng chính bao vậy Stalingrad (trang 226). Nhiều nguồn tư
liêu của Beevor cho biết đám hàng binh này thỉnh thoảng khá trung thành và chiến
đấu rất lì trước quân Nga. Có lẽ họ biết rằng một khi về lại phía quân nhà thì
trước sau gì cũng bị NKVD hành quyết theo mệnh lệnh “Not one step back” của
Stalin trước đây, áp dụng cho cả những kẻ đào ngũ, hàng binh, và ngay cả tù
binh.
Một câu chuyện cười ra nước mắt khi một phi công Nga nhảy dù
cứ ngỡ là rơi vào phòng tuyến Đức và nhanh nhẩu xé thẻ đảng, vì anh bị tuyên
truyền rằng quân SS sẽ xử tử ngay những đảng viên Cộng sản trong Hồng quân. Rốt
cuộc anh cũng bị xử vì nơi anh đáp xuống là khu phòng tuyến của quân nhà chứ
không phải quân Đức.
Đầu tháng 11, khi quân Đức bắt đầu sa lầy ở Stalingrad,
Zhukov và các tướng lĩnh mở 2 chiến dịch lớn phản công trên mặt trận trung tâm
và khu Nam. Chiến dịch Sao Thiên Vương gồm 2 mũi tấn công thọc sâu vào sau lưng
địch. Xe tăng T-34 trứ danh của Liên Sô với diện tích mặt xích lớn để di chuyển
trên tuyết được dịp tung hoành. Tập đoàn quân số 6 của Đức dưới sự chỉ huy bị động
của tướng Paulus bị vây và cắt đứt với phần còn lại của Cụm tập đoàn quân Sông
Đông.
Trong tình hình đó, Hitler ra lệnh cấm rút quân khiến Tập
đoàn quân số 6 đành bó tay chờ chết ở Stalingrad trong suốt mùa đông. Đầu năm
1943, Cụm tập đoàn quân của Thống chế Manstein sau khi phản công giải cứu
Paulus bị thất bại, đành phải lùi về phía Tây. Bị 6 tập đoàn quân Nga vây chặt,
Tập đoàn quân số 6 của Paulus cuối cùng cũng đầu hàng vào đầu tháng 2 năm 1943.
Cần biết thêm, người đọc đã từng coi phim Enemy at the Gate
(Jude Law đóng) – là một phim chiến tranh rất hay về Stalingrad - sẽ thấy người
anh hùng bắn tỉa Vasily Zaitsev được đề cập đến trong cuốn sách của Beevor. Câu
chuyện về cuộc đối đầu của Zaitsev và sĩ quan hiệu trưởng trường bắn tỉa của Đức
ở Stalingrad qua lời kể của David Grossman, phóng viên chiến trường Nga, được
Beevor xác nhận là không kiểm chứng được. Vì tư liệu phía Đức không cho thấy đã
phái sĩ quan bắn tỉa nào sang Stalingrad để săn Valisy Zaitsev.
Cho dù những câu chuyện mang hơi hướm huyền thoại như trên
có xảy ra hay không, thì không thể quên rằng đã có gần một triệu Hồng quân
thương vong để kìm chân quân Đức ở Stalingrad, trong đó có hơn 400 ngàn lính tử
vong. Đó là chưa kể số Hồng quân tổn thất ở các tập đoàn quân chung quanh và
dân thường bỏ mạng ở Stalingrad. Stalingrad không phải là nơi đầu tiên mà quân
Đức phải rút lui và thất bại (trước đó đã có một số trận thua ở Bắc Phi và Địa
Trung Hải), mà là bước ngoặt đầu tiên của cuộc chiến khi toàn bộ quân Đức ở mặt
trận phía Đông đang từ thế công như vũ bảo phải chuyển sang phòng thủ và rút
lui. Tập đoàn quân 62 của Chuikov đã có lúc chỉ còn thoi thóp, sau chiến thắng
Stalingrad được nâng cấp thành tập đoàn quân Vệ binh và cũng sẽ đóng vai trò
quan trọng trong trận chiến cuối cùng ở Berlin, chủ đề một cuốn sách nổi tiếng
khác của Antony Beevor.
No comments:
Post a Comment